Nghệ sĩ khiếm thị 17 tuổi gây xúc động tại Hòa nhạc sân trường
Phần trình diễn piano của nghệ sĩ khiếm thị 17 tuổi Bùi Quang Khánh đã gây ấn tượng mạnh với hàng ngàn khán giả có mặt tại “ Solla Music – Hòa nhạc sân trường”.
Nghệ sĩ khiếm thị Bùi Quang Khánh trình diễn piano tại Solla Music – Hòa nhạc sân trường
Tối 25/3, tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc khởi đầu của chương trình Solla Music – Hòa nhạc sân trường. Đây là một chuỗi Festival âm nhạc được nhạc sĩ Trí Minh, Tiến sĩ âm nhạc Triệu Tú My và nhà sản xuất Phạm Trần Thọ tổ chức tại các sân trường THPT và THCS trên toàn quốc với sự hỗ trợ về chuyên môn và tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ, nhà giáo trong lĩnh vực âm nhạc. Mục tiêu của chương trình là đưa nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc tới trường học, tạo lập sân chơi dành cho các nghệ sĩ trẻ, sinh viên, học sinh yêu âm nhạc.
Solla Music – Hòa nhạc sân trường tối 25/3 được chia thành 2 phần. Ở phần đầu tiên, khán giả được thưởng thức những bản nhạc nổi tiếng qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ cùng Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, chỉ huy bởi nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành. Đáng chú ý là phần biểu diễn tác phẩm nổi tiếng của V. A. Mozart – Piano concerto no1 in F Major của nghệ sĩ khiếm thị 17 tuổi Bùi Quang Khánh (Hải Phòng).
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây đàn Piano, Bùi Quang Khánh cho biết: “Từ nhỏ em không có trò gì chơi, chỉ ao ước có đôi mắt sáng để được học tập, vui chơi như các bạn. Một hôm, được bố mẹ đưa tới nhà một người bạn chơi, tình cờ em ngồi trúng vào nơi có cây đàn Piano. Khi bấm tay xuống đàn, nghe âm thanh vang lên có sức hút vô cùng kỳ lạ. Từ đó, em có niềm đam mê đặc biệt với cây đàn. Em coi cây đàn Piano giống như người bạn tri kỷ, trải lòng những cảm xúc yêu thương, vui buồn…
Em ước mơ thành nghệ sĩ Piano, thành giảng viên dạy Piano để truyền đam mê cho những thế hệ sau này, đồng thời truyền cảm hứng và nghị lực sống cho những người có cùng cảnh ngộ như mình hay những người gặp khó khăn. Làm sao để họ không khiến khó khăn thành rào cản ngăn trở bản thân mà biết biến nó thành sức mạnh, vượt qua nghịch cảnh và chạm tới ước mơ của mình”.
Phần kết hợp giữa sáo Mèo với Violin và âm nhạc điện tử của cậu bé người dân tộc Thái Hà Quang Thái
Một màn biểu diễn không kém phần ấn tượng là sự kết hợp độc đáo giữa sáo Mèo với Violin và âm nhạc điện tử của Hà Quang Thái – cậu bé 16 tuổi người dân tộc Thái ở Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa. Hà Quang Thái có một niềm đam mê âm nhạc đặc biệt nhưng ở vùng sâu vùng xa, điều kiện gia đình khó khăn nên phải tự mày mò học hỏi. Cậu đã được chương trình Solla Music phát hiện tài năng và đài thọ kinh phí cho theo học ở trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, theo đuổi đam mê âm nhạc.
