Nghỉ học thứ 7: Người vui, kẻ khóc, học trò có thiệt?
Nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã thực hiện nghỉ học vào thứ 7, vậy nhưng đây không thể thành quy định áp dụng chung cho tất cả các trường. Nhiều trường chưa thể thực hiện được khi phải đảm bảo thời gian học chính thức mà học sinh được thụ hưởng ở giờ chính khóa.
Chưa thể thành quy định
Theo ghi nhận, từ lâu đã rất nhiều trường ở TPHCM không học vào thứ 7, tập trung nhiều ở các trường bậc THPT. Một số trường như Trưng Vương, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Gia Định… và các Trường chuyên như Lê Hồng Phong, Năng Khiếu đều không học chương trình vào thứ 7. Nhiều trường dành thời gian này để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ….
Học sinh ở TPHCM trong giờ thực hành ở vườn ươm
Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Lương Thế Vinh, Q.1, cho hay, ngay từ khi thành lập, được 14 năm, trường đã không tổ chức dạy học vào thứ 7. Đây là trường 2 buổi/ngày nên có thể thu xếp được lịch học theo kế hoạch vào 5 ngày trong tuần. Còn ngày thứ 7, học sinh sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động các câu lạc bộ, các nhóm học thuật…
Xét về mặt lý thuyết, phía trường học ủng hộ việc không tổ chức dạy học thứ 7 để học sinh, giáo viên có thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt với gia đình nhưng thực tế không phải cứ muốn là được. Rất nhiều trường học ở TPHCM vì áp lực sĩ số, trường lớp thiếu không thể tổ chức học 2 buổi/ngày, thậm chí ở bậc tiểu học nhiều trường từ 2 buổi, phải rút xuống 1 buổi để đảm bảo chỗ học cho học sinh.
Như ở Tân Phú, năm học 2017-2018, tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chỉ dưới 30%, riêng bậc tiểu học dưới 50%; ở Thủ Đức, nhiều trường từ học 2 buổi/ngày đã chuyển xuống 100% lớp học 1 buổi/ngày… lực về sĩ số mỗi năm lại càng tăng. Nhìn tốc độ số học sinh tăng lên của năm học mới này tại TPHCM sẽ càng phải chóng mặt.
Theo cáo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2018 – 2019, dự kiến toàn thành phố có gần 1.677.600 học sinh, tăng hơn 67.230 em. Cụ thể, mầm non tăng 20.225 học sinh, tiểu học tăng trên 26.810 học sinh, THCS tăng 10.400 học sinh và THPT tăng hơn 9.790 học sinh.
TPHCM có mức đầu tư lớn cho xây dựng trường học, tháng 9 tới sẽ có 882 phòng học mới được đưa vào sử dụng nhưng cũng không thể nào “gánh” nổi tốc độ tăng sĩ số trong trường học. Điều không thể tránh khỏi là gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Và dẫn đến điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều phải co hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay các trường được phép chủ động trong việc xây dựng lịch học làm sao đảm bảo kế hoạch, đã rất nhiều trường không tổ chức dạy học thứ 7. Thế nhưng, nếu để thành một quy định chung trong điều kiện như hiện nay là rất khó, chưa thể thực hiện được mà phải tùy điều kiện mỗi trường. Thành phố với áp lực gia tăng dân số dân lớn, với các trường học 1 buổi ngày thì không thể nào đảm bảo lịch học theo kế hoạch nếu không tổ chức vào thứ 7.
Đối với việc nghỉ vào thứ 7, ông Hiếu đánh giá điều này sẽ rất tốt cho học sinh và cả đội ngũ giáo viên. Các em có thêm thời gian sinh hoạt với gia đình, tham gia các hoạt động ngoại khóa, năng khiếu, rèn luyện… Nhưng để đảm bảo chương trình học như hiện tại, đảm bảo nội dung, kế hoạch thì không thể “cắt” ngày thứ 7 của học sinh.
Giảm chính khóa, có phải tăng thời lượng học thêm?
Đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về không tổ chức dạy học vào thứ 9 ở các trường phổ thông dẫn đến rất nhiều ý kiến trái chiều. Ở góc độ dư luận, người dân, nhiều người ủng hộ việc nghỉ học thứ 7 và cũng không ít người phản đối. Điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, lịch làm việc của phụ huynh. Với bộ phận này là thuận lợi nhưng với bộ phận khác là bất lợi.
Nếu sắp xếp được thời gian học chính khóa trong 5 ngày, việc nghỉ học thứ 7 sẽ giúp học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa
Hầu hết các gia đình bố mẹ là viên chức nhà nước, hay làm trong các doanh nghiệp tư nhân… nghỉ vào thứ 7 đều ủng hộ việc học sinh nên nghỉ thứ 7 để gia đình thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn đi làm vào thứ 7, nếu việc con cái nghỉ học vào ngày hôm đó thì lạ phát sinh thêm vấn đề. Không ít phụ huynh sẽ phải khóc ròng nếu con nghỉ học vào thứ 7 còn bố mẹ vẫn đi làm.
Ở TPHCM, rất đông người dân ở các tỉnh về làm công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy… hầu như họ đều làm việc vào thứ 7, chưa kể yêu cầu phải tăng cả chủ nhật. Xuất phát từ thực tế này, thành phố đã triển khai tại một số trường mầm non giữ trẻ vào cả ngày thứ 7.
Vấn đề cũng cần đặt ra, việc nghỉ học vào thứ 7 mới chỉ được nhiều người chú ý ở góc độ thuận lợi hoặc hay bất lợi cho sinh hoạt của các gia đình. Trong khi, theo ý kiến nhiều người, điều cần quan tâm nhất về đề xuất nghỉ học vào thứ 7 nên đi đúng vào bản chất. Việc nghỉ học thứ 7 liệu có đảm bảo về chất lượng, thời gian học tập chính thức cho các em.
