Nghị lực của thí sinh khiếm thị được tuyển thẳng vào đại học
12 năm học phổ thông đều đạt học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng cao trong kỳ thi học sinh giỏi Văn các cấp, thí sinh khiếm thị Trần Phú vừa được Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng xét đặc cách tuyển thẳng trong sáng nay 3/7.
Câu chuyện về em Phú là câu chuyện về một cậu học trò khiếm thị con nhà nghèo nhưng giàu nghị lực đáng nể phục.
Sinh ra ở làng biển Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên, Phú là con trong gia đình vợ chồng ngư dân nghèo có đến 9 đứa con. Năm lên 10 tuổi, một bên mắt của Phú tự nhiên không nhìn thấy rõ nữa. Gia đình đưa em đi khám chữa bệnh khắp nơi. Bác sĩ bảo phải mổ. Nhưng nhà nghèo quá, chạy vạy lo chữa chạy bệnh tình cho em thật khó khăn. “Tới chừng hai năm sau khi phát bệnh, cả bên mắt còn lại của em cũng bị mờ dần và không nhìn thấy gì nữa, ba mẹ dành dụm, vay mượn tiền ôm em đi viện chữa chạy thì bác sĩ bảo là đã quá muộn rồi…” – Phú kể.
Năm Phú học lên lớp 6, gia đình chuyển cho em từ Phú Yên vào học ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu ở Đà Nẵng. Cậu học trò khiếm thị bắt đầu những năm tháng một mình ăn học ở nơi xa quê nhà. Học ở trường chuyên biệt, Phú được miễn học phí, miễn phí chỗ ở trong ký túc xá của trường, nhưng là học trò ngoại tỉnh, Phú phải tự lo lấy tiền ăn và sinh hoạt phí. Ba mẹ ở quê nghèo đâu có tiền mấy mà gửi cho con. Hồi trước, ba Phú đi biển, mẹ cũng bám chợ hải sản mưu sinh. Nhưng ba mẹ em nay đã lớn tuổi, đều đã ngoài sáu mươi, lại nay ốm mai đau làm ra chạy lo từng bữa ăn trong nhà đã khó. Thế là Phú đi học massage khiếm thị, có khi làm từng cây tăm tre nhỏ đóng gói mang ra chợ bán…, chắt chiu từng đồng để tự lo cho bản thân mình.
Một người bình thường vừa mưu sinh vừa ăn học đã vất vả, một cậu học trò khiếm thị phải vừa làm vừa học thật vất vả biết là bao. Thế nhưng trên con đường đến trường, từ những năm học ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, đến khi học hòa nhập ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng), cậu học trò khiếm thị ấy luôn nổ lực hái được nhiều quả ngọt trong học tập. Là học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm liền, Phú đặc biệt học giỏi môn Văn. Tham gia cuộc thi viết về gia đình ngư dân của Đài Tiếng nói Việt Nam, Phú đạt giải Khuyến khích. Năm lớp 9, Phú đạt liên tiếp giải Nhất cuộc thi viết thư UPU cấp thành phố và cuộc thi viết thư UPU dành cho người khuyết tật toàn quốc. Năm lớp 10 và lớp 12, Phú đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố, năm lớp 9 và và lớp 11, Phú đạt giải Nhất cấp thành phố. Tham gia các giải thể thao dành cho người khuyết tật, Phú cũng đạt được nhiều huy chương ở bộ môn bóng đá.
Video đang HOT
Dù con đường đến trường nhiều khó khăn, nhưng Phú vẫn luôn nổ lực vươn lên với nghị lực đáng nể phục. Trong ảnh: Phú đến làm tục xin xét tuyển thẳng tại ĐH Đà Nẵng sáng nay 3/7.
Nộp hồ sơ đăng ký dự thi và nộp đơn xin xét đặc cách tuyển thẳng vào khoa Tâm lý học, Đại học Đà Nẵng, Phú nói: “Ước mơ của em là trở thành một chuyên gia Tâm lý học. Đây là ngành phù hợp với điều kiện của em. Cuộc sống xã hội ngày nay cũng khiến nhiều người hoang mang và rồi suy nghĩ lệch lạc. Tâm lý học giúp cho con người hiểu bản thân mình hơn, hiểu được bản chất những việc xảy ra trong cuộc sống hơn, để sống tốt hơn. Bản thân em trong những lúc khó khăn trong cuộc sống, cũng đón nhận được nhiều lời sẻ chia, khuyên bảo rất tâm lý từ thầy cô và những người tốt mà em biết để vững lòng hơn. Nên em thấy làm công việc của chuyên gia tâm lý học cũng là làm công việc có ích.
Với hành trang kiến thức của mình, em tự tin có thể hoàn thành bài thi vào đại học. Nhưng ngoài việc không nhìn thấy gì nên thời gian làm bài thi sẽ lâu hơn, từ mấy tháng nay, bệnh thấp khớp của em trở nặng, em vẫn đang chữa chạy, tay em bị đau nên sắp chữ nổi rất là khó khăn. Vì thế mà em với thời gian làm bài thi theo quy định, em không làm bài kịp. Được các thầy cô hướng dẫn, hôm nay em đến xin Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng xét đặc cách tuyển thẳng vào đại học”.
