Nghề giáo cực khó!
Làm giáo viên là một nghề nhưng là một nghề đặc biệt, khác với tất cả những nghề còn lại trong xã hội. Đây là nghề thường được ví von nhằm thực hiện thiên chức cao quý: trồng người.
Trồng cây vốn vô cùng gian nan, cực nhọc. Trồng người cực nhọc, gian nan gấp bội. Câu nói của lãnh tụ Hồ Chí Minh (dựa vào ý của Quản Trọng thời Xuân Thu chiến quốc) về lợi ích mười năm, trăm năm của việc trồng cây, trồng người đã phần nào thể hiện rõ điều này.
Nói một cách mộc mạc, giản dị: làm giáo viên cực khó! Ai đã chọn nghề này để mưu sinh, yêu trẻ và tham gia đóng góp cho xã hội, ắt biết chấp nhận cái cực khó của nghề như một định mệnh.
Cực khó như thế nào? Người cùng nghề thì ai ai cũng đã hiểu, đã thấm. Nhưng người khác nghề, chưa chắc đã nhận biết điều này một cách rành rẽ, đúng đắn trong khí quyển nhân văn.
Cái cực khó thứ nhất, trong suốt quãng đời ba, bốn chục năm đi trồng người, người giáo viên phải đóng góp tâm huyết, công sức của mình làm sao để giáo dục, đào tạo ra hàng trăm, hàng ngàn con người thực sự có ích cho xã hội mà không được quyền trồng sai, không được quyền để mất mùa như trồng khoai, trồng lúa… Vượt lên trên cái cực khó này, người giáo viên phải tự mình phấn đấu để luôn luôn là hình mẫu, là tấm gương sáng về nhân cách và thực sự là chuyên gia đích thực của tiến trình trồng người này. Rất nhiều hành vi, cách ứng xử ở trên đời, những người hành nghề khác có thể làm được nhưng người giáo viên thì không, hoàn toàn không, ví dụ đơn giản như: nói tục, chửi bậy, vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi… Không vậy, không thể đảm nhận một sứ mạng thiêng liêng và vĩ đại đến thế! Đội ngũ giáo viên phải là những người như vậy, nên trong tiến trình hành nghề, sự thanh lọc, loại bỏ các phần tử không đủ đạo đức và năng lực nghề nghiệp là chuyện đương nhiên.
Giáo viên cũng là con người và vì vậy, trong số họ đương nhiên cũng có số ít người mang khí chất hung hãn, nóng nảy, thiếu kiềm chế và khoái thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Quả thật, trong xã hội loài người, luôn tồn tại một hạng người như vậy và họ thích hợp với những hành vi du côn, càn quấy. Nghề giáo thì không cho phép xuất hiện hạng người đó. Nhưng khâu tuyển sinh vào các trường sư phạm thì hoàn toàn không có hình thức sát hạch, kiểm định nào, qua đó nhận biết và loại ngay hạng người có tính cách này. Chính vì thế mà như một tất yếu, thỉnh thoảng chúng ta vẫn phải phẫn uất, đau lòng khi chứng kiến những bảo mẫu hay thầy cô giáo hành hạ học trò bằng vũ lực. Họ là vậy, tính ác, tính dữ luôn trỗi dậy, khiến không thể không dùng vũ lực với học trò như là một cứu cánh để hành nghề và tồn tại. Nếu để họ tiếp tục làm nghề giáo, bằng cách này hay cách khác, hạng người này vẫn coi vũ lực là phương thức, phương pháp giáo dục duy nhất, tối thượng. Không biết để khước từ hạng người này ngay từ khâu tuyển sinh thì bây giờ phải cần loại bỏ họ ra khỏi nghề giáo, đó là cách xử lý thông minh, hiệu quả và nhân văn nhất. Chọn cách tái giáo dục hạng người hung hãn đang hành nghề giáo thì đã cực khó lại cực khó thêm!
