“Nghi án” 21 thanh niên bị lừa bóc lột sức lao động
Nghe theo một “cò” môi giới lao động đi hái cà phê thuê với lương cao, 21 thanh niên dân tộc Bahnar đã đồng ý đi làm. Sau đó một số thanh niên đã trốn chạy vì bị bóc lột sức lao động, 15 thanh niên còn lại bặt vô âm tín.
Trong khi dân làng đang nhộn nhịp phơi nông sản, ông A Sun (SN 1970, làng Kon Hra Kơ Tu, xã Chư H’Dreng, TP Kon Tum, Kon Tum) vẫn nằm bất động dưới nền nhà. Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, ông liền ngồi dậy. Mắt đỏ hoe, ông Sun kể, cách đây khoảng hơn 10 ngày, con trai thứ 2 của ông là A Siu (SN 1996) được ông Blưn trong làng giới thiệu đi làm thuê hái cà phê ở Đăk Lăk với lương cao (3,5 triệu đồng/tháng).
Thấy con chưa bao giờ đi xa, tiếng Kinh lại chưa thông thạo nên ông Sun không cho con đi. Nhưng do muốn kiếm tiền giúp các em mình ăn học nên Sun đã nhất quyết đi. Từ khi con trai được người ta đưa đi làm thuê đến bây giờ gia đình ông Sun không hề biết tin tức của con, trong khi một số thanh niên trong làng đi cùng chuyến xe với Siu trở về trong sợ hãi vì phải trốn chạy, khiến gia đình ông Sun càng thêm lo lắng.
“Nghe người ta nói đi hái cà phê nên mình tưởng làm đàng hoàng, mình không muốn cho con đi nhưng nó muốn có tiền nhiều hơn nó mới đi. Từ lúc đi đến giờ gia đình mình chưa liên lạc được với con, không biết con mình sống chết như thế nào. Mình buồn và lo cho con lắm, mình không muốn làm gì”, ông Sun buồn bã nói.
Ông A Sun lo lắng về sự “mất tích” của con trai đi làm thuê
Cùng chung chuyến xe đi làm thuê với Siu, em Y Giang (SN 1998, trú cùng làng) kể lại, 10h sáng ngày 1/11, Giang cùng 20 thanh niên trong xã Chư H’Dreng và Đắk Rơ Wa lên xe đi hái cà phê thuê. Khoảng 2h sáng ngày 2/11, xe chở Giang và mọi người dừng ở một công ty trên địa bàn TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Tại đây, 21 thanh niên được ngủ một lúc, sau đó, nhóm thanh niên này bị chia năm xẻ bảy, không ai biết ai bị dẫn đi đâu. Riêng Giang và Y Te (SN 1995, cùng làng) bị đưa vào một nơi chế biến trái cây.
Tại đây, cả Giang và Te đều bị bắt gọt trái cây từ 5h sáng đến 12h đêm mới được nghỉ. Ngoài bị bóc lột sức lao động, 2 cô bé còn bị bỏ đói. Làm được chừng 3 ngày, không chịu được khổ, 2 cô bé đều chạy trốn trong đêm tối với số tiền trong người được vài chục nghìn. Giang sau đó đã gọi điện cho chị gái lấy chồng bên Đăk Lăk mang tiền sang đưa về.
Ông A Mook – bố của Y Te và A Mưng (SN 1998) kể, cả 2 con ông đều bị lừa đi lao động. Y Te trốn được về sớm, còn A Mưng bị đưa đi hái cà phê làm rất vất vả, từ 6h sáng đến 22h đêm mới được nghỉ. Không chịu đựng được sự bóc lột này, Mưng đã gọi điện cho gia đình mang tiền sang chuộc để về lại quê.
Video đang HOT
Y Giang (bên trái) kể về chuyến đi làm xa nhà đầu tiên bị lừa của mình
A Mưng và những thanh niên trốn được về cho biết, lúc được đưa đi làm, mỗi thanh niên được ứng 300 nghìn đồng tiền công. Tuy nhiên, khi sang đến Lâm Đồng, các thanh niên này bị bắt ký vào giấy nhận nợ 2 triệu đồng được tính vào tiền ăn, tiền xe… nếu không ký thì bị đánh đập nên cả 21 thanh niên đều ký. Chính vì vậy, khi muốn đưa con về, gia đình ông Mook đã phải mang số tiền trên để chuộc Mưng.
Bà Y Sen – vợ ông Blưn cho biết, khoảng cuối tháng 10, có một người đàn ông lớn tuổi đứng trước nhà chị và hỏi nhờ đi kiếm nhân công đi hái cà phê thuê bên Đăk Lăk với lương cao. Nghĩ người lớn tuổi sẽ đàng hoàng nên chồng bà Sen đã đi khắp làng kiếm công, ngay cả con trai bà Sen mới 15 tuổi cũng xung phong đi với 20 thanh niên trong làng. Sau đó, người đàn ông trên đưa cho ông Blưn 1 triệu đồng tiền đi kiếm nhân công. Bản thân vợ chồng bà Sen cũng không biết người đàn ông trên ở đâu, làm gì mà chỉ nghĩ người ta “đàng hoàng” nên đã cho con mình đi. May mắn A Hiếu con ông bà sau đó đã trốn được về nhà.
