Nghề giáo viên mầm non, ‘bỏ thì thương, vương thì tội’
Tất bật từ sáng sớm đến chiều muộn lại gặp quá nhiều áp lực trong công việc, mối quan hệ với phụ huynh, đòi hỏi của xã hội… khiến nhiều giáo viên mầm non muốn bỏ nghề.
Một ngày của giáo viên mầm non tất bật từ sáng sớm đến chiều muộn – Ảnh: Bích Thanh
Không có thời gian để… nhớ đến con
“Trời còn tối, sao đã đi học vậy, mẹ ơi?”, đó là câu hỏi gần như sáng nào cậu con trai của cô giáo mầm non N.T.T (ở Q.12, TP.HCM) cũng nói với mẹ từ ngày bắt đầu đi học mẫu giáo cho đến khi bước chân vào lớp 6. Chồng công tác trong quân đội, đóng quân xa nhà, ông bà nội ngoại không ở gần, mọi công việc trong gia đình hằng ngày dồn lên vai cô giáo N.T.T. Theo quy định, trường mầm non bắt đầu đón trẻ từ lúc 6 giờ 30 nên ngày nào cũng vậy, để có mặt đúng giờ, 5 giờ 15, hai mẹ con cùng dậy chuẩn bị vệ sinh cá nhân và ra khỏi nhà trễ lắm là 6 giờ.
“6 giờ tôi đưa bé vào trường rồi đi đến trường của mình. Sáng nào con cũng ngồi ăn sáng với ông bảo vệ. Quay đầu xe đi làm, nhìn dáng con ngồi nhỏ thó trước phòng bảo vệ, hôm thì cầm gói xôi, hôm thì hộp cơm mẹ nấu, thương đến xót lòng”
Cô giáo mầm non N.T.T (ở Q.12, TP.HCM)
Cô N.T.T nói: “Suốt 5 năm bậc tiểu học, ngày nào con trai cũng là học sinh đi sớm và về muộn nhất trường. 6 giờ tôi đưa bé vào trường rồi đi đến trường của mình. Sáng nào con cũng ngồi ăn sáng với ông bảo vệ. Quay đầu xe đi làm, nhìn dáng con ngồi nhỏ thó trước phòng bảo vệ, hôm thì cầm gói xôi, hôm thì hộp cơm mẹ nấu, thương đến xót lòng. Mỗi năm, chỉ khi nào ba nghỉ phép khoảng 10 ngày thì con mới được ăn sáng và đi học đúng giờ như các bạn”. Cô T. chia sẻ: “Từ lúc bắt đầu đón trẻ cho đến khi hoàn tất một ngày ở trường, việc này tiếp nối việc kia, cho trẻ ăn, chơi, ngủ, hoạt động… chả có thời gian để nhớ đến con”.
Còn cô T.T.T.Q (ở Q.8, TP.HCM) chuẩn bị hết thời gian nghỉ hậu sản phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm chỗ gửi con gái 6 tháng tuổi để trở lại với công việc. Trường cô Q. dạy đóng tại Q.5. Cô Q. kể: “Hằng ngày con ngủ mặc con, đến giờ là bồng con thắt đai, hai mẹ con chở nhau chạy từ Bến Phú Định lên gửi ở nhóm trẻ tư nhân gần trường. Bao nhiêu ngày bồng con trao tay cho bà giữ trẻ là bấy nhiêu ngày tôi khóc. Chỉ mong thời gian trôi nhanh để con đủ 2 tuổi vào học trường của mẹ”.
Cô P.P.T đang dạy ở một trường mầm non tại Q.5 lại nói cứ tưởng khi con học trường của mẹ thì mẹ con có điều kiện gần gũi, chăm sóc nhưng thực tế không phải vậy. “Công việc trong lớp cuốn hết thời gian, chỉ đến giờ ăn trưa, đến ca của mình, tranh thủ lúc vệ sinh cá nhân sau giờ ăn trưa của giáo viên thì chạy vòng qua lớp con ngắm một chút. Nhiều khi muốn vô lớp con “hít hà” một chút cũng không dám vì sợ ảnh hưởng trẻ khác trong lớp”, cô T. tâm sự.
