Nghệ sĩ Việt đừng hờn dỗi khi bị yêu cầu minh bạch từ thiện
Không minh bạch rõ ràng dòng tiền thu – chi khi kêu gọi quyên góp từ thiện có thể khiến danh tiếng nghệ sĩ xuống dốc, thậm chí đánh mất sự nghiệp, hợp đồng quảng cáo.
“Trách nhiệm của nghệ sĩ nhận tiền từ khán giả là phải công bố rõ ràng, rành mạch toàn bộ dòng tiền ra và vào, tiền được dùng vào việc gì, chi tiêu bao nhiêu. Hơn nữa, muốn chứng minh bản thân trong sạch, chẳng gì dễ hơn là minh bạch khoản tiền từ thiện nghệ sĩ đã nhận được”, nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn chia sẻ quan điểm trong bài viết Sao kê đơn giản, sao nghệ sĩ Việt phải đôi co trên Zing .
Đồng tình quan điểm với chuyên gia Lê Ngọc Sơn, nhiều khán giả nhận định minh bạch khoản tiền kêu gọi để làm từ thiện là trách nhiệm bắt buộc của nghệ sĩ. Nếu không làm được việc này, danh tiếng của nghệ sĩ bị tổn hại nghiêm trọng.
Trấn Thành công bố 1.000 trang sao kê sau khi vướng lùm xùm liên quan đến tiền quyên góp từ thiện. Ảnh: Hiền Max.
Khi công chúng yêu cầu minh bạch, thì đừng chậm trễ
Với quan điểm minh bạch trong từ thiện không phải là cuộc đấu đá cá nhân, Đằng Phương – nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, quản lý nghệ sĩ lâu năm, là người giúp Đông Nhi thành danh – cho rằng việc công khai minh bạch khoản tiền từ thiện là hành động cấp bách nhất để chứng minh sự trong sạch của nghệ sĩ.
Theo nhạc sĩ Đằng Phương, nghệ sĩ làm từ thiện với tư cách một công dân bình thường, nhưng có sức ảnh hưởng với một nhóm khán giả nhất định. Không phải hình thức từ thiện đại diện cho một cơ quan đoàn thể nào, nên nghệ sĩ khi làm từ thiện là hành động mang tính tự nguyện, xuất phát từ cá nhân.
Do đó, nghệ sĩ không nên than trách, hờn dỗi khán giả khi bị đặt câu hỏi về tính minh bạch và động cơ làm việc.
Nhạc sĩ Đằng Phương đưa ra quan điểm nghệ sĩ không nên hờn dỗi, oán trách khán giả khi được yêu cầu cung cấp sao kê tài khoản từ thiện. Ảnh: NVCC.
“Tôi cho rằng mọi người đang sa đà vào cuộc chiến cá nhân khi được yêu cầu giải trình. Và khi đưa ra sao kê, họ cũng xem đó là thành tích vẻ vang, trong khi đấy là cái nghĩa vụ rất cơ bản và đương nhiên phải làm”, nhạc sĩ Đằng Phương nói với Zing.
Anh cũng chia sẻ quan điểm không riêng nghệ sĩ, với bất kỳ ai khi đứng ra nhận tiền và đại diện một tập thể làm từ thiện, yếu tố minh bạch và công khai là điều hiển nhiên, là bổn phận và trách nhiệm với những người đã tin tưởng và gửi gắm gửi tiền quyên góp cho nghệ sĩ.
Theo nhạc sĩ Đằng Phương, minh bạch thu chi, công bố sao kê vốn là việc phải làm từ ban đầu, để tránh những ồn ào trong cộng đồng như hiện tại. Không cần chờ dư luận hỏi, người làm từ thiện mới chứng minh.
Anh chia sẻ thêm: “Tôi cũng hiểu tâm lý các bạn nghệ sĩ khi đã bỏ công sức làm từ thiện nhưng lại bị công chúng quay lưng. Sẽ không dễ dàng gì, nhất là những người làm nghệ thuật lại nhạy cảm và có cái tôi lớn, nhưng khi được công chúng yêu cầu minh bạch thì tốt nhất đừng chậm trễ”.
Nhạc sĩ Đằng Phương cho rằng nghệ sĩ gạt bỏ một chút cái tôi của bản thân, để có thể xử lý vấn đề ổn thỏa hơn. Hành động này không chỉ nhằm giữ lại quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng, mà còn là vấn đề niềm tin với những đơn vị làm từ thiện khác.
