Nghỉ hè, sinh viên rủ nhau… làm “CEO”
(PLO) – “Năng động, không cam chịu phận làm thuê, tận dụng thời gian nghỉ hè ít ỏi, nhiều sinh viên lựa chọn kinh doanh, mở shop, bán trà đá hay học hỏi mô hình kinh doanh nhỏ ở phương Tây về áp dụng linh hoạt vào Việt Nam. Đây được xem là những “CEO” trong tương lai.
Học kinh doanh theo tư duy kiểu Tây
Với ý tưởng kinh doanh nền khá tốt nên Lê Văn Quang được bạn bè ủng hộ, chàng sinh viên Đại học Phương Đông khá táo bạo khi mở tiệm bánh mỳ từ hơn hai tháng nay. Quang và hai anh bạn cùng lớp (Nguễn Thị Ninh, Lê Văn Kim) quyết tâm mở tiệm bánh mỳ mang thương hiệu quê hương Hưng Yên để bán tại các cổng trường đại học trong khu vực nội thành.
Để hiện thực hóa kế hoạch, mỗi thành viên trong nhóm cần chuẩn bị khoảng bảy triệu đồng, trong đó, tiền để mua mỗi chiếc xe đẩy bán hàng di động chiếm khoảng 3 triệu đồng. “Vướng mắc lớn nhất của nhóm trong quá trình biến ý tưởng thành hành động là vấn đề tài chính. Ngoài thiếu tiền để mua xe đẩy bán hàng di động ở ba địa điểm cổng trường khác nhau thì nhóm cần có tài chính để đặt trước lượng lớn bánh mỳ, rau, thịt, gia vị mỗi ngày” – Quang nói.
Sau nhiều lần đắn đo, ba “CEO” trẻ đã quyết tâm rút tiền tiết kiệm và đi vay thêm một số nơi để dốc toàn lực thực hiện chiến lược kinh doanh của mình. Quang và các bạn quyết định đặt một tiệm hàng bánh mỳ di động trước cổng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, một người bán tại cổng Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Hung và người còn lại bán gần trường Đại học Du lịch Hà Nội.
Để tạo nên sự khác biệt, thu hút người mua, những chủ quán trẻ đã tích cực mua nguyên liệu như thịt, rau gia vị về tự làm và quảng bá thương hiệu bánh mỳ Hưng Yên thơm ngon: “sạch từ thịt, ngọt từ bánh”. Bánh được tự tay ba thành viên chế biến từ A – Z.
“Ban đầu cả nhóm cứ nghĩ tiệm bánh mỳ thương hiệu Hưng Yên chỉ được các bạn đồng hương ủng hộ nhưng không ngờ ngay sau tuần đầu tiên, nhóm đã thu hút được không ít khách từ nhiều tỉnh khác nhau” – Ninh, nói.
Chia sẻ về ý tưởng, Quang cho biết, ban đầu lên mạng đọc thấy giới trẻ bàn nhiều về mô hình kinh doanh ở các nước phương Tây “sát sườn” với mô hình kinh doanh nhỏ ở Việt Nam nên nảy sinh ý tưởng này. Hiện tại, mỗi ngày, xe bánh mỳ của Quang bán được 50 – 100 chiếc bánh.
Tuy số tiền lời kiếm được không quá nhiều nhưng đó cũng là một thành công ban đầu của mỗi bạn trẻ trong nhóm. Công việc bán bánh chủ yếu vào buổi sáng, trưa và chiều. Ban ngày, bánh được bán chủ yếu cho sinh viên đi thi còn buổi tối chủ yếu bán cho học viên học tại chức.
Đua nhau làm ông chủ, bà chủ
Video đang HOT
Cùng với việc thử mình ở các danh mục quán ăn thực phẩm, không ít sinh viên đã lập nên những mô hình kinh doanh đồ uống ngay cạnh các cổng trường đại học. Là một trong số sinh viên thành công trong việc phát triển mô hình kinh doanh trà đá vỉa hè tại cổng trường đại học, Lê Bá Kiền cho biết: “Do thời gian rãnh rỗi lại hay lêu lổng ở các quán trà đá cổng trường nên đã nảy sinh ý tưởng trên.”
Mỗi tháng Kiền thu lời vài triệu từ kinh doanh trà đá theo nhóm
Ban đầu, quán trà đá sinh viên mini của Kiền chỉ vỏn vẹn hơn chục chiếc ghế nhựa tại địa điểm nhỏ trước cổng Trường Đại học Du lịch. Thế nhưng, sau một tháng Kiền đã kêu gọi thêm một người bạn để góp vốn mua thêm ghế, mở thêm địa điểm bán tại một số cổng trường khác. Kiền thừa nhận ý tưởng ban đầu chỉ là kinh doanh theo kiểu chơi bời cho vui.