Các bạn trẻ hào hứng thưởng thức âm nhạc giữa mưa
Bước vào phần 2 của chương trình, khán giả được thưởng thức một không gian âm nhạc hoàn toàn khác, sôi động, trẻ trung hơn. Khi ban nhạc Ngũ Cung vừa xuất hiện thì mưa bắt đầu rơi. Mặc dù vậy, những khán giả trẻ không về giữa chừng mà tiến lại gần sân khấu, theo lời đề nghị của các thành viên Ngũ Cung. Khán giả cùng hòa mình vào bầu không khí “bùng cháy” của những bản nhạc Rock của Ngũ Cung như Gió bấc, Tuyết trắng và hoa đỗ quyên đỏ, Nỗi đau, Linh tinh tình phộc, Cô đôi Thượng Ngàn, Cướp vợ…
Trời mưa ngày càng lớn nhưng cũng không làm giảm sức nóng của chương trình. Khán giả đã đứng dưới mưa, nắm tay nhau, kề sát vai nhau, hòa giọng và nhảy cùng các thành viên Ngũ Cung.
Tiếp đó, 4 thành viên của Da LAB tiếp tục khuấy động bầu không khí Solla Music với loạt hit: Thanh xuân, Chạy khỏi thế giới này, Thức giấc, 2 ngày 1 đêm, Gác lại âu lo, mashup Bài ca tuổi trẻ – Một nhà…
Không gian âm nhạc sôi động đến từ Ngũ Cung (trái) và Da LAB
Không chỉ đem tới những bản hit của nhóm, Da LAB còn mang tới những thông điệp và những câu chuyện thú vị. Nghệ sĩ Thơm kể câu chuyện tình đẹp của mình với cựu học sinh trường Chu Văn An, hiện nay là bà xã của anh. “Hy vọng chúng ta sẽ sớm tìm được người nhắc cho mình nhớ về lý do tồn tại và thi thoảng cùng nhau chạy khỏi thế giới này” – Thơm hóm hỉnh nhắn nhủ.
Video đang HOT
Hầu hết khán giả đều thuộc những bản hit của Da LAB, đôi khi, tiếng hát của các bạn trẻ còn lớn hơn tiếng hát của nhóm. Dù đã muộn và trời chưa hết mưa, khán giả vẫn sẵn sàng nán lại, để được hát cùng thần tượng. Có thể nói, Da LAB với những bản hit “thanh xuân” đã thực sự khiến cho đêm nhạc Solla Music – Hòa nhạc sân trường khép lại ngập tràn cảm xúc, đầy dư âm của tình bạn, tình yêu, âm nhạc và sự gắn kết…
Nhạc sĩ Huyền Trung: 'Tôi coi phối khí như là chơi game, tôi muốn phá đảo'
"Với tôi, một bản phối mang tính "trưng trổ" là vứt đi, ở mình hiện nay khá nhiều người bị mắc phải cái này" - nhạc sĩ Huyền Trung chia sẻ.
Nhạc sĩ Huyền Trung sinh năm 1973, trong một gia đình giàu có của thành phố Hải Phòng. Dù gia đình không có ai theo âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng anh có bố và chú là những người đam mê âm nhạc và được học đàn, học nhạc một cách bài bản. Rồi cứ thế, máu âm nhạc từ thế hệ trước có tâm hồn nghệ sĩ hào hoa cứ ngấm dần vào anh một cách tự nhiên nhất.
Những năm 90, Huyền Trung theo cha theo chú tự học nhạc, tự học đàn, rồi mày mò tự hòa âm phối khí. Anh xách đàn đi chơi nhạc ở khắp nơi, các phòng trà, quán bar, tụ điểm, rồi các chương trình lễ hội, cả các hội diễn lớn toàn quốc.
Nhưng rất sớm, anh cảm nhận thấy sự chật chội của không gian âm nhạc nơi mình đang sống. Như cách anh bảo, là muốn tìm một không gian mới, để nạp thêm những kiến thức mới cho mình. Rồi anh chọn Hà Nội, và chọn con đường âm nhạc chuyên nghiệp để sống và để khẳng định chính mình.
