Nghi án thao túng mã FTM: Lộ ra những dấu hỏi
Diễn biến giao dịch bất thường của cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân ( Fortex, mã chứng khoán FTM – HOSE) nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đại chúng. “Lời qua, tiếng lại” của các bên liên quan đã được các phương tiện truyền thông đăng tải và từ đây cũng bộc lộ ra nhiều dấu hỏi về ranh giới pháp lý và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Câu hỏi thứ nhất: Công ty chứng khoán có vi phạm bảo mật thông tin?
Trước nghi vấn cổ phiếu FTM bị thao túng, ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị FTM khẳng định, ông không có hoạt động nào liên quan đến làm giá chứng khoán hay tác động đến giá cổ phiếu.
Ông Thường cho rằng, có một công ty đứng đằng sau vụ việc này, ông đã nhờ người trích xuất giao dịch hàng ngày…
Trong khi đó, theo quy định tại iều 57, Luật Chứng khoán năm 2006, “Trung tâm lưu ký và thành viên lưu ký có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của khách hàng, từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng, ngoại trừ khách hàng của Trung tâm lưu ký chứng khoán hoặc thành viên lưu ký muốn biết thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của chính họ”.
Nếu ông Thường “nhờ được người trích xuất giao dịch hàng ngày” đúng như ông nói thì câu hỏi đặt ra là tại sao ông Thường lại có được thông tin giao dịch của các bên khác?
Ai, tổ chức nào cung cấp các thông tin đó? Quan hệ của ông Thường và cá nhân/tổ chức cung cấp thông tin cũng như mục đích của họ khi cung cấp thông tin đó là gì?
Thông tin báo chí cũng cho biết, “các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê, hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo, để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM”.
Nội dung này tương đương với việc các công ty chứng khoán bị thiệt hại trong vụ FTM đã đem thông tin giao dịch của khách hàng tiết lộ cho bên khác, nhằm mục đích đối chiếu, kiểm chứng…
Lẽ thường, khi bị thiệt hại thì con người có tâm lý co cụm và tìm người bị hại như mình để liên kết.
Hành động nhóm họp của các công ty chứng khoán là điều dễ hiểu, nhưng tiết lộ thông tin giao dịch của khách hàng có thể vi phạm pháp luật về bảo mật thông tin theo quy định tại iều 57, Luật Chứng khoán năm 2006.
Cụ thể, công ty chứng khoán có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến sở hữu của khách hàng; từ chối việc phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản, trích lục, sao chép thông tin sở hữu chứng khoán của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng (trừ một số trường hợp như theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Câu hỏi thứ hai: Ai có quyền “lôi” doanh nghiệp ra nhận trách nhiệm thay cổ đông lớn?
Trả lời câu hỏi của báo chí về biện pháp giải quyết vụ FTM như thế nào, ông Thường cho hay, Công ty sẽ xem xét việc đứng ra đại diện cho nhóm cổ đông liên quan.
Video đang HOT
Ông Thường không phải là lãnh đạo FTM, mà chỉ là cổ đông lớn, vì vậy cầu trả lời có vẻ khá tùy tiện. Doanh nghiệp là một pháp nhân độc lập, có tiếng nói, quyền và trách nhiệm riêng.
Lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn không thể tùy tiện “lôi” doanh nghiệp ra nhận trách nhiệm cho mình hoặc bên thứ ba. Trước pháp luật, tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng.
Ai làm người đấy chịu, không thể lấy doanh nghiệp ra để đại diện cho nhóm cổ đông liên quan. Việc làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp và các cổ đông khác.
Chính lối tư duy đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp doanh nghiệp bị rút ruột bởi lãnh đạo, cổ đông lớn tẩu tán tài sản của doanh nghiệp cho công ty “sân sau” nhằm tư lợi. Dường như quy chế quản trị doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi, tư duy này.
Câu hỏi thứ ba: Vai trò của các cơ quan quản lý, giám sát thị trường ở đâu?
Trong thời gian từ 4/3/2019 cho đến trước khi giá cổ phiếu FTM rơi tự do 14/8/2019, phải chăng các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát TTCK không nhận nhận thấy các dấu hiệu giao dịch bất thường ở mã này?
Nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, tại sao không cảnh báo giao dịch bất thường, giao dịch đáng nghi ngờ?
Trước đây, nhiều trường hợp cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường, sau đó bị phát hiện có hành vi thao túng chứng khoán và bị xử phạt, nhưng nhà đầu tư chưa từng được nhận thông tin cảnh báo sớm từ phía cơ quan quản lý.
Thực tế này có phải vì Luật Chứng khoán không có quy định chi tiết về thời hạn phải công bố thông tin giám sát thị trường, thông tin cảnh báo cho thị trường, hay nhân lực của các cơ quan giám sát quá mỏng nên không bao quát được hết diễn biến thị trường?
