Nghề đưa đón học sinh trường quốc tế: Công việc như một giúp việc nhưng trách nhiệm lớn hơn giáo viên chủ nhiệm
Monitor được biết đến là người phụ trách công tác đưa đón học sinh từ nhà đến trường. Toàn bộ công việc của các monitor nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể thấy rất đơn giản.
Tuy nhiên, nếu để làm đúng các quy định đề ra, thì chắc chắn đây là một công việc không dễ dàng.
Quy trình đưa đón ngặt nghèo
Chia sẻ với phóng viên, chị N.T.T (Hồ Tây, Hà Nội) cho biết, tại một số trường quốc tế ở Việt Nam, người đăng kí làm cô giáo đưa đón (Monitor) sau khi nộp hồ sơ xin việc sẽ phải trải qua một vòng phỏng vấn với các câu hỏi liên quan đến việc tiếp xúc với học sinh. Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, các monitor sẽ có 5 buổi học gồm 3 buổi lí thuyết, 2 buổi thực hành về kiểu cách mở cửa, sang đường, nhìn xe…
Ở giai đoạn tiếp theo sau khi hoàn thành khóa học đào tạo, các monitor sẽ được phân xe và có khoảng thời gian thử việc 1 tuần. Kết thúc thời gian thử việc, monitor được các học sinh đánh giá xem có chấp nhận người này đưa đón mình trong suốt năm học hay không.
Sau khi được nhận xe, monitor sẽ làm việc với tài xế dựa trên danh sách nhà trường cung cấp bao gồm các thông tin từ phụ huynh, nhà cửa, tên học sinh, lớp… để đưa ra lộ trình thích hợp cho việc đưa đón. Mỗi khu vực có từ 1-2 xe đón. Số lượng xe dựa vào độ lớn của các trường. Nếu là trường đông học sinh thì có khoảng 40-45 xe, trường ít sẽ có từ 24-27 xe. Lộ trình đưa đón của các xe thường bắt đầu từ 6h35 sáng đến 7h25 là đưa toàn bộ học sinh đến trường.
Ở một số trường quốc tế, các monitor bắt buộc phải thực hiện quy trình đưa đón học sinh theo quy định ngặt nghèo (Ảnh: Minh Khánh)
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp xảy ra trong quá trình đưa đón học sinh. Nhiều trường học không cho phép chờ đón học sinh quá 5 phút. Nếu như có học sinh ra quá muộn thì xe được phép đi và monitor phải thông báo cho phụ huynh biết học sinh đi muộn, xe không đón và phụ huynh phải tự đưa con đến trường. Trong trường hợp này, monitor phải có trách nhiệm thông báo với gia đình em học sinh lỡ chuyến rồi xe mới được đi. Nếu chưa thông báo thì xe chưa được phép đi cho đến khi thông báo được.
Khi đến trường, các monitor cầm danh sách kiểm tra sĩ số học sinh xuống xe. Sau khi kiểm đủ số học sinh, các monitor sẽ tiếp tục kí vào sổ xác nhận sĩ số, đồng thời thông báo số lượng học sinh không đến bằng xe đưa đón, lí do tại sao và những học sinh này có theo xe về không. Nếu có học sinh để quên đồ, các monitor sẽ là người đem đồ để quên đặt vào các ô đồ của các xe tại trường để học sinh ra lấy lúc ra chơi. Đến đây, các monitor kết thúc ca buổi sáng.
Vào ca chiều, các monitor phải có mặt sớm 2 tiếng trước khi tan trường để cập nhật sĩ số học sinh theo xe về, bởi có nhiều trường hợp học sinh đi cùng xe đến nhưng chiều tham gia các hoạt động ngoại khóa không theo xe về hoặc phụ huynh học sinh muốn đón con về. Trong trường hợp này, các monitor phải báo lên cô phụ trách, sau đó cô phụ trách báo lại cho phụ huynh, nhận được sự đồng ý thì học sinh mới được lên xe về. Các cô giáo chủ nhiệm, cô phụ trách của monitor phải ở lại cuối cùng, sau khi xe cuối cùng ra khỏi trường thì mới được về.
Xét trên khía cạnh nào đó, trách nhiệm của các monitor còn có thể nói là lớn hơn so cô giáo chủ nhiệm bởi quy trình quản lý rất chặt chẽ và nhiều bước.
Trong mắt học sinh, monitor không khác gì một giúp việc
Video đang HOT
Mức lương các monitor nhận được trong 26 ngày làm việc dao động từ khoảng 2,5 triệu đồng tới 4 triệu đồng. Mọi diễn biến từ lúc đón học sinh trên xe, trong quá trình di chuyển và khi đến trường, các monitor đều phải đảm nhiệm hoàn toàn.
