Nghệ An: Trẻ mầm non vùng khó khăn sẽ không còn phải mang cơm tới trường?
Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản tham mưu trình lên các cấp thẩm quyền, xin hỗ trợ kinh phí để hợp đồng lao động phục vụ việc nấu ăn bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Giờ ăn trưa bán trú của học sinh Trường Mầm non Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
“Bán trú dân nuôi” giữ trẻ lại trường
Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 129 trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn. Trong đó có 101 trường mầm non đang tổ chức “bán trú dân nuôi”, chiếm tỷ lệ 78,3%.
Hình thức dân nuôi đa dạng dựa theo điều kiện cụ thể tại từng trường như: phụ huynh chuẩn bị suất cơm cho con mang đến trường ăn trưa (426 điểm trường); cha mẹ góp thực phẩm, chất đốt, công nấu nướng để nấu thêm canh và thức ăn tại trường (50 điểm trường).
Mô hình bán trú dân nuôi đang được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau tại các trường mầm non vùng khó
Tại 28/129 trường vùng khó khăn còn lại thì vận động xã hội hóa: thực phẩm, chất đốt, có đóng tiền để nhà trường thuê người nấu ăn hoặc vận động giáo viên, phụ huynh nấu ăn cho trẻ tại trường.
Theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo học ở các trường mầm non đã được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa.
Tuy nhiên, các trường vùng cao có nhiều điểm lẻ xa xôi, cách trở, cơ sở vật chất ở những điểm trường này không đảm bảo đầy đủ nhà bếp và các điều kiện nấu ăn cho trẻ.
Bên cạnh đó, đời sống bà con miền núi khó khăn, vất vả nên các nhà trường không thể huy động phụ huynh đóng tiền để trường chỉ trả hợp đồng cô nuôi. Trong khi ngân sách chi thường xuyên cho các trường mầm non chỉ mới đảm bảo chi trả các hoạt động chuyên môn và hành chính của trường.
Video đang HOT
Trước thực tế này, hình thức bán trú dân nuôi là sáng kiến của nhiều trường học vùng khó khăn để đảm bảo cho trẻ ăn, ngủ tại lớp để học cả ngày.
Những đứa trẻ vui vẻ với bữa cơm trưa ở trường
Trường Mầm non Tân Hợp đóng tại địa bàn xa xôi nhất của huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Hầu hết trẻ là con em đồng bào dân tộc Thổ, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm trước, ngoài điểm chính, trường có đến 6 điểm lẻ manh mún không đủ điều kiện tổ chức bán trú.
Bằng nhiều biện pháp, trường đã gom nhóm thành công về còn 2 điểm khang trang, sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị hiện đại và có bếp ăn 1 chiều phục vụ bán trú cho 100% học sinh.
Cô Cao Thị Thành – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điều đáng mừng là nhờ công tác tuyên truyền tốt nên nhận thức phụ huynh được nâng cao, thường xuyên hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động. Hàng tháng, phụ huynh góp gạo, củi và đóng thêm một khoản tiền để nhà trường thuê cô nuôi nấu ăn. Chính quyền địa phương cũng quan tâm bổ sung CSVC cho nhà trường.
Qua việc tổ chức bán trú dân nuôi, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng cao, chất lượng giáo dục cải thiện và nhận thức của phụ huynh đối với việc học của con em mình cũng nâng lên.
Đề xuất hỗ trợ kinh phí tổ chức bán trú mầm non
Điểm bản Phà Lõm, Trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã thực hiện bán trú dân nuôi từ gần 10 năm nay. Cô Liễu, giáo viên phụ trách điểm trường cho hay: “Trẻ ở đây 100% là người Mông.
Buổi sáng, các em đem cơm từ nhà đi còn các cô sẽ nấu thêm canh từ rau, củ… tự trồng trong vườn trường. Bố mẹ còn khó khăn, nên nhiều khi suất ăn cho các con đến trường chỉ có cơm trắng với ít muối đâm cùng ớt cay”.
Toàn bộ bếp ăn, đồ dùng, bàn ghế ăn đều do nhà trường vận động xã hội hóa, giáo viên tình nguyện phân công ở lại chăm sóc, quản lý các em ăn trưa, ngủ trưa.
