Nghi án ‘chạy’ trường đại học giá 120 triệu đồng
Đường dây của Trung được cho là giả mạo giảng viên mời chào những người muốn “chạy” cho con vào các trường đại học ở TP HCM với giá 120 triệu đồng.
Theo điều tra, gần đây trên địa bàn thành phố Biên Hoà có một nhóm người khoe khả năng “chạy” vào đại học mà không cần phải thi tuyển. Giá cho mỗi phi vụ là 120 triệu đồng. Nếu có “khách”, nhóm người này sẽ hẹn gặp để thoả thuận. Sau khi khoe khoang về các mối “quan hệ rộng” trong lĩnh vực giáo dục, họ yêu cầu phải đặt cọc 60 triệu đồng, 3 ngày sau sẽ có giấy báo trúng tuyển.
Tối 10/9, Công an phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) đã bắt quả tang Nguyễn Thanh Phương (32 tuổi) và Lê Quang Trung (30 tuổi, ngụ Bình Thuận) nhận tiền từ một người đàn ông muốn con vào đại học. Do ông này không có đủ 60 triệu đồng đặt cọc, cặp đôi đồng ý nhận trước 5 triệu. Tiền vừa trao tay thì công an ập vào.
Cảnh sát còn phát hiện trong laptop của Trung có nhiều dữ liệu thể hiện anh ta “thầu” cá độ bóng đá qua mạng Internet, một quyển sổ được cho là ghi lại những vụ lo lót vào Đại học Luật, Y Dược, Kinh tế, Dầu khí… cho hàng chục người với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Công an Biên Hoà đang làm rõ vụ án.
Theo VNE
'Dài cổ' chờ mua thuốc ở bệnh viện
Gần xế chiều, các nhà thuốc tại các bệnh viện ở TP HCM vẫn đông nghịt bệnh nhân chờ đợi. Nhiều người ở tỉnh xa trót hẹn xe đến đón buộc phải dời lại giờ, số khác ngại mất thời gian đã chấp nhận ra ngoài mua.
Nguyên nhân gây quá tải nhà thuốc là do quá tải tải bệnh viện dẫn đến người mua thuốc nhiều. Trong khi đó mỗi bệnh viện chỉ có một nhà thuốc.
Video đang HOT
Cảnh bệnh nhân ngồi chờ thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Thiên Chương
Nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, dù không phải là ngày đầu tuần, lượng bệnh nhân đến khám không quá đông, nhưng đến gần 11h vẫn ngập người ngồi đợi.
Khu vực cấp thuốc bảo hiểm y tế, có khoảng 100 người ngồi chờ đến lượt. Khu bán thuốc cạnh đó cũng đông người chờ. Cảnh chờ đợi mua thuốc kéo dài gần đến xế chiều mới ngơi dần
Chị Nguyễn Thúy Hoa, nhà ở phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết mỗi lần chị đến khám và mua thuốc, nhanh mấy cũng phải mất khoảng nửa giờ đồng hồ.
"Nhân viên nhà thuốc của bệnh viện phục vụ liên tay, nhưng do bệnh viện chỉ có một nhà thuốc nên đành phải chịu. Tôi đã tránh các ngày đầu tuần vị sợ mất thời gian nhưng rồi cũng phải đợi", chị Hoa nói.
Trưa 27/7, cảnh tượng cũng xảy tương tự tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Đông nhất là 9h sáng, bệnh nhân sau khi được bác sĩ khám kê toa liền đổ đến "vây" lấy nhà thuốc trong viện.
Để ổn định trật tự, nhóm bảo vệ phân công hẳn một người đứng hướng dẫn bệnh nhân mua thuốc ngay trước quầy. Các khâu còn lại từ nhận toa, nhập số liệu, lấy thuốc, giao thuốc đều được thực hiện khá lưu loát, nhưng những người đến sau đành phải chịu cảnh chờ.
