Nghe Nhật Nam ở Mỹ kể chuyện “còn đúng 1 cuộn giấy vệ sinh và đang dùng rất dè sẻn”, chị Phan Hồ Điệp thương con đến nhức lòng
Chị Phan Hồ Điệp vẫn luôn cập nhật tình hình của Nhật Nam ở Mỹ. Sau câu chuyện học online thì mới đây chị kể câu chuyện về cuộn giấy vệ sinh khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ đang là sinh viên trường đại học Pomona – một trường tư thục có lịch sử lâu đời nằm cạnh Los Angeles, Mỹ. Vì dịch Covid-19 nên cách đây không lâu, trường của Nhật Nam gửi thư thông báo quyết định cho sinh viên học online và chưa biết thời gian quay lại trường.
Theo báo cáo, số ca dương tính với virus corona ở Mỹ vẫn tăng lên và chính quyền đang tiến hành thêm biện pháp chống dịch. Nhật Nam cho biết, tình hình ở đây vẫn mua được đồ ăn nhưng chỉ có điều là thiếu giấy vệ sinh.
Câu chuyện về cuộn giấy vệ sinh đã được chị Phan Hồ Điệp chia sẻ lại như sau:
“Tuần trước Nam kể chuyện cho mẹ. Nghe mà thương con nhức lòng luôn:
“Mẹ ơi, em vẫn mua được đồ ăn bình thường nhưng chỉ có điều là thiếu giấy vệ sinh mẹ ạ. Em tìm khắp nơi mà không thể mua nổi. Em chỉ còn đúng một cuộn và đang dùng rất dè sẻn, hy vọng sang tuần có thể mua được.
Đỗ Nhật Nam giờ đang là sinh viên trường đại học Pomona.
Mẹ có nhớ hồi nhỏ, mẹ giao cho em cái “dự án” giữ hộp giấy ăn để làm sao có thể dùng được lâu nhất. Em phải làm nhiệm vụ “phân phối” giấy ăn cho mọi người, rồi hướng dẫn mọi người cách sử dụng hai mặt, rồi cương quyết yêu cầu đi rửa tay chứ không lấy giấy ăn để lau nếu đã xong bữa. Khi ấy em thấy cái dự án rõ là “củ chuối” vì cái công việc chẳng cao quý tẹo nào. Nhưng bây giờ hóa ra lại có tác dụng. Vì em cũng phải xé từng chút một giấy vệ sinh như vậy”.
Cái hình ảnh cuộn giấy vệ sinh cứ bay lơ lửng trong đầu mình.
Và nó sẽ còn bay như thế nếu như tuần này Nam không nhắn cho mẹ: “May quá mẹ ơi, em mua được rồi. Các hàng xăng người ta có sáng kiến bán giấy vệ sinh họ vẫn tích trữ để dùng trong nhà vệ sinh công cộng bán cho mọi người”.
Thở phào.
Nhưng rồi ngẫm nghĩ.
Trong đợt dịch này, mỗi bậc cha mẹ lại có những lo lắng. Lo làm thế nào giữ gìn sức khỏe cho cả nhà; Lo cân đối chi tiêu; Lo việc học hành của con khi con không đến lớp.
Và như mình thì lo cả việc con không có giấy vệ sinh.
Nhưng từ câu chuyện giấy vệ sinh nho nhỏ mới thấy, tất cả những điều chúng ta làm đều cách này hay cách khác ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai.
Vào các hàng ăn, cảnh thường thấy nhất là giấy vệ sinh trắng xóa nền nhà. Vì mọi người nghĩ không mất tiền nên dùng thoải mái. Mình đã chứng kiến bà mẹ khi con bị nôn trớ đã lấy nguyên cả hộp chỉ để thấm cho con.
Và còn vô vàn những điều khác chúng ta vẫn vô tư làm vì không thấy hậu quả trước mắt.
