Nghề giáo có còn cao quý
“Hiện nay thầy cô không muốn được gọi là nghề cao quý nữa, họ thấy nó là nghề khá bạc bẽo. Bạc vì sao ư, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho thầy cô thấy bạc”, độc giả Thanh Y chia sẻ.
Mấy ngày qua trên các trang báo xôn xao với vụ học sinh tại trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) bị đuổi học 6 tháng và gia đình các em viết đơn kêu cứu lên tận Bộ Giáo dục. Thông tin chưa biết rõ đúng sai thế nào nhưng phần lớn bình luận lúc đầu lên án, phê phán thầy hiệu trưởng. Nhưng khi sự kiện đang dần được sáng tỏ thì lại thấy việc đuổi học của thầy với 3 em học sinh là đúng. Từ những điều xảy ra với ngành giáo dục Việt Nam trong thời gian qua, tôi tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra với nền giáo dục Việt Nam.
Nghề giáo giờ thế nào?
Nghề giáo từ xưa vẫn được gọi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng hiện nay dường như các thầy cô không muốn được gọi là nghề cao quý nữa, họ thấy nó là nghề khá bạc bẽo. Bạc vì sao ư, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho thầy cô thấy bạc.
Ngày xưa thầy cô được tôn trọng, được học sinh quý mến, nhưng ngày nay học sinh có thể chỉ thẳng mặt mà chửi, mà dọa dẫm thầy cô. Như vậy còn cao quý không? Nhiều người nói thầy cô phải làm sao học sinh mới như thế, vậy thì có ai tự hỏi vì sao có những đứa con lại có thể chửi cha đánh mẹ, phải chăng cha mẹ phải như thế nào con cái mới đánh mới chửi. Lẽ nào tại cha mẹ, lẽ nào tại thầy cô? Có cha mẹ nào mắng đứa con ngoan, có thầy cô nào nỡ đánh học trò học chăm, lễ phép? Vài cái roi lúc trò hư đâu phải thù oán, đó là những cái roi của tình thương mong các em nên người.
Nhiều bậc phụ huynh luôn nói thầy cô chỉ vì tiền. Nhưng tôi xin hỏi cuộc sống này ai không vì tiền, những đồng tiền do mình làm ra bằng sức lực tại sao lại bị coi như tham ô. Tất cả chúng ta đều làm việc vì tiền, vì cuộc sống cả. Giáo viên bằng đại học mới ra trường lương cơ bản x 2,34 x 80% là được gần 3 triệu đồng. Với 3 triệu đồng chúng ta sẽ làm gì khi có gia đình, khi nhà lại ở thành phố giá cả cái gì cũng cao. Những thầy cô dạy môn phụ chỉ có thế thôi, còn những thầy cô dạy các môn thi mới có điều kiện dạy thêm dạy bù để tăng thêm thu nhập.
Rất nhiều người nói thu nhập của giáo viên giờ cao lắm, số cao lắm đó chỉ là rất ít thôi. Mà dạy thêm cũng đâu có sướng khi luôn bị soi mói, khi lệnh cấm dạy thêm được ban hành. Các thầy cô phải dạy chui, lúc nào cũng lo sợ bị bắt, mà không dạy thì không biết phải làm gì để tăng thêm thu nhập khi mà số tiền lương ít ỏi có biết bao khoản chi trông vào. Phá rừng gây hại gọi là lâm tặc, cướp biển gọi là hải tặc…, điểm chung của những “tặc” đó là gây hại cho xã hội, cho môi trường, là những điều xấu. Tuy nhiên, dạy thêm là mang kiến thức đến cho mọi người giờ cũng bị coi như một “tặc” mới khiến chúng ta xót xa là “giáo tặc”. Bị coi như “giáo tặc” thì có còn cao quý?
Video đang HOT
Tại sao tình trạng dạy thêm lại diễn ra phổ biến?
Có lệnh cấm dạy thêm học thêm, xã hội nhiều người lên án nạn dạy thêm học thêm. Nhưng tại sao bây giờ học sinh phải học thêm nhiều thế?
Thứ nhất, mức lương của phần lớn giáo viên bây giờ cơ bản là thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Vì thế giáo viên phải dạy thêm để tăng thu nhập.
Thứ hai, chúng ta hãy thử nhìn vào sách giáo khoa hiện nay và đề thi chúng ta mới thấy nếu không học thêm thì học sinh không thể thi đỗ được. Với phân phối chương trình và lượng kiến thức như hiện nay thời gian để làm bài tập cơ bản cũng hạn chế nói chi đến kiến thức nâng cao. Đề thi đại học Bộ Giáo dục luôn nói chủ yếu nằm trong kiến thức sách giáo khoa 12. Nhưng nếu học sinh chỉ học kiến thức trong sách có lẽ chỉ được 3 điểm.
Đơn cử như môn Hóa trong sách chỉ có vài bài cơ bản trong khi thi đại học lại nâng cao rất nhiều. Hay như môn Vật lý trong sách làm gì có công thức Anhxtanh, công thức hiệu suất lượng tử nhưng đi thi lại có. Vậy muốn biết kiến thức đó để thi đỗ đại học, cao đẳng phải học thêm thôi. Và khi học sinh có nhu cầu học thêm thì giáo viên dạy thêm.
Tất nhiên ngoài những nguyên nhân chính đáng đó thì không tránh khỏi một bộ phận giáo viên bắt học sinh đi học thêm để thu tiền. Đó chỉ là một vài con sâu trong vườn rau bạt ngàn mà thôi.
Nghề giáo có sướng?