Trao đổi về trường hợp thí sinh Trần Phú với PV Dân trí sáng 3/7, PGS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng cho biết: “Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng đã xem xét hồ sơ xin đặc cách tuyển thẳng của thí sinh Trần Phú trong sáng nay (3/7). Em Phú là học sinh Giỏi toàn diện suốt 12 năm liền, đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Nguyện vọng cả em khi đăng ký vào ngành Tâm lý học cũng thật đáng trân trọng. Em Phú còn là con em gia đình ngư dân nghèo nhưng luôn nổ lực vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống, chúng tôi đã xét đặc cách tuyển thẳng cho thí sinh Phú”.
Theo Dân Trí
Ngoài 70 tuổi vẫn nhiệt tình tiếp sức mùa thi
Đã ngoài 70 tuổi, nhưng từ nhiều năm nay, bác Nguyễn Văn Tâm (trú ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) luôn là một tình nguyện viên tiếp sức mùa thi đầy nhiệt huyết.
Bác Nguyễn Văn Tâm đưa đón sĩ tử khiếm thị đi làm thủ tục xin xét tuyển thẳng tại ĐH Đà Nẵng sáng nay 3/7.
Không chỉ "trực chiến" ở nhà ga đón sĩ tử về Đà Nẵng, tình nguyện viên ngoài 70 tuổi này còn tự chạy xe máy đưa đón sĩ tử đi thi. Gặp chúng tôi tại Đại học Đà Nẵng khi đang đưa đón thí sinh khiếm thị tên Trần Phú đến làm thủ tục xét tuyển thẳng vào đại học cho thí sinh này, bác Tâm cười hỉ hả: "Thằng nhỏ học giỏi mà hoàn cảnh tội quá. Hắn xin tuyển thẳng được rồi. Hắn mừng, tui cũng mừng. Chắc ba má thằng nhỏ ngoài quê nghe tin vui lắm".
"Giúp được mấy cháu thí sinh đi thi được chừng nào là mình vui chừng đó. Các cháu thi thành công là mình cũng coi như mình thành công" - bác Tâm nói
Từ 6h sáng ngày thí sinh làm thủ tục thi đại học đợt 1 năm nay (3/7), bác Tâm đã sẵn sàng đón đợi chở thí sinh Phú để đưa em đến làm thủ tục xin xét tuyển thẳng ở Đại học Đà Nẵng. Tới 9h sáng, hai bác cháu còn ở trong ĐH Đà Nẵng, gói xôi điểm tâm sáng của bác Tâm vẫn còn treo trên chiếc xe máy của bác. "Để xong việc cho thằng nhỏ rồi mình ăn" - bác nói.
Từ bốn năm nay, từ hồi gia đình Phật tử ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) bắt đầu tổ chức hoạt động cộng đồng tiếp sức mùa thi, bác Tâm đã đăng ký tham gia. Trong nhóm tình nguyện viên đủ mọi lứa tuổi, bác Tâm là người lớn tuổi nhất. "Tôi có cháu gọi bằng ông cố rồi đó nghe. Con cháu tôi ủng hộ lắm. Có mấy đứa con tôi cũng tranh thủ mùa thi hỗ trợ các cháu với người nhà ở các nơi về Đà Nẵng. Nhiều người lần đầu tới thành phố, lạ nước lạ cái tội lắm chớ. Tôi thương mấy đứa nhỏ như con cháu mình, giúp được tụi nhỏ cái chi thì mình giúp".
Mấy ngày gần ngày thi, ngày nào bác Tâm cũng cùng gia đình Phật tử ở chùa tỉnh hội Pháp Lâm (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) ở suốt trước ga Đà Nẵng từ 6h sáng tới 21h tối chờ đón thí sinh từ các nơi về. Bác còn mang theo xe máy để sẵn sàng chở miễn phí cho sĩ tử về đến các chỗ trọ gần trường thi. "Cháu nào thi ở trường gần chùa thì mình chở về chùa cho các cháu ăn ở miễn phí mấy ngày thi luôn". Tham gia tiếp sức mùa thi nhiều năm liền, bác Lâm nói nhọc nhất là ngày sát ngày thi, thí sinh đổ về thành phố rất đông, không thể nào bố trí đưa đón các cháu từ nhà ga, bến xe về chỗ trọ hay về chùa ở nhanh kịp ngay được.
"Có năm có thằng nhỏ buổi chiều phải tới trường làm thủ tục thi rồi, mà 11h trưa cháu nó mới tới ga Đà Nẵng. Rứa là mình chở một lèo từ chỗ ga về tới chỗ ở gần trường, cất hành lý tươm tất đâu vô đó, rồi mình chở đi ăn rồi chở tới trường cho cháu nó làm thủ tục thi. Kịp giờ, cháu nó hết có lo lắng chi nữa. Rứa làm mình vui. Lớn tuổi rồi chạy tới chạy lui cũng mệt chớ nhưng giúp được các cháu an tâm đi thi là mình thấy vui quên hết cái mệt" - bác Tâm cười vui nói.
Những tấm lòng đẹp như tấm lòng của bác Tâm thật khiến ai thấy cũng ấm lòng giữa mùa thi!
Theo Dân Trí
Nghị lực thép của chàng trai mù ước mơ trở thành thầy giáo Từ một đứa bé mù lòa, Lê Minh Tâm phấn đấu vừa học, vừa làm để tự nuôi sống bản thân và trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Điều đáng trân trọng là đời sống sinh viên vẫn còn nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng Tâm luôn sẵn sàng dạy đàn miễn phí cho những bạn trẻ nghèo, tàn...