Nghệ An: Lũ cuốn sập nhà, nhiều giáo viên xã biên giới phải thuê nhà trọ
Dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 4, nhưng hoàn lưu bão đã làm cho địa bàn huyện Kỳ Sơn ( Nghệ An) chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Đặc biệt, hàng chục nhà ở giáo viên, trường học trên địa bàn đã bị thiệt hại nặng nề, nhiều các giáo viên phải đi thuê nhà trọ.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề về cơ sở vật chất, con người… Trong đó, hàng chục trường học, nhà ở của giáo viên (GV) trên địa bàn đã bị mưa lũ cuốn trôi, đánh sập gây hư hỏng. Tại trường PTDTBT THCS Mỹ Lý – nơi có 30 GV đang công tác, hầu hết GV đều phải thuê nhà người dân để ở trọ, hoặc đã xây dựng nhà tạm để trú.
Tuy nhiên, đợt lũ lụt vừa qua, 6 gia đình GV tại đây đã bị nước cuốn trôi, gây hư hỏng thiệt hại gần 500 triệu đồng.
“Một số nhà ở của GV đợt lũ vừa qua đã bị đánh sập, hư hỏng, nhiều GV đã phải tá túc trong nhà bà con dân bản hoặc dựng nhà tạm để ổn định công tác dạy và học cho các em. Hiện công tác khắc phục đang được hoàn thiện dần, hy vọng đến ngày khai giảng những ngôi nhà dựng lại sẽ hoàn thành tốt đẹp để ổn định, còn soạn giáo án cho công tác năm học mới nữa”, một GV tại Mỹ Lý chia sẻ.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Qua báo cáo nhanh của các đơn vị và nắm bắt tình hình, diễn biến của cơn bão số 4 diễn ra từ ngày 15/8/2018 đến nay, ngành Giáo dục đã chịu khá nhiều thiệt hại; có 12 ngôi trường bị ảnh hưởng do ngập lụt và làm thiệt hại lên đến gần 5 tỷ đồng; bên cạnh đó có 1 học sinh trên địa bàn tử vong. Đến nay công tác khắc phục hậu quả hậu hoàn lưu bão số 4 đã cơ bản được khắc phục”.
Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua, tại huyện miền núi Kỳ Sơn có 12 trường học với 22 phòng học bị ngập, sạt lở. Hàng nghìn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, dụng cụ phục vụ việc ăn bán trú của các học sinh bị hư hỏng, lũ cuốn trôi.
Tại trường Tiểu học Thị Trấn do nước sông dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở (ngập nước trên 1m), phòng học và các công trình khác ước tính thiệt hại ban đầu trên 800 triệu đồng.
Chiều 23/8, trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Quang Tuấn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) cho biết: “Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, mưa lớn kéo dài làm nước sông dâng cao, lũ quét gây sạt thiệt hại 6 nhà ở của giáo viên đang công tác tại trường PTDTBT THCS Mỹ Lý, gây thiệt hại ước tính khoảng trên 500 triệu đồng. Sau khi sự cố xảy ra, phía huyện Kỳ Sơn cũng đã vào thăm và động viên các thầy cô giáo an tâm giảng dạy và tiếp tục công tác khắc phục hậu quả”.
“Hiện Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý chúng tôi có 30 GV. Hầu hết các GV đều thuê nhà của người dân để ở, ngoài ra trường chúng tôi vừa qua cũng bị sạt nhà ăn của các em, hiện đã được khắc phục”, thầy Tuấn cho biết thêm.
Trong đợt mưa lũ vừa qua tại địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn đã làm cho: Trường Mầm non Mường Típ tại cơ sở chính và bản Xốp Típ, do nước suối dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác; Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý, tại bản Xốp Tụ, do nước suối dâng cao đã làm sập, lún 6 nhà ở của giáo viên và cuốn trôi 1 nhà; Trường Mầm non Mường Ải, cơ sở chính, do nước suối dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác; Còn trường Mầm non và Tiểu học thị trấn Mường Xén do nước sông Nậm Mộ dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học…
Đặc biệt, tại Trường Mầm non Mỹ Lý 1, nước suối dâng cao sau khi rút đã làm lún, nghiêng 13 nhà ở của GV..
