Nghề ‘phù thủy’ âm thanh
Dù phải thức thâu đêm bên dàn mix với những âm thanh sôi động, chát chúa, hay bị mang tiếng là nghề của những kẻ ăn chơi… nhưng DJ vẫn là nghề thu hút nhiều bạn trẻ. Thù lao mỗi giờ lên tới 250.000 – 300.000 đồng.
Gần 20h30, không khí quán cà phê Myfa (quận 10, TP HCM) được khuấy động bởi sự xuất hiện của DJ (Disc Jockey – người chỉnh nhạc) Phạm Minh Đăng. Tai đeo headphone, tay thoăn thoắt xoay đĩa, anh chỉnh các nút trên dàn Mix. Âm thanh sôi động vang lên, nhiều khách lắc lư theo điệu nhạc. “Nhìn khán giả đắm chìm, hòa theo từng giai điệu, tôi cảm thấy thật sảng khoái và càng yêu thích công việc của mình” – Đăng tâm sự khi kết thúc phần biểu diễn.
Công việc chính của DJ là phối nhạc, trộn giai điệu của các bài hát lại với nhau, tạo nên phong cách riêng, mang lại không gian sôi động cho các vũ trường, quán bar… Vì thế, DJ phải biết sử dụng nhiều kỹ thuật như phân nhịp, đảo nhịp, thả kim đĩa hát, chuyển đoạn, quay ngược đĩa hát… làm cho các bài hát được chuyển đổi một cách sáng tạo, độc đáo. Để làm được điều đó, đòi hỏi cả quá trình khổ luyện.
Khi mới chập chững vào nghề, thấy mọi người chơi nhạc, nên Đăng cũng tập theo, không có trường lớp đào tạo bài bản phải phần lớn phải tự quan sát, học hỏi. Những lúc rảnh rỗi, anh lại lên mạng tìm hiểu thêm. “Đối với nghề DJ, khó nhất là phải thuộc lòng từng nút công tắc, nút ấn tempo trên mỗi hiệu máy”, Đăng chia sẻ.
DJ Hoàng Anh với công việc hằng ngày. Ảnh: Người Lao Động.
Vốn có ngoại hình ưa nhìn, gương mặt cá tính, nữ DJ Bi (tên thật là Nguyễn Thị Diễm Trinh) trở thành tâm điểm của quán cà phê Ozone (quận Phú Nhuận). Nghề này đến với Bi thật tình cờ. Ngay từ lần đầu theo bạn vào vũ trường giải trí, chị đã bị cuốn hút bởi những bản nhạc sôi động và luôn muốn tự tay mình thể hiện được giống như các DJ.
Tuy nhiên, theo Bi, vào nghề rồi mới biết mọi thứ không đơn giản. Ngoài lòng đam mê, có năng khiếu, DJ phải có kiến thức để xếp nhạc, bắt tempo, phối khí… Đặc biệt, phải sử dụng thành thạo các dàn Mix, các thiết bị điều chỉnh âm thanh.
Video đang HOT
Hiện nay, nhiều bạn trẻ xem DJ là một nghề để kiếm sống chứ không chỉ là thú vui. Do đó, giữa các DJ luôn có sự cạnh tranh và muốn phát triển, mỗi người phải biết tạo cho mình phong cách riêng thông qua cách hòa âm, phối khí… Ngoài ra, môi trường làm việc của các DJ thường là ở các quán bar, vũ trường hay phòng thu âm. Chính những nơi làm việc khá đặc biệt này mà DJ thường bị mang tiếng là nghề của những kẻ “ăn chơi”.
Từng đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ DJ Việt Nam” và có 9 năm là DJ chuyên nghiệp kiêm sáng tác nhạc, hòa âm cho các ca sĩ nổi tiếng, Vũ Hoàng Anh – DJ vũ trường High Club (quận 1, TP HCM) chia sẻ, DJ là công việc vất vả phải thức thâu đêm nhưng bù lại, thu nhập từ công việc DJ giúp anh và gia đình có cuộc sống thoải mái.
Không chỉ với Hoàng Anh, hiện nay, các DJ đều có thu nhập khá ổn định. Theo DJ Phạm Minh Đăng, mỗi đêm anh thường chơi nhạc tại 3-4 quán bar với thù lao khoảng 250.000 – 300.000 đồng một giờ. Còn với DJ Bi, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và mối quen biết, chị chơi nhạc ở các quán bar và các câu lạc bộ với thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng.
Tuy nhiên Bi cũng chia sẻ: “Gần đây, có nhiều bạn nữ theo nghề DJ nhưng thường khó phát triển vì tuổi nghề của DJ nữ không cao. Đặc biệt, cảm thụ của các bạn nữ không bằng nam. Môi trường làm việc ồn ào và thức khuya nên không phải ai cũng đủ sức khỏe để theo nghề. Không những thế, công việc của DJ rất nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác, nhất là gia đình”.