Cái cực khó thứ hai, nghề giáo là nghề duy nhất có đối tượng tương tác chủ yếu là người trẻ (các kiểu đi học của người già cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ). Người trẻ thì vốn sống và kinh nghiệm cá nhân rất mỏng, tư duy khoa học và bản lĩnh cuộc sống còn non, còn yếu. Vậy nên, sự tương tác giữa người dạy và người học sẽ chẳng hề dễ dàng, thuận lợi như những nghề khác. Sự tương tác này ít căn cứ vào các quy định, thủ tục hành chính hay những thông số kỹ thuật, công nghệ mà chủ yếu dựa vào cung bậc và nhịp đập của trái tim. Trái tim người dạy và người học không đồng điệu thì giờ dạy – học chắc chắn ít hoặc không thành công. Gọi người giáo viên là kỹ sư tâm hồn chính vì lẽ đó! Để có một tiết lên lớp, một buổi dạy – học, một đời làm nghề giáo âm vang nhịp đập chung của thầy và trò là một tiến trình khổ luyện vô lường của người giáo viên. Người thầy không chỉ giúp học trò từng bước thu nạp một dung lượng tri thức phổ thông cần thiết mà còn tham gia trực tiếp xác lập, bồi dưỡng nhân cách đẹp cho các em qua những bài học đạo đức và kỹ năng sống. Mà dạy chữ khó một thì dạy người khó mười, khó trăm. Có nghề nào cực khó như vậy không? Không! Hoặc có nhưng rất ít (?).
Cái cực khó thứ ba (điều này ít nhất đúng ở Việt Nam hiện nay), nghề giáo mà cụ thể là giáo viên luôn chịu áp lực nặng nề của bệnh thành tích nói chung. Bệnh thành tích khiến giáo viên bị cuốn vào vòng xoáy đa chiều của nó, không thể tự mình thoát ra. Nếu biết hoặc cố thoát ra, đương nhiên giáo viên ấy sẽ khó hoặc không còn được tiếp tục hành nghề, dù tâm huyết với nghề đến mấy! Cuốn vào vòng xoáy này, phải chấp nhận và đồng hành ít nhiều với sự giả tạo đã đành, người giáo viên còn đánh mất năng lực và cá tính sáng tạo của mình. Thành tích đích thực là điều cần phấn đấu để có, để đạt được. Nhưng bệnh thành tích thì phải triệt tiêu, loại bỏ trong đời sống tinh thần của xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Bệnh thành tích là không biến thành có, xấu phù phép thành tốt, đánh tráo thực hư, trắng đen, khiến cuộc sống trở nên giả tạo, lừa lọc, bệnh hoạn. Để không dính dáng gì hay thoát khỏi căn bệnh quái ác này, người giáo viên không thể tự bơi. Cả một guồng máy ít nhúc nhích thì một đinh ốc nhỏ khó có thể tự mình chuyển động. Cực khó! Chừng nào những quy định và danh hiệu tào lao, phù phiếm, vô bổ trong ngành giáo dục, nhất là những con số thống kê rỗng tuếch bị khước từ và gỡ bỏ, chừng đó người giáo viên mới thực sự được làm nghề một cách đích thực, tự tin và dễ dàng hơn.
Video đang HOT
Nhìn một cách thấu đáo như trên để tất cả chúng ta có một thái độ cảm thông, bao dung, chia sẻ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay. Ai đó, trước một sự kiện tiêu cực nào đó trong ngành giáo dục, lập tức lên mạng la mắng, ném đá dồn dập nghề giáo và đội ngũ giáo viên nói chung, thiết nghĩ, e chưa độ lượng, nhân văn cho lắm! Nghề nào cũng vậy, y tế, giao thông, điện lực, xăng dầu… trong muôn một điều tốt, ắt cũng nảy nòi dăm ba cái xấu. Đó là vũ trụ với những cặp phạm trù tồn tại như một quy luật siêu phàm. Rất ảo tưởng nếu đòi tất cả cuộc đời này đều hay ho, tốt đẹp, đều là màu hồng… Điều quan trọng là chúng ta biết phấn đấu để những điều nói trên hiện diện nhiều hơn, lấn át cái xấu, cái tiêu cực. Vậy thôi, nghề giáo và đội ngũ giáo viên cũng không nằm ngoài quy luật vĩnh hằng đó của tạo hóa.