Năm tháng tuổi trẻ của Huyền Trung là những biến động trong gia cảnh, những day dứt giữa đam mê và trách nhiệm, những trăn trở để vượt lên trên những đổ vỡ và tìm về bình yên, tất cả đã làm nên một cá tính âm nhạc phóng khoáng, đa cảm và tinh tế. Đó là sự cân bằng, vững chắc của học thuật, kết hợp với những xúc cảm của nghệ thuật. Là hành trình đi từ cái bản năng đầy cá tính tới sự tiết chế lại để cân bằng, dễ chịu, để hài hòa tất cả.
Hơn 30 năm sống với âm nhạc, cho đến hiện tại, nhạc sĩ Huyền Trung là một trong những nhạc sĩ phối khí hàng đầu của Việt Nam.
Trong cuộc sống, mọi người hay gọi nhạc sĩ Huyền Trung bằng cái tên gần gũi là Trung "cận", vì cặp kính cận dày trên đôi mắt lúc nào cũng như thiếu ngủ, hậu quả của những đêm vùi đầu trong phòng thu hay những giờ đau đáu trên những bản nhạc.
Dáng người gầy gầy hơi trầm tư, bình thường nhạc sĩ Huyền Trung rụt rè và hơi kiệm lời, nhưng khi làm việc với band nhạc thì gần như anh được "bật" sang một chế độ khác, dữ dội và đầy năng lượng. Anh nói: " Âm nhạc đối với tôi là đam mê, nhưng cũng phải trả giá nhiều. Nhưng dù thế nào, thì cũng 30 năm với nó rồi, nó lấy của mình nhiều nhưng cũng cho nhiều thứ. Nhưng đến giờ, tôi nhận ra công việc này đối với mình nó rất quan trọng. "
Một bản phối hay là một bản phối khiêm nhường
Về việc công việc hòa âm phối khí, ở Việt Nam lâu nay vẫn nhiều người không rõ về công việc này, dù vẫn nghe hàng ngày. Anh có thể giải thích đôi chút?
Thực sự, để có một khái niệm đầy đủ và cô đọng, chặt chẽ nhất, tôi e là sẽ rất dài và rất nhiều thứ để nói, vì mỗi người có một cái cái góc nhìn khác nhau về nghề này. Nhưng với cá nhân tôi, tôi sẽ giải thích ngắn gọn như thế này: Phối khí làm một công việc sáng tác, nhưng mà nó sáng tác dựa trên một cái thứ sáng tác có sẵn.
Nó khác với việc sáng tác một ca khúc mới, là sáng tác dựa trên cái không có gì. Hay bạn có thể hiểu một cách khác nữa là một trò chơi sắp xếp âm thanh, nhạc cụ để tạo ra bản nhạc nền nâng đỡ cho giai điệu chính của ca khúc.
Vậy công việc phối khí khác với công việc sáng tác ca khúc cụ thể như thế nào? Với anh, cái nào khó hơn?
Người sáng tác ca khúc thường sẽ viết từ cái không có gì, họ viết ra để phục vụ tâm tư, ý đồ nghệ thuật của mình, hoặc cho tâm tư của người khác. Còn người phối khí là sáng tác một lần nữa dựa trên một sáng tác có sẵn.
Nghĩa là một bên là phóng khoáng, không gò bó, còn một bên là có khuôn khổ, nhưng cái sự đòi hỏi về chất lượng và độ cuốn hút, độ hấp dẫn nó là ngang nhau. Với tôi, cái việc sáng tác dựa trên một thứ sáng tác có sẵn ấy khó hơn là việc sáng tác dựa trên không có gì.
Người sáng tác cần cái sự hấp dẫn để đảm bảo tính thẩm mỹ cho tác phẩm của mình. Người phối khí cũng cần cái đó, nhưng khác nhau ở chỗ, một cái tự do hơn, không bị bó hẹp, còn một việc thì bắt buộc phải có quy luật, tiêu chuẩn. Rõ ràng là cái việc sáng tạo trong khuôn khổ kia nó khó hơn, vì nó đòi hỏi anh phải có phải có kiến thức, phải có tiêu chuẩn, có học thuật chuyên môn.