Video đang HOT
Hiện nay, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn đã chỉ đạo Hiệu trưởng các trường bị thiệt hại tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra.
Dưới đây là một số hình ảnh được PV ghi lại những ngôi trường bị ngập và nhà ở GV sập do lũ gây ra:
Tại Trường Mầm non Mường Típ tại cơ sở chính và bản Xốp Típ, nước suối dâng cao và chảy xiết đã làm ngập toàn bộ nhà ở, phòng học và các công trình khác ước tính thiệt hại ban đầu trên 800 triệu đồng.
Hiện nay, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chỉ đạo Hiệu trưởng các trường bị thiệt hại tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra.
Căn nhà của gia đình thầy giáo Phan Văn Giang bị cơn lũ làm sạt lở, gây sập 2/3 diện tích nền nhà; nước lũ cuốn trôi toàn bộ nhà ở và nhà bếp, công trình phụ… Ước tính tổng thiệt hại khoảng 180 triệu đồng.
Riêng gia đình thầy giáo Vi Văn Dương lũ lụt đã làm cho toàn bộ nền đất bị sụt lún nền đất, làm nhà bị gãy; Nhà bị nứt nẻ bờ tường, nghiêng lệch; Phải dỡ bỏ toàn bộ nhà ở để đi dựng lại ở nơi khác mặc dù nhà mới làm và mới đưa vào sử dụng khoảng 4 tháng trở lại đây. Ước tính thiệt hại khoảng 185 triệu đồng.
Với gia đình cô giáo Phan Thị Thu Hiền, đợt lũ lớn vừa qua đã làm cho nền đất bị sạt lở khiến nhà có nguy cơ đổ sập nên buộc phải di dời vào so với vị trí cũ khoảng 7m; Nhà đã được di chuyển vào nhưng không dám ở, phải đi thuê trọ; Nhà bếp, bể nước, công trình phụ bị sập và nước cuốn trôi. Ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Trong khi đó, cũng chịu ảnh hưởng của bão lũ, gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Hải cũng đã bị nền đất sạt lở làm nhà có nguy cơ đổ sập nên buộc phải di dời vào so với vị trí cũ khoảng 6m; Nhà bếp bị sập; Bể nước, công trình phụ bị nghiêng lệch không sử dụng được. Ước tính thiệt hại khoảng 35 triệu đồng.
Cùng chung cảnh tương tự, gia đình thầy giáo Vi Quốc Hương căn nhà bị nền đất sạt lở làm nhà có nguy cơ đổ sập nên buộc phải di dời và đi ở nhờ nơi khác; ngoài ra công trình phụ bị sập; bờ kè đang xây dựng đã bị lũ cuốn, không sử dụng được… thiệt hại ước tính 35 triệu đồng.
Thiệt hại đối với gia đình thầy giáo Phạm Văn Đồng khi nhà bị sạt lở làm gãy, nứt nền móng nhà, nhà bị nghiêng lệch và ước tính thiệt hại khoảng 15 triệu đồng.
Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý tại bản Xốp Tụ, do nước suối dâng cao đã làm sập, lún 6 nhà ở của giáo viên và cuốn trôi 1 nhà; ước tính thiệt hại ban đầu trên 500 triệu đồng.
Khu vực nhà ăn của học sinh Mỹ Lý hư hỏng sau đợt mưa lũ và hiện đã được khắc phục.
Nguyễn Duy
Theo Dân trí
Nghệ An: Hơn 1000 giáo viên dôi dư trước năm học mới
Hơn 1000 giáo viên ở Nghệ An bị dôi dư trước thềm năm học mới 2018 - 2019 dẫn đến những nghịch lý gây khó khăn cho các nhà trường trong bố trí sắp xếp trường lớp...
Năm học 2018 - 2019, theo kế hoạch đã được phê duyệt, các trường học trên địa bàn Nghệ An phải giảm 180 lớp so với năm học trước.
