Nghị lực của cậu bé viết chữ bằng chân
Nhìn hình ảnh cậu bé bị cụt cả hai tay đang chăm chú nắm cây bút chì bằng chân, nắn nót viết những chữ cái đầu đời khiến ai cũng phải nể phục vì nghị lực sống phi thường…
Tại thôn Muối, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có một cậu bé được gọi với cái tên thân yêu : “Cậu bé có đôi chân kỳ diệu”. Đó là em Nguyễn Tiến Anh (sinh năm 2010). Nhìn hình ảnh cậu bé bị cụt cả hai tay đang chăm chú nắm cây bút chì bằng chân, nắn nót viết những chữ cái đầu đời khiến ai cũng phải nể phục vì nghị lực sống phi thường…
Bất hạnh đầu đời
Nhà của gia đình cháu Tiến Anh ở cuối ngõ, ngôi nhà nhỏ ấm cúng của 3 mẹ con luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười.
Kể lại quá trình mang thai cậu con, chị Nguyễn Thị Tuyên vẫn không quên cảm giác bàng hoàng khi những tháng cuối, khi đi khám nghe bác sĩ chẩn đoán, một trong hai bé phát triển không bình thường, bị thiếu đôi tay. “Lúc ấy, tôi lo lắm.
Khi sinh trong bệnh viện, các bác sĩ, đặc biệt là mẹ đẻ của tôi cũng động viên tinh thần nên khi chào đón hai bé song sinh, tôi nghĩ âu cũng là số phận nên quyết định đặt tên hai bé là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Anh”.
Góc học tập của cậu bé Nguyễn Tiến Anh trong ngôi nhà nhỏ của mình.
Dù là “đôi đũa lệch” nhưng hai anh em luôn cùng nhau cố gắng. Khi mới tập đi, người anh song sinh của Tiến Anh đứng dậy tập đi, em cũng men theo ven tường tự bước đi mà không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Nhìn thấy con chập chững từng bước, ấy đã là một điều hạnh phúc lớn lao đối với một người mẹ, và như có phép màu lạ đến với Tiến Anh, điều đó càng giúp chị Tuyên có thêm động lực để cố gắng, cũng như có thêm hy vọng rằng ngày mai “tay con sẽ mọc”…
“Chiến thắng chính mình là chiến thắng tất cả”
Hơn 2 tuổi, Tiến Anh nói sõi, cháu biết dùng chân chơi trò chơi, tự xúc ăn cơm,… Khi đi mẫu giáo, chị Tuyên mong con có môi trường để hòa nhập, Tiến Anh có thể thoải mái chơi đùa cùng bạn bè, được tập tô, tập vẽ, tập viết cùng các bạn. Vậy mà dần dần, niềm mong mỏi của người mẹ trẻ đã trở thành hiện thực, Tiến Anh có thể tự làm được tất cả.
Đã từng có lần Tiến Anh hỏi mẹ rằng: Mẹ ơi, sao con không có tay như các bạn, bao giờ tay con sẽ mọc hả mẹ? Câu hỏi thơ ngây của con trai khiến lòng người mẹ trẻ quặn thắt. Dù rất nhọc nhằn, nhưng chị Tuyên đành chọn cách giải thích cặn kẽ cho Tiến Anh hiểu rằng, con là người khuyết tật, tay con sẽ không bao giờ mọc nữa… Có lẽ, nhận thức được sự thiếu hụt trên cơ thể, vì vậy mà Tiến Anh tập cho đôi chân của mình có thể làm mọi công việc của đôi tay.
Video đang HOT
Hai anh em song sinh Tuấn Anh – Tiến Anh luôn song hành với nhau từ tấm bé.
Với sự hiếu kì về câu chuyện của cậu bé “Nguyễn Ngọc Ký làng Muối”, tôi tìm đến Trường Tiểu học Lan Mẫu. Trên sân trường, cái dáng nhỏ con, cái chân thoăn thoắt mải miết chơi đá bóng của cậu bé Tiến Anh khiến tôi nhanh chóng nhận ra cháu. Nếu không được mắt thấy tai nghe, tôi sẽ không thể tin được, Tiến Anh lại có thể làm được những điều tưởng như không thể như vậy.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền – Giáo viên chủ nhiệm của Tiến Anh tại Trường Tiểu học Lan Mẫu bùi ngùi cho biết: “Ngày đầu Tiến Anh mới đi học, chúng tôi lúng túng không biết bố trí em ngồi chỗ nào cho thích hợp.