Vậy với tiêu chuẩn cá nhân anh, như thế nào là một bản phối khí hay và hấp dẫn?
Với cá nhân tôi, một cái bản phối hay và hấp dẫn, là một bản phối khiêm nhường. Tức là một bản phối có ý tưởng, có kỹ thuật, có không gian, được thực thi bởi một nhạc sĩ tài năng, nhưng biết cách tiết chế lại để nâng đỡ cho tác phẩm chính mới là một bản phối hay theo tiêu chí âm nhạc của tôi.
Thực tế trong giới âm nhạc tôi quan sát, thường có những trường hợp như này, có nhiều những nhạc sĩ cũng khá là "oách", rất giỏi và rất trình độ, làm ra những bản phối với kỹ thuật rất "kinh khủng", hòa thanh rất đầu tư, mình nghe xong cũng phải thán phục.
Nhưng lại bị vướng một điều, đó là sự "trưng trổ", nghĩa là họ đặt cái tôi, muốn thể hiện mình quá mà lấn át cả ca khúc. Với tôi, một bản phối mang tính "trưng trổ" là vứt đi, ở mình hiện nay khá nhiều người bị mắc phải cái này. Cũng dễ hiểu thôi, vì họ làm thì họ phải thế, họ phải thể hiện thôi. Nhưng đấy cũng là cái khó của một nhạc sĩ phối khí, nó thuộc về tư duy và cá tính. Tất nhiên không ai cấm trưng trổ cả, nhưng nó gần như nó thành một cái luật bất thành văn rồi. Nếu mà anh trưng trổ thì anh phá bản phối ngay.
Vậy còn khán giả thì sao? Hình như công việc của các anh khá "cô đơn"?
Tôi nghĩ rằng âm nhạc của chúng ta chưa đi đến giai đoạn mà khán giả vừa nghe ca sĩ hát vừa quan tâm cả tác giả và bản phối. Thường trước khi làm việc với band, chúng tôi làm việc một mình, đúng như bạn nói, khá cô đơn. Thế hệ bọn tôi có nhiều tài năng, nhưng phần lớn là làm cho mình thôi, vì người ngoài có biết phối khí là gì đâu.
Quốc tế thì họ có rồi, vì âm nhạc của họ đi trước mình rất lâu. Họ có nền tảng và kiến thức âm nhạc, thậm chí phần hòa âm phối khí có thể trở thành một địa hạt riêng để mọi người có thể bình luận, trao đổi, đánh giá. Nhưng Việt Nam mình thì chưa, giờ là giai đoạn chớm nở thôi. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi, mọi người quan tâm đến "beat" nhạc (phần nhạc nền ca khúc), nhịp điệu, flow hay tempo... tôi nghĩ đó là những chuyển biến tích cực.
Tôi coi phối khí như là chơi game, tôi muốn phá đảo
Với cá nhân anh, công việc phối khí mang tính nghệ thuật hay kĩ thuật nhiều hơn?
Nó không hẳn là nghệ thuật hay kỹ thuật. Với cá nhân tôi, việc phối khí như là một trò chơi game. Hồi thanh niên tôi đã từng rất mê chơi game, mê lắm. Tôi nghĩ là những người làm sáng tạo, hoặc là những người thông minh ưa thích công nghệ thì càng thích chơi game.
Khi nhận một bài phối khí giống như tôi đang bật "server" lên và bước vào một cái game. Mục tiêu của tôi là sẽ về nước, phá đảo.
Càng về sau này, khi mà công nghệ phát triển, việc phối khí hông còn chỉ là trên giấy và đàn, nó còn công nghệ, những cái âm thanh ảo. Lúc ấy, nó càng giống như một trò chơi game.