“Tôi đánh giá cao hành động của anh Lý Hải, và gần đây là Trấn Thành. Vẫn có ý kiến trái chiều về mức độ xác thực (của sao kê), nhưng ít nhất hành động trên cho thấy thiện chí của nghệ sĩ. Còn vấn đề đúng sai cuối cùng, hãy để những người có chuyên môn và pháp luật phán xét”, anh nói thêm.
Minh bạch là trách nhiệm cấp bách
Ởgóc nhìn nghệ sĩ phải chịu sự ràng buộc của các bộ luật, trong đó có điều khoản về việc làm từ thiện, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng quy tắc ứng xử hoặc điều khoản luật sẽ giúp nghệ sĩ có trách nhiệm và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động xã hội, đồng thời tránh được những “con sâu làm rầu nồi canh”.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Nhiều sự việc xảy ra theo cảm tính của con người, đặc biệt là với người làm nghệ thuật. Nhưng hoạt động xã hội cần một điều duy nhất, đó là lý tính. Đặc biệt, trong việc nhận tiền làm từ thiện, bất kỳ ai cũng phải lý trí, bình tĩnh và luôn rõ ràng về chuyện thu – chi”.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng khán giả không nên đánh đồng danh tiếng ở mảng nghệ thuật của nghệ sĩ với các vấn đề khác, từ đó dẫn đến hành động cảm tính về tiền bạc và làm từ thiện.
Cô nói: “Khi bàn đến nghệ sĩ, người ta sẽ hình dung những hoạt động họ đã có thành tích, hiệu quả. Nhưng những điều này không phải thước đo đảm bảo bằng vàng cho những hoạt động xã hội khác”.
Video đang HOT
Một khi đã nhận được khoản tiền lớn từ các mạnh thường quân, nghệ sĩ – trên danh nghĩa thay mặt cộng đồng làm từ thiện – có nghĩa vụ và trách nhiệm công khai đầy đủ, rõ ràng toàn bộ dòng tiền ra – vào trong tài khoản mà không cần bất kỳ ai nhắc nhở.
“Là nghệ sĩ, khi đứng ra kêu gọi từ thiện, họ phải chuẩn bị sẵn sao kê cuối kỳ, phải thông báo rõ ràng cho khán giả và những người đã quyên góp tiền rằng họ đã tiêu tiền vào đâu, chuyển tới tài khoản nào. Ở thời điểm này, khi được nhắc nhở, nghệ sĩ mới đưa giấy tờ ra, khiến mọi giấy tờ đều bị khán giả đưa vào diện cần xem lại”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm.
Theo nhận định của luật sư Nguyễn Thế Truyền (thành viên Đoàn luật sư TP. HN), các mạnh thường quân hay những cá nhân có đóng góp vào tài khoản từ thiện của nghệ sĩ có quyền được biết và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện của người đứng ra kêu gọi quyên góp.
Đại Nghĩa cũng phải lên tiếng giải trình và đăng tải hàng trăm trang sao kê khi bị nhắc tên trong danh sách những sao làm từ thiện thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Bá Ngọc.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, cách kêu gọi quyên góp và làm từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay đều thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đó, công tác thiện nguyện vốn là việc yêu cầu tính chuyên nghiệp rất cao.
Luật sư Truyền cho rằng việc làm từ thiện tự phát, không qua một quỹ hoặc tổ chức chuyên nghiệp có sự giám sát của pháp luật dễ dẫn đến sai sót, khó tránh được vấn đề lạm dụng hoặc xảy ra điểm bất thường trong thu chi.
Do đó, ông nhấn mạnh khi làm từ thiện, nghệ sĩ càng tự giác minh bạch, càng tạo được uy tín với khán giả.
Hệ quả của việc từ thiện thiếu chuyên nghiệp
Sau nhiều vụ việc lùm xùm về khoản tiền quyên góp từ thiện, nghệ sĩ Việt dần đánh mất lòng tin của khán giả. Không những đánh mất lòng tin vào tấm lòng thiện nguyện, tinh thần nhân ái, khán giả còn đánh mất cả sự nhiệt tình yêu mến dành cho cá nhân nghệ sĩ.
Trong nhận thức của khán giả đại chúng, nghệ sĩ không dám công khai minh bạch chứng tỏ họ có điều khuất tất. Ngay cả khi đã công khai toàn bộ sao kê (lên tới con số 1.000 tờ giấy A4) như Trấn Thành, khán giả vẫn sẵn sàng chỉ trích nam MC vì không tự giác minh bạch khoản thu chi ngay từ đầu. Việc Trấn Thành đợi tới khi khán giả lên tiếng phản ánh mới đưa ra sao kê khiến dư luận mất cảm tình.
