Nghị lực của nữ sinh đến trường trên lưng mẹ
Bị bại liệt từ năm 2 tuổi, em Nguyễn Lương Phương Thủy, nữ sinh lớp 7A, Trường THCS Bình Dương (Thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) đã trở thành tấm gương sáng nỗ lực trong học tập với thành tích 6 năm liền đều là học sinh giỏi.
Lưng mẹ gầy là đường con đến lớp
Đã 7 năm nay, thầy cô cũng như các em học sinh Trường THCS Bình Dương (thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã quen thuộc với hình ảnh người mẹ ngày ngày 2 lần, có khi 4 lần, đều đặn cõng con đến lớp.
Hôm chúng tôi đến thăm Phương Thủy tại ngôi trường này, vào giữa giờ ra chơi, em Thủy ngồi trong phòng trong khi các bạn chạy nhảy cười đùa. Chẳng biết, từ bao lâu em còn nhớ cái cảm giác được bước đi trên đôi chân lành lặn của mình.
Những lúc giải lao bạn bè chơi thì Thủy thường ở trong lớp ôn lại bài.
Cách đây hơn 10 năm, ngày ấy, Thủy là em bé 2 tuổi và đã tự mình đi những bước chân vững vàng. Rồi một trận sốt cao đã khiến Thủy phải nhắc từng bước đi khó nhọc.
Sau trận sốt mê man, bé Thủy tỉnh dậy chỉ cảm thấy tay chân mình bị tê cứng, chẳng thể cử động được nữa. Ánh mắt trẻ thơ trong veo ướt nhòa mỗi khi tay chân tê nhức. Thấy con sốt, ba mẹ Thủy cũng chỉ biết cho con uống thuốc hạ sốt, nhưng lâu ngày chẳng bớt, gia đình nghĩ đến những điều chẳng lành. Sau đó, gia đình bế con đi bệnh viện chữa trị mới biết bị sốt biến chứng dẫn đến bại liệt. Bao nhiêu tài sản trong gia đình được bán đi để chữa trị nhưng bệnh tình em chẳng hề thuyên giảm.
Từ đó, tuổi thơ của Thủy chỉ là những chuỗi ngày dài, hết nằm lại ngồi trên giường. Đến tuổi đi học nhìn các bạn trong xóm đi học qua nhà, Thủy nhìn với ánh mắt khao khát. “Ngày ấy, đã bao đêm em nằm mơ thấy mình khỏi bệnh được đến trường cùng các bạn nhưng lúc tỉnh em mới hiểu cuộc sống này không giống như câu chuyện cổ tích bà kể. Không còn đôi chân lành lặn, em trân trọng chút sức lực còn lại ở đôi tay. Em vẫn muốn được đến lớp, được học tập, được khám phá những chân trời mới trên trang sách dù em biết tự mình sẽ chẳng bao giờ đặt chân được đến đó…” – Thủy ngậm ngùi tâm sự.
Video đang HOT
Ba mẹ Thủy làm nông nghiệp, đất đai cũng chẳng nhiều năm được mùa thì còn đủ ăn nhưng mất mùa thì thiếu ăn. Để lo cho cuộc sống gia đình với ba đứa con ăn học, ba em phải đi làm thuê xa, để vợ ở quê lo ruộng vườn và chăm sóc ba con.
“Do việc đi lại em hầu như không đi được nên từ việc đi từ vệ sinh, ăn uống đến thay quần áo, đến trường đều do mẹ lo. Ngày em học ở trường làng thì mẹ cõng em đi bộ. Khi em lên lớp 6, việc đi học với hai mẹ con cũng khó khăn hơn khi quãng đường đến trường xa hơn, thì mẹ chở xe đạp đưa em đến trường” – Thủy cười hiền chia sẻ.
Đã 7 năm qua, từng ngày được mẹ đưa đến trường, Thủy luôn tự nhủ phải cố gắng học tập để đền đáp công ơn ba mẹ.