Bởi vậy, khi tôi nhận một chương trình hay là một tác phẩm, thì cái cảm giác nó giống như vậy, có lẽ đó cũng là cách khiến tôi không cảm thấy chán công việc này.
Cụ thể, việc "phá đảo một game" ấy của anh nó thường diễn ra như thế nào?
Rõ ràng chơi game thì bạn phải tìm cách chiến thắng, phải phá đảo, phải "hạ" được đối thủ. Nhưng để thắng được, bạn phải có kỹ năng, bạn phải thi triển kỹ thuật, nếu không sẽ thua cuộc.
Quá trình đó cũng như việc phối khí vậy, từ cái kỹ thuật cơ bản, mình thực hiện rồi sẽ lọc qua một bộ lọc, chính là "đôi tai" của mình. Đó chính là cái thẩm mỹ quyết định chuyện "hay" hay "dở". Nhưng rõ ràng, trước khi nói chuyện "hay", "dở", người ta cần phải có có kỹ thuật cơ bản đã.
Nhiều người ngoài hay tưởng tưởng tượng về âm nhạc là mênh mang, là chứa chan tình cảm, là quê hương, là cả một bầu trời yêu thương. Không! Cái đó có, nhưng nó ở một cái tầm rất là nông thôi. Đặc biệt là hòa âm phối khí, phải có kỹ thuật, phải biết các mối tương quan giữa hòa thanh, phải biết cấu trúc, logic, biết chơi đàn... và kĩ thuật là đòi hỏi phải chính xác, phải có tiêu chí nhất định.
Có khi nào anh thấy mệt mỏi và muốn bỏ công việc này không?
Có chứ, mệt chứ, nhiều lúc chán lắm, gần như trầm cảm luôn. Thường thì do bị áp lực vì quá tải công việc. Cái nghề này bạn biết đấy, ngoại trừ những nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng, còn làm nghề thì có lành nghề mấy, có hay mấy cũng phải làm và lao động mới có tiền, không làm là không có tiền. Đặc thù rồi.
Nhưng những cái lúc đấy chỉ là những cái nhất thời. Về cơ bản, tôi nhận ra rằng là cái nghề này đối với tôi nó rất là quan trọng.
Âm nhạc của tôi phải ở Hà Nội
Bước vào âm nhạc hoàn toàn bằng việc tự học, rồi lại quyết định vào trường học chính quy khi sự nghiệp vừa nở rộ. Điều gì khiến anh có những quyết định đặc biệt như vậy? Trong hai quá trình đó, "tự học" và "học trong trường", điều gì ảnh hưởng đến tư duy âm nhạc của anh nhiều hơn?
Nếu thiếu một trong hai cái đấy, thì không phải là tôi bây giờ. Quãng thời gian chơi nhạc ở Hải Phòng, tôi có những quan sát và tư duy, nhận thức riêng, nó là cái bản năng.
Nhưng khi được học trong trường, tôi biết cách hệ thống và tổng hợp lại những gì mình đã có, với cơ sở lý luận vững chắc hơn. Tôi cũng nhìn rõ được hành trình và con đường âm nhạc của mình hơn.
Với tôi, hai quá trình đó quan trọng ngang nhau, và thực sự thiếu một trong hai yếu tố thì sẽ không không hình thành nên con người tôi như bây giờ được.
Nhu cầu đi học là cái nhu cầu chính nội tại tôi thôi thúc, phải đi học bằng được. Khi đó, tôi thấy cái không gian mình đang sống trở nên nhỏ bé, như cái nhà mà mình đi mãi và đã quen hết mọi ngõ ngách.
Bạn cứ hiểu nôm na như tài nguyên trong con người mình, như cái cái "ram" hay là "storage" lưu trữ của mình nó vẫn còn trống, mình muốn lấp đầy nó thì lúc đấy ở Hải Phòng thì không lấp đầy được. Đó cũng là lúc tôi quyết định lên Hà Nội và thi vào Nhạc viện.