Vợ chồng Lý Hải – Minh Hà được khán giả khen ngợi khi luôn có ý thức tự công khai minh bạch khoản thu – chi của các hoạt động từ thiện. Ảnh: Phương Lâm.
Khi nghệ sĩ không minh bạch kịp thời, tất yếu gây ra làn sóng phản ứng từ dư luận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp nghệ sĩ như bị khán giả tẩy chay, nhãn hàng cắt hợp đồng đại diện. Đây cũng là vấn đề có thể xảy ra với bất kỳ ngôi sao nào bị khán giả chỉ trích, tẩy chay.
Nghệ sĩ Hoài Linh khiến người hâm mộ thất vọng khi chậm trễ trong việc giải ngân 15,2 tỷ đồng quyên góp từ thiện cho đồng bào miền Trung. Phải đến khi bị dư luận ép giải trình, Hoài Linh mới thừa nhận bản thân chưa trao khoản tiền trên tới tay người dân vùng lũ.
Khán giả thất vọng, chỉ trích nghệ sĩ Hoài Linh. Từ nghệ sĩ được ví như “ngôi sao quốc dân” và được nhà nhà yêu mến, nam danh hài đánh mất danh tiếng xây dựng suốt hai thập kỷ.
Hành động kém minh bạch, thiếu tự giác khi kêu gọi từ thiện của nghệ sĩ không chỉ khiến danh tiếng nghề nghiệp của nghệ sĩ xuống dốc, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường, sức khỏe tinh thần của họ khi phải đối mặt với lời chỉ trích của hàng triệu khán giả.
Thủy Tiên là trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất, khi cô không những chậm trễ đưa ra sao kê, mà còn từng khiến khán giả thắc mắc khi tổng kết chi tiêu khoản tiền gần 180 tỷ đồng chỉ trên một mặt giấy A4 viết tay.
Ban đầu, khi kêu gọi quyên góp và đích thân ra miền Trung lội nước cứu trợ đồng bào, khán giả yêu mến gọi nữ ca sĩ bằng nhiều biệt danh mỹ miều như “cô tiên đời thực”, “cô tiên quốc dân”. Nhưng khi thấy dấu hiệu thiếu minh bạch, chính những người từng yêu mến, góp tiền vào tài khoản của Thủy Tiên đã quay lưng và lên án cô.
Gần một năm trôi qua, hiện nay tên tuổi của Thủy Tiên chỉ gắn liền với những lời mỉa mai, đàm tiếu. Ngay cả khi cô livestream và bật khóc trước những lời chỉ trích của khán giả, nữ ca sĩ cũng không nhận được bất kỳ lời cảm thông nào. Thay vào đó, khán giả chỉ liên tục yêu cầu cô đưa ra sao kê cụ thể cho khoản tiền gần 180 tỷ đồng.
Hiện tại, Trấn Thành đã công bố sao kê như lời khẳng định bản thân sẵn sàng chịu trách nhiệm và đối mặt với sự tin tưởng trước đó của khán giả. Còn Thủy Tiên, khi nào cô và chồng mới hành động, không chỉ để lấy lại lòng tin của khán giả, mà để cứu lấy danh tiếng và sự trong sạch của chính mình?
Hoài Linh, Thủy Tiên bị khán giả quay lưng vì vấn đề kêu gọi quyên góp làm từ thiện. Ảnh: Bá Ngọc.
Sao kê đơn giản, sao nghệ sĩ Việt phải đôi co
Chia sẻ quan điểm về bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn cho rằng cần siết chặt công tác quản lý, thà muộn còn hơn không làm.
Ngày 5/9, trao đổi với Zin g, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục phối hợp cùng một số cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo quy tắc ứng xử của nghệ sĩ Việt.
Zing đã trò chuyện với nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn về dự thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ Việt. Anh Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh quan điểm phải có các hình thức xử phạt, chế tài đi kèm bộ quy tắc.
Những năm gần đây, đời sống văn nghệ trong nước phát triển đa dạng, nhiều màu sắc. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng nhìn ở mặt trái của sự phát triển trên, "trăm hoa đua nở" cũng dẫn đến nhiều vấn đề, trong đó có những biểu hiện lệch lạc mà tôi nghĩ những người làm quản trị văn hóa cần xem xét chấn chỉnh.