Học giỏi để ba mẹ vui…
Khi chúng tôi bước vào sân trường, hỏi các em học sinh lớp 6 đang nô đùa, một cô bé nhanh nhảu chỉ tay vào phòng lớp 7A, nơi Thủy đang học. Dường như từ giáo viên đến học sinh trong mái trường này đã thân quen lắm với cô học trò giàu nghị lực. Thấu hiểu nỗi khó khăn của em nên các bạn cùng lớp cũng thường hay giúp đỡ, thường hay cõng Thủy lên cầu thang để vào lớp hay dìu em ra hành lang chơi vào giờ giải lao.
Ở trường, bạn bè vẫn thường giúp đỡ cõng Thủy khi cần phải đi lại.
Trò chuyện lâu với Thủy mới biết, em chẳng những liệt chân mà cơ thể cũng rất yếu ớt. Đã vậy em lại thường hay bị mất ngủ, thỉnh thoảng lại lên cơn sốt phải nhập viện. Thấu hiểu được nỗi thiệt thòi của bản thân, Thủy chỉ biết cố gắng học và học thật giỏi khiến ba mẹ vui, thầy cô, bạn bè nể phục. Chính vì thế, 6 năm qua Thủy luôn đạt học sinh giỏi, xứng danh là tấm gương cho bạn bè trong lớp, trường học tập.
“Em không được bình thường như các bạn, từ nhỏ đến giờ em vẫn chưa phụ giúp được gì cho ba mẹ, em chỉ có thể cố gắng học thật giỏi để tặng ba mẹ niềm vui nhỏ. Mỗi con điểm 10, mỗi tấm giấy khen là tự hào của ba mẹ…” – Thủy chia sẻ.
Nói đến thành tích học tập của cô học sinh giàu nghị lực, cô Bùi Thị Quý – giáo viên chủ nhiệm lớp 7A tự hào khoe: “Em Thủy bị bại liệt không đi lại được như các bạn bình thường trong lớp. Gia đình lại khó khăn nhưng em có nghị lực vượt lên học giỏi, đã 6 năm liền em là học sinh giỏi. Thủy chăm chỉ, ngoan ngoãn, ở trường em không còn mặc cảm bản thân, còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè trong việc học”.
Chia sẻ về ước mơ, Thủy tâm sự: “Một ngày nào đó ba mẹ sẽ chẳng thể dìu bước em đi, con đường sẽ dài hơn. Em sẽ cố gắng học giỏi, sau nay không là gánh nặng của ba mẹ”.
Để viết nên những ước mơ và khao khát của mình, Thủy vẫn đang nỗ lực từng ngày. Hàng ngày, ngoài việc chăm chỉ học hành, Thủy dành thời gian để tập đi lại trên chiếc gậy tre mong một ngày em có thể đi bằng chính đôi chân của mình…
Theo Dantri
Bé gái sống chung với vết thương lúc nhúc giòi gần 3 năm
Vết thương hoại tử lâu ngày, lại không có điều kiện chữa trị, chỉ đắp thuốc nam khiến vết hoại tử ngày càng ăn sâu. Vết thương không chỉ hoại tử, mưng mủ mà còn rất nhiều giòi sinh sống trong vết thương đó.
Vết thương hoại tử, mưng mủ và xuất hiện giòi.
Bác sĩ Phan Bá Hải, Khoa Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, nhìn vết thương khi cháu nhập viện, các bác sĩ cũng giật mình bởi thương tổn sâu, bị hoại tử đến mức bốc mùi hôi thối, có giòi nhưng điều khủng khiếp nhất là bệnh nhi này đã sống chung với cái chân đau hoại tử, sinh giòi đó đến gần 3 năm nay.
Bệnh nhân đặc biệt này là cháu Hảng Thị Dùa (9 tuổi dân tộc Mông ở xã Nam Khắc, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái).