Cộng thêm 203 lớp phải giảm so với năm học 2017 - 2018 sẽ kéo theo một số lượng lớn giáo viên rơi vào diện dư thừa; ước tính lên đến hàng trăm giáo viên.
Học sinh Trường THCS Tiến Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: MH
Giảm lớp cũng là nguyên nhân khiến việc giải quyết bài toán dôi dư của Nghệ An càng thêm khó khăn. Vì thế, dù trong những năm qua, tỉnh đã có chủ trương điều giáo viên ở bậc THCS xuống dạy ở bậc mầm non, bồi dưỡng hoặc đào tạo lại để chuyển đổi bộ môn, bố trí lại nhiệm vụ công tác phù hợp nhưng dôi dư vẫn hoàn dôi dư.
Hiện, qua tổng hợp, toàn tỉnh vẫn còn 1.089 giáo viên thuộc diện dôi dư, tập trung ở bậc THCS và chủ yếu là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, địa phương có số lượng giáo viên dôi dư nhiều nhất là Diễn Châu với 219 giáo viên (chiếm tỷ lệ 21,6% so với tổng chỉ tiêu giao của cả huyện). Xếp sau Diễn Châu là Yên Thành với 165 giáo viên (15,83%), Thanh Chương với 132 giáo viên (14,23%), Đô Lương với 89 giáo viên, Anh Sơn với 69 giáo viên. Số giáo viên dôi dư còn lại tập trung ở các địa phương như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Tân Kỳ, Hưng Lộc...
Đặc biệt, một số huyện miền núi, trước đây về cơ bản đã bố trí đủ giáo viên nhưng nay cũng đã dôi dư như Kỳ Sơn (34 giáo viên), Quế Phong (19 giáo viên), Con Cuông (9 giáo viên), Tương Dương (6 giáo viên) và Nghĩa Đàn (31 giáo viên).
Riêng 3 đơn vị là TP. Vinh, hai huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu không còn tình trạng dôi dư giáo viên.
Toàn tỉnh hiện cũng đang còn 370 giáo viên hợp đồng theo diện hợp đồng của huyện; có nhiều giáo viên đã công tác nhiều năm nhưng vẫn đang chấp nhận dạy học với mức lương cơ bản, không tăng lương trong nhiều năm, mức đóng bảo hiểm của họ cũng rất thấp, thấp nhất theo quy định của BHXH. Địa phương có nhiều giáo viên hợp đồng là huyện Đô Lương với 89 người.
Nhiều lớp học ở TP. Vinh quá tải so với quy định. Ảnh: MH
Trước yêu cầu phải giảm lớp nên hầu hết các trường đều phải dồn lớp và nâng sĩ số so với các năm học trước. Điều này, lại xảy ra một nghịch lý, đó là nhiều trường thừa phòng học, thừa giáo viên nhưng sĩ số lớp lại tăng. Đây cũng là khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp lớp học trong năm học mới vì đa phần các phòng học trước đây đều xây nhỏ, không đủ để sắp xếp bàn ghế.
Về phía giáo viên, vì không đủ số tiết đứng lớp nên phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ, dạy chéo môn, xuất hiện tình trạng giáo viên dạy Toán, Ngữ văn phải kiêm nhiệm thêm dạy Mỹ thuật, Âm nhạc. Một số địa phương, buộc phải luân chuyển giáo viên xuống dạy mầm non hoặc tiểu học gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên và các nhà trường.
Mỹ Hà
Theo baonghean.vn
Những ngày học đầu tiên của trẻ lớp 1 và lớp lớn hơn: Bố mẹ đã biết 5 sự khác biệt cơ bản này chưa? Những ngày đầu tiên đi học là vô cùng quan trọng với mỗi đứa trẻ nhưng không phải mọi lứa tuổi đều có trải nghiệm giống nhau trong ngày đặc biệt này. Mặc dù chưa đến ngày khai giảng nhưng lịch học chính khóa đã bắt đầu tại tất cả các trường học trên cả nước. Vì vậy mà có thể nói rằng...