Phụ huynh điểm Phà Lõm, Trường Mầm non Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) đưa cơm đến lớp cho con
Đây cũng là thực tế chung của nhiều trường mầm mon vùng khó. Qua tìm hiểu, hiệu trưởng nhiều trường bày tỏ mong muốn có chế độ hỗ trợ kinh phí thuê cô nuôi, vì bản thân giáo viên mầm non đã rất vất vả.
Mặt khác, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bữa ăn do phụ huynh chuẩn bị cho các con nhiều khi không đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Chưa kể tiềm ẩn nguy cơ mất an vệ sinh an toàn do nguồn thực phẩm không được kiểm soát. Chất lượng bữa ăn trẻ vì vậy còn nhiều hạn chế.
Qua đánh giá tình trạng dinh dưỡng cuối năm học 2018 – 2019 của Sở GD&ĐT Nghệ An, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các xã ĐBKK đang ở mức trên 9% (cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh từ 3,6% – 6,5%).
Cô trò Trường Mầm non Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Trước thực tế này, Sở GD&ĐT Nghệ An đã văn bản xin hỗ trợ kinh phí để hợp đồng lao động phục vụ việc nấu ăn bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An.
Trên cơ sở đó, dự kiến đến năm 2020 sẽ hỗ trợ kinh phí, từ ngân sách tỉnh, để 129 trường mầm non công lập thuộc 123 xã ĐBKK tỉnh Nghệ An tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ tại trường theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay: Dự thảo mức hỗ trợ kinh phí để thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường MNCL thuộc xã đặc biêt khó khăn theo định mức 135% mức lương cơ sở/1 tháng, thời gian hỗ trợ không quá 9 tháng/01 năm.
Nếu được phiên họp HĐ sắp tới thông qua, thì đây là một chủ trương có tính nhân văn rất lớn đối với các trường mầm vùng đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc bán trú cho trẻ tại trường; đảm bảo an toàn VSTP, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ ở độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi.
Hồ Lài
Theo GDTĐ
Danh sách 24 giáo viên Nghệ An được nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục"
Những giáo viên được nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục" là những người có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và nhiều việc làm ý nghĩa để giúp đỡ các học sinh nghèo, vượt khó ở các nhà trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa công bố danh sách 24 giáo viên được nhận thưởng Quỹ "Phát triển tài năng giáo dục" lần thứ 16, năm 2019. Giải thưởng được tổ chức 2 năm một lần nhằm động viên, khích lệ các nhà giáo xứ Nghệ tự học tập, rèn luyện, vận dụng những đổi mới, sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường.
Giờ học của học sinh tiểu học huyện Con Cuông. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng thời, tôn vinh những nhà giáo xứ Nghệ tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong công tác giáo dục từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2018 - 2019.
Năm nay, để được xét tặng danh hiệu này, các giáo viên phải đạt được các tiêu chí về phẩm chất đạo đức lối sống, có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ hoặc tích cực vượt khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục;có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, luôn vươn lên khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được học sinh và đồng nghiệp tín nhiệm cao.
Ngoài ra, các giáo viên cũng cần tích cực tham gia phong trào từ thiện, nhân đạo của trường, của ngành và của địa phương. Quan tâm, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đoàn kết, hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác, đời sống, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau, lan tỏa sự tâm huyết trong tổ chuyên môn, trong nhà trường, cụm trường, huyện, thành phố, thị xã và trong tỉnh; giúp đỡ học sinh, được phụ huynh và nhân dân tin yêu, mến phục.
Cô giáo Thái Phương Chi (bên trái) - giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, là một trong những giáo viên được tuyên dương năm 2019. Ảnh: PV
Bên cạnh đó, cần có nhiều thành tích trong chuyên môn, đặc biệt trongcông tác bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 5 năm liên tục, có 1 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh hoặc 2 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở hoặc có phát minh, sáng chế về đồ dùng, thiết bị dạy học được giải cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Nghệ An tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ Dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông được ngành giáo dục Nghệ An quan tâm đầu tư song hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Chất lượng môn Ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) vẫn là "vùng trũng" so với các môn học khác và thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Hội nghị bàn giải pháp nâng cao...