Minh bạch là trách nhiệm, đừng làm "từ thiện mặc cả"
Luật, hay có thể chỉ là bộ quy tắc, sinh ra để ngăn chặn những nghệ sĩ lợi dụng ảnh hưởng của bản thân để trục lợi trên niềm tin của công chúng. Do đó, các quy tắc càng chi tiết, cụ thể, đưa ra càng nhiều trường hợp giả định càng tốt.
Một trường hợp cần đưa ra nhiều tình huống giả định để đặt ra quy tắc là việc làm từ thiện của nghệ sĩ.
Nghệ sĩ làm từ thiện vốn là việc tốt, nhưng những vụ lùm xùm thời gian qua khiến cho khán giả nảy sinh nghi ngờ. Và khi có hiềm nghi, nghệ sĩ chỉ cần đưa ra sao kê tài khoản, đó là việc rất đơn giản. Nhưng tại sao nghệ sĩ không thực hiện lập tức mà lại đôi co, đấu tố trên mạng?
Thậm chí, không cần ra ngân hàng sao kê, nghệ sĩ chỉ cần thuê một đơn vị kiểm toán uy tín và phần việc còn lại sẽ do họ giải quyết. Các đơn vị kiểm toán đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng sai của sự việc, chắc chắn sẽ không có hành vi bao che nào xảy ra khi kiểm tra nguồn tiền thu - chi.
Ngày 7/9, Trấn Thành công khai 1.000 trang sao kê tài khoản từ thiện sau nhiều tranh luận. Ảnh: Hiền Max.
Thay vì làm rõ ràng, minh bạch, nghệ sĩ lại thách đố, đôi co trên mạng. Đây là hành động trẻ con và phi logic.
Trách nhiệm của nghệ sĩ nhận tiền từ khán giả là phải công bố rõ ràng, rành mạch toàn bộ dòng tiền ra và vào, tiền được dùng vào việc gì, chi tiêu bao nhiêu.
Hơn nữa, muốn chứng minh bản thân trong sạch, chẳng gì dễ hơn là minh bạch khoản tiền từ thiện nghệ sĩ đã nhận được. Đây là logic thông thường.
Nếu nghệ sĩ muốn duy trì công tác từ thiện, hãy luôn công bố rõ ràng khoản thu khoản chi, lập tài khoản riêng để nhận tiền, lập website đăng tải toàn bộ hoạt động, công việc thiện nguyện họ đã làm.
Hoặc đơn giản hơn, nghệ sĩ có thể kêu gọi khán giả chuyển tiền vào một quỹ từ thiện uy tín và được giám sát bởi pháp luật, hoặc tài khoản của nhà nước. Nếu đã có lòng nhân ái, thực tâm muốn làm từ thiện, sẽ chẳng ai nề hà, đặt nặng xem bản thân có được cầm tiền hay không.
Nếu vẫn có nghệ sĩ cho rằng nhất định phải là bản thân họ nhận được và giữ tiền ủng hộ của mạnh thường quân, tôi sẽ gọi đây là từ thiện mặc cả.
Và đương nhiên xã hội không cần những chuyến từ thiện đầy đôi co, mặc cả như thế.
Quay lại vấn đề bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng những cơ quan, ban ngành liên quan cần hình dung ra mọi trường hợp có thể xảy ra, kể cả là tình huống liên quan đến pháp lý, để đưa ra phương pháp quản trị, xử phạt.
Tôi duy trì quan điểm cần trừng phạt những nghệ sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc những nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử chung. Chúng ta cần kiên quyết phạt nặng, thậm chí cấm hoạt động.
Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm, chông chênh và dễ tổn thương. Tôi tạm coi lĩnh vực này như là một phần mềm (software) quan trọng trong bộ máy vận hành hàng ngày của đất nước. Và rõ ràng chúng ta không thể để phần mềm bị nhiễm virus độc hại, cũng chính là những nghệ sĩ có vết đen.
Theo quan điểm pháp trị của cá nhân, tôi tin pháp luật cần xuất hiện ở mọi ngõ ngách của cuộc sống. Trong nghệ thuật, khi phạm trù đạo đức không thể khiến nghệ sĩ tự giác, pháp luật phải ra tay.
So với cơ chế quản lý chặt chẽ của ngành giải trí các nước láng giềng, tôi cho rằng hiện nay Việt Nam mới rục rịch đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là đã muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không.