Công việc buôn bán của anh càng trở nên thuận lợi hơn sau khi tiếp nhận, áp dụng những chia sẻ từ nhóm bạn đã có thâm niên kinh doanh hơn ba năm trong lĩnh vực đồ uống. Kiền kêu gọi bạn bè cùng góp vốn kinh doanh để đầu tư thêm ghế ngồi, xây dựng mô hình kinh doanh theo nhóm để hỗ trợ nhau về mọi mặt.
Thời gian đầu do chưa mở rộng địa bàn, lượng khách chưa nhiều nên mỗi ngày cũng chỉ bán được 300.000 đồng – 500.000 đồng tiền trà đá, (chưa kể tiền thuốc, hướng dương, trà chanh, nước mía). Sau khi mua thêm ghế phục vụ việc mở rộng quán, số lượng khách ghé quán uống nước cũng đông hơn trước nhiều.
“Phần lớn khách là sinh viên, chủ yếu biết nhau thì đến. Mở quán nước như thế này cần có mối quan hệ rộng mới mong bán được hàng. Bên cạnh đó, việc cung cấp cho người dùng cốc trà ngon và sạch cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định khách có quay lại với quán lần hai hay một đi không trở lại” – Kiền chia sẻ.
Theo PLO
Nghỉ hè: Học sinh vẫn "cày học", phụ huynh đau đầu nghĩ kế chăm con
Mỗi dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh lại đau đầu tìm chỗ để cho con "tá túc" trong những ngày nghỉ và cũng phải tốn kém một khoản chi phí lớn.
Phụ huynh "đánh vật" với kỳ nghỉ hè của con
Cứ tháng 6 hàng năm, khi tới mùa nghỉ hè của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, độ tuổi còn nhỏ, các bậc phụ huynh lại đau đầu vì phải nghĩ cách để chăm con. Câu chuyện diễn ra thường niên nhưng năm nào các gia đình cũng gặp khó khăn trong việc kiếm tìm giải pháp.
Tại khu vực Hà Nội, hầu hết các phụ huynh đều lựa chọn cách tìm kiếm lớp học thêm cho con mình trong khoảng thời gian nghỉ hè để yên tâm làm việc mà không phải lo lắng. Đồng thời cũng là cách để giúp con không quên kiến thức trong những ngày hè, không bị tụt lại so với các bạn.
Mỗi dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh lại đau đầu nghĩ cách để trông coi con trẻ
Chính vì lẽ đó, điệp khúc học - học và học của trẻ con ngày hè lại tiếp diễn trong mùa hè năm nay. Tình trạng học sinh đang có nguy cơ "quá tải" không chỉ trong năm học, mà còn trong cả những ngày đáng ra được nghỉ ngơi. Bởi nhiều phụ huynh không sắp xếp được người trông con, nên đã lên lịch cho con học kín từ sáng đến chiều, từ các môn văn hóa như Toán, Văn, Tiếng Anh... đến các môn bổ trợ như võ, vẽ, múa, hát, kỹ năng sống...
Tuy nhiên, việc lựa chọn các lớp học thêm phù hợp cũng không phải là điều dễ dàng vì chi phí khá "đắt đỏ". Để có thể yên tâm về con trong dịp hè, mỗi gia đình đều tốn cả một đống tiền.
Chị Thanh Huyền (Ba Đình, Hà Nội) có con trai vừa học hết lớp 3 chia sẻ, bản thân chị muốn cho con được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái sau cả một năm học tập vất vả, nhưng công việc của hai vợ chồng khá bận nên đành cùng một số phụ huynh xin cô giáo cho các cháu học "bán trú" tại nhà cô, nhờ cô vừa dạy thêm, vừa cho các cháu ăn uống buổi trưa. Chi phí để trông con trong dịp hè này đã tốn đến gần nửa số tiền lương của hai vợ chồng chị Huyền nhưng cũng không còn cách nào khác.
Cũng không thể gửi con, hay đưa con đi làm cùng, Hoàng Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã đăng ký lớp học múa, học tiếng Anh cho con. Ngoài hai lớp đã đăng ký ở Cung, chị còn gửi "bán trú" con những ngày còn lại ở nhà một cô giáo để có thời gian đi làm.
Gia đình anh Hoàng Đồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con trai học lớp 4 nghỉ hè cũng đã liên hệ với một trung tâm giảng dạy tiếng Anh có chương trình học bán trú tất cả các ngày trong tuần để cho con "đi bộ đội". Anh Đồng chia sẻ: "Ở lớp chính quy con cũng được học tiếng Anh nhưng thời gian còn phải chia cho toán, tiếng Việt. Nhân dịp cháu nghỉ Hè, tôi sẽ cho học hoàn toàn tiếng Anh trong 6 tuần để vừa không phải lo lắng vì để con ở nhà mà chắc chắn sau kỳ nghỉ hè tiếng anh của con sẽ có những cải thiện rõ rệt".
