Nghỉ dịch dài ngày, học sinh tiểu học quên mặt chữ, nhầm cách tính toán
Sau hơn 3 tháng nghỉ học vì Covid-19, trở lại trường, nhiều học sinh tiểu học quên kiến thức, lộn cách tính toán.
Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho hay trở lại lớp sau đợt nghỉ dài, các con quên nhiều kiến thức và ý thức học tập cũng giảm sút.
Hầu hết học sinh quên những kiến thức học trước đó. Trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19, phải học qua ứng dụng Zoom thì kiến thức các em nắm không chắc vì mạng yếu, hay bị thoát ra. Hơn nữa, các bài luyện tập bị cắt bớt nên kiến thức của học sinh không sâu, không chắc.
“Trong giai đoạn nghỉ ở nhà, trường chúng tôi có tổ chức học qua ứng dụng Zoom và thông báo lịch học qua truyền hình nhưng các em học không đều do mạng chập chờn nên không liền mạch bài. Các cô dạy phần mềm Zoom miễn phí nên cũng khoảng 40 phút là bị thoát ra, rồi phải vào lại. Mỗi giờ dạy, riêng chuyện ổn định lớp đã mất từ 10 đến 15 phút, nên chỉ còn học thực 25 phút. Một số em thì đợt nghỉ về quê với ông bà nên không học được. Nên bây giờ đi học lại em thì nắm được bài, em thì lơ mơ, có em thì như chưa học” – cô Lan “tổng kết”.
Thậm chí, theo cô Lan, có học sinh giỏi trước đó đứng đầu lớp còn bị lộn khi nhân phân số, nhiều em nhân số tự nhiên có hai chữ số cũng nhầm. “Bây giờ, chúng tôi phải tăng tốc ôn tập lại và mở rộng bài mới nên thành ra có cảm giác như các em bị “nhồi nhét” kiến thức”.
Khi học sinh đi học trở lại, thầy cô giáo phải dành thời gian để ôn tập lại kiến thức cũ cho các em (Ảnh: Thanh Hùng)
Là giáo viên dạy Ngoại ngữ của Trường Tiểu học Trưng Trắc (Hà Nội), năm nay phụ trách khối lớp 2 và lớp 3, cô Đỗ Việt Nga cũng chia sẻ rằng thường có đến nửa lớp quên kiến thức môn học, không nhớ từ vựng. Có học sinh yếu quá còn quên luôn… cách viết chữ cái.
“Nhiều em quên cả mặt chữ. Có học sinh tôi dạy viết từ mới, trong từ có chữ s mà còn viết ngược lại thành hình như số 2. Kiến thức thì em quên sạch. Như vậy, có lẽ cả Tiếng Việt con cũng bị quên”.
Theo cô Nga, nguyên nhân có thể do các em học trực tuyến chỉ buổi được buổi không. “Học ngoại ngữ khó hơn cả tiếng mẹ đẻ. Nhưng cả tuần học được 1 buổi, sau đó không học hành, ôn luyện gì, lại là học sinh quá bé thì tôi nghĩ quên cũng là chuyện đương nhiên” – cô Nga cho hay.
Nhưng điều cô Nga lo ngại nhất không phải chuyện quên kiến thức, bởi dù sao các em cũng ở lứa tuổi quá nhỏ và thời gian nghỉ lại quá dài, mà vấn đề nằm ở sức ì.
“Đến nay, đã một tuần đi học trở lại rồi nhưng các con vẫn chưa chịu học bài, làm bài, còn mải chơi. Sức ì là rất lớn, bài vở không làm đầy đủ, thậm chí còn quên sách vở. Chúng tôi đành chấp nhận, kiên trì tìm cách hâm nóng lại”.
Video đang HOT
Tình cảnh của lớp cô Lê Ngọc Diệp, giáo viên dạy khối 5 một trường tiểu học ở Bình Dương, cũng tương tự với nhiều học sinh quên bài cũ.