Ông Nguyễn Văn Luận- Phó Chủ tịch xã Chư H’Dreng – cho biết, trong 21 thanh niên trên thì xã ông có 18 thanh niên đi, 6 trường hợp đã về được nhà. Do các thanh niên trên đi tự phát không báo lên xã nên xã không quản lý được, đến bây giờ vẫn chưa kết luận được các thanh niên trên có bị lừa lọc, bị bóc lột sức lao động hay không.
Trung tá Trần Ngọc Tuấn- Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Kon Tum – cho biết, sau khi nhận được thông tin trên, công an đã xác minh và mời được đối tượng vào làng tìm lao động. Người này làm nghề chạy xe ôm và khai nhận tuyển lao động để lấy hoa hồng cho một trung tâm giới thiệu việc làm “ma” tại Đăk Lăk, cứ một người thì được trả hoa hồng 300.000-500.000 đồng.
Ông Tuấn cho biết thêm, các đối tượng “cò” lao động này chủ yếu nhắm vào người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, chưa hiểu biết nên rất dễ bị lừa.
Hiện Công an Kon Tum đang phối hợp với các địa phương để tìm đưa các lao động trên trở về nhà.
Thiên Thư
Theo Dantri
3/4 trẻ dưới 14 tuổi bị người lớn trừng phạt bằng bạo lực
Tại Việt Nam, gần 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2-14 đã từng bị cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
Đó là thông tin được đưa đưa ra tại lễ phát động chiến dịch Chấm dứt bạo lực với trẻ em ở Việt Nam do UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam phát động, vừa diễn ra tại Hòa Bình. Chiến dịch này cũng mở đầu cho tháng Hành động vì trẻ em năm 2014. Theo UNICEF, bóc lột và lạm dụng trẻ em gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, làm ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp xã hội, để lại những hậu quả tai hại trong quá trình trưởng thành của các em.
Theo thống kế, tại Việt Nam gần 3/4 trẻ em trong độ tuổi 2-14 bị cha mẹ, người chăm sóc và những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Một phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết, chị phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái.
Trong khoảng thời gian từ 2006 -2011, có khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được báo cơ quan công an.
UNICEF cũng khẳng định, thực tế cho thấy, bạo lực trẻ emnkhông chỉ diễn ra tại Việt Nam. Hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau vẫn phải chịu bạo lực, bóc lột và lạm dụng. Cùng với đó, hàng triệu trẻ em khác cũng có nguy cơ bị bạo lực.
"Bạo lực là vấn đề không được đề cập đến bởi vì nó thường xảy ra trong gia đình. Nhiều vụ bạo hành bị che giấu trước công luận. Khi mọi người cùng nhau hợp sức lại và tuyên bố rõ ràng rằng bạo lực đối với trẻ em là không thể chấp nhận được, khi mọi người không còn che giấu điều này nữa thì bạo lực đối với trẻ em có thể được ngăn ngừa" - ông Jesper Moller, Quyền Đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.
Với việc khởi động chiến dịch này, Việt Nam đã tham gia vào phong trào toàn cầu Chấm dứt bạo lực trẻ em do UNICEF khởi xướng, nhằm biến nỗi đau cũng như sự phẫn nộ về bạo lực thành những nỗ lực mang tính tích cực nhằm thay đổi cuộc sống cho trẻ em - phát biển tại lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2014, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi.
Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã quy định bao quát các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, trong đó có trẻ em. Do đó, hệ thống pháp luật về trẻ em đang được tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa theo quy định của Hiến pháp. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp 2013 và hài hòa hơn với Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.
Hiện nguồn lực của Nhà nước dành cho trẻ em cũng không ngừng tăng lên theo quan điểm trẻ em được ưu tiên hưởng các thành quả phát triển kinh tế- xã hội.
Nhiều trẻ em đang phải chịu bạo hành trong gia đình
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề về trẻ em cần phải tiếp tục được giải quyết một cách đồng bộ. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám và chữa bệnh cho trẻ em, chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đặc biệt tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực và bóc lột vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Những con số báo cáo về xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều trẻ em vẫn đang bị tổn thương trong sự khống chế, sợ hãi, đau khổ và bị cướp mất cả tuổi thơ hiện tại lẫn cơ hội phát triển trong tương lai.
"Mỗi người dân cần nhận thức rõ trách nhiệm đối với trẻ em để lên tiếng, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng mọi nguy cơ, hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em" - nữ Bộ trưởng nhắn gửi.
Thanh Trầm
Theo Dantri