Lúc đầu nhà trường bố trí em Tiến Anh ngồi ở góc phòng, dưới nền xi măng lót áo mưa vì bàn học cao quá không phù hợp khi em viết bằng chân. Khi học, hễ gặp chữ nào khó thì Tiến Anh đều cố gắng rèn cho bằng được. Em Tiến Anh tuy viết chữ bằng chân nhưng chữ rất đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và môn Tiếng Việt, vẽ cũng rất đẹp…
Mỗi lần nhìn thấy Tiến Anh viết bài toát mồ hôi hột là mỗi lần tôi thấy thương em nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy Tiến Anh cười và ríu rít khoe khi được điểm 10 cũng là mỗi lần tôi vô cùng xúc động. Trên đời này đâu có nhiều người làm được điều đó”.
Những nét vẽ đẹp từ đôi chân của Tiến Anh tại cuộc thi gần đây.
Tiến Anh đưa tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Khi được thấy cháu ngồi viết bài, “cậu bé có đôi chân kỳ diệu” này càng chứng minh cho tôi thấy rõ, cháu là một cậu bé rất nghị lực và kiên cường.
“Những tháng đầu mới tập viết, hai ngón chân kẹp bút của con đỏ ứng lên, tôi có bảo con nghỉ nhưng con vẫn không dừng lại. Có lần vì mải viết chữ, chân con đau nhức, con lại gọi tôi: “Mẹ ơi bóp chân cho con, mẹ ơi xoa bàn chân cho con”. Lâu dần con viết chữ thành thạo hơn, nhanh hơn, đặc biệt chữ con viết rất đẹp, như chữ in trong sách vậy “, chị Tuyên chia sẻ.
Tiến Anh ngồi trên một chiếc bàn có thiết kế đặc biệt, giúp cho cháu thuận tiện dùng chân viết bài. Cháu kẹp bút ở hai ngón chân, đưa từng nét một, em phải gù lưng, vặn người mới có thể giữ chắc cây bút. Những nét chữ nắn nót, mềm mại cứ thế lướt trên trang giấy. Ngắm cháu viết bài, tôi càng thấy thương và cảm phục nghị lực phi thường của Tiến Anh.
Tiến Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động thể chất.
Trao đổi cùng tôi, thầy Nguyễn Xuân Tưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lan Mẫu chia sẻ: “Trên lớp, Tiến Anh luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, không vì hoàn cảnh khó khăn hay bản thân tật nguyền mà mặc cảm hay tự ti.
Bản thân em vẫn luôn cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Trong học tập, em luôn đạt thành tích tốt. Đặc biệt, Tiến Anh rất thích vẽ, những bài vẽ của em rất đẹp và sáng tạo. Tiến Anh đã đạt được nhiều giải vẽ tranh của trường và các cuộc thi vẽ tranh cấp thành phố”.
Giờ thì viết lách không thể làm khó được cậu bé Nguyễn Tiến Anh không tay đầy nghị lực. Đặc biệt, ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, Tiến Anh luôn mơ ước trở thành họa sĩ. Cháu vui vẻ khoe với tôi những bức tranh cháu vẽ trong tập vở. Những bức tranh mang màu sắc thật tươi sáng về mẹ, về mái trường thân yêu nơi em đang theo học, về những người bạn của cháu,… Cháu vẽ tất cả những điều xung quanh mình dưới ngòi bút được điều khiển bằng đôi chân kỳ diệu.
Khi chúng tôi hỏi về quá trình luyện chữ của Tiến Anh thì cậu bé ngại ngùng thổ lộ: “Con học từ từ, học theo các bạn cùng xóm. Đầu tiên con cũng cố gắng kẹp cho chắc cây bút ở chân, sau đó đưa theo hướng dẫn trong sách. Làm toán cũng vậy, con tập viết những con số trước, sau đó với đến cộng, trừ sao cho đúng. Con không thích làm bẩn sách vở của mình. Con muốn sau này được trở thành làm họa sĩ vẽ lên những tâm tư, ước vọng của mình và sắc màu của cuộc sống tươi đẹp này “.
Phần thưởng có ý nghĩa tinh thần rất lớn ghi nhận nỗ lực không biết mệt mỏi của Nguyễn Tiến Anh.
Trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 mới đây do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải khuyến khích.
