Nghệ An thừa 1.400 giáo viên
Sở Giáo dục đang rà soát để cắt giảm giáo viên, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh những năm tiếp theo không ký thêm hợp đồng.
Ngày 7/12, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho hay, toàn tỉnh đang thừa 1.400 giáo viên các cấp, trong đó nhiều nhất là tiểu học. Nếu sĩ số học sinh mỗi lớp được xếp theo quy định thì số giáo viên bị thừa sẽ còn tăng cao. Vì thực tế bậc tiểu học quy định 35 em/lớp, nhưng trung bình ở Nghệ An là 27; THCS, THPT quy định là 45 em/lớp, hiện chỉ 34.
Tuy nhiên, một số huyện miền núi lại thiếu giáo viên. Hoặc bộ môn này thừa, bộ môn khác lại thiếu. “Với những bộ môn thiếu đáng lẽ phải tuyển thêm cho đủ nhưng vì chưa giảm được người thừa nên không thể tuyển. Lý do là tuyển vào thì không có quỹ lương để cho trả”, ông Thanh lý giải.
Học sinh mầm non tại một trường ở thành phố Vinh năm học 2017-2018. Ảnh: Hải Bình.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc giáo viên bị thừa được lãnh đạo Sở Nội vụ lý giải là tỷ lệ học sinh biến động từng năm. Có những năm học sinh mầm non tăng vọt, do có quan niệm chọn “năm đẹp, tuổi đẹp” sinh con.
Để giải quyết vấn đề thừa giáo viên, Sở đang rà soát sĩ số lớp học để cắt giảm, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh những năm tiếp theo kiên quyết không ký thêm hợp đồng.
Video đang HOT
Theo thống kê, bậc mầm non ở Nghệ An có 10.900 giáo viên; Tiểu học là 15.600; THCS 13.300 và THPT là 5.800. Trước đó năm 2013, tỉnh Nghệ An thừa 2.500 giáo viên.
Theo VNE
Một huyện thừa 637 giáo viên, hiệu phó
Chỉ vì UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, "lỡ" ký hợp đồng thừa 605 giáo viên và bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng, các trường ở huyện phải chia nhỏ nhiều lớp cho giáo viên dạy.
Đợt kiểm tra tháng 12/2016, Sở Nội vụ Đắk Lắk phát hiện tại huyện Krông Pắk có tình trạng giảm số học sinh của rất nhiều lớp nhằm tuyển dụng thêm giáo viên.
Chia nhỏ tới... 5 học sinh một lớp
Tại trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea Phê), trường chỉ bố trí 28 học sinh/lớp, dù cơ sở vật chất vẫn đảm bảo cho 45 em/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Do vậy, trường này đang thừa 16 giáo viên và 1 nhân viên.
Trường tiểu học Đặng Thùy Trâm (xã Ea K'nuêk), về lý thuyết đang thừa 22 giáo viên, nhưng thực tế số giáo viên thừa còn lớn hơn nhiều, bởi trường chỉ bố trí 5 học sinh/lớp.
Nhiều trường khác cũng có tình trạng tương tự như: Tiểu học Tô Hiệu, Cư Pui, Nguyễn Văn Bé, THCS thị trấn Phước An, THCS Hòa An... Tính ra, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao tới 605 giáo viên. Ngoài ra, huyện còn bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng, trong đó có 18 phó hiệu trưởng tiểu học và 11 phó hiệu trưởng THCS.
Ông Miên Klơng, giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk cho hay: Sau khi Sở Nội vụ Đắk Lắk kiến nghị khắc phục, UBND huyện Krông Pắk đã cam kết tinh giản biên chế, sắp xếp lại cán bộ quản lý trường học.
Bên cạnh đó, huyện sẽ điều các phó hiệu trưởng này đến các trường có lãnh đạo đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, điều động từ trường thừa sang trường thiếu...
Số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu, khi xét tuyển viên chức nếu không trúng tuyển sẽ chấm dứt hợp đồng. Dự kiến đến năm 2018, huyện Krông Pắk mới sắp xếp được hết số hiệu phó bổ nhiệm thừa và đến năm 2019 mới giải quyết xong hàng trăm giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu.
Trường THCS Hòa An (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bố trí chỉ có 5 học sinh mỗi lớp. Ảnh: Lữ Hồ/Tiền Phong.
Vợ tham mưu, chồng ký
Ngày 28/3, ông Nguyễn Thành Dũng, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, cho biết: Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk đã làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Krông Pắk liên quan đơn tố cáo ông Y Suôn Byă - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, vì đã ký quyết định tuyển dụng thừa 109 giáo viên, nhân viên trường học.
Người tham mưu trực tiếp về việc tuyển dụng thừa giáo viên ở phòng GD&ĐT huyện là bà H'Yer Knul, Phó trưởng phòng phụ trách phòng GD&ĐT huyện, chính là vợ ông Y Suôn. Bà H'Yer được giao phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016.
Hiện bà H'Yer đã được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Krông Pắk. Ông Y Bhé Byă, em ruột ông Y Suôn, cũng đang giữ chức Phó trưởng phòng Nội vụ huyện, một trong hai đơn vị tham mưu ký tuyển thừa giáo viên.
Theo ông Dũng, trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng dư thừa hàng trăm phó hiệu trưởng và giáo viên thuộc về lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk qua các thời kỳ là ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011-2016, hiện làm Phó trưởng ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk và ông Y Suôn Byă, chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021.
Thời ông Kỷ làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, huyện đã tuyển dụng thừa trên 500 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng và ông Kỷ cũng đã xây nhà biệt thự trên đất nông nghiệp ở phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột.
UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kiểm tra, làm rõ sai phạm và có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Kỷ. Đến nhiệm kỳ của mình, ông Y Suôn tiếp tục ký tuyển dụng 109 giáo viên, nhân viên dù biết trước đó đã dư thừa.
"Huyện chúng tôi hiện thừa 605 giáo viên, nhưng chỉ còn 86 biên chế giáo viên các cấp học. Vì thế, tôi đang cho Phòng Tư pháp huyện kiểm tra lại tính hợp pháp các quyết định tuyển dụng của UBND huyện, cái nào sai quy định sẽ hủy và yêu cầu người đã ký quyết định phải bồi thường cho người được tuyển dụng theo quy định của pháp luật. Đối với việc dư thừa 32 phó hiệu trưởng, đến nay, UBND huyện đã sắp xếp, bố trí lại, chỉ còn dư thừa 20 phó hiệu trưởng", ông Dũng cho biết thêm.
Theo Lữ Hồ / Tiền Phong
Giáo viên mầm non: 'Tôi được cho tiền để không đánh trẻ' Một giáo viên mầm non ở Lâm Đồng chia sẻ bài viết thể hiện sự day dứt khi phụ huynh đưa tiền để con họ không bị đánh. Cô giáo tự hỏi còn giữ được cái tâm với nghề trong bao lâu. Mấy ngày gần đây, chúng tôi vẫn lên lớp bình thường, cố gắng để xua hình ảnh những giáo viên bạo...