Con đau mắt, phụ huynh cũng la giáo viên
Video đang HOT
Luôn chân, luôn tay, không còn thời gian rảnh để nhớ đến con của mình nên hầu hết các cô giáo mầm non, khi tiếp xúc với PV Thanh Niên đều nói rằng nếu không yêu nghề và yêu trẻ thì bỏ việc từ lâu rồi.
Có cô giáo kể, dù tất bật từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng đôi khi gặp những “đòi hỏi không giống ai” như con đau mắt thì phụ huynh la giáo viên, chất vấn sao để con tôi đau mắt. Con vào lớp rồi, phụ huynh lấp ló canh chừng ngoài cửa, thấy cô quay sang chơi với trẻ khác, liền điện thoại cho cô nói: “Sao cô để bé ngồi một mình thế kia?”…
Nhiều học sinh bỏ học sau khi thực tập
Thái Thị Hồng Thắm, học sinh ngành sư phạm mầm non Trường trung cấp Việt Khoa, có 8 tuần thực tập tại Trường mầm non Tân Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM). Những ngày đầu, Thắm bị bất ngờ vì không giống như hình dung. Trẻ khóc, quậy phá, cô nói không nghe, vệ sinh ra lớp… khiến Thắm vô cùng căng thẳng. Lớp 4 – 5 tuổi, trẻ
còn tự phục vụ được. Lớp 19 – 24 tháng tuổi, cô phải làm tất tần tật mọi việc. Giờ ăn là cả một cực hình cho cô với trò khi trẻ lười ăn, lì bướng không hợp tác. Có trẻ ăn khí thế xong nôn hết ra.
“Em thấy đây là một nghề quá cực khổ, vất vả. Mấy ngày đầu tiếp xúc với trẻ về em còn bị tắt tiếng, không nói chuyện được. Lúc đó cảm thấy mình chọn sai nghề, muốn bỏ nghề luôn. Lớp em có bạn học đến năm 2 đã bỏ vì thấy cực quá, dành trọn thời gian cho công việc nhưng lương không đủ sống, thời gian gò bó. Khi tốt nghiệp thì đã có đến 1/4 bỏ nghề. Cái đã níu giữ bản thân em lại chính là sau một ngày vật lộn, chiều đến, ăn bữa xế xong các bé vui đùa, chơi ngoan, giải tỏa được cái mệt của cả ngày dồn lại”, Thắm chia sẻ.
Mỹ Quyên
Nhiều giáo viên không tránh khỏi chạnh lòng vì những cư xử của phụ huynh. Cô giáo N.N.V (ở Q.12), từng nghỉ làm một năm, ở nhà phụ gia đình buôn bán, tâm sự: “Những ngày đầu mới nghỉ, tôi cảm thấy rất thoải mái nhưng qua một thời gian, lúc rảnh rỗi, hay buổi trưa ngồi trông hàng cho mẹ, tôi lại nhớ những cái níu tay, ôm cổ, léo nhéo gọi “cô ơi cô ơi”. Nhớ tụi nhỏ khi thấy cô trang điểm còn ôm mặt khen cô: Hôm nay cô đẹp thế… Sau một năm, nhớ bọn trẻ quá và thấy mình cứng cỏi hơn nên tôi quyết định trở lại với nghề”.
Hiểu những vất vả của giáo viên hằng ngày trải qua, cô Nguyễn Thị Hồng Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 8 (Q.12, TP.HCM), nói rằng không dám tạo áp lực gì cho giáo viên mà luôn khuyến khích, động viên và hỗ trợ giáo viên của mình. “Nhiều khi phải dùng chiêu tâm lý để níu kéo giáo viên ở lại với mình. Nếu có lòng yêu nghề, yêu trẻ, các cô sẽ thay đổi quyết định và ở lại gắn bó với nghề”, cô Trang chia sẻ.