Tuy nhiên, theo cô Diệp, khá may mắn vì số quên chỉ rơi vào một số em không học qua ứng dụng trực tuyến vì phụ huynh không có điều kiện, hoặc được cho về quê nhưng nhà ông bà không có mạng hoặc điện thoại thông minh.
“Những học sinh bình thường chậm, hoặc lười học qua trực tuyến thì quên kiến thức nhiều, còn học sinh chăm học trực tuyến thì khá ổn. Các em chủ yếu quên các quy tắc hoặc công thức Toán. Nói chung là tạm thời quên, nhưng cô phải ôn lại hoặc thậm chí phải giảng lại bài. Có em quên hết cả kiến thức học từ trước Tết, nhưng đa số nhắc lại thì vẫn nhớ ra” – cô Diệp nói.
Theo cô Diệp, không chỉ mỗi lớp của cô mà tình cảnh này diễn ra ở hầu hết các lớp trong trường, đặc biệt với khối 1.
Trong đợt nghỉ dịch, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có dạy online cho cả lớp theo kiểu vừa dạy vừa ôn kiến thức cũ nên bây giờ đi học trở lại, kiến thức của các em cũng tạm ổn. Tuy nhiên, do học sinh lớp 5 đang học về hình học nên dễ quên công thức ở phần này. “Khoảng 30-40% học sinh trong lớp quên kiến thức vì một phần các bé nghỉ dài” – thầy Sơn cho biết.
Hầu hết các giáo viên đều cho rằng việc học sinh quên bài hay kiến thức cũ sau quãng thời gian dài xa trường lớp là điều dễ hiểu. Điều này khiến các thầy cô phải nỗ lực hơn, nhưng cũng cần sự chung tay hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh khi ở nhà để các con sớm bắt nhịp với chương trình, tiến độ học tập.
Chuyên gia phân tích "thiệt - hơn" về chuyện cho học sinh học vượt lớp
Dự thảo thông tư cho học sinh tiểu học vượt lớp trong phạm vi cấp học đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, thủ tục xem xét đối với từng trường hợp được thực hiện theo 3 bước: Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Tuy nhiên, dự thảo thông tư này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về việc học sinh học vượt lớp.
"Tâm lý trẻ bị ảnh hưởng"
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (Nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, nếu đứa trẻ có đủ phẩm chất và năng lực để theo đuổi các lớp trên thì việc vượt cấp là hợp lý về khoa học.
" Tuy nhiên, điều thứ nhất là tâm lý trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do được đối xử vượt tuổi. Các vấn đề phát triển như sinh lý, tâm lý sẽ có ảnh hưởng lớn. Ví dụ: cả lớp học về giới tính, các giáo viên sẽ dạy đúng với lứa tuổi của các con. Nhưng các học sinh nhỏ tuổi hơn thì sẽ bị dạy sớm và vô hình trung là đẩy các con dậy thì sớm khi các con buộc phải quan tâm đến vấn đề chưa phù hợp với độ tuổi của mình.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện, liệu có để xảy ra tình trạng chạy chọt để con học vượt cấp, vượt lớp dẫn đến việc trẻ bị ép chín, ép phát triển sớm mà không đủ phẩm chất, năng lực.
Thứ ba, hiện tiểu học vẫn có sự đánh giá thiên lệch giữa các môn học. Khi chúng ta xét vượt cấp, vượt lớp, nếu các con đánh giá theo Toán và tiếng Việt thì sẽ đẩy tình trạng học lệch trở nên nghiêm trọng hơn dẫn đến việc thiếu hụt kiến thức kĩ năng. Bên cạnh đó, liệu chúng ta sẽ đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn nào để xét vượt cấp vượt lớp hay là lấy điểm số hàng năm?
Theo tôi mỗi đứa trẻ đều có những năng lực riêng, sự vượt trội ở năng lực này sẽ cảnh báo khả năng thiếu hụt ở năng lực khác. Nếu chỉ nhìn vào duy nhất 1 - 2 năng lực thì mới thấy sự vượt trội còn nếu nhìn tổng thể, con người hầu như luôn có những phần thiếu hụt, cần bổ sung.