Nghề giáo cực khó! Xin ngưỡng vọng và tôn vinh đội ngũ giáo viên luôn vượt qua những cửa ải cực khó để mãi mãi tự tin hành nghề.
Không thầy đố mầy làm nên!
Cô giáo trẻ ươm mầm nơi bản làng nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa
Tông bảo những ngày đầu cắm bản, cô đã khóc rất nhiều vì buồn, cô đơn và nhớ nhà khi mỗi buổi tối phải ở lại một mình nơi lớp học. Nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô vượt qua tất cả.
Niềm vui của cô Sung Thị Tông là mỗi ngày trẻ được đón các em đến lớp. (Ảnh: PV/Vietnam )
Đường vào bản Mùa Xuân lởm chởm sỏi đá và bùn lầy, có những đoạn chiều rộng đường chỉ hẹp chừng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực, nếu đi không cẩn thận có thể ngã xuống vực bất cứ lúc nào. Nhưng đó lại là cung đường mỗi ngày tới với các em học sinh của cô giáo Sung Thị Tông.
Những ngày đầu cắm bản, Tông đã khóc rất nhiều vì buồn, cô đơn và nhớ nhà khi mỗi buổi tối phải ở lại một mình nơi lớp học. Nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô vượt qua tất cả.
Một lớp học, ba chiếc bảng
Bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), quê hương Tông, cách trung tâm xã 27 km và cách trung tâm huyện tới 67 cây số, xung quanh chỉ là đồi núi bao phủ. Tuổi thơ cô Tông gắn liền với những con suối và ruộng nương. "Nhà tôi có 8 anh chị em, như hầu hết các gia đình khác, nhà nào cũng có 8-10 người con. Người Mông chúng tôi sinh con dày đến mức anh chị em mà nhìn như đứa trẻ cùng lứa tuổi. Vì thế cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám," cô Tông chia sẻ.
Tông bảo mình là một trong 7 đứa trẻ may mắn nhất trong bản khi được cắp sách tới trường. Lũ trẻ đến lớp khi quần áo còn lấm lem bùn đất, cả lớn cả bé học chung một lớp ghép ba trình độ. Phòng học vô cùng chật chội nhưng thầy giáo vẫn phải kê ba cái bảng ở ba hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập là những quyển sách, chiếc bút do chính thầy cô cho. Nhiều bạn vừa học vừa phải cõng em. Anh ê a đọc chữ còn em ngủ trên lưng lúc nào không hay.
Tình yêu với nghề giáo đã được hun đúc trong cô bé Tông từ những lớp học ghép tranh tre nứa lá, từ những yêu thương bảo bọc dạy dỗ chở che của những người thầy bám bản bám trường. "Tôi ao ước sẽ trở thành cô giáo để có thể đem tri thức của mình truyền đạt lại cho bao thế hệ trẻ thơ chịu nhiều thiệt thòi và khốn khó nơi tôi sinh ra," cô Tông chia sẻ.
Ước mơ ấy của Tông đã trở thành hiện thực khi năm 2016, cô chính thức trở thành một giáo viên mầm non. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Tông xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy.
Giống lớp học của chính mình khi xưa, lớp của cô Tông cũng là lớp ghép của học sinh mầm non các độ tuổi. (Ảnh: PV)
Trăn trở vì học trò nghèo
Mùa Xuân là một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá với đầy đủ ba không: không điện, không đường, không trạm. Bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 cây số, giáp với nước Lào. Do đường vào bản rất khó khăn nên đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương. Sự càn quét của cơn bão số 3 năm 2019 càng làm cho bản nghèo thêm xơ xác khi những ngôi nhà đất mái lá vốn đã đơn sơ, tuềnh toàng sập xuống, đường xá sạt lở...
"Hành trình đến với điểm trường Mùa Xuân của tôicàng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để đến với điểm trường, tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, một bên là núi, một bên là vực, nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Nếu mùa khô thì đi xe máy sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất một ngày. Nhưng những khó khăn đó cũng không làm cho tôi chùn bước mà càng thôi thúc tôi nhanh đến điểm trường hơn," cô Tông chia sẻ.