Mình nhớ để đuổi ruồi, mọi người hay nghĩ ra cách cho nước vào những chiếc túi bóng và treo lên. Thế là ruồi sẽ tự động bay xa, đơn giản vì khi nhìn vào những chiếc túi bóng ấy, chúng thấy bóng của chính chúng trong những tấm gương lồi bằng nước. Cái bóng to ra như quái vật khiến chúng sợ hãi mà lảng xa.
Mình nghĩ có lẽ mỗi người nên tự sắm cho mình một chiếc gương lồi để tự soi chiếu chính mình. Người ta chỉ ngăn được sự vô tâm, sự hồn nhiên mắc lỗi khi bất chợt đối diện cái bóng dị dạng của chính mình.
Video đang HOT
Túi nước trắng treo dưới “giàn đời” của mỗi người sẽ giúp bạn cẩn thận và tiết kiệm ngay từ một mảnh giấy vệ sinh; khi dùng máy in; khi chọn sản phẩm an toàn cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường.
Thi thoảng, mình vẫn thấy “con quái vật mắt xanh” hiện lên khi mình làm điều xấu.
Và mình đang cố gắng để chạy xa khỏi nó, dù vẫn còn đó những chiếc gương lồi.
Vài nét về tác giả:
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai – “thần đồng” Đỗ Nhật Nam – người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào”, “Những con chữ biết hát”, “Bố mẹ đã cưa đổ tớ”…
Tào Nga
Hỏi Nhật Nam "Con ổn không?" khi trường thông báo cho học online, chị Phan Hồ Điệp nghẹn ngào nghe câu trả lời của con ở Mỹ
Một khoảng lặng dài giữa 2 mẹ con khi Nam cho biết "Em cũng muốn về với bố mẹ" sau khi trường thông báo cho sinh viên học online.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ đang là sinh viên trường đại học Pomona - một trường tư thục có lịch sử lâu đời nằm cạnh Los Angeles, Mỹ.
Mới đây, trường của Nhật Nam gửi thư thông báo quyết định cho sinh viên học online và chưa biết thời gian quay lại trường vì dịch Covid-19. Thông tin này khiến cho chị Phan Hồ Điệp có chút lo lắng cho con trai nên đã nhắn tin hỏi thăm.
Cuộc hội thoại giữa 2 mẹ con và những điều động viên tinh thần cho Nhật Nam đã được chị Phan Hồ Điệp chia sẻ xúc động trên trang cá nhân.
Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
Hôm qua trường Nam gửi thư thông báo việc sinh viên sẽ học online và chưa biết thời gian quay lại trường, có thể ngày các con về nghỉ xuân cũng là ngày kết thúc năm học.
Mình nhắn tin cho Nam hỏi: Em ổn không?
Nam bảo: Em ổn nhưng hơi buồn mẹ ạ. Học ở trường tuyệt vời quá, em không muốn việc học bị gián đoạn. Nhưng biết làm thế nào.
Thế các học sinh quốc tế sẽ về nước chứ em?
Chị Phan Hồ Điệp và Nhật Nam trò chuyện với nhau.
Cũng không rõ lắm mẹ ạ. Các bạn Trung Quốc, Hàn Quốc nhà trường đồng ý cho ở lại. Còn em thì đang phân vân xem nên ở hay về. Ở lại em làm được nhiều việc hơn, cũng tránh di chuyển vào thời điểm này. Nhưng em cũng muốn về với bố mẹ...
Một khoảng im lặng dài... Mình biết Nam đang xáo trộn nên không đưa ra lời khuyên gì.
Một năm học đầy biến động với tất cả sinh viên. Phải chia tay sớm với bạn bè, với thầy cô, chắc chúng cũng hụt hẫng lắm.
Nhưng không sao đâu Nam, mình có mái ấm mà.
Mái ấm không chỉ là mái nhà trên đầu chúng ta. Đó là nơi ta cảm thấy được yêu thương và nơi ta yêu thương người khác.