Ngoài ra, nếu không có cơ chế tuyển lựa khắt khe, các phụ huynh sẽ ồ ạt đề nghị con học vượt cấp để đẩy nhanh tiến độ cho con theo đuổi chương trình học nước ngoài. Và tình trạng học thêm, dạy thêm sẽ nở rộ", bà Hương cho hay.
Nên xem xét vượt theo môn học
PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc học vốn dĩ phải phù hợp với năng lực, điều kiện của học sinh.
PGS Chu Cẩm Thơ.
"Trong một lớp học, một môn học sẽ có em nổi trội hơn hoặc chậm hơn so với những em khác. Khuyến khích các em được học một cách phù hợp là việc tốt, tôi ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, nên xem xét phạm vi không phải là "lớp" mà là "môn học". Có nghĩa là, các em có thể được "vượt lớp theo môn học" chứ không phải là một lớp học. Ví dụ, học sinh lớp 4 có thể học toán với lớp 5 nhưng vẫn học các môn học khác với lớp 4 bình thường.
Một học sinh có thể có năng lực vượt trội ở môn học/lĩnh vực này nhưng không vượt trội ở môn học khác. Bên cạnh đó, không nên hiểu "vượt trội" theo kiểu dạy trước chương trình, mà cần quan tâm đến năng lực tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của môn học trên khả năng đáp ứng của học sinh đó", bà Thơ cho hay.
Để thực hiện được điều này không hề dễ. Thứ nhất, nhà trường cần có bộ phận chuyên môn để đánh giá và tư vấn được "sự vượt trội" của các em. Thứ hai, nhà trường cần có cơ cấu lớp "trội". Thứ ba, đội ngũ nhân lực phải có đủ chuyên môn để dạy học phát triển năng lực cho các em chứ không phải "trội theo kiến thức, vượt trước chương trình".
Quy định học sinh có thể học vượt lớp đã áp dụng 10 năm
Nói về quy định học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định đã áp dụng 10 năm nay nhưng chưa được nhiều phụ huynh biết đến.
Trên thực tế có những học sinh phát triển sớm hơn, tình huống học sinh chuyển từ nước ngoài về, học sinh có năng lực vượt trội so với độ tuổi... đều có thể xin học vượt lớp. Tuy nhiên, đầu tiên phải xuất phát từ đề xuất, nguyện vọng của gia đình, sau đó nhà trường mới thành lập hội đồng đánh giá và đi đến quyết định.
Ts. Thái Văn Tài
Theo ông Tài, có thể vì đây là một trong những nội dung nhỏ của thông tư nên không phổ biến khiến phụ huynh không tiếp cận được thông tin nên không đề xuất việc học vượt lớp cho con.
Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học cho rằng, việc tiếp tục đưa nội dung học sinh tiểu học có năng lực vượt trội có thể học vượt lớp vào Điều lệ Trường tiểu học mới nhằm khẳng định cơ hội học tập đến từng cá nhân, đảm bảo không bỏ sót một đối tượng đặc biệt nào.
Trước ý kiến về quy định cho học sinh vượt lớp nhưng học sinh chỉ có thể nổi trội ở một vài lĩnh vực nào đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng, đây là chủ trương mà chương trình GDPT 2018 đã hướng tới, đó là việc thực hiện mô hình "lớp học linh hoạt", học theo nhu cầu của người học. Đây là mô hình lớp học mở, dạy và học theo nhu cầu, năng lực của học sinh. Do đó, trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, đánh giá để có những điều chỉnh phù hợp.
Ai giành quyền lưu ban của học sinh? Để chuyện lách luật không xảy ra trong việc học sinh bị cướp quyền lưu ban cần phải loại bỏ một số chỉ tiêu quy định như tỉ lệ lên lớp thẳng, phổ cập giáo... Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT và Dự thảo Điều lệ trường tiểu học đều quy định rõ quyền của học sinh: Học sinh tiểu học phải được quyền lưu ban...