Không chỉ dạy học, Tông còn chăm sóc các em như người mẹ thứ hai. (Ảnh: PV)
Nhìn phòng học xuống cấp, đồ dùng học tập, trang thiết bị, đồ chơi bị mưa bão cuốn trôi và hư hỏng... lòng cô giáo trẻ như thắt lại vì sự thiệt thòi của những đứa trẻ nơi đây. Cô trăn trở và suy nghĩ làm gì để những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói; làm thế nào để các em có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết để vui chơi, học tập, đáp ứng các yêu cầu của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi?
Những trăn trở đầy yêu thương ấy đã giúp cô tìm ra được giải pháp là tham vấn với nhà trường kết nối với các tổ chức thiện nguyện. Trong hơn một tháng, cô đã kêu gọi được nhiều đồ chơi, đồ dùng, bàn ghế. Đoàn thiện nguyện Búp Măng Non đã đến tại điểm trường Mùa Xuân để tổ chức Tết trung thu cho trẻ. Đặc biệt, chương trình Vì trẻ em vùng cao và Nuôi em, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ nuôi ăn cho tất cả các cháu và 100% cháu được bán trú tại trường.
Mong "mùa xuân" đến bản
Khi cơ sở vật chất đã tạm thời ổn định, cô lại suy nghĩ làm thế nào để mỗi đứa trẻ nơi đây đều được đến lớp học tập và vui chơi cùng bạn bè. Điểm trường mầm non Mùa Xuân chỉ có một lớp cho tất cả ba độ tuổi, một mình cô Tông bám bản đứng lớp. Sau mỗi buổi dạy, cô đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng cháu, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp học... Với sự vận động của cô, trẻ 100% trẻ từ ba tuổi trở lên đã ra lớp.
Với những nỗ lực cống hiến của mình, ngày 23/9, cô Tông đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tặng bằng khen điển hình tiên tiến xuất sắc ngành giáo dục toàn quốc (Ảnh: PV/Vietnam )
Với lợi thế là người cùng dân tộc, cô Tông sử dụng linh hoạt tiếng Việt và tiếng Mông để giúp các em tăng cường vốn tiếng Việt mỗi ngày. Cô cũng tận dụng mọi vật liệu sẵn có ở địa phương như vỏ cây, hạt quả, lá rừng, sỏi đá để tạo đồ dùng đồ chơi, trang trí cảnh quan lớp học và sân vườn trường, nhằm tạo sự hứng thú trong học tập và thu hút trẻ đến trường.
Niềm vui lớn nhất với cô là mỗi sớm mai thức dậy, học sinh háo hức đến trường. "Dù còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng tôi sẽ cùng với tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ tiếp tục mang sức trẻ, sự tâm huyết của mình đưa đến cho trẻ em điểm trường Mùa Xuân những hy vọng mới, luồng ánh sáng mới và hình thành cho trẻ một nhân cách tốt. Tôi mong rằng bản làng nơi đây sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm... giúp bà con giảm dần khoảng cách với những vùng thuận lợi, các cháu được vui chơi, học tập trong những điều kiện tốt nhất; giúp cho bản Mùa Xuân ngày càng trở nên tươi đẹp, tràn đầy sức sống như tên gọi thân thương ấy," cô Tông xúc động nói./.
Nữ sinh Nghệ An thi Đại học 31 điểm: Mẹ bị ung thư giai đoạn 4, phải đi nhổ cỏ lúa, bóc mía thuê, ngày chỉ ngủ 2 tiếng vì quyết tâm thi đỗ Ngoài giờ học, Quỳnh Trang còn giúp bố mẹ chăm em, dọn dẹp nhà cửa rồi lo toan công việc ruộng vườn, thậm chí đi nhổ cỏ lúa, bóc mía thuê để đỡ đần chi phí học hành. Sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020, các sĩ tử 2K2 đã chính thức hoàn thành trọn...