Mái ấm có những người chờ đợi ta sau bậc cửa, người cố gắng để một ngọn đèn chờ người về khuya.
Mái ấm có những người ôm lấy ta sau một ngày mệt mỏi và lách rách cằn nhằn về muôn nỗi mưu sinh.
Mái ấm khiến ai tang bồng hồ thỉ vẫn chùng lòng: Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
Mái ấm là nơi từ đó, em bước ra ngoài dài rộng. Em có nhớ trò chơi mẹ với em từng chơi Thinking outside the checkbox - để em biết, không thể phân chia thế giới loài người thành các hộp: da trắng, da đen, đàn ông, đàn bà... một cách lạnh lùng.
Mẹ cũng nhớ bài thơ em làm về "giọng mẹ" trên chuyến tàu điện cuối năm.
"Trên chuyến tàu điện chiều nay
Em bỗng nghe tiếng gọi: Nam ơi!
Giọng ai như giọng mẹ
Em vụt quay lại tìm
Những khuôn mặt người băng qua em
Tuyết trắng băng qua em
Những hàng cây khô mùa đông băng qua em
Nhưng không thấy mẹ...
Cảm giác hụt hẫng chơi vơi
Giá mà có giọng mẹ cho em "bám vào", cho em đỡ lạnh
Mẹ ở đâu giữa ngàn người màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau, tiếng nói khác nhau
Mẹ giấu lời gọi "Nam ơi" ở chỗ nào mà em tìm không thấy
Hay mẹ giấu trong cánh chim cô đơn bay ngang bầu trời NewYork
Hay mẹ giấu trên thửa đồng hoang tuyết giá phủ dày
Hay mẹ giấu trong ngọn gió lang thang của mùa đông xứ tuyết
Hay mẹ giấu trong ánh mặt trời, trong ánh trăng đêm
"Nam ơi" em nhắc lại giọng mẹ
Và em tìm ra rồi, nó ở ngay đây
Trong trái tim em, trong lòng bàn tay em, trong lồng ngực em ấm áp
Giọng mẹ tròn đầy như giọt nước long lanh
Giọng mẹ "lăn" mãi theo từng nhịp tàu, xình xịch u u
Nên em thấy hoa đào của mùa đông xứ Bắc
Nên em thấy bếp lửa hồng tươi mẹ đợi em về
Thấy khoảnh sân thưa và giàn hồng vấn vít
Thấy cơm thơm trong khói đượm hiên nhà
"Nam ơi" và "Mẹ ơi"
Em sẽ ôm giọng mẹ đi khắp nơi
Mẹ nhé!"
Ừ, có mẹ đây rồi Nam! Chắc Nam như bao bao bạn du học sinh khác lòng thầm nhắc: Tạ ơn cuộc sống con còn đó/Một mảnh quê hương để trở về/Để mai trong lúc bơ vơ nhất/Điện thoại đầu kia có người nghe...
Mẹ nghe đây rồi... Cứ bình tĩnh rồi mọi việc sẽ ổn thôi em, em và tất cả các bạn bè, tất cả những người đang lao đao, bất ổn, nhọc nhằn...
Rồi sẽ ổn thôi!".
Vài nét về tác giả:
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Theo Trí Thức Trẻ
Chị Phan Hồ Điệp gợi ý 14 điều cha mẹ nhất định phải giúp con thực hiện trong kì nghỉ dài phòng dịch Covid-19 Tự làm việc nhà, học tiếng Anh, đi thăm ông bà... là những việc quan trọng mà chị Phan Hồ Điệp khuyên cha mẹ nên giúp trẻ thực hiện trong đợt nghỉ học phòng dịch này. Mỗi việc đều mang lại những giá trị to lớn cho quá trình phát triển của trẻ. Ba tuần, thậm chí phần lớn học sinh, sinh viên...