Nghề giáo không sướng như nhiều người nghĩ. Ngoài giờ lên lớp còn biết bao việc, bao loại sổ sách hồ sơ phải làm. Nào là chấm bài, vào điểm, sổ chấm trả, giáo án các loại, sổ nhận xét học sinh, sổ sinh hoạt chuyên môn, soạn đề kiểm tra, sáng kiến kinh nghiệm… mà phần lớn trong số đó chỉ mang tính hình thức. Những trường chuyên lớp chọn học sinh ngoan thì dạy còn nhàn. Những nơi học sinh hư vừa dạy vừa dỗ.
Giáo viên cũng là con người nên sao tránh khỏi những lúc nóng giận. Chẳng may bị quay tung lên mạng thì coi như sự nghiệp tiêu tan. Bởi khi bị đưa lên mạng rồi thì với phong trào ném đá tập thể, té nước theo mưa dù đúng sai thế nào cũng hết đường sự nghiệp. Mọi người luôn mặc định đã là giáo viên phải luôn trong suốt như thủy tinh, họ không đặt mình vào hoàn cảnh mà thông cảm nên khi bị đưa lên mạng thì họ mặc định giáo viên đó là xấu, phải đuổi.
Rồi khi vào điểm thì căn bệnh thành tích bên trên ép xuống khiến việc cho điểm bị sai lệch để rồi phải nhắm mắt đặt bút. Những việc làm trái với lương tâm nghề giáo như thế lẽ ra phải bị lên án nhưng lại được tất cả mọi người cổ vũ nhiệt tình. Âu cũng do việc quá trọng bằng cấp, ưa hư danh, thích khoe khoang mà ra.
Học sinh bây giờ thế nào?
Quay lại việc 3 học sinh bị đuổi học ở Thái Bình. Khi mới đưa thông tin lên mọi người ra sức ném đá thầy hiệu trường khi mà chưa biết sự thật ra sao. Để rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc. Sở Giáo dục Thái Bình ngay lập tức yêu cầu hủy hình thức kỷ luật với học sinh.
Tìm hiểu thì thấy 3 học sinh này vi phạm nhiều lần, nghỉ học tự do, tè bậy, rải truyền đơn, đánh nhau trong trường, vô lễ với thầy cô khi chỉ thẳng tay vào mặt chửi giáo viên và đe dọa ra ngoài đường sẽ đánh. Sự thật điều tra quá đơn giản khi mà cả trường mấy trăm học sinh, nhiều em sẽ biết. Chỉ với việc chỉ tay vào mặt thầy cô mà dọa nạt cũng đáng bị đuổi rồi. Vậy mà nhiều người nói hiệu trường sai khi đuổi học sinh.
Nếu vài hôm nữa Sở Giáo dục Thái Bình quyết định bỏ hình thức kỷ luật đuổi học với những học sinh này thì không hiểu sắp tới điều gì sẽ diễn ra. Học sinh sẽ ngang nhiên chửi thầy cô mà không sợ bị đuổi nữa vì bị đuổi lại kêu cứu Bộ Giáo dục, bị đuổi lại mang vụ này ra mà nói sao những học sinh kia không bị mà em bị đuổi. Có những người đổ lỗi cho giáo dục nhưng giáo dục đâu có dạy các em chửi thầy cô, đâu có dạy các em cầm dao đi cướp. Việc giáo dục học sinh phần lớn phải do gia đình vì các em chỉ ở trường mỗi ngày 4 đến 6 tiếng mà thôi.
Học sinh bây giờ không còn như xưa nữa. Nhiều học sinh rất hư, có thể chửi, dọa dẫm thầy cô, ý thức trong lớp rất kém, coi thường giáo viên. Đạo đức học sinh kém đi nhiều, học hành cũng kém đi. Liệu có ai tin học sinh lớp 12 không biết quy đồng mẫu số, không biết khai căn hay không. Đó là sự thật và đó chính là nạn nhân của căn bệnh thành tích của chúng ta.
Sách giáo khoa Việt Nam bây giờ thế nào?
Qua nội dung phần dạy thêm học thêm bên trên chúng ta cũng hiểu sách giáo khoa của chúng ta bây giờ đang quá tải. Nội dung quá dài, không có nhiều nội dung liên hệ thực tế. Ngoài bộ sách chính thống của Bộ Giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành thì có hàng trăm đầu sách khác được phát hành mà nội dung của nó khiến chúng ta phải lo lắng cho thế hệ con cháu.
Các kỳ thi của Việt Nam bây giờ thế nào?
Nếu hỏi kỳ thi nghiêm túc nhất hiện nay là kỳ thi nào? Xin thưa đó là kỳ thi vào lớp 10 do các tỉnh tổ chức. Đó là kỳ thi mà việc thi thực chất và nghiêm túc 99%. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay chỉ mang tính hình thức. Với việc cộng cả điểm tổng kết khiến tình trạng tiêu cực có điều kiện xảy ra nhiều hơn và cũng với việc cộng cả điểm tổng kết vào khiến nhiều em đi thi chỉ cần 2 điểm một môn cũng đỗ.
Cụm thi do các Sở Giáo dục tổ chức các em có thể quay cóp, trao đổi bài. Cụm thi để xét đại học nhiều nơi cũng không nghiêm túc. Điều này đã được nhiều em học sinh bày tỏ trên các diễn đàn. Vậy chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốn kém này với mục đích gì. Nếu đã học thì phải thi thật còn thi cho có tốt nhất nên bỏ và để các trường đại học tự chủ đầu vào.
Hy vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ có kế sách cho ngành giáo dục Việt Nam bước qua giai đoạn này.
Theo VNE