Thực tế, có những vụ vi phạm giao dịch chứng khoán hàng năm sau mới thấy quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong khi đó, Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cũng không quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà quản lý; phần công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán liên quan đến nghi ngờ giao dịch bất thường trên thị trường cũng… không có trong thông tư.
Nếu luật hở thì cần sửa Luật cho chuẩn mực, vì điều nhà đầu tư đại chúng cần nhất là thị trường phải minh bạch, công bằng, các chủ thể trên TTCK, kể cả nhà quản lý, cần phải được giám sát mạnh mẽ tính liêm chính trong mọi hoạt động.
Nghi án thao túng giá tại FTM là câu chuyện chưa có hồi kết, nhưng cũng để lộ ra những dấu hỏi lớn hơn về trách nhiệm giám sát và chế tài cho các vi phạm trên TTCK Việt Nam.
Minh Ngọc
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Cổ đông lớn của FTM là ai?
Phiên 27/9, cổ phiếu FTM tím trần, chấm dứt chuỗi ngày triền miên lau sàn từ 15/8-26/9.
Trên thị trường, nhà đầu tư ghi nhận thông tin về Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản miền Trung (SPD) nơi ông Lê Mạnh Thường là Chủ tịch HĐQT, đăng ký bán 0,8% cổ phần LHG (Công ty ông Thường là Phó chủ tịch HĐQT). Với giá hiện tại, số tiền thu về có thể tối thiểu 35 tỷ đồng.
Một số dự báo cho rằng, đây là một trong các động thái nhóm cổ đông lớn tại FTM lo nguồn tài chính để xử lý cho vụ việc liên quan đến giao dịch ký quỹ (margin) cổ phiếu FTM tại các công ty chứng khoán.
Dự báo chỉ là dự báo, chưa phải là thông tin chính thống về việc xử lý khoản tiền cổ đông vay margin, cầm cố bằng mã chứng khoán FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Trong một diễn biến khác, một cuộc gặp gỡ giữa đại diện các công ty chứng khoán và luật sư đại diện các cổ đông lớn FTM đã diễn ra tại Hà Nội, nhưng các bên chưa chốt được nghĩa vụ nợ nần.
Liên quan đến nghi vấn mã FTM bị làm giá mà báo chí đăng tải, vấn đề cốt yếu trong vụ việc này là câu hỏi: những cá nhân có tài khoản đang vay nợ margin có thực là cổ đông lớn của FTM hay họ chỉ là người đóng thế, đóng thay cho ông chủ đích thực là ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch HĐQT FTM? Tìm được câu trả lời, vụ việc sẽ sáng tỏ hơn rất nhiều.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về vụ việc, có một chi tiết rất đáng quan tâm, là phần lớn 60% cổ phiếu FTM nằm trong tay dưới 10 cổ đông cá nhân, là các cán bộ, công nhân viên đã hoặc đang làm việc tại FTM.
Theo ông Thường, số cổ phiếu này họ được mua theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Công ty đã có 3 chương trình ESOP dành cho tất cả cán bộ, công nhân viên. Một số người cũng ủy quyền cho nhau để tham gia giao dịch.
Tuy nhiên, xem lại hồ sơ tăng vốn của doanh nghiệp từ lúc niêm yết đến nay, FTM chưa có lần phát hành ESOP nào. Thời điểm cuối năm 2018, những cổ đông lớn này cũng chưa xuất hiện.
Trong lịch sử hình thành của FTM, từ mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng ban đầu, FTM có 3 lần tăng vốn lên 80 tỷ đồng (thay đổi cơ cấu góp vốn các cổ đông sáng lập và góp bằng tiền), tương tự cho lần tăng vốn lên 150 tỷ đồng vào năm 2012.
Cơ cấu cổ đông của FTM lúc này là các cổ đông sáng lập gồm ông Thường chiếm 80% vốn điều lệ, ông Phạm Thành Đồng và ông Phạm Ngọc Toàn nắm giữ 20% vốn điều lệ.
Cho đến năm 2015, vốn điều lệ FTM tăng lên 500 tỷ đồng (có 2 đợt góp: 150 tỷ đồng bằng tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường, đợt 2: góp bằng tiền 28,8 tỷ đồng và tài sản 41,2 tỷ đồng).
Với quá trình tăng vốn này, không thấy xuất hiện đợt tăng vốn do phát hành ESOP nào.
Tại thời điểm 28/11/2016, theo bản cáo bạch FTM, lúc này, cơ cấu cổ đông của FTM bắt đầu thay đổi. Cổ đông sáng lập là ông Thường đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống 24%, ông Đông và ông Toàn chỉ còn 0,06%.