Không may mắn như các gia đình khác, gia đình anh Lê Minh (Ba Đình, Hà Nội) có con trai học lớp 2 vừa bước vào đợt nghỉ hè. Dù trước đó cả tháng, hai vợ chồng chị Huyền đã đưa ra nhiều kế hoạch cụ thể nhằm quản lý con trong những ngày này nhưng đến nay vì nhiều lý do khác nhau đều bị đổ bể. Con trai còn nhỏ, không thể để con ở nhà một mình, vậy nên cuối cùng hai vợ chồng đành thay phiên nhau đưa cả con lên công ty ngồi cùng để tiện trông coi.
Không chỉ học sinh tiểu học, những gia đình có con học tại các trường mẫu giáo công cũng gặp khó khăn khi con được nghỉ hè. Không phải trường nào cũng nhận trông con dịp hè, 2 tháng nghỉ hè của con trở thành nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Có nhà thì phải gửi con về quê, nhà thì phải đón ông bà lên trông cháu, nhà thì phải thuê gấp giúp việc, sinh viên làm thêm để trông con rất tốn kém.
Các phụ huynh đều trăn trở rằng trẻ em ở thành phố một bước ra đường, bao nguy hiểm rình rập, mà kể cả ở trong nhà mình cũng còn không yên tâm. Vì thế đến mùa hè các con được nghỉ xả hơi thì bố mẹ lại phải "đánh vật" nghĩ cách để gửi con đi khắp nơi.
Nở rộ các lớp học hè
Nắm bắt được nhu cầu của các bậc phụ huynh thường không có thời gian quản con vào dịp hè, các trung tâm giáo dục đều đưa ra những chiến dịch quảng cáo, giảm giá tới 50% các khóa học. Những tờ rơi màu sắc bắt mắt và những khẩu hiệu "Khám phá những điều mới lạ", "Phát triển tư duy vượt trội", "Giáo viên bản ngữ, có trình độ" được tung ra tại nhiều trường từ mầm non đến các trường THPT trong những ngày cuối tháng 5. Tuy nhiên, chất lượng của những trung tâm này cũng chưa được kiểm chứng cụ thể, nhiều phụ huynh nhận cả mớ tờ rơi quảng cáo như bị lạc vào "ma trận".
Điển hình như khóa học "Hành trang vào lớp 1" đặt ra chỉ tiêu "Trẻ có nhận thức tích cực về trường học. Trẻ được hệ thống hóa lại những kiến thức cốt lõi, đóng vai trò tiền đề đã được học ở trường mầm non. Trẻ được rèn những kỹ năng cơ bản như kỹ năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, khả năng tư duy, ghi nhớ, khéo léo của đôi bàn tay, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, khả năng tập trung chú ý...". Mục tiêu đặt ra đầy tham vọng như thế, nhưng khóa học này chỉ có vỏn vẹn 4 buổi học với mức học phí 50.000 đồng/buổi khiến nhiều phụ huynh không khỏi phân vân.
Một lớp học hè đang nở rộ khác là dạy cho trẻ có tư duy toán học cũng đang thu hút các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh có con bắt đầu đi học. Trung bình mỗi khóa học có chi phí lên tới vài triệu đồng.
Ngoài ra gần đây còn rộ lên dịch vụ chăm sóc hè của các cô giáo tiểu học. Học sinh tiểu học vừa quá bé để có thể tự chăm sóc nếu bị bỏ ở nhà một mình, lại vừa dễ quên các kiến thức cũ. Nắm bắt được tâm lý này, một số giáo viên đứng ra thuê địa điểm (của trường, hoặc nhà diện tích rộng), cùng với một số giáo viên khác nhận chăm sóc học sinh cả ngày. Các cô bố trí cho con học văn hóa xen kẽ với năng khiếu, mỹ thuật, thuê người nấu ăn trưa. Với kiến thức chăm trẻ có bài bản, bố mẹ cũng yên tâm hơn để đi làm.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh không nên ép con học mà hãy giữ nếp học tập cho học sinh bằng cách hàng ngày nhắc các con ngồi vào bàn tự học vào buổi sáng hoặc chiều. Đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học, dịp hè rất cần tham gia xen kẽ các hoạt động nâng cao kiến thức sống, gần gũi với thiên nhiên, phát triển năng khiếu. Phụ huynh nên đáp ứng sở thích đó, không nên ép các em học năng khiếu theo ý thích của bố mẹ. Như vậy sẽ chỉ làm các em căng thẳng hơn, mất đi những ngày hè đẹp của tuổi thơ.
Lê Tú
Theo Dantri
Nghỉ hè, bố mẹ "bở hơi tai" xoay cách... quản con VOV.VN - Gửi con về quê hay cho đi học các lớp năng khiếu...nhưng vẫn không giúp những người làm cha mẹ yên tâm. Ngay khi năm học 2014-2015 vừa kết thúc, các học sinh trên toàn quốc bước vào kỳ nghỉ hè. Đây cũng là thời điểm các phụ huynh lại "méo mặt" xoay sở cách trông con, gửi trẻ. Có nhiều...