Theo chị N.T.T , monitor là một công việc không có quá nhiều áp lực bởi gần như không có chuyện học sinh nô đùa, quậy phá trên xe mà chỉ nói chuyện. Trên các xe đưa đón học sinh đều có 6 quy tắc “bất di bất dịch” gồm: không nói to, không làm ồn, không bật nhạc, không nói chuyện, không chạy nhảy, và không nô đùa.
Theo chị N.T.T, công việc của các monitor tuy khá rảnh nhưng đối với nhiều học sinh, monitor không khác gì giúp việc ở nhà (Ảnh: Minh Khánh)
Trừ những trường hợp có học sinh tăng động hay tự kỉ thì bắt buộc phải ngồi cạnh và thắt dây an toàn. Khi học sinh lên xe thì có bao nhiêu người, các monitor phải nói bấy nhiêu lần câu “thắt dây an toàn”. Trên xe, trong quá trình di chuyển, các học sinh bé lớp 1-2 thì phải ngồi gần các monitor, còn các học sinh lớn hơn sẽ ngồi sau, không để cho trẻ tự chọn chỗ. Khi các học sinh đã cố định chỗ ngồi thì sẽ ngồi như vậy đến cuối năm học.
Công việc của monitor không phải làm gì ngoài việc kiểm soát sĩ số học sinh, thông báo phụ huynh việc học sinh có đến lớp hay không và con họ có vấn đề gì.
Dẫu vậy, chị N.T.T cũng chia sẻ, các học sinh trên xe không giao tiếp quá nhiều với các monitor bởi đối với những học sinh này, monitor không khác gì người giúp việc ở nhà, chỉ khác là cô giúp việc trên xe và học sinh coi đó là xe nhà mình. Đối với học sinh, gia đình các em đã trả một số tiền lớn cho nhà trường để đưa đón nên nếu chỗ ngồi của học sinh không sạch sẽ, các em có quyền không ngồi và các monitor phải lau cho sạch.
Không những vậy, cuối mỗi kì học, nhà trường sẽ phát cho mỗi học sinh một phiếu đánh giá về cô monitor phụ trách đưa đón. Nếu nhận được được toàn bộ đánh giá tốt thì monitor sẽ được nâng lương. Nhưng nếu chỉ cần có một ý kiến không đồng ý thì cô monitor phải tìm gặp học sinh để hỏi về những điều chưa ưng ý và sửa chữa.
Cũng theo chi N.T.T, một số trường quốc tế còn có quy định không cho phép cô monitor chạm vào người học sinh, kể cả học sinh khóc, trừ khi được em học sinh ấy yêu cầu. Một số trường hợp học sinh mới đi học chưa quen, quấy khóc thì các monitor chỉ được dỗ bằng cách vỗ nhẹ vào vai hoặc cầm tay dắt đi, không được phép bế hay nắm cổ tay.
Những vấn đề khác liên quan đến học sinh, monitor phải thông báo cho người có trách nhiệm cao nhất. Bởi nếu học sinh có những vết lạ trên cơ thể thì monitor sẽ là người bị hỏi đầu tiên. Thậm chí nếu buổi chiều về học sinh có vết lạ trên người thì monitor cũng không được phép cho về luôn mà phải thông báo với phụ huynh hoặc hỏi cô giáo chủ nhiệm học sinh lí do tại sao có vết lạ này.
Toàn bộ công việc của các monitor nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể thấy rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu để làm đúng các quy định đề ra, thì chắc chắn đây là một công việc không dễ dàng và cần phải có những đào tạo kĩ càng mới có thể đáp ứng được công việc.
Vẫn chưa thực sự coi trọng
Dù là công việc khá mới ở Việt Nam, nhưng việc tuyển chọn các monitor dường như chưa được một số trường coi trọng. Theo c T, monitor là công việc khá dễ dàng, không giới hạn độ tuổi, nếu bạn 60 tuổi mà vẫn có sức đi làm thì vẫn được tuyển.
Đối với nhiều lái xe, việc của họ chỉ là lái từ điểm đón đến điểm trả, những việc còn lại thuộc về các monitor (Ảnh: Nam Nguyễn)
Có một số trường quốc tế không làm quá chặt chẽ công đoạn tuyển chọn monitor. Tất cả những gì người ứng tuyển cần đáp ứng là không được có hình xăm, mặt hiền lành, có bằng cấp 3… mà thậm chí không cần lí lịch, nhân thân hay những giấy tờ cơ bản là có thể được tuyển.
