Nghi án trường “ma” liên kết dạy ở Việt Nam: Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng
Nhiều phụ huynh đang lo lắng trước thông tin phản ánh trường George Washington International School (GWIS) liên kết dạy ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam từ nhiều năm, trong đó có Hà Nội, chỉ là trường “ma”, chiều 12/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trả lời báo chí về sự việc và “để ngỏ” một số câu hỏi.
Từ Mỹ trở về giải thích tư cách pháp lý
Theo phán ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí, Trường GWIS ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận… nhưng tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.
Nhiều trường phổ thông của Việt Nam cũng đang có chương trình hợp tác với trường này. Cụ thể tại Hà Nội, GWIS đang là đối tác trong chương trình “du học tại chỗ” của Trường phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2012 đến nay.
Trong đó, GWIS cung cấp giáo trình và giáo viên giảng dạy ba môn tiếng Anh, Toán và Khoa học bằng tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12. Theo như thông tin trên website của Trường Phổ thông Quốc tế Newton – đối tác nổi bật nhất của GWIS tại Việt Nam, học sinh theo học hệ này sẽ được cấp bằng tốt nghiệp PTTH của GWIS “được các trường đại học tại Mỹ công nhận”.
Ông Phillip Nguyen từ Mỹ trở về trao đổi với phụ huynh học sinh Trường Newton (Ảnh: T. Hùng)
Sau khi báo chí phản ánh về việc trường này ở Mỹ chưa được công nhận, địa chỉ trên website chỉ là một trung tâm cho thuê để hoạt động nghệ thuật, ngày 10/4, Trường Newton đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa phụ huynh và một số báo chí, công bố đại diện pháp nhân của trường GWIS từ Mỹ trở về Việt Nam để làm sáng tỏ sự việc.
Trong buổi gặp gỡ này, ông Phillip Nguyen, được cho là Chủ tịch và là người sáng lập GWIS vừa từ Mỹ trở về và đã cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh trường đủ tư cách pháp nhân.
“Trường được thành lập tại Bang Florida năm 2011. Để thành lập được trường, chúng tôi phải có đề án, có trình nhân sự và hàng năm phải báo cáo lên Bộ Giáo dục Mỹ và bang Florida. Thời điểm đó, chúng tôi có khoảng 200 học sinh.
Khi dời về California vào năm 2017, chúng tôi tiếp tục phải làm lại quy trình thành lập trường như ban đầu vì yêu cầu của mỗi bang là khác nhau. Khi di chuyển, học sinh của chúng tôi cũng không thể dời về do khoảng cách về địa lý”, ông Phillip Nguyen cho biết.
Cùng với đó, ông Phillip Nguyen đã cung cấp bản gốc bộ hồ sơ giấy tờ thành lập trường vào năm 2011, khi còn ở bang Florida.
Ông cũng khẳng định, trước khi gặp gỡ phụ huynh ở trường, ông đã đến Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để làm việc với Đại sứ quán Mỹ và đã được Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của 6 tấm bằng tốt nghiệp THPT do Trường George Washington International School cấp cho những học sinh học chương trình GWIS tại Trường Newton những năm trước.
Sở GD&ĐT Hà Nội nói làm đúng quy trình
Để rộng đường dư luận, chiều 12/4, bà Bùi Thị Minh Nga – Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội), đã trả lời báo chí về sự việc.
Video đang HOT
Cụ thể, theo các giấy tờ mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, Trường GWIS được thành lập ngày 8/8/2011, tại bang Florida với mã số nhà trường là P11000070598. Ngày 12/8/2011, trường được Cục Giáo dục của bang Florida đã công nhận là một trường tư thục, với mã trường là 6137. Ở phiếu này công nhận nhà trường đang hoạt động và ghi danh vào danh bạ các trường tư thục ở đây.
Từ tháng 8/2011, trường được công nhận là thành viên hội đồng kiểm định vùng Florida và nhà trường luôn có báo cáo hoạt động trong 3 năm liên tục gần nhất cho Cục Giáo dục bang Florida theo quy định.
Ngày 6/6/2017, Cục Giáo dục bang Florida công nhận trường đã hoàn tất các thủ tục pháp lý của một trường tư thục tại địa chỉ 11255 Central Ave, Ontario, tiểu bang California.
Bà Bùi Thị Minh Nga – Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội), đã trả lời báo chí về sự việc. (Ảnh: Mỹ Hà)
Về quy trình cấp phép cho một cơ sở giáo dục liên kết đào tạo với một đơn vị nước ngoài, theo bà Nga, trước hết cần phải lập đề án thực hiện thí điểm chương trình mà cơ sở lựa chọn liên kết. Trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, các năng lực đào tạo, khung chương trình chi tiết, phân phối chương trình, mẫu văn bằng chứng chỉ (nếu có) và báo cáo về đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình liên kết, cùng cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng với chương trình.
