Nghỉ học vào thứ 7: Phụ huynh, HS ủng hộ nhưng trường khó thực hiện
Hiện nay rất nhiều người nóng lòng, muốn đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không tổ chức dạy và học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được thực hiện ngay.
“Bí” vì con đi học thứ 7
Chị Lê Ngọc Dung, nhà ở phường Cô Giang, quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết, trước đây, khi hai con còn học tiểu học, gia đình chị thường lên kế hoạch đi về quê, thăm họ hàng, dã ngoại, nghỉ ngơi… vào hai ngày cuối tuần. Cả nhà có thời gian dành cho nhau, gắn kết, con được trải nghiệm… Nhưng hơn một năm nay, khi con gái đầu lên cấp 2 thì những điều tuyệt vời này đã không còn vì con học thứ 7.
Thời gian cuối tuần quý báu trở thành nặng nề với mọi người. Chị phải đưa đón con, xoay sở với việc nấu ăn… khi không thể tổ chức kế hoạch đi đây đi đó. Còn cậu con trai nhỏ thì ra vào đọc sách, xem điện thoại rất uổng phí. Chỉ còn mỗi ngày chủ nhật, gia đình chị chỉ tranh thủ quanh quẩn ở thành phố.
Theo chị Dung, việc sắp xếp thời gian học hợp lý với sinh hoạt của phần đông gia đình rất quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Giờ cuộc sống áp lực, bố mẹ đi làm, con đi học suốt ngày, những ngày cuối tuần rất quan trọng đối với mọi người.
Nhiều gia đình vẫn bận rộn vào cuối tuần vì con đi học thứ 7. (Ảnh minh họa)
“Cứ đưa đón con đi học vào thứ 7 là tôi buồn rũ rượi”, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Minh, nhà ở quận 3, TPHCM. Lẽ ra cả gia đình có thể đi dã ngoại, cùng nhau ăn sáng, tham dự nhiều hoạt động… thì tất cả cùng “bị trói” vì con đi học vào thứ 7.
Đưa con đến trường xong thì anh Minh “lượn lờ” đi uống cà phê, về nhà nằm đọc sách, bôi việc ra để làm… để chờ đến giờ đón con, tính ra lãng phí thời gian của tất cả mọi người. “Tôi làm tư nhân, 5 năm trước vẫn làm việc sáng thứ 7, giờ cắt luôn. Hiệu quả công việc vẫn tốt, mọi người có thời gian nghỉ ngơi, cho gia đình hơn”, anh Minh nói.
Video đang HOT
Không chỉ đối với học sinh và phụ huynh mà việc học thứ 7 là áp lực đối với nhiều giáo viên. Trong khi mọi người nghỉ ngơi thì họ phải đến trường nên cũng không thực hiện được những kế hoạch khác với gia đình.
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên dạy Văn ở quận Gò Vấp, TPHCM cho biết, ngoài tổ chức trong gia đình thì giáo viên còn rất nhiều việc phải làm ở nhà như sổ sách, giáo án, tổng hợp, đánh giá học sinh,… Trong khi, chỉ có một ngày chủ nhật, xoay không nổi, chẳng khác nào làm việc suốt tuần.
Còn khó để thực hiện
Học sinh không học vào thứ 7 phù hợp với đại đa số lịch sinh hoạt của các gia đình, người dân sẽ tiện lợi để tổ chức các hoạt động hơn. Tuy nhiên, việc “cắt” lịch học ngày thứ 7 chỉ mới xử lý về phần cứng, về mặt thời gian và kéo theo nhiều vấn đề, nhất là phía quản lý trường học với chương trình học có thể nói là kín mít hiện nay.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TPHCM cho biết, trường mình học 2 buổi/ngày, đã thực hiện không dạy vào thứ 7 từ nhiều năm nay. Ngày thứ 7 để các sinh hoạt, hoạt động vui chơi, có chăng chỉ xếp lịch thứ 7 vào những thời điểm phụ đạo hay bồi dưỡng học sinh giỏi.
Theo bà Thủy, việc sắp xếp lịch cho học sinh nghỉ thứ 7 là hợp lý, nhưng đối với các trường dạy 1 buổi/ngày sẽ rất khó để thực hiện. Vì phải đảm bảo số tiết theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Phân phối chương trình khung thấp nhất là 29 tiết/tuần. 5 tiết x 5 buổi chỉ mới 25 tiết thì không thể xếp được nếu không học thứ 7.
Một nhà quan sát giáo dục ở TPHCM phân tích, đề xuất nghỉ học thứ 7, phụ huynh và học sinh rất ủng hộ, họ sẽ có hai ngày cuối tuần để đi ngoại khóa, thể thao, dã ngoại, thăm thú, sinh hoạt các câu lạc bộ… Nhưng về phía nhà trường, xếp thời khóa biểu sẽ cực kỳ nan giải. Không ít trường, các lớp phải chia ca, chia kíp để học thì việc nghỉ học thứ 7 cực kỳ khó.
“Số học sinh đông, lại có đến 13 môn học, môn nào cũng quan trọng và phải học, môn nào cũng lấy điểm, các trường đã rất khó để xếp lịch. Chưa kể các lớp cuối cấp, phải tăng tiết, nếu không xếp vào thứ 7 thì xếp vào thứ nào?”, bà đặt câu hỏi.
Bà cho rằng, cốt lõi là cần giảm tải cho học sinh THCS, THPT, chỉ cần 4 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn thì mới giải quyết được vấn đề. Còn không học thứ 7 thì phải tăng dồn tiết vào các ngày khác trong tuần thì càng áp lực hơn.
Chưa kể, hiện nay còn nhiều trường chưa thể thực hiện học 2 buổi/ngày nên các trường rất áp lực với việc xếp lịch học làm sao để đảm bảo được chương trình.
Việc nghỉ học thứ 7 được ủng hộ về mặt chủ trương, tinh thần. Đi cùng đó, cần những điều kiện cần thiết khác như chương trình học phù hợp, cơ sở điều kiện của trường học đáp ứng nổi việc chỉ học trong 5 ngày/tuần. Nếu không thì cắt chỗ này lại “phình” ở chỗ khác.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Không tốn kém, các con tôi vẫn có kì nghỉ hè thú vị
Có cách nào để trẻ con cảm thấy kì nghỉ hè thực sự thú vị mà cha mẹ đỡ tốn kém không? Tôi nghĩ, mình vẫn có phương án tốt nhất cho lũ trẻ và cho cả gia đình cùng vui vẻ.
Dịp này, Facebook của tôi tràn ngập ảnh gia đình bạn bè cho con đi du lịch khắp nơi nhân dịp nghỉ hè. Có mẹ khoe con học đàn, có mẹ khoe con tốt nghiệp khóa Anh ngữ, có mẹ khoe con nhập ngũ học kì quân đội. Tôi và chắc hẳn nhiều bà mẹ khác có điều kiện kinh tế eo hẹp đều cảm thấy chạnh lòng, tội nghiệp những đứa con không được đi đó đi đây, không được học năng khiếu, đi trại hè giống các bạn. Có cách nào để trẻ con cảm thấy kì nghỉ hè thực sự thú vị mà cha mẹ đỡ tốn kém không? Tôi nghĩ, mình vẫn có phương án tốt nhất cho lũ trẻ và cho cả gia đình cùng vui vẻ.
Vợ chồng tôi lên lịch đi chơi vào ngày cuối tuần, ngay đầu tháng 6 khi thời tiết còn dễ chịu. Chúng tôi cho con đi viện bảo tàng, đi phố đi bộ Hồ Gươm ban đêm rực rỡ ánh đèn, náo nhiệt nhiều trò chơi, con được thưởng thức món kem ống Hội An thật ngon. Lũ trẻ vui sướng và háo hức, người lớn thực sự được thư giãn với hoạt động vui chơi ngoài trời cùng các con.
Năm nay công việc bấp bênh, đồng lương bèo bọt khiến tôi bỏ qua kế hoạch cả nhà đi du lịch biển. Nhưng tôi vẫn luôn muốn các con được khám phá thiên nhiên, được biết thêm nhiều điều mới mẻ xung quanh mà chỉ có kì nghỉ hè, không vướng bận bài vở, con mới có thời gian vui chơi. Tôi cho con về quê, dẫn con ra cánh đồng, chỉ cho con xem các bác nông dân cấy gặt, làm ruộng ra sao. Con được tận mắt quan sát đầm sen, đường đồng ngoằn nghèo có cỏ dại, ngắm cây xấu hổ, bắt chuồn chuồn. Các con thích có mẹ đi cùng vì được nghe mẹ kể nhiều câu chuyện nhỏ thú vị về cây cối, chim muông.