Nếu như nói hiện tại thời gian học chính khóa dài nhưng thực tế tỷ lệ học sinh vẫn phải đi học thêm rất cao để theo kịp chương trình, thi cử. Nghỉ học thứ 7 có thể xem là giảm thời lượng chính khóa mà các em được thụ hưởng chính thức, vậy các em sẽ ứng phó như thế nào với chương trình, với thi cử nếu không tăng thời lượng học thêm?
Hoài Nam
Theo Dân trí
Hà Nội: Sĩ số lớp 69 học sinh, đông chưa từng có trong lịch sử
Trên một diễn đàn về học tập, nhiều phụ huynh bày tỏ hoang mang khi năm học 2018 -2019 không ít trường tiểu học tại Hà Nội có sĩ số lớp lên tới 69 học sinh. Họ bày tỏ lo lắng "lớp đông học sinh như vậy liệu giáo viên có nắm rõ lực học của từng học sinh?
Theo thống kê, toàn Hà Nội năm nay có tới 130.000 học sinh vào lớp 1, tăng 30.000 học sinh so với năm ngoái. Đây cũng chính là lý do sĩ số các lớp 1 tại nhiều trường của Thủ đô tăng so với năm ngoái.
Những học sinh này luôn cần sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên. Ảnh: Nam Nguyễn
Những năm trước đây, một số trường tiểu học của Hà nội vốn cũng đã có tình trạng sĩ số lớp từ 55-60 học sinh, tuy nhiên, năm nay, do lứa tuổi sinh năm 2005 (con giáp "Rồng Vàng") đến tuổi đến trường nên sĩ số mới tăng vọt lên đến 60-70 học sinh như vậy.
Trên diễn đàn, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung lo lắng chia sẻ: "Hôm vừa rồi bé đi nhận lớp mà mình thật sự thấy lo lắng. Trường có 09 lớp 1, trong đó 07 lớp có sĩ số trung bình 69 học sinh, có 02 lớp sĩ số 68 học sinh. Các bé chen chúc 3 bạn 1 bàn. Thiết nghĩ không biết cô có nhớ hết mặt và sát sao việc học của từng cháu hay không?"
Tại diễn đàn này, nhiều phụ huynh bày tỏ thông cảm với tình trạng trên khi con, cháu họ cũng đang trong hoàn cảnh như vậy.
"Ba học sinh ngồi 1 bàn thì các con chẳng có chỗ để tay cho thoải mái mà rèn chữ, nhất là khi các con mới bắt đầu học viết. Rồi các con sẽ tương tác với cô giáo thế nào? Lo lắng thật!", một phụ huynh khác bình luận.
Quả là như vậy! Lớp 1 là năm đầu tiên của một đứa trẻ bước vào quãng đời học sinh với bao bỡ ngỡ. Những học sinh này cần sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên nhiều hơn những học sinh ở cấp học khác. Vậy mà năm học này, trường Tiểu học Nghĩa Đô, có lớp sĩ số lên tới 68 học sinh. Tương tự, sĩ số lớp 1 của trường Tiểu học Dịch vọng là 60 học sinh, trường Tiểu học Phan Đình Giót là 69 học sinh, trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 64-66 học sinh...Một số trường tiểu học tại khu vực quận Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân năm nay sĩ số các lớp 1 cũng đều tăng so với mọi năm. Một số trường hiện có sĩ số 64-65 học sinh.
"Lớp con mình sĩ số 69 học sinh, trông như ong vỡ tổ. Mẹ nhìn mà muốn khóc quá", một phụ huynh có con năm nay học lớp 1 tại trường Tiểu học Phan Đình Giót tâm tư.
Dù vậy, trên diễn đàn, không ít phụ huynh tỏ ra lạc quan: "Có gì đâu mà phải lo lắng. Hai đứa con nhà tôi học từ năm ngoái sĩ số đã 63 mà cô vẫn quan tâm hết các cháu".
Trên thực tế, tình trạng sĩ số vượt quá quy định khiến không gian trong lớp vô cùng chật hẹp, bàn học thì kê kín tối đa. Thậm chí, có những phòng học không còn bục giảng mà thay vào đó là bàn học sinh sát với bảng giáo viên. Trong lớp không còn chút không gian nào để học sinh vui chơi và ngay cả lối đi trong lớp cũng không thuận tiện...
Về vấn đề này, Báo Giao thông dẫn lời ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối với tuyển sinh lớp 1 năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT đã có quy định, sẽ đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào lớp 1. Việc phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của từng trường, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá đông, nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và báo cáo Sở, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.
Dù vậy, lãnh đạo này cũng thừa nhận, mặc dù có quy định về sĩ số học sinh trung bình từ 35-40 học sinh/lớp học, nhưng năm học này học sinh đông hơn năm trước...
Sở cũng đã có chỉ đạo với các quận, huyện bố trí tăng thêm các lớp, phòng học không để tình trạng một lớp quá đông, chỉ có thể chấp nhận vượt lượng ít so với quy định.
Hiện Sở vẫn đang tiếp tục cập nhật tình hình nhập học từ các trường cụ thể. Và sẽ đôn đốc các địa bàn, các trường bố trí thêm lớp để giảm tải học./.
Hà Giang
Theo toquoc.vn
Nhồi 70 học sinh tiểu học vào một lớp, giáo viên dạy thế nào? Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội có sĩ số lên tới 70 em/lớp là việc không mới, nhưng với số lượng học sinh mỗi lớp đông tới vậy, liệu giáo viên có thể theo sát việc học của các em? Theo vtc.vn