Theo đó, chỉ từ một vết thương nhỏ dẫn đến rạn xương khi chơi đùa cách đây 3 năm (khi đó em Dùa mới 6 tuổi), vết thương ngày càng ăn sâu. Gia đình cũng phát hiện điều bất thường khi thấy chân con bốc mùi, mưng mủ, con lúc nào cũng ngây ngấy sốt... nhưng vì nhà nghèo, đường xá rừng núi đi lại khó khăn nên cũng không đưa đi khám. Bố mẹ bé Dùa chỉ lấy thuốc nam đắp trực tiếp lên vết thương và buộc lại bằng một chiếc giẻ.
Vết thương ngày càng hoại tử sâu hơn và đến khi được phát hiện thì bé Dùa đã phải sống chung với cái chân đau, hoại tử đến 3 năm trời. Việc phát hiện ca bệnh đặc biệt này cũng rất tình cờ, qua Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam khi các thành viên của Tổ chức này về địa phương công tác, tình cờ phát hiện trường hợp đặc biệt của cháu và động viên gia đình đưa bé đi khám bệnh.
Khi được đưa đến bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), các bác sĩ chẩn đoán vết thương hoại tử vùng đùi, chảy mủ, bốc mùi hôi thối và có cả giòi tại vết thương. Kết quả khám cho thấy đùi trái bệnh nhi có vết thương hở rộng 5cm và sâu tới sát xương. Xương đùi viêm mủ mạn tính, có viêm xương chết tại thân xương đùi. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy xương chết và nạo tổ chức viêm để cứu sống chiếc chân trái cho cháu bé.
Chân cháu Dùa đã hồi phục sau phẫu thuật, nhưng việc co, duỗi còn khó khăn. Ảnh: Song Linh
Bác sĩ Hải cho biết, đến chiều 7/3, sức khỏe bé Dùa đã dần ổn định và có thể sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới. Tuy nhiên do xương viêm xương chết quá nhiều chân khiến chân bé Dùa rất khó khăn trong co duỗi, đi lại nên khoảng 3- 6 tháng tới cháu còn phải trải qua một đợt phẫu thuật can thiệp gối nữa mới hy vọng cải thiện được tình trạng vận động khớp gối cho cháu bé.
BS Hải cũng cho biết, việc chăm sóc bệnh nhi tại viện đều do thành viên của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Bởi gia đình bé không nói được tiếng kinh, khi đưa con đi khám bệnh, phải nhờ trưởng bản và một người anh họ đưa cháu bé về Hà Nội.
Chị Thúy Vinh (người đi theo chăm sóc cháu nhiều ngày nay) cho biết, gia cảnh bệnh nhi rất nghèo. Chi phí điều trị cho cháu bé được các thành viên trong đoàn kêu gọi để giúp đỡ cháu bé, tuy nhiên để có tiền lo liệu các chi phí sinh hoạt cho 2 người đi cùng và làm phiên dịch cho cháu Dùa thì bố mẹ cháu đã phải bán đi một mảnh ruộng để lấy 5 triệu lo chi phí ăn ở đi lại.
"Tôi rất vui vì bé đã qua nguy hiểm, dần ổn định. Nhưng cũng rất lo lắng vì sau khi xuất viện, chân bé chưa hồi phục, còn phải tiến hành một cuộc phẫu thuật sau 3 - 6 tháng nữa. Liệu bố mẹ có cho bé đi chữa trị, hay vì nghèo quá, bé sẽ lại phải sống chung với cái chân thương tật suốt đời", chị Vinh lo lắng nói.
Theo Dantri
Treo cổ tự vẫn vì mắc bệnh nan y Trước khi treo cổ tự tử, người đàn ông 55 tuổi tâm sự với hàng xóm rằng bác sĩ nói bệnh của ông không thể chữa trị. Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 27/2, người dân sống ở khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau phát hiện xác ông Trần Văn C. trong căn nhà bỏ hoang...