Nghị lực của cô bé người J’rai
Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, ngay từ khi lọt lòng mẹ Blaih không có hai tay và một chân phải. Bằng nghị lực phi thường, cô bé khuyết tật tự tin sống hòa nhập cộng đồng.
Nói về Blaih (dân tộc J’rai, sinh năm 2000, trú làng Brong Thoong, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), bà Trần Thị Sáng – mẹ nuôi em kể: Năm 2005, trong một lần xuống làng Brong Thoong, bà trông thấy một đám trẻ đang bới rác để nhặt đồ đồng nát.
Trong số đó, có một cô bé 5 tuổi mắt trong veo dùng 2 cùi tay bới rác cùng chúng bạn.
Blaih viết chữ rất đẹp và vẽ tranh cũng rất tài.
Bà xúc động tìm hiểu, và biết gia cảnh Blaih rất khó khăn. Bà Sáng đã đề nghị gia đình em cho bà đưa Blaih về chăm sóc, dạy học để sau này em có thể tự lực cánh sinh. Ở với bà Sáng, Blaih được dạy đọc chữ và cách cầm bút bằng cùi tay.
Sau một thời gian kiên trì luyện tập, Blaih viết được chữ và về với cha mẹ để học trường gần nhà. Hè năm 2012, Blaih quay lại sống với bà Sáng sau khi học xong cấp I.
Bà Sáng kể dù cơ thể khiếm khuyết song Blaih rất có ý thức tự lực, không muốn làm phiền ai. Từ việc tắm, giặt cho đến những sinh hoạt cá nhân hàng ngày, em đều tự thực hiện.
Video đang HOT
Trước đây, chỗ ở cách trường đến 5 cây số, từ sáng sớm tinh mơ, Blaih phải dậy sớm khập khiễng đi học bằng một cái chân rưỡi, chưa bao giờ đi học muộn. Ý chí và nghị lực của cô bé này khiến nhiều người lớn tuổi không khỏi thán phục.
Cô Vũ Thị Mai – giáo viên mỹ thuật trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (xã Chư H’Đrông, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) khen Blaih viết chữ rất đẹp. Do phải dùng 2 cùi tay kẹp bút nên Blaih vẽ chậm hơn các bạn khác song nét vẽ rất có hồn, tô màu sáng tạo, không rập khuôn.
Tranh Blaih vẽ gắn liền với cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào J’rai. Cuộc thi vẽ tranh nào Blaih cũng được chọn vào đội tuyển của trường và nhiều lần giành giải cao. Năm lớp 5, Blaih từng đạt giải nhì trong một cuộc thi vẽ tranh do Phòng Giáo dục TP Pleiku phối hợp với Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tổ chức.
Chữ viết của cô bé khuyết tật.
Tại cuộc thi vẽ tranh của tỉnh vào cuối tháng 10/2015 vừa qua, bị mất tập trung trước hàng trăm cặp mắt theo dõi và trầm trồ khen, Blaih vẫn đạt giải khuyến khích .
Trò chuyện với chúng tôi, Blaih không hề tỏ ra mặc cảm, cô bé hồn nhiên cho biết em muốn đi học để được gặp nhiều bạn bè. Blaih thích học môn họa để vẽ tranh quê hương mình và trở thành họa sĩ giỏi.
Theo Thiên Linh/Tiền Phong
Thành Kỳ và giấc mơ thành tài
Dù hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Thành Kỳ, học sinh lớp 9A5 Trường THCS Chánh Nghĩa (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vẫn nỗ lực vươn lên học giỏi.
Từ nhiều năm nay, người dân sống quanh khu phố 4 (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã quen thuộc với hình ảnh cậu học trò cứ mỗi tối ngồi cặm cụi bên chiếc bàn học nhỏ trong căn nhà cũng là tiệm sửa xe chật hẹp trên con đường Lò Chén.
Cậu vừa học bài vừa chăm em và canh có khách để phụ bơm, vá xe đạp với ba. Những khi rảnh rỗi, cậu phụ mẹ kết cườm thành những món quà lưu niệm để bán...
Thành Kỳ học bài ngay tiệm sửa xe. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Cậu học trò nhỏ đó là Nguyễn Thành Kỳ, hiện là học sinh lớp 9A5 Trường THCS Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một.
Kỳ có hai người em, cả hai đều bị bệnh bại não. Đó là em trai kế năm nay 13 tuổi và em gái út 7 tuổi.
Ba mẹ vừa phải gánh nặng mưu sinh, vừa lo cho hai con bệnh tật nên cậu bé Thành Kỳ đã sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình từ những ngày còn học tiểu học.
Những năm học ở trường tiểu học, nhiều lần Thành Kỳ bị cô giáo rầy la vì để chân tay lấm lem dầu nhớt vào lớp. Mỗi lần như vậy, Kỳ chỉ cúi đầu lặng thinh.
Các bạn em thấy vậy đã phân trần với cô giáo: "Cô đừng la bạn Kỳ tội nghiệp, vì nhà bạn nghèo lắm! Buổi trưa về nhà bạn còn phải phụ mẹ nấu cơm, chăm em rồi phụ ba bơm xe, vá xe...".
Lúc đó, cô giáo mới vỡ lẽ vì sao cứ mỗi buổi trưa, trong khi các em học sinh khác xuống nhà ăn thì Thành Kỳ một mình lủi thủi dắt chiếc xe đạp nhỏ ra về.
Vì ba mẹ không có tiền cho Kỳ học bán trú, nên cứ tan học buổi sáng em phải về nhà ăn cơm, vừa tranh thủ làm công việc phụ giúp ba mẹ, đến đầu giờ chiều, Kỳ quay lại lớp học.
Những năm lên cấp II, dù lịch học kín mít cả ngày với buổi sáng học chính khóa, buổi chiều học phụ đạo nhưng Thành Kỳ vẫn tranh thủ mỗi trưa về nhà đút cơm, tắm rửa thay đồ xong xuôi cho em rồi mới đi học tiếp.
Cực nhọc với việc gia đình, chủ yếu là tự học nhưng Thành Kỳ vẫn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi suốt chín năm liền. Em là tấm gương vượt khó được nhiều bạn bè cùng trường khâm phục.
Gia đình Thành Kỳ nằm trong diện hộ nghèo của phường Chánh Nghĩa đã nhiều năm nay.
Dù biết rất rõ hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nhưng cậu học trò nhỏ vẫn rất tự tin mỗi khi có ai hỏi về dự tính tương lai: "Em ước mơ được làm thầy giáo dạy toán, nên em luôn cố gắng học thật giỏi để sau này đi làm, đỡ đần phụ với ba mẹ lo cho hai em".
Theo Lê Ngọc Hạnh/Tuổi Trẻ
Những nghề tay trái 'hái' tiền của du học sinh Trợ giảng, gia sư hay phiên dịch đã trở thành những nghề tay trái phổ biến của nhiều du học sinh. Đây là những việc nhẹ nhàng, có thu nhập hơn hẳn so với công việc khác. Có trình độ ngoại ngữ tốt, Cao Bảo Ngọc, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Ngôn ngữ tại University of Giessen, Đức, thường làm thêm công...