Theo VNE
Công khai... làm liều
Từng nhát búa đập chát chúa, tiếng máy cưa rít liên hồi và những tia lửa bắn tung tóe, những khối máy móc lớn để tràn ra lòng đường..., đó là thực trạng ở những "xưởng cơ khí" nằm trên nhiều tuyến phố của thủ đô: Trường Chinh, La Thành, Đại La...
Vỉa hè đường La Thành bị lấn chiếm làm nơi sản xuất, kinh doanh (ảnh chụp ngày 21.8).
Người dân bị tra tấn
Tuyến đường La Thành dài chỉ gần 2km nhưng cũng có dăm chục "xưởng cơ khí" kiêm cửa hàng bán sắt thép. Các cửa hàng này nằm san sát nhau và thường mở sớm, nghỉ muộn hơn các cửa hàng khác, bởi vậy, người dân sống gần khu vực phải chịu khổ từ nhiều năm nay.
Chị Nguyễn Thị Hương - nhà ở đầu ngõ 319 - than: "Nhà có con nhỏ, nhưng tôi phải gửi sang bà ngoại. Để cháu phải chịu những âm thanh này, chắc không mấy bữa mà hỏng tai mất".
Không chỉ phải hứng chịu tiếng ồn, bụi, người dân sống gần những cửa hàng này còn luôn nơm nớp lo sự cháy, nổ khi mà hầu hết các thợ hàn đều không có vật che chắn quanh khu làm việc. Các thợ này cũng không thực hiện những điều kiện bảo hộ lao động an toàn, kính bảo hộ, quần áo...
Thực trạng trên cũng diễn ra tương tự tại đường Trường Chinh và đoạn đầu đường Đại La. Từng khối máy lớn, nhem nhuốc được đặt ngay tại vỉa hè. Những vệt dầu mỡ loang lổ khiến người qua đường không khỏi ngán ngẩm.
Người dân tại đây cũng thường bị "tra tấn" bởi những âm thanh chói tai từ 10-12 tiếng mỗi ngày, khi xưởng hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hạnh - trú tại phố Nguyễn Viết Xuân - cho hay: "Nhà tôi cũng ở gần đây, nhưng mỗi lần đi qua mấy khu hàn, cắt mà inh cả tai, ở gần chắc chết mất".
Dân kêu than, "quan" đùn đẩy...
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, các xưởng cơ khí này còn thi nhau lấn đường để mở xưởng và buôn bán sắt thép, như ở đường La Thành khiến không ít xe cộ lưu thông qua đây đụng phải. Anh Nguyễn Văn Hùng - một người dân sống gần hồ Đống Đa - cho biết: "Từ dạo tôi chuyển đến đây, đã không dưới ba lần xe bị thủng lốp. Kiểm tra mới biết, toàn do mấu sắt hoặc đinh nhọn đâm phải. Mỗi lần đi qua nơi ấy mà thấy lo nơm nớp".
Tại khu vực này, vỉa hè đã bị các chủ kinh doanh biến thành chỗ đặt máy cắt kim loại, những tia lửa đỏ lừ từ máy cắt phun ra tận lòng đường, kèm theo những vụn sắt đỏ lửa văng tung tóe khắp nơi, khiến người dân qua đây không khỏi giật mình...
Những mối nguy hiểm này rình rập người đi đường bất cứ lúc nào khi lưu thông qua đây. Đặc biệt, mỗi khi họ vận chuyển hàng, giao thông của đoạn đường gần như... tê liệt, bởi những thanh sắt dài, những tảng sắt cồng kềnh ngáng đường. Tình trạng trên diễn ra thường xuyên tại đoạn đường La Thành (gần ngã tư Giảng Võ) và khu vực đầu đường Đại La.
Trước những vi phạm diễn ra gây bức xúc trên đường La Thành, ngày 22.8, PV đã đến phường Ô Chợ Dừa - đơn vị chủ quản đoạn đường này - để tìm hiểu tình hình. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch phường Ô Chợ Dừa từ chối trả lời trực tiếp và hẹn sẽ trả lời bằng văn bản. Song nhiều ngày trôi qua, Báo Lao Động vẫn chưa nhận được văn bản trả lời (?!).
Ngày 23.8, PV tiếp tục tìm đến trạm công an phường, thì cơ quan này cũng lại từ chối cung cấp thông tin, cũng như những vụ việc xử lý đối với các hộ dân vi phạm trước đó với lý do... phải bảo mật (?!).
Theo chỉ dẫn của vị trưởng công an phường, PV đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Chí Kiên - phó trưởng công an phụ trách trật tự khu vực - thì chỉ nhận được lời lẽ đùn đẩy lên gặp trưởng công an phường làm việc (?!).
Khi có thông tin, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo LD
Khám phá nghề DJ sau cái chết trẻ của Mỹ Quyên Để thành DJ, ngoài việc đáp ứng những yếu tố chủ quan (khả năng cảm thụ, khiếu âm nhạc) thì phải có tài chính (tiền). Là môn nghệ thuật đòi hỏi tính thực hành cao, DJ không thể chỉ học lý thuyết suông mà không thực hành. "Những người nghịch đĩa" Nghề DJ vẫn chưa hiểu đúng, do môi trường làm việc là...