Nghỉ học phòng virus corona hết tháng 3 chỉ là giải pháp thụ động
Đó là nhận định của TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trước đề xuất cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 của UBND TP.HCM.
Trước thông tin UBND TP.HCM đề xuất kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên thêm 1 tháng (hết tháng 3) nữa so với hiện tại để phòng dịch virus corona (Covid-19), có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến phản đối.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhận định hiện tại, việc nghỉ học kéo dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đơn cử như việc thay đổi lịch thi, thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày của học sinh, phụ huynh, tạo ra sức ì cho học sinh…
“Thực tế, việc cho học sinh nghỉ học hiện tại đang là biện pháp “cầm hơi”, thụ động của các nhà quản lý để đối phó ngắn hạn với dịch virus corona. Tôi cho rằng để UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 là vô cùng khó khăn đối với bất kỳ bộ máy lãnh đạo nào trong thời điểm hiện tại. Bởi xác định cho học sinh nghỉ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các hoạt động khác của xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng UBND đã có sự tư vấn của Sở GDĐT, Sở Y tế nên mới có thể đưa ra được kiến nghị đó theo tình hình thực tiễn”, ông Khuyến nhận định.
TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng cần phải tìm giải pháp “sống chung với dịch”, bởi không ai có thể khẳng định rằng hết tháng 3, dịch virus corona (Covid-19) sẽ được ngăn chặn, hoàn toàn không có rủi ro bùng phát.
“Mới đây, Hiệp Hội Các Trường Đại Học – Cao Đẳng Việt Nam đã gửi đơn lên Thủ tướng để kiến nghị phục hồi việc dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Nền tảng truyền hình của đất nước hiện tại đang rất tốt, độ phủ sóng cao tới vùng sâu, vùng xa.
Nhiều kênh truyền hình có thể cùng tham gia, các Sở GDĐT cũng sẽ chọn giáo viên giỏi, tiêu biểu. Còn học sinh có thể ngồi ở nhà hoặc học theo nhóm. Đối với các phần học sinh chưa hiểu, các em có thể gọi điện hỏi thầy cô giáo trong trường đang trực bộ môn ngay lập tức, nên không sợ bị trôi kiến thức. Theo TS Khuyến, giảng dạy trực tuyến là xu hướng chung của toàn thế giới, các trường học Việt Nam cũng nên theo, thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức truyền thống hiện nay.
Đặc biệt, nếu giải pháp này được triển khai, TS. Khuyến cho rằng sau này, nếu học sinh buộc phải nghỉ học dài ngày vì các thiên tai, địch họa thì đều có thể áp dụng.
Video đang HOT
Giảng viên trường đại học giảng dạy trực tuyến mùa dịch.
Dưới góc độ kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho việc, việc học sinh nghỉ học quá dài có tác động không nhỏ đến nền kinh tế.
Theo ông Long, việc này sẽ có tác động đến chuỗi cung ứng, dịch vụ liên quan đến ngành giáo dục. “Việc học sinh nghỉ dài hay ngắn, lâu hay dài phụ thuộc vào công tác phòng chống dịch bệnh. Nghỉ học dài có thể sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ tiêu dùng, cung ứng cho ngành này tạm thời tê liệt, thậm chí đứt gãy”, ông Long nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi học sinh nghỉ học, phụ huynh cũng bị kéo theo, phải ở nhà trông con, công việc, tiền lương cũng bị ảnh hưởng theo. “Trường học đóng cửa, nhiều nữ công ở các doanh nghiệp lớn như Samsung phải ở nhà trông con. Từ đó, tiền lương có thể bị cắt giảm vì không đáp ứng được công việc, thậm chí có thể bị mất việc làm. Vì vậy ảnh hưởng tới việc sản xuất của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI”, ông Long nói.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Long, việc kéo dài thêm thời gian là cần thiết bởi dịch bệnh diễn biến khó lường. “Như Thủ tướng đã nói, tính mạng con người là trên hết dù có thiệt hại đến kinh tế, chúng ta vẫn phải chấp nhận”, ông Long nhấn mạnh.
Theo danviet.vn
Vì sao Bộ GD&ĐT không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước?
Bộ GD&ĐT không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước vì theo quy định hiện nay thẩm quyền này thuộc UBND tỉnh, thành phố.
Trả lời báo chí tối 14/2, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - cho hay bộ sẽ có hướng dẫn về kỳ thi THPT quốc gia trước khi học sinh quay trở lại trường để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết theo quy định về phân cấp quản lý, UBND tỉnh, thành phố quyết định việc học sinh nghỉ để phòng tránh Covid-19. Ảnh: MOET.
Thời điểm kết thúc năm học có thể lùi 2-3 tuần
Căn cứ tình hình dịch bệnh, các địa phương cho học sinh nghỉ hai tuần, có nơi nghỉ hết tháng hai. Bộ GD&ĐT thông báo sẽ lùi thời gian kết thúc năm học, cụ thể như thế nào?
- Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ tình hình thực tiễn để điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sao cho phù hợp, có thể kéo dài 1-2 tuần. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian kết thúc năm học có thể kéo dài 2-3 tuần. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ làm khung điều chỉnh kế hoạch năm học.
Một năm học có những mốc thời gian phải thực hiện như thời điểm kết thúc, hoàn thành xét tốt nghiệp tiểu học, THCS, tuyển sinh vào lớp 10. Khi lùi thời gian kết thúc năm học, các mốc trên cũng phải điều chỉnh dựa trên nguyên tắc không ảnh hưởng nhiều kế hoạch năm tiếp theo.
Cơ quan quản lý nên rút gọn thời gian chuẩn bị hoạt động giáo dục để ôn tập, đảm bảo kiến thức cho học sinh. Như vậy, cái khó sẽ thuộc về cơ quan quản lý. Ví dụ, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chiếm 6 tuần thì nên rút lại thực hiện trong 4-5 tuần.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia phù hợp. Hướng dẫn này sẽ có trước khi học sinh quay trở lại trường, để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại sao Bộ GD&ĐT không quyết định thời điểm cho học sinh nghỉ trên toàn quốc?
- Pháp luật quy định về phân cấp quản lý. Trong đó, Nghị định 127 quy định UBND thành phố trực thuộc trung ương sẽ quản lý và có trách nhiệm giải trình các tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn.
Nghị định 69 về chức năng, quyền hạn của Bộ GD&ĐT cũng ghi rõ điều này. Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 2071 về khung kế hoạch thời gian năm học, quy định rõ UBND cấp tỉnh, trung ương sẽ xây dựng kế hoạch học tập, học bù.
Quyết định nêu rõ: "Chủ tịch UBND tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp thực tiễn của địa phương trong trường hợp kéo dài năm học, trường hợp đặc biệt do UBND cấp tỉnh quy định".
Có ý kiến thắc mắc tại sao Bộ GD&ĐT không cho học sinh nghỉ luôn 3 tháng mùa xuân thay vào 3 tháng mùa hè?
- Học sinh bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12, không phải tất cả đều giống nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, không thể lùi đến sang năm được. Vì vậy, chúng ta phải tính đến các mốc thời gian này, cần tính toán lùi hơn năm học trước nhưng không ảnh hưởng lớn các năm tiếp theo.
Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn. Ví dụ, học sinh lớp 12 có kỹ năng tự bảo vệ mình và thể lực tốt, có thể tính toán, cân nhắc cho đến trường trở lại. Nếu tất cả học sinh đều nghỉ 3 tháng, sẽ ảnh hưởng năm học tiếp theo.
Học bù nhưng phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi
Sắp tới, khi học sinh quay lại trường, việc học bù của các địa phương sẽ được thực hiện như thế nào?
- Các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình học bù, có thể tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật nhưng phải đảm bảo thời gian cho các em nghỉ ngơi.
Thời gian năm học hiện nay là 35 tuần, được thiết kế một buổi học mỗi ngày. Nhiều trường chưa có điều kiện để học cả ngày. Trước tình hình dịch bệnh, địa phương có thể tận dụng thời gian và lớp học trống, phòng đa năng, phòng chức năng để học bù.
Giáo viên tăng giờ làm bù lại thời gian đã nghỉ. Mỗi địa phương phải có kế hoạch cụ thể, không áp dụng chung cho tất cả cơ sở giáo dục.
Trường hợp học sinh ở Vĩnh Phúc nghỉ quá lâu, ảnh hưởng thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án nào?
- Với các địa phương đặc thù như Vĩnh Phúc, thời gian dịch bệnh có thể kéo dài. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là sức khỏe của học sinh, giáo viên đặt lên hàng đầu. Học sinh cần cách ly theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và Bộ Y tế.
Thời gian nghỉ của học sinh ở tỉnh này có thể kéo dài hơn. Địa phương cần nỗ lực tổ chức học bù sau khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Học sinh cũng phải cố gắng hơn về thời gian tập trung học tập so với các địa phương khác.
Trong thời gian các em ở nhà, nhà trường nên cố gắng sử dụng các phương tiện thông tin, email, điện thoại, học trực tuyến để kết nối thầy và trò. Học sinh phải ôn tập khi nghỉ để lúc đến trường vẫn đảm bảo chương trình.
Học sinh ở Vĩnh Phúc nếu nghỉ quá lâu sẽ là trường hợp đặc thù. Khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án riêng cho địa phương. Nếu đủ thẩm quyền, Bộ GD&ĐT sẽ có những quyết định. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội về việc này.
Theo Quyên Quyên (Zing)
TP.HCM: Hơn 2.500 người nhập cảnh đang được cách ly tại nhà Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh do chủng mới của virus corona, đến 8h ngày 12/2, TP.HCM có thêm 1 ca nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm và hiện có 2.521 người nhập cảnh đang được cách ly tại nhà. Khu cách ly tại Bệnh viện quận Bình Tân. Mặc dù không có ca mắc mới nhưng tính...