Sau đó, cung cấp hồ sơ pháp lý của đơn vị đối tác bao gồm: Giấy chứng nhận thành lập và hoạt động, giấy xác nhận tình trạng hoạt động của đối tác, xác nhận kiểm định của giáo dục vùng, tiểu bang, nước…; hồ sơ nhân sự của Hiệu trưởng và các hồ sơ pháp lý của giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình đó theo đúng yêu cầu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động, bằng cấp, hộ chiếu, visa…
Sau khi đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT và chờ Bộ thẩm định, có công văn cho phép trường này được thực hiện chương trình liên kết ra sao. Chưa dừng lại ở đó, Sở GD&ĐT tiếp tục làm tờ trình, gửi đến UBND thành phố Hà Nội để cho phép thực hiện chương trình ở trường đó. Quy trình này, theo bà Nga, rất vất vả và mất thời gian.
Và đến ngày 29/10/2012, Bộ GD&ĐT có công văn số 7212, đồng ý cho Trường Newton lựa chọn các môn trong chương trình giáo dục của Hoa Kỳ để cho học sinh có nhu cầu thi lấy bằng hợp lệ. Cùng với việc hồ sơ trên đây được hợp thức hóa lãnh sự từ Đại sứ quán Mỹ, việc hợp tác giữa Newton và GWIS đã được chấp nhận.
“Như vậy, về quy trình và các giấy tờ hợp lệ, Sở GD&ĐT đã làm đúng quy trình khi đồng ý cho Trường Newton triển khai hợp tác”, bà Nga cho biết.
Một số câu hỏi của phóng viên tại buổi gặp mặt báo chí chiều 12/4 tại Sở GD&ĐT Hà Nội được cho biết sẽ tìm hiểu thêm
Bỏ ngỏ một số câu hỏi
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, có thông tin GWIS không có mặt trong bất cứ danh sách trường học được xác nhận tín nhiệm nào của cả ba tổ chức uy tín tại tiểu bang Florida.
Chứng chỉ xác nhận tín nhiệm duy nhất của GWIS tìm thấy được đăng tải trên trang web của Trường trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á – một đối tác của GWIS tại Việt Nam. Chứng chỉ này được cấp tháng 8 năm 2011 bởi tổ chức có tên Công ty Hội đồng Xác nhận Tín nhiệm Khu vực Florida (FRACC).
Tuy nhiên, Sở Tư pháp tiểu bang Florida đã điều tra và phát hiện FRACC có hành vi gian lận trong việc cung cấp dịch vụ xác nhận tín nhiệm các trường học cũng như không đặt ra tiêu chuẩn hợp lý trong thẩm định chất lượng giáo dục. Bởi lý do này, FRACC đã bị buộc phải giải thể vào năm 2012 và buộc phải trả chi phí điều tra cho Sở tư pháp.
Trước câu hỏi tiếp theo của phóng viên về việc, Trường GWIS có giấy kiểm định chất lượng tại Mỹ hay chưa, bà Nga chưa cung cấp được giấy này cho phóng viên tại buổi họp báo.
Bà Nga cho biết: “Nếu có thông tin nào nữa về nhà trường cần phải điều tra thêm, chúng tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội để tiếp tục tìm hiểu, trong đó báo chí cũng là một kênh thông tin”.
Về tính chất pháp lý của cơ sở mới có tồn tại ở bang California như ông Phillip Nguyen cung cấp hay không, bà Nga cho hay: “Tại buổi làm việc của ông Phillip Nguyen với Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi vắng mặt vì đi công tác nên tôi không được biết”.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Đổi mới tuyển sinh đầu cấp: Bước đột phá của giáo dục Thủ đô
Tuyển sinh đầu cấp tại các thành phố lớn luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Năm nay, ngoài việc giữ vững phương thức tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những bổ sung mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 6.
Đặc biệt việc công bố sớm phương án tuyển lớp sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 sẽ là bước chuẩn bị dài hơi cho công tác tuyển sinh trong các năm tới của giáo dục Thủ đô.
Mở cơ chế riêng cho trường "đặc thù"
Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý và Kiểm định Chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018 - 2019 của thành phố Hà Nội tiếp tục giữ ổn định về phương thức tuyển sinh. Việc thực hiện phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định.
Có hai hình thức tuyển sinh được Sở GD&ĐT triển khai trong những năm gần đây và tiếp tục thực hiện trong năm 2018 này: Trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ ngày 4 - 6/7; vào lớp 1 diễn ra từ ngày 1 - 3/7; vào lớp 6 từ ngày 7 - 9/7. Đối với hình thức trực tuyến, sẽ diễn ra từ ngày 13 - 18/7.