Bên cạnh đó, một số trường hợp lái xe làm hợp đồng, có những người hôm trước vừa chạy chuyến đêm. Hôm sau tiếp tục chạy đưa đón học sinh trong bối cảnh chỉ ngủ được 2-3 tiếng. Do vậy, những lái xe này sẽ không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác trên xe ngoài việc đón và đến đúng điểm. Sau đó họ sẽ đánh thẳng xe ra bãi và nghỉ ngơi. Các lái xe luôn mặc định họ không có nhiệm vụ phải kiểm tra xe mà các monitor phải đảm nhiệm phần này.
Đăng Huy
Theo toquoc
Không chỉ trường Marie Curie, trường tiểu học Lômônôxốp phải họp khẩn cấp sau vụ học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón
Là trường có rất đông học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ xe đưa đón nên ngay trong sáng 7/8, trường tiểu học Lômônôxốp đã phải họp khẩn cấp toàn thể giáo viên và nhân viên trong trường.
Sự tắc trách của đội ngũ lái xe, giáo viên đã khiến một học sinh nam lớp 1 trường phổ thông Gateway (Hà Nội) tử vong thương tâm trên xe đưa đón ngày 6/8. Ngay sau khi sự việc xảy ra, thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie đã phát "báo động đỏ" ngay trong đêm.
Sau trường Marie Curie, sáng 7/8, cô Nguyễn Thị Thu Mai, hiệu trưởng trường Tiểu học Lômônôxốp (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp toàn thể giáo viên, nhân viên của trường.
Cô Mai cho biết: "Lời đầu tiên, trường Tiểu học Lômônôxốp xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình học sinh lớp 1 trường Phổ thông Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) về sự cố đáng tiếc xảy ra vào ngày 6/8.
Sự việc xảy ra như một báo động đỏ về việc quản lý học sinh, khiến tất cả mọi người nói chung và cán bộ giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Lômônôxốp nói riêng đều cảm thấy bàng hoàng, đau xót và tiếc thương!
Được sự tin tưởng từ phía phụ huynh, trường Tiểu học Lômônôxốp hiện là một trong những trường dân lập có sử dụng dịch vụ xe tuyến để đưa đón học sinh với quy trình chặt chẽ. Mỗi nhân viên phụ trách xe tuyến đều được cấp 1 quyển sổ nhật ký với mục đích theo dõi tình trạng, kiểm tra sĩ số học sinh đi xe theo ngày.
Tuy nhiên, trước sự việc đau xót ngày hôm qua, ngay trong ngày 7/8, trường Tiểu học Lômônôxốp đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với toàn thể giáo viên và nhân viên.
Trường Tiểu học Lômônôxốp tổ chức họp khẩn cấp.
Về phía nhà trường:
Rà soát lại chặt chẽ toàn bộ quy trình chăm sóc, dạy dỗ và đón trả học sinh để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho học sinh một cách tốt nhất.
Giáo viên chủ nhiệm bắt buộc phải liên hệ với phụ huynh trước 8h30 nếu học sinh nghỉ học không lý do.
Nhân viên phụ trách xe tuyến kiểm tra cẩn thận sĩ số học sinh khi lên xe và trước khi xuống xe. Ghi chép đầy đủ, chính xác thông tin trên sổ nhật ký xe tuyến.
Trường Tiểu học Lômônôxốp.
Về phía phụ huynh học sinh:
- Khi con nghỉ học, phụ huynh bắt buộc phải liên hệ với giáo viên chủ nhiệm trước 7h30.
Trường Tiểu học Lômônôxốp quyết tâm thực hiện tốt các quy định mà nhà trường đã đề ra. Nhà trường mong rằng, sau thông báo này quý phụ huynh sẽ hợp tác thật tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các con".
Được biết, trường Tiểu học Lômônôxốp tổ chức 11 tuyến xe mỗi ngày để đưa đón hàng trăm học sinh đi học. Đây được xem là động thái tích cực của trường để rà soát chặt chẽ toàn bộ quy trình chăm sóc, dạy dỗ và đón trả học sinh đảm bảo an toàn.
Theo Helino
Đừng bắt giáo viên thành 'chủ nợ' của học sinh Mong rằng hiệu trường đừng nên bắt giáo viên chủ nhiệm chúng tôi gánh thêm trách nhiệm làm "chủ nợ" này nữa, đừng vì chỉ tiêu, thành tích thêm khổ giáo viên, phụ huynh và học sinh mỗi khi vào đầu năm học. Tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9. Vào đầu năm học, ngoài những công việc chuyên môn...