Nghệ An: “Nóng” kỳ thi vào THPT chuyên Phan Bội Châu
GD&TĐ – Ngày 12/6, hơn 1.700 thí sinh đã tham gia thi tuyển vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
Năm học 2015 – 2016, trường THPT chuyên Phan Bội Châu chỉ có 385 chỉ tiêu vào 11 lớp chuyên, nhưng số hồ sơ đăng ký dự thi lên đến hơn 1700 hồ sơ. Trong đó môn thi chuyên có tỉ lệ chọi cao nhất là tiếng Anh với hơn 300 thí sinh dự thi. Tiếp đó là chuyên Hóa 276 thí sinh, chuyên Văn 267 thí sinh và chuyên Toán là 233 thí sinh.
Khác với những năm trước, trường THPT chuyên Phan Bội Châu chỉ tổ chức thi mô chuyên, các môn chung lấy kết quả từ kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT chung của cả tỉnh. Điểm môn chuyên nhân hệ số 3.
Video đang HOT
Vì vậy, các thí sinh tham gia buổi thi môn chuyên đều thể hiện quyết tâm cao. Đề thi theo hình thức tự luận, nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS. Riêng môn Ngoại ngữ gồm cả tự luận, trắc nghiệm và nghe hiểu. Các bài thi chuyên: môn Hóa học và môn Ngoại ngữ là 120 phút, các môn khác là 150 phút.
Năm nay, nhận định chung của các thí sinh là đề thi dài và khó. Đề thi vào chuyên Anh, chuyên Pháp và chuyên Nga đều dài.
Em Nguyễn Thị Hà (trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh) cho biết: “Đề thi môn tiếng Anh dài 8 trang, và khó hơn đề năm ngoái. Em làm hết nhưng không biết đúng bao nhiêu phần trăm.
Bài luận yêu cầu nói về việc chơi game của giới trẻ hiện nay, có ý kiến cho rằng nó hoàn toàn có hại, nhưng cũng có ý kiến cho răng nó cũng có mặt tốt. Theo em, nếu nghiện game quá, trốn bố mẹ, bỏ bê học hành để cày game thì rất có hại. Nhưng game cũng chỉ là trò giải trí, nếu mình biết sắp xếp thời gian, làm chủ được nó, thì nó cũng có tác dụng tích cực chứ không hoàn toàn xấu”.
Các môn tự nhiên: Toán, Vật Lý, Hóa học đề tương đối khó. Riêng môn Toán, các thí sinh cho rằng rất khó để làm hết đề thi và đạt điểm tuyệt đối, đặc biệt là câu hỏi cuối về số học, rất nhiều em phải “bó tay”.
Các môn xã hội Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý gắn với nhiều sự kiện, vấn đề thời sự của địa phương và đất nước thời điểm hiện nay: Đại hội Đảng về đổi mới đất nước; vấn đề biển đảo; phát triển kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ…
Em Lê Hoàng Hạnh Trang (Trường THCS Kim Liên, Nam Đàn, thi vào lớp chuyên Đại lý) chia sẻ: “Đề thi môn Địa Lý năm nay không khó, nhưng dài so với thời gian 150 phút. Em làm xong vừa hết giờ, không kịp thời gian đọc lại bài”.
Môn Địa Lý năm nay không nằm ngoài các câu hỏi về kiến thức địa lý tự nhiên, kinh tế – xã hội trong chương trình học. Nhưng đề thi có liên hệ đến đặc điểm địa lý thực tiễn của địa phương, vấn đề thời sự, sát với thực tiễn địa phương thời gian qua, đó là giải thích nguyên nhân tình trạng nắng nóng kéo dài, gió phơn Tây Nam “Tại sao huyện Tương Dương lại được gọi là chảo lửa của bán đảo Đông Dương”?
Với đề thi môn Ngữ Văn, nhận định chung của các thí sinh là vừa phải, không khó, nhưng có một câu hỏi khá hay:
“Trong văn bản Những đứa trẻ (trích Thời thơ ấu của M.Go-rơ-ki, Ngữ văn 9, tập 1), cậu bé A-li-ô-sa và 3 đứa con nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp bị cấm đoán, không được phép chơi với nhau. Nhưng A-li-ô-sa đã khoét một lỗ hổng hình bán nguyệt ở hàng rào, mấy thằng bé, lần lượt từng đứa hay hai đứa một, lại gần, (…) ngồi xổm hoặc quỳ xuống nói chuyện khe khẽ với nhau. Hành động của những đứa trẻ gợi cho em suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc vượt qua rào cản trong cuộc sống?
Với câu hỏi này, thí sinh được bày tỏ quan điểm riêng của mình về cuộc sống và những rào cản xuất hiện như là tất yếu, và vượt qua nó như thế nào? Đồng thời cũng yêu cầu khả năng lập luận chặt chẽ, hợp lý cũng như hiểu biết về xã hội.
Đây là năm đầu tiên trường THPT chuyên Phan Bội Châu áp dụng lấy hệ số 3 với điểm môn chuyên, qua đó nhằm mục đích nâng cao chất lượng thí sinh hệ chuyên, tạo cơ sở để tuyển chọn được những học sinh có năng lực nhất vào các đội tuyển tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các thí sinh dự thi cũng thừa nhận: Với đề thi năm nay, với các bạn học giỏi, xuất sắc thì khả năng đậu rất cao, nhưng những bạn học đều các môn, nhưng không quá nổi trội về môn chuyên, thì sẽ gặp bất lợi.
Theo GD&TĐ