35 năm của một bảo mẫu
Năm 18 tuổi, cô Y., bảo mẫu của một trường mầm non công lập tại Q.3 (TP.HCM), xin vào trường làm nghề dạy trẻ. Sau 18 năm , đến năm 2000, khi quy định khắt khe hơn về bằng cấp, cô phải học lên cao hơn mới có thể tiếp tục giảng dạy. Vì chuyện gia đình bắt buộc phải dành nhiều thời gian, cô tình nguyện trở lại làm bảo mẫu.
Mỗi ngày của cô Y. bắt đầu từ 5 giờ sáng. Nhà ở đường Hương Lộ 3 (Q.Bình Tân), cách xa trường, nên 5 giờ 30 cô đã bắt đầu đến trường. Cô giúp các cô giáo sắp xếp, lau dọn lại phòng học, giặt giũ khăn mặt, mền gối, chuẩn bị bàn ăn… Sau đó, cô tất tả chuẩn bị những phần ăn sáng cho từng lớp. Buổi trưa, cô giúp giáo viên dỗ các bé ngủ, dọn dẹp chỗ ngủ khi các bé thức dậy. Buổi chiều, khi hoàn tất những công việc khác thuộc chức trách của mình, đến giờ ra về, cô Y. đi từng lớp, dẫn các bé bố mẹ nhờ cô giúp trông trễ giờ xuống sân. Đến khoảng 18 giờ 30, khi các bé đã ra về hết, cô lại vội vàng lên xe, chạy về Bình Tân, chuẩn bị cho bữa tối muộn của gia đình mình.
“Mình yêu nghề, yêu trường nên ráng làm. Dù làm cô giáo trong lớp hay bảo mẫu bên ngoài cũng vậy. Miễn là được đi làm trong trường, thỏa đam mê là được. Nghề này thấy vui hay buồn là do mình cả. Bằng lòng với hiện tại thì sẽ thấy vui. Tôi vẫn thường nói với các bảo mẫu trẻ hơn là cứ tận tâm cho công việc, đừng than phiền, đơn giản thấy bằng lòng là được”, cô Y. bộc bạch.
Đăng Nguyên
(còn tiếp)
Theo thanhnien
Nhiều trường tiểu học thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng
Chỉ còn 9 tháng nữa, các trường tiểu học sẽ áp dụng dạy học chương trình và SGK mới từ lớp 1. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều trường ở các địa phương vẫn thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Một tiết học tiếng Anh của học sinh tiểu học
"Trắng" giáo viên Tiếng Anh
Điển hình nhất về việc thiếu giáo viên tiểu học hiện nay là ở Hà Tĩnh. Trường tiểu học Kỳ Thịnh nhiều năm nay không có giáo viên dạy Tiếng Anh, học sinh hoàn toàn không được học môn này. Nhà trường nhiều lần đề xuất lên cấp trên nhưng không được giải quyết. Cũng có xã rơi vào tình trạng cả trường tiểu học và THCS chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh, lượng học sinh đông, chia làm nhiều lớp, giáo viên dù có tăng giờ dạy cũng không đáp ứng được chương trình.
Theo ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, hiện thị xã thiếu 23 giáo viên Tiếng Anh, trong đó bậc tiểu học thiếu 18 người. Đặc biệt, một số trường vắng bóng hẳn giáo viên Tiếng Anh dù trong chương trình hiện hành, học sinh từ lớp 3 đã được học tự chọn môn này. Nguyên nhân là do một số giáo viên về hưu, ngành chưa chuẩn bị kịp phương án thay thế. Hiện Phòng GD&ĐT thị xã đề xuất Sở Nội vụ và tỉnh Hà Tĩnh cho giải pháp để tuyển thêm giáo viên, trong đó ưu tiên cho giáo viên tiểu học để thực hiện chương trình mới. Hiện trường mới ký hợp đồng thỉnh giảng được với hai giáo viên Tiếng Anh tạm thời đáp ứng nhu cầu dạy học. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có giáo viên biên chế để học sinh không rơi vào tình trạng ăn đong.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay mỗi huyện thiếu khoảng 7-8 người, Nghệ An có 21 huyện tương đương với hơn 150 giáo viên môn học này. Chương trình GDPT mới, lo không đủ nguồn giáo viên cho học sinh từ lớp 1, lớp 2, địa phương cho phép các trường liên kết với các trung tâm ngoại ngữ đưa giáo viên bản địa vào dạy hoặc mời giáo viên các cấp dạy thêm buổi chiều.