Đối với 3 cấp học nói trên, có thể nói tuyển sinh vào lớp 6 là có nhiều điểm mới được bổ sung nhất. Ông Phạm Quốc Toản phân tích: Năm học 2018 - 2019, các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án "Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge được tiến hành tại 7 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phương thức tuyển sinh sẽ thực hiện theo phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực. HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Trong đó, bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Tiếng Anh sẽ gồm 2 phần: Phần viết thời gian làm bài là 45 phút; phần nghe thời gian làm bài là 30 phút. Đối với bài kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán bằng tiếng Anh theo chuẩn IGCSE, có thời gian làm bài là 60 phút. Theo kế hoạch đã công bố, kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ thực hiện vào ngày 20/6; còn công tác tuyển sinh sẽ triển khai từ ngày 28 - 30/6.
Các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu (trường chất lượng cao, trường ngoài công lập) sẽ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh (trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh) và báo cáo với Phòng GD&ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra (bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội, Tiếng Việt và Tiếng Anh). Nội dung kiểm tra thuộc chương trình GD tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Thời gian làm bài 60 phút/bài kiểm tra. Thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực chia là 2 đợt; đợt 1 vào ngày 29/6, đợt 2 vào ngày 30/6. Công tác tuyển sinh triển khai từ từ ngày 10 - 12/7.
"Đầu vào" lớp 10 vẫn "nóng"
Cũng như đối với các cấp học khác, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2018 - 2019 cơ bản vẫn giữ ổn định so với năm học trước: Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Tuy nhiên, cũng có điểm mới: Bổ sung thêm trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh 2 lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level). Như vậy theo kế hoạch năm học 2018 - 2019, thành phố có 2 trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài là Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Có thể nói, tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh, có lẽ "độ nóng" chỉ thua Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm. Năm 2019 - 2020, phương thức tuyển sinh chính vẫn là thi tuyển. Theo đó, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thi 3 bài, gồm: Hai bài thi độc lập (Toán và Ngữ văn); một bài thi tổ hợp. Dự kiến vào cuối tháng 3, Sở GD&ĐT sẽ công bố cụ thể bài thi tổ hợp với sự lựa chọn Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).
Về hình thức thi, đại diện Phòng Quản lý và Kiểm định Chất lượng cho biết đối với các bài thi Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Sẽ có nhiều mã đề thi trong một phòng thi, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN).
Kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
Nói thêm về công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT của thành phố, ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh: Tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Chỉ xét tuyển đối với HS có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm Quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, không có bài thi bị điểm 0 (không).
Bày tỏ quan điềm về sự đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp của ngành GD Thủ đô, TS Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng (Hà Nội) cho rằng: Đây là cách thức thi rất khoa học, cho thấy sự đột phá của ngành GD. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn còn hai môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch. Cách đánh giá bằng cách thức trắc nghiệm khách quan của các môn thi còn lại trong tổ hợp hoàn toàn không gây nặng nề cho các em khi làm bài thi. Nếu Sở GD&ĐT Hà Nội công bố được đề thi minh họa sẽ giải tỏa được sức ép tâm lý cho học sinh, phụ huynh.
Giải đáp về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - nhấn mạnh: Thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình dạy và học và cũng xuất phát từ mong muốn HS Hà Nội có sự cập nhật kiến thức trong kiểm tra đánh giá; điều đó cũng đòi hỏi các em phải học đều, nắm chắc tất cả các môn.
Lý do chọn đan xen các môn tự nhiên và xã hội ở hai tổ hợp là bởi việc thi tuyển vào lớp 10 THPT không có các trường theo phân ban, đồng thời HS học THCS vẫn đang học theo yêu cầu toàn diện. Do đó cần có sự đan xen giữa các môn trong tổ hợp để giúp các em có sự khách quan trong quá trình thi.
Chúng tôi đảm bảo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay của Hà Nội sẽ không có sự đánh đố thí sinh. Hai môn Toán và Văn vẫn có vai trò chủ đạo như trước. Tuy nhiên, sẽ có định hướng thêm trong cách chống dạy thêm, học thêm là áp dụng ma trận đề và yêu cầu mức độ đề thi phù hợp hơn để đánh giá đúng năng lực HS.
TS Chử Xuân Dũng
Minh Châu
Theo giaoducthoidai.vn
Thi đánh giá năng lực vào lớp 6: Tránh hàng loạt hồ sơ giống nhau Chiều 10/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức họp thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 - 2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019 - 2020. Theo một số lãnh đạo Trường THCS trên địa bàn Hà Nội, hiện tại nhà trường đã lên phương án tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài...