Nghề giữ trẻ vào mùa nhộn nhịp
Chỉ hơn 1 tuần nữa, học sinh các cấp sẽ chính thức bước vào kì nghỉ hè năm học 2018. Trái ngược với tâm lý háo hức trước kỳ nghỉ của học sinh thì các bậc phụ huynh lại lo lắng, nháo nhào đi tìm lớp học hè cho con. Đây cũng là thời điểm dịch vụ nhận trông giữ trẻ tại nhà mọc lên khá nhiều.
Dạy thêm hè, thu chục triệu đồng mỗi tháng
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, hai vợ chồng phải tất bật chia lịch đưa đón con suốt 3 tháng hè, bữa ăn cơm nhà, bữa nuốt vội cơm tiệm, năm nay chị Tô Thùy Dương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định cùng một vài người bạn thuê hai bạn sinh viên sư phạm về dạy dỗ và chăm sóc các con ngay tại nhà.
“Tôi có một nhóm bạn khá thân cũng có các con độ tuổi như 2 con tôi, chúng tôi thuê 2 bạn sinh viên đến dạy dỗ và chăm sóc các cháu ngay tại nhà. Hàng ngày các cô cũng sẽ dạy con học văn hóa, học đàn, học hát, trưa các cô sẽ nấu cơm cho các con ăn. Chi phí học của mỗi cháu từ 1,3 – 1,5 triệu đồng/cháu. Với cách làm này, chúng tôi sẽ không phải lo ngại về mặt thời gian cũng như các cháu sẽ được chơi với những người bạn đã thân thiết từ trước nên bố mẹ cũng yên tâm hơn”, chị Dương cho biết.
Nắm bắt được nhu cầu của các bậc phụ huynh, cô Nguyễn Thị Thoa – giáo viên một trường tiều học ở quận Bắc Từ Liêm đã cùng một giáo viên trong trường mở lớp học hè ngay tại nhà cho các học sinh cấp tiểu học. Căn phòng rộng chừng hơn 20m2 đã trở thành chỗ chơi, chỗ học của hơn 10 học sinh mỗi khi mùa hè đến.
“Tận dụng khoảng thời gian hè rảnh rỗi, thêm nữa là một số phụ huynh cũng nhờ trông con giúp nên tôi đã quyết định mở lớp này. Ban đầu lớp chỉ có 3 – 4 cháu theo học nhưng sau đó số lượng các cháu đến đăng kí học tăng dần, có lúc cao điểm lên tới 20 cháu. Thời điểm hiện tại, các cháu chưa chính thức nghỉ hè nhưng tôi cũng đã nhận được hơn chục cháu xin học hè. Các cháu chủ yếu trong độ tuổi 6 – 8 tuổi. Đặc biệt là các cháu chuẩn bị vào lớp 1 theo học rất đông”, cô giáo Thoa cho hay.
Với những cháu không ăn trưa, cô Thoa thu phí mỗi tháng 1.300.000 đồng/cháu, còn 1.800.000 đồng/cháu là bao gồm cả suất ăn trưa ngay tại nhà. Để buổi học của các cháu không bị nhàm chán, cô Thoa mời thêm cả giáo viên dạy vẽ, dạy tiếng Anh cho học sinh. Cô Thoa cho biết, với các lớp học hè, cô không đặt nặng vấn đề học văn hóa, chủ yếu cho các cháu học kĩ năng sống, tham gia các trò chơi hay các môn năng khiếu. Công việc dạy thêm này cũng đem về cho cô Thoa mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cô Thoa cũng cho hay, việc dạy thêm hè cũng gặp phải không ít khó khăn khi các học sinh ở lứa tuổi không đồng đều. “Có những cháu chỉ 5 tuổi bố mẹ đã mang đến gửi, nhưng có những cháu đã 8 – 9 tuổi. Mỗi một lứa tuổi khác nhau chúng tôi lại phải có những cách giảng dạy khác nhau. Hơn nữa, ở độ tuổi này các cháu cũng mải chơi, các cô phải nhắc nhở suốt ngày”, cô Thoa cho biết.
Video đang HOT
Mỗi khi mùa hè đến, các dịch vụ trông giữ trẻ tại nhà lại được khá nhiều phụ huynh lựa chọn. (Ảnh: K.Oanh)
Bà nội trợ tích cực đi trông trẻ
Không muốn cho con vào các nhà trẻ tư thục đắt đỏ, đôi khi lại e ngại về chất lượng, một số phụ huynh đã tìm đến dịch vụ trông trẻ tại nhà. Công việc này thường được các bà nội trợ, những người nghỉ hưu hoặc các mẹ đang nuôi con nhỏ nhận làm.
Kể từ khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Tình (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận thêm công việc trông trẻ tại nhà để vừa có thêm thu nhập và cũng để vui cửa vui nhà. “Con cái đi làm cả ngày, ở nhà một mình cũng buồn nên tôi nhận giữ trẻ cho vui cửa, vui nhà. Vui với trẻ khiến tôi trẻ ra, thoải mái hơn nhiều. Bình thường tôi cũng chỉ nhận trông 1 – 2 cháu nhưng cứ mỗi khi hè thì có thêm nhiều phụ huynh nhờ tôi trông. Nhưng tôi cũng chỉ dám nhận 3 – 4 cháu là cùng để đảm bảo sức khỏe và trông các cháu cũng được tốt hơn”, bà Tình cho hay.
Công việc của bà Tình thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào khoảng 17 – 18 giờ hàng ngày với các hoạt động cho trẻ ăn, ngủ, học múa, học hát… Theo bà Tình, công việc giữ trẻ tại nhà có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều công sức, kinh nghiệm và lòng yêu thương. Bà tâm sự: “Các cháu tôi trông chủ yếu trong độ tuổi từ 1 – 3 tuổi. Ở giai đoạn này, các cháu vẫn chưa biết nhiều, thường lười ăn và rất hay quấy, cứ phải bế ẵm suốt ngày nên tôi cũng khá vất vả. Nhưng những lúc bọn trẻ ở nhà với bố mẹ thì mình lại rất buồn. Làm công việc này mình phải có cái tâm, phải coi trẻ như con cháu của mình thì mới làm tốt được”. Với công việc giữ trẻ tại nhà, bà Tình cũng thu được từ 5 – 10 triệu đồng/tháng tùy số lượng trẻ.
Được biết, việc trông trẻ tại nhà hiện cũng được khá nhiều bà nội trợ, những người nghỉ hưu hoặc các mẹ đang nuôi con nhỏ nhận làm để kiếm thêm thu nhập. Mức phí cho dịch vụ này dao động từ 2 – 5 triệu đồng/trẻ, cao hơn nhiều so với việc cho trẻ theo học tại trường công lập. Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn chấp nhận vì lo ngại sức khỏe của con bị ảnh hưởng, hay nhiều trẻ vẫn chưa đủ độ tuổi tham gia học tại các trường công lập.
Từ ngày 18/6 đến hết ngày 17/8, các trường mầm non trên địa bàn TPHCM có thể tổ chức nhận giữ trẻ trong dịp hè theo yêu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, các trường chỉ được nhận giữ trẻ đã học tại trường trong năm học 2017 – 2018 nhằm đảm bảo an toàn cho việc chăm sóc trẻ cũng như không gây thêm áp lực cho giáo viên. Sở GD&ĐT TPHCM cũng nhấn mạnh, các trường giữ trẻ trong dịp hè phải đảm bảo đủ số giáo viên tương ứng với số trẻ; phải có cán bộ quản lý trực; phải thực hiện nghiêm chế độ dinh dưỡng, kế hoạch bảo đảm an toàn, chương trình hè đa dạng với các hoạt động ngoại khóa văn thể mỹ; việc sửa chữa cơ sở vật chất phải đảm bảo an toàn cho trẻ…
Kim Oanh
Theo Gia đình & Xã hội
Làm sao để kỳ nghỉ hè của con không là nỗi lo của bố mẹ?
Mới cuối tháng 5 mà nhiều phụ huynh đã bắt đầu nỗi lo: con nghỉ hè bố mẹ phải làm sao?
Ảnh minh họa
Tôi biết không phải bố mẹ nào lo chạy tìm lớp học hè cho con cũng vì muốn con học trước chương trình để vào năm học có điểm 9, 10 mà là vì để con ở nhà một mình thì không yên tâm. Con được nghỉ hè nhưng bố mẹ không được nghỉ hè. Nếu để con ở nhà một mình, bố mẹ không quản được, con suốt này xem tivi, lướt Facebook hoặc trốn đi chơi đâu đó thì bố mẹ phải làm sao?
Không phải gia đình nào cũng có ông bà ở quê để gửi con về quê chơi cho biết cây cỏ, đồng ruộng, trâu bò ra sao, thả diều, câu cá, bắt dế thế nào. Mà về quê chắc gì đã an toàn? Có vùng quê lại có nhiều ao hồ, trẻ em dễ có nguy cơ bị đuối nước. Thực tế, hè nào cũng có những em học sinh trốn gia đình đi tắm sông, tắm hồ bị chết đuối nên bố mẹ nào cũng lo sợ. Vậy nên, đối với những gia đình nào không gửi con về quê được thì đành phải tìm lớp nào đó để gửi con, học là phụ còn quản lý con là chính.
Tôi có chút may mắn là không được nghỉ hè nhưng thời gian làm việc không quá gò bó và có nhiều công việc có thể làm ở nhà, trao đổi qua mail. Con gái học lớp 2 vừa thi học kỳ II xong là tôi tranh thủ đưa bé đi làm thẻ thư viện ở phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh. Tiền phí đọc sách cho cả 1 năm rẻ đến bất ngờ: chỉ có 10.000 đồng. Phòng đọc có rất nhiều sách, báo mới, giấy đẹp, in màu bắt mắt. Bàn ghế trong phòng cũng phù hợp với tâm lý trẻ em, thảm nhà êm nên nhiều bé cứ ngồi ra sàn đọc chứ không thèm lên ghế. Phòng còn có điều hòa mát rượi.
Bé nhà tôi sau buổi đầu đến đọc về thích quá cứ đòi đi tiếp. Tôi còn rủ một bé trai ở gần nhà, học cùng lớp con làm thẻ thư viện với lời hứa: khi nào bé nhà tôi đi thì sẽ chở bạn đó đi cùng. Cu cậu sau buổi đầu được đến thư viện về cười tít mắt, kể chuyện ở nhà mẹ con không cho đọc truyện, giờ đến thư viện đọc xả láng luôn!
Mỗi tuần, tôi tranh thủ chở hai đứa nhỏ đến thư viện 2 lần, mỗi lần khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, tôi mang máy tính ngồi ở tiệm cà phê ngay dưới sân thư viện để làm việc vì nhà hơi xa, nếu quay về thì mất nhiều thời gian. Vậy mà có lần trên đường chở 2 đứa về, con gái phụng phịu: đang đọc đến đoạn hay thì mẹ phá đám, bắt về!
Gần nhà tôi có một hồ bơi mới mở, giá vé khá rẻ nên mỗi tuần, tôi giao nhiệm vụ cho chồng đưa con đi bơi 1 lần. Vì chồng tôi đi làm về muộn nên thường đưa bé đi bơi lúc gần 5 giờ chiều, khi đó hồ bơi đã bớt người. Thỉnh thoảng vì chồng bận không đưa bé đi được, tôi dẫn bé đi và đứng trên bờ quan sát, chỉ đạo. Đôi lúc bé bắt bẻ: mẹ không biết bơi mà còn nói con!
Dù cố gắng cách mấy thì trong hơn hai tháng nghỉ hè của con, thời gian con phải ở nhà một mình cũng tương đối nhiều. Dù tôi đã mua sách bài tập để con tự làm khi mẹ vắng nhà nhưng vì không muốn gây áp lực cho con, tôi chỉ giao mỗi ngày 2 trang bài tập. Vì vậy, thời gian cháu xem hoạt hình là khá nhiều. Bố mẹ không ở nhà, con không đi học thêm, làm sao cấm con xem tivi được. Tôi thấy lo vì nhiều kênh hoạt hình của truyền hình cáp thỉnh thoảng lại có những bộ phim nội dung không phù hợp lắm nhưng chẳng còn cách nào tốt hơn.
Vậy đó, nỗi lo lắng mang tên "con được nghỉ hè" cứ mỗi tháng 5 về lại làm bố mẹ đau đầu. Làm sao để kỳ nghỉ hè của con là tháng năm rực rỡ có lẽ là câu hỏi khó đối với nhiều phụ huynh.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Theo Dân trí
Gợi ý những hoạt động trong dịp nghỉ hè để bé không dính lấy màn hình điện tử Tự hoàn thành các nhiệm vụ cá nhân hay giúp mẹ chuẩn bị bữa tối, tưới cây, đọc sách hàng ngày.... là một số việc cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ làm để có một kì nghỉ hè nói không với các loại màn hình điện tử Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, trẻ em ngày nay...