Anh có nghĩ những nghề như các anh đang làm, là một công việc đòi hỏi chuyên môn và cả thẩm mỹ rất cao, nhưng lại luôn bị "lu mờ", đứng sau các ca sĩ hay nhạc sĩ? Với anh, đó có phải là sự thiệt thòi không?
Trong quá trình tôi làm nghề đã rất nhiều người nói. Trước đây, chính bản thân tôi cũng từng than phiền. Nhưng đến thời điểm này, sau rất nhiều những điều mình trải qua, tôi không thấy chuyện đấy là quan trọng nữa.
Cho đến hiện tại, dù có thiệt thòi hay không, tôi cũng hơn 30 năm theo nghề rồi. Nó lấy của tôi nhiều thứ nhưng nó cũng cho nhiều thứ. Và tôi cũng thấy hạnh phúc với nó. Thêm nữa, tôi chấp nhận chọn nghề này thì phải xác định những thiệt thòi, trả giá là phải có. Xã hội có sự phân công mỗi người một nhiệm vụ.
Giống như tôi, nếu như trước đây tôi chọn ở lại Hải Phòng, có một cuộc sống yên ổn, thì cuộc sống của tôi đã khác nhiều rồi chứ không như bây giờ, không phải đánh đổi nhiều thứ như thế.
Cuối cùng, tôi nghiệm lại là do tôi, tôi chọn âm nhạc, chọn con đường này, nó biến cuộc sống của tôi thành như vậy. Các thứ khác tôi không chọn, không làm được, tôi chọn âm nhạc, và chọn Hà Nội, không phải Hải Phòng hay Sài Gòn. Âm nhạc của tôi phải ở Hà Nội.
Một nhạc sĩ gạo cội từng nói với tôi một câu rất hay, rằng trong nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, thì cái vị trí của mình là số mệnh rồi. Việc của tôi là phải làm tốt những cái đang làm, giữ vững vị trí mình đang có. Đừng tìm cách tị bì với các ngành nghề khác, với những người khác.
Bởi vì trong nghề này, có thế nào đã được bộc lộ hết, và cái vị trí mình đang ở là đúng đấy, không sai đâu. Nếu khả năng mình có hơn nữa, nhưng mình vẫn ở đấy, thì chưa chắc đâu. Nhiều người bảo lẽ ra tôi phải thế này, phải ở vị trí này kia, tôi thiệt lắm. Không phải đâu, nó mà là như thế thì nó đã lên vị trí đấy rồi.
Với công chúng, anh khá kín tiếng, ngại nói về mình. Anh có hài lòng với công việc hiện tại?
Tôi cơ bản là người hướng nội, khá "lười" tiếp xúc đông người. Tôi ngại việc PR bản thân, hoặc tự nói về mình trước công chúng này kia.
Trước đây, tôi có nhiều cơ hội làm lãnh đạo, trưởng đoàn, nhiều lắm, nhưng tôi từ chối hết. Tôi chọn cuộc sống này, như bây giờ, và tôi khá hài lòng với nó. Vì thực sự tôi là người chỉ thích làm chuyên môn mà thôi. May mắn là có nhiều người hiểu và tìm đến tôi, có lẽ bởi tính âm nhạc của tôi khá truyền cảm.
"Tân binh" Na Ngọc Anh gia nhập đường đua V-pop với MV "Falling in love" Ngày 9/1, nữ ca sĩ Na Ngọc Anh (Hoàng Nguyễn Ngọc Anh) chính thức ra mắt khán giả với MV đầu tay "Falling in love", định nghĩa về một tình yêu chớm nở ngọt ngào. Ca khúc "Falling in love" gây ấn tượng mạnh cho khán giả về cả phần nội dung lẫn phần hình ảnh bởi giai điệu nhẹ nhàng, đáng yêu...