Cảnh chờ mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Ảnh: Thiên Chương
Mang chân băng bó ngồi đợi thuốc, anh Hải nhà ở Đồng Nai cho biết, đây là lần thứ hai anh đến bệnh viện này và lần nào cũng phải đợi mua thuốc. "Lần trước tôi chờ đến gần một tiếng đồng hồ mới đến lượt", anh Hải nói.
Theo các nhân viên bảo vệ của bệnh viện, dù có hai nhà thuốc, một phục vụ ngoại trú, một cho bệnh nhân bảo hiểm và nội trú nhưng cảnh chờ đợi không còn lạ.
Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cũng thế, hai nhà thuốc hoạt động cật lực vẫn không giải quyết được tình trạng chờ. Điều này dễ hiểu bởi lượng bệnh nhân đến khám tại đây lên đến vài nghìn người mỗi ngày. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dù qui trình bán thuốc đã được số hóa nhưng người bệnh vẫn phải chờ đợi lâu vào giờ cao điểm.
"Tôi thấy các nhân viên của bệnh viện đã làm việc hết công sức. Nhưng tại bệnh nhân quá đông nên đành phải chờ. Lần khám trước tôi đợi lâu nên ra ngoài mua thì thuốc thì bị đắt tiền hơn cả trăm nghìn một toa, nên lần này cố đợi", anh Thắng nhà ở Vĩnh Long nói.
Vất vả hơn cả là tại các bệnh viện nhi, nơi mà bệnh nhân vốn nhỏ tuổi và phụ huynh phải vừa bế con vừa chờ đợi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cảnh chờ thường xảy ra nhất từ 9h sáng đến giữa trưa. Những ngày đầu tuần, cảnh chen nhau có khi kéo dài đến xế chiều.
Quá tải nhà thuốc khiến nhân viên làm việc tại khâu này phải chịu vất vả hơn so với các đồng nghiệp. Cụ thể tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chuyện dược sĩ, dược trung phải làm việc đến 19h không còn lạ. "Làm sao về được khi bệnh nhân vẫn còn chờ thuốc", một dược sĩ cho biết.
Quá tải nhà thuốc là một phần của quá tải bệnh viện. Ảnh: Thiên Chương
Trao đổi với VnExpress.net, hầu hết các giám đốc bệnh viện lớn, vốn có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh đến khám đều thừa nhận chuyện quá tải bệnh viện dẫn đến quá tải ở nhà thuốc đã tồn tại từ nhiều năm nay. Cách duy nhất là mở thêm nhà thuốc, tuy nhiên việc làm này hiện rất khó.
Muốn mở thêm nhà thuốc, theo thông tư của Bộ Y tế ban hành năm 2011, nhà thuốc mới phải đạt chuẩn thực hành nhà thuốc tốt và do một dược sĩ khác nhà thuốc trước đó đứng tên. Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng bệnh viện công không phải là doanh nghiệp nên việc xin giấy đăng ký kinh doanh là không thể.
Để giảm cảnh chờ đợi, một số bệnh viện đã nghĩ ra cách mở thêm "vệ tinh" cho nhà thuốc chính ở trong khuôn viên. Cách làm này giúp bệnh nhân bớt chờ đợi, tuy nhiên mới đây, việc này bị cơ quan quản lý dược cho là phạm luật bởi một dược sĩ chỉ được phép đứng tên cho một nhà thuốc, nhà thuốc được đặt tại một vị trí và dược dĩ phải có mặt tại nhà thuốc để tư vấn cho người mua.
Ngay cả khi Sở Kế hoạch đầu tư chịu cấp giấy phép kinh doanh cho bệnh viện, thì chuyện tìm dược sĩ trực chiến tại nhà thuốc cũng là bài toán nan giải.
"Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nhưng rất ít dược sĩ trẻ chịu về bệnh viện. Hầu hết họ đến các doanh nghiệp dược vì thu nhập cao hơn, chính vì thế bệnh viện nào cũng khan hiếm dược sĩ. Để dược sĩ có mặt tại nhà thuốc trong thực trạng thiếu nhân sự là một chuyện khó đối với bệnh viện", tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.
Theo VNE