Khán giả đại chúng vẫn còn cần sống và nương tựa tinh thần vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Do đó, muốn có nền nghệ thuật sạch cho đại chúng, cơ quan chính quyền cần gạn lọc, không thể vì muộn mà bỏ qua công cuộc chỉnh đốn, trừ bỏ cái xấu.
Thủy Tiên thông báo sẽ công bố sao kê từ thiện sau đợt giãn cách. Ảnh: Bá Ngọc.
Không thể để nghệ sĩ muốn làm gì thì làm
Nhìn chung, chính sách cụ thể về đường lối phát triển văn hóa, nghệ thuật là điều đúng đắn và cần làm. Quy định, chính sách không phải là sản phẩm của tư duy chủ quan đến từ giới chức, rằng nghệ sĩ phải thế này, hoặc thế kia.
Nhưng mỗi cá nhân nên tưởng tượng xem trong tương lai, nền văn hóa của chúng ta sẽ đi đến đâu, có nằm trong dòng chảy văn minh của sự phát triển nhân loại hay không. Hay cơ quan quản lý sẽ bỏ mặc, để showbiz và ngành văn hóa nghệ thuật trong nước đi chệch khỏi dòng chảy chung, và bỏ quên những chuẩn mực cần có.
Nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC.
Nghệ sĩ là cộng đồng có tính đặc thù, và chúng ta tôn trọng quyền tự do sáng tạo cũng như hoạt động nghệ thuật của họ. Nhưng ở chiều ngược lại, nghệ sĩ cũng phải ý thức được sức ảnh hưởng và trách nhiệm của bản thân với xã hội. Mỗi lời nói của họ trước công chúng đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới xã hội, và sẽ dẫn dắt cộng đồng fan nghe theo, làm theo.
Tham khảo bài học của Trung Quốc về việc làm sạch ngành giải trí, tôi cho rằng cơ quan quản lý ở Việt Nam không cần thiết mạnh tay như nước bạn, nhưng chắc chắn phải học và tìm ra cách dùng chính sách để quản lý, giáo dục lại những nghệ sĩ có vấn đề.
Từ những vụ việc đã xảy ra, vấn đề có thể nhận ra một cách rõ ràng rằng các cơ quan bộ ngành không thể để mặc nghệ sĩ muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói ở trên mạng xã hội.
Tự ý hành động, phát ngôn trên mạng còn liên quan tới vấn đề nhận quảng cáo. Thông thường, khán giả mặc định nghệ sĩ có uy tín và họ sẽ giới thiệu những sản phẩm chất lượng. Nhưng thực tế cho thấy nghệ sĩ không quan tâm rằng họ đang quảng cáo món hàng gì, chất lượng ra sao, và sau cùng, chỉ có khán giả phải lĩnh hậu quả.
Thật lòng mà nói, khó có thể trông chờ hoàn toàn vào sự tự giác của một cá nhân nào đó. Do đó, tôi ủng hộ việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử, đồng thời cho rằng các nhà hoạch định văn hóa nên đứng ở góc độ tính tự giác còn yếu kém của nhiều cá nhân để đưa ra quy tắc chuẩn mực cho hành động, lời nói của nghệ sĩ.
Tôi tạm thời gọi bộ quy tắc ứng xử là luật đảm bảo về văn hóa. Luật sẽ dựa trên tiền đề nghệ sĩ là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và có ảnh hưởng đến xã hội, khán giả trẻ.
Khi đã có quy tắc, miễn nghệ sĩ còn ở trong vùng chuẩn mực, họ muốn làm gì cũng được. Nhưng một khi bước lên lằn ranh màu đỏ, chắc chắn họ sẽ bị "tuýt còi".
Noo Phước Thịnh vướng tranh cãi phát ngôn không chuẩn mực, Hoài Linh khiến khán giả mất lòng tin khi chậm giải ngân tiền từ thiện. Ảnh: Quỳnh Trang, Nguyễn Thành.
VTV tiếp tục đưa Thuỷ Tiên, Hoài Linh lên sóng đúng ngày Trấn Thành tung 1000 trang sao kê từ thiện Hình ảnh kèm thông tin về vấn đề từ thiện của NS Hoài Linh và Thuỷ Tiên đã xuất hiện trên VTV vào lúc 22h30 ngày 7/9. Vào 22h30 ngày 7/9, chương trình Vấn Đề Hôm Nay phát sóng trên kênh VTV1 đã gọi tên NS Hoài Linh và Thuỷ Tiên giữa loạt ồn ào từ thiện. Đáng chú ý, thời điểm lên...