Theo đó, Công ty có các cổ đông lớn gồm ông Thường, bà Thuỳ Anh (21,53% vốn), ông Phạm Đình 4,3 triệu cổ phiếu, nắm 8,62% vốn), ông Nguyễn Duy Chiến 5,5% vốn. Ngày 6/2/2017, FTM chính thức giao dịch trên HOSE.
Đến cuối năm 2018, cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn FTM trở lên chỉ có ông Lê Mạnh Thường, sở hữu 5,1 triệu cổ phần, tương ứng 10,2% vốn; bà Lê Thuỳ Anh, con gái ông Thường, sở hữu 10.766.500 cổ phần, tương ứng 21,53% vốn. Tổng cộng của hai cổ đông này là 31,73% vốn; còn lại là các cổ đông (dưới 5%) nắm 68,37% vốn FTM.
Trong giai đoạn từ 2015-2018, FTM không tăng vốn điều lệ, tức không có thêm bất cứ đợt phát hành nào.
Nếu chỉ dựa vào cơ cấu cổ đông này, về lý mà nói, cổ phiếu FTM không cô đặc, tỷ lệ cổ phiếu có khả năng chuyển nhượng khá tốt.
Trong khi đó, bức tranh về giao dịch mã này như sau: thanh khoản của FTM không sôi động từ khi niêm yết; sự sôi động chỉ diễn ra khi các cổ đông nội bộ đồng loạt bán ra cổ phiếu và căn cứ trên cơ cấu cổ đông năm 2018 (dựa vào báo cáo thường niên) có thể thấy sự xuất hiện các cổ đông lớn, mới tinh, chỉ từ đầu năm 2019 đến nay.
Thông tin mà Báo Đầu tư Chứng khoán tìm hiểu được, 9 cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu FTM bao gồm, cổ đông Bùi Năng Luân, số cổ phiếu ký quỹ 1,2 triệu đơn vị; cổ đông Lâm Văn Định, mở 7 tài khoản ở các công ty chứng khoán, tổng số cổ phiếu ký quỹ là 5,397 triệu đơn vị;
Lê Quốc Quân mở 5 tài khoản, tổng số cổ phiếu ký quỹ 7,14 triệu đơn vị; Nguyễn Chí Cường mở 6 tài khoản, tổng số cổ phiếu ký quỹ là 6,25 triệu đơn vị; Nguyễn Duy Chiến;
Nguyễn Mạnh Tùng dùng 2 tài khoản giao dịch, số cổ phiếu ký quỹ là 2,395 triệu đơn vị; cổ đông Nguyễn Thanh Hà có 4 tài khoản, tổng số cổ phiếu ký quỹ 2,58 triệu đơn vị; Nguyễn Thị Ngọc Huyền có 2 tài khoản, ký quỹ 1,123 triệu cổ phiếu;
Phạm Đình Giá có 3 tài khoản với 2,6 triệu cổ phiếu ký quỹ; Phạm Đức Tâm 2 tài khoản với 1,63 triệu cổ phiếu và Phạm Thị Thu Lộc 3 tài khoản với 143.000 cổ phiếu ký quỹ.
Tổng cộng hơn 30,553 triệu cổ phiếu được mang ra ký quỹ, chiếm đến 61% vốn FTM.
Một số nguồn tin cho biết, gần như toàn bộ 28 tài khoản chứng khoán của 9 cá nhân nêu trên đều được mở qua sự môi giới của các nhân viên và cộng tác viên của Công ty cổ phần SMD Holdings, những người này trực tiếp giới thiệu 9 cá nhân nêu trên mở tài khoản tại các công ty chứng khoán.
Công ty này vừa là đơn vị giới thiệu mở tài khoản cho các cổ đông FTM, vừa là bên có tham gia đặt lệnh trên các tài khoản của cổ đông FTM.
Với các thông tin trên, nhiều ý kiến trên thị trường cho rằng, việc xác định nguồn gốc cổ phiếu của các tài khoản trên sẽ là vấn đề mấu chốt để nhận ra ai là chủ nhân - cổ đông lớn thực sự của FTM.
Từ đó, sẽ hé mở sự thật về việc có hay không chuyện các cổ đông của cùng 1 doanh nghiệp trục lợi tài sản thông qua hoạt động cho vay margin của công ty chứng khoán.
Phan Hằng
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
FTM: Rủi ro hiển hiện trong báo cáo tài chính Nhìn lại báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (FTM) cho thấy, chất lượng tài sản kém khiến khả năng giá cổ phiếu phục hồi sau khi mất hơn 83% thị giá trở nên rất mong manh. Chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 6/2/2017 với giá...