Tôi còn rủ mấy đứa trẻ trong xóm, lập thành tiểu đội cứ đúng 6 giờ tối, khi mát mẻ, mấy cô cháu đạp xe đi khám phá các con đường mới quanh làng, quanh phố. Bọn trẻ vô cùng háo hức vì có người lớn dẫn đường. Tôi cùng lũ trẻ đi xuyên qua đường cỏ bờ mương, phát hiện ra đầm nước gần đó, nơi có mấy con cò làm tổ. Lũ trẻ sung sướng nhìn cánh cò trắng bay về tổ lúc hoàng hôn. Tiểu đội thiếu nhi cùng nhau đi ngắm đầm sen, ngắm cánh đồng lúa chín. Con đường nào rợp bóng cây, con đường nào đông đúc xe cộ, sang đường thế nào cho an toàn, cả nhóm đi cùng nhau phải quan sát để đạp xe được an toàn. Bạn nào nhút nhát được cả nhóm động viên, chị lớn còn chủ động đạp chậm đi cùng em cho em đỡ sợ.
Bố mẹ đều bận đi làm, lũ trẻ tự chơi với nhau nên có lúc thấy mọi trò chơi lặp đi lặp lại, rất chán. Tôi dẫn lũ trẻ đi qua con đường dẫn tới chiếc xe tăng biểu tượng của xí nghiệp quân đội gần nhà. Lũ trẻ nhí nhố tạo dáng thật vui. Nhưng có lẽ vui nhất là khi tôi dẫn cả nhóm ra cánh đồng gần nhà, lũ trẻ rủ nhau đi bắt cào cào, châu chấu, hò hét loạn xạ. Những tiếng cười đùa sảng khoái, giòn giã.
Đâu có mất quá nhiều thời gian, tiểu đội của mấy cô cháu đạp xe thể dục, khám phá thiên nhiên chỉ trong vòng một tiếng. Tôi cũng có lịch hẹn với lũ trẻ rõ ràng, khi nào cô ở nhà và rảnh rỗi thì tiểu đội lên đường.
Khi đi chơi với trẻ con, tôi phát hiện ra trẻ con rất thích có người lớn đi chơi cùng, bởi vì các con còn nhỏ dại nên không dám lang thang tự khám phá thiên nhiên xung quanh. Như ngày xưa, thời chúng tôi mới 10 tuổi là đã lập nhóm, tự ra đồng hái rau lợn, làm thì ít mà chạy nhảy trên cánh đồng là nhiều. Đâu có cha mẹ nào giám sát vì bố mẹ còn tối mắt đi làm, chỉ thuộc nằm lòng mấy câu dặn dò của bố mẹ. Nhưng giờ, không bố mẹ nào dám liều lĩnh để trẻ lang thang chơi xa vì lo sợ những nguy hiểm rình rập các em. Vậy là lũ trẻ chỉ quanh quẩn ở nhà, cắm mặt vào ti vi, máy tính chơi game đến mụ mị.
Đi chơi cùng lũ trẻ, tôi mới biết hóa ra chúng rất thích hoạt động ngoài trời, mê mẩn khám phá thiên nhiên. Trò bắt châu chấu, cào cào quanh bờ ruộng mà lũ trẻ chơi mãi không chán, tôi giục về chúng còn nấn ná xin chơi thêm, thật thú vị.
Đơn giản nhất là hướng dẫn trẻ ươm cây, chăm sóc mấy cái cây con trong chậu, kể về các loài hoa quanh vườn nhà.
Chỉ cần cha mẹ thực sự dành cho con trẻ chừng 1 tiếng vui chơi, chắc chắn lũ trẻ cảm thấy rất sung sướng, hạnh phúc.
Tôi tin thế!
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Theo Dân trí
Thừa Thiên Huế: Thí sinh 54 tuổi lần đầu thi tốt nghiệp THPT để con cháu làm gương Thi sinh Hô Quang Đông (SN 1964, dân tôc Pa Cô, xa Hông Vân, huyên miên nui A Lươi, tỉnh Thưa Thiên Huê) la ngươi lơn tuôi nhât trong ky thi THPT Quôc gia 2018 tai tinh Thưa Thiên Huê co nhiêu chia se vê sư hoc vơi giơi tre. Qua xưng hô, phóng viên goi thi sinh la "chu Đông" vi chú...