Cô Nguyễn Thị Huyền – giáo viên chủ nhiệm của Tiến Anh trải lòng: “Tiến Anh là một học sinh rất ngoan. Mặc dù tất cả các kỹ năng đều được làm bằng chân, nhưng em làm rất là tốt.
Các thầy cô quan tâm, có ý muốn bố trí anh trai song sinh Tuấn Anh ngồi cạnh để kèm cặp, giúp đỡ nhưng Tiến Anh từ chối, tất cả mọi việc em đều tự làm. Bản thân tôi và rất nhiều giáo viên trong trường rất khâm phục nghị lực vươn lên vượt khó của em Tiến Anh “.
Trần Toản
Theo CAND
Nể phục nghị lực đến trường của cậu bé khiếm thị, mồ côi
Đó là câu chuyện về em Nguyễn Văn Hiếu theo đuổi ước mơ thành nhà phiên dịch dù đã bị hỏng một bên mắt trái còn mắt phải thì nhìn không rõ.
Khi Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 2000), quê ở Bảo Đài, Lục Nam, tỉnh Bắc Giang mới học lớp 6 thì bố qua đời bởi căn bệnh suy thận để lại bao lo toan, gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ.
Để nuôi Hiếu và em gái ăn học, cả gia đình sống nhờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Hiểu được điều đó, cộng với ước mơ trở thành nhà phiên dịch giỏi, Hiếu đã luôn cố gắng học tập và trở thành tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Em Nguyễn Văn Hiếu theo đuổi ước mơ thành nhà phiên dịch dù đã bị hỏng một bên mắt trái còn mắt phải thì nhìn không rõ. (Ảnh: Thùy Linh)
Cậu tân sinh viên cho hay, sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mẹ đồng thời để cuộc sống sau này đỡ vất vả.
Là con trai lớn trong gia đình, nhiều công việc Hiếu muốn đỡ đần mẹ ấy thế mà tình hình thị giác của em rất yếu nên chỉ giúp mẹ được một số việc nhỏ như nấu cơm, quét dọn nhà cửa, hái rau, chăn gà chăn lợn còn mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều do mẹ gánh vác.
Chia sẻ rõ hơn về tình hình sức khỏe của mình, Hiếu kể với tôi: "Em cận bẩm sinh, sau đó bị chứng bong võng mạc nhưng do không có tiền để chữa trị kịp thời, giờ đã bị hỏng một bên bắt trái.
Còn mắt phải hiện nhìn không rõ dù đã trải qua 4 ca phẫu thuật. Quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của em rất khó khăn".
Không chỉ khó khăn vì quãng đường đến trường mà khi tới lớp rồi Hiếu lại đối mặt với việc chỉ có thể nghe cô giảng bài, vì mắt không thể nhìn xa lên bảng được. Để khắc phục em phải sử dụng điện thoại để phóng to chụp những nội dung thầy cô đã ghi. Đôi mắt không còn nhìn rõ đã khiến việc đến trường của Hiếu gặp rất nhiều khó khăn. Việc phải tự đạp xe đạp đến trường cách nhà 5km có những lúc tưởng như không thể tiếp tục. Trời nắng hay trời mưa cũng làm cho đôi mắt của em càng thêm nhòa.
Việc học chữ đối với Hiếu gian nan như vậy nhưng cậu bé khiếm thị này vẫn đạt 3 năm liền là học sinh tiên tiến ở mái trường trung học phổ thông.
Bước vào giảng đường đại học để theo đuổi ước mơ trở thành một phiên dịch viên dù con đường đó với Hiếu còn bộn bề khó khăn,thử thách.
Nhưng qua trò chuyện với em, tôi thấy toát lên một niềm tin mãnh liệt về tương lai. Việc Hiếu đặt ra kế hoạch cho bản thân rằng kết thúc năm thứ nhất sẽ thi được chứng chỉ B1 và đến khi ra trường sẽ đạt C1.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Thầy giáo trẻ với ý tưởng cùng học sinh gây quỹ ủng hộ người nghèo Thầy giáo trẻ Dương Văn Thắng cùng đoàn viên, học sinh của mình đã giúp đỡ nhiều gia đình, học sinh nghèo qua mô hình "Trải nghiệm gây quỹ ủng hộ người nghèo". Thầy giáo trẻ Dương Văn Thắng (sinh năm 1985) sinh ra và lớn lên ở thôn Nội Chùa, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Từ thuở nhỏ ước...