Theo ông Thành, đây là giải pháp tạm thời. Trong năm học tới địa phương sẽ tiến tới tuyển đủ 1,5 giáo viên/lớp (hiện mới chỉ đạt tỉ lệ 1,4 giáo viên/ lớp). Điều địa phương lo lắng hiện nay là học sinh ở các điểm lẻ không biết phải tính toán ra sao khi áp dụng chương trình, SGK mới. Mỗi điểm có không đến 10 học sinh. Lớp 1,2 các em không được học Tiếng Anh đã đành nhưng khi đến lớp 3 chương trình bắt buộc cũng khó bố trí đủ giáo viên, thậm chí có giáo viên cũng không có trang thiết bị để dạy học môn này theo chương trình mới.
Khó cả nguồn tuyển
Tháng 9/2019, UBND huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đăng thông báo về việc tuyển dụng một số giáo viên Tiếng Anh tiểu học. Trong đó, nêu rõ tiêu chí giáo viên phải tốt nghiệp ĐH Sư phạm trở lên, chuyên ngành Tiếng Anh hoặc tốt nghiệp ĐH trở lên chuyên ngành Tiếng Anh. Giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ công nhận đạt trình độ B2 trở lên; có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản...
Cô L.H.N, một giáo viên hợp đồng Tiếng Anh ở Phú Thọ cho biết, nhiều năm làm giáo viên dạy hợp đồng, cô rất mong chờ cơ hội được tuyển dụng vào biên chế chính thức. Tuy nhiên, soi chiếu lại không đáp ứng điều kiện tuyển dụng. Đó cũng là thực trạng chung của việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh ở nhiều địa phương.
Ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ khẳng định, tuy các trường thiếu giáo viên nhưng một số giáo viên môn học hợp đồng lâu năm không được tuyển là có thật. Sở dĩ có chuyện như trên là do để thực hiện chương trình GDPT mới, UBND tỉnh yêu cầu phải tuyển giáo viên tốt nghiệp ĐH chính quy trở lên, có bằng B2 và một số điều kiện khác nên một số giáo viên hợp đồng cũ không đáp ứng được.
Cũng theo ông Lập, địa phương vừa tuyển gần 360 người, trong đó có gần 40 giáo viên Tiếng Anh cho bậc tiểu học, cơ bản mới chỉ đáp ứng được giáo viên dạy môn này từ lớp 3, riêng lớp 1,2, địa phương sẽ thực hiện giải pháp cho các trường ký liên kết với giáo viên các trung tâm ngoại ngữ vào dạy cho học sinh làm quen.
TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) lý giải, trong chương trình hiện hành, Tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển. Trong khi đó, chương trình GDPT mới, cùng với Tin học, Tiếng Anh là môn học bắt buộc vì vậy, đây sẽ là căn cứ để các địa phương tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm. Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các địa phương có lộ trình, chuẩn bị giáo viên cho môn học, giai đoạn 2020-2026 phải đảm bảo đủ số lượng theo định mức số tiết quy định trong chương trình.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm 2018, toàn quốc có hơn 1 triệu giáo viên công lập, theo tính toán thiếu khoảng 5.600 giáo viên Tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Theo Tiền phong
Lạ lùng lớp học nơi bản nghèo, 15 tuổi học mẫu giáo, 60 tuổi vẫn là học sinh Khi mặt trời dần khuất sau những dãy núi, nơi bản nghèo thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Vân Kiều trên tuổi 40 - là những người chị, người mẹ, có người đã là bà ngoại, bà nội - tạm gác lại công việc sau ngày dài vất vả nơi nương...