Nghệ An: HS thị trấn Hưng Nguyên vẫn tiếp tục học tại trường cũ
Trước mắt, học sinh thị trấn Hưng Nguyên vẫn tiếp tục học tại Trường THCS Quang Trung phân hiệu 2. Nếu có sự thay đổi nào khác, UBND huyện và các cơ quan liên quan sẽ bàn bạc với người dân”.
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) Trần Xuân Trung tại cuộc đối thoại với người dân thị trấn Hưng Nguyên vào sáng nay 5/12.
Hàng trăm phụ huynh tập trung tại cổng trụ sở UBND huyện Hưng Nguyên vào sáng nay 5/12.
Như Dân trí đã đưa tin, sáng ngày 2/12, hàng trăm phụ huynh có con em học tại Trường THCS thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) nay là Trường THCS Quang Trung phân hiệu 2, đã tập trung tại trụ sở UBND huyện Hưng Nguyên để phản ứng trước thông tin sẽ chuyển học sinh (HS) thị trấn lên Trường THCS Quang Trung (phân hiệu 1, đóng tại xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên). Lý do khiến phụ huynh không đồng tình với chủ trường này là lo ngại con em mình sẽ gặp nguy hiểm trên đường tới trường.
Do chưa nhận được câu trả lời chính thức từ phía các cơ quan chức năng nên sáng nay 5/12, hàng trăm phụ huynh thuộc 17 khối của thị trấn Hưng Nguyên đã kéo đến trụ sở UBND huyện Hưng Nguyên để tiếp tục phản đối. Trước tình hình đó, UBND huyện Hưng Nguyên đã tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với người dân do đích thân Chủ tịch UBND huyện Trần Xuân Trung chủ trì.
Tại buổi đối thoại, 6 người dân đại diện cho hàng trăm phụ huynh HS và bà con nhân dân thị trấn Hưng Nguyên bày tỏ quan điểm không đồng ý với chủ trương chuyển con em thị trấn Hưng Nguyên lên học tại trường ở xã Hưng Đạo. Đồng thời đề nghị giữ nguyên ngôi trường có lịch sử phát triển gần 60 năm này.
Phụ huynh yêu cầu lãnh đạo huyện phải có câu trả lời cuối cùng về việc chuyển học sinh thị trấn Hưng Nguyên lên Trường THCS Quang Trung đóng tại xã Hưng Đạo để học.
Video đang HOT
Thay mặt UBND huyện Hưng Nguyên, ông Trần Xuân Trung cho biết, việc sáp nhập các trường học trên địa bàn huyện là theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An. Do số lượng HS tại Trường THSC thị trấn quá ít (272 HS) nên khó tổ chức lớp cũng như bố trí giáo viên dạy để đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong khi đó khuôn viên của trường nhỏ (hơn 6.000m2) nên không thể đảm bảo trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Ông Trung cho biết, việc sáp nhập trường là nằm ngoài ý muốn của UBND huyện, UBND xã và ngành giáo dục. Nhưng trong bối cảnh giảm quy mô trường lớp thì việc sáp nhập trường là tất yếu. UBND huyện đã đề ra 3 phương án. Thứ nhất là sáp nhập 2 trường THCS thị trấn và trường THCS Hưng Đạo và chuyển về học tại Trường THCS thị trấn. Tuy nhiên nếu chuyển về đây thì khuôn viên quá nhỏ, không đủ điều kiện để xây dựng thêm phòng học và các phòng chức năng khác. Mặt khác, Trường Mầm non thị trấn không được mở rộng diện tích nên không đảm bảo theo quy định. Nếu di chuyển trường Mầm non thị trấn đến địa điểm khác để xây dựng thì sẽ không được hưởng dự án kiên cố hóa trường học.
Đại diện người dân thị trấn Hưng Nguyên phát biểu trong buổi đối thoại, yêu cầu giữ nguyên Trường THCS thị trấn cho con em học.
Phương án thứ 2 là sau khi sáp nhập 2 trường lại với nhau thì sẽ xây dựng một trường mới nằm giữa 2 địa phương. Nếu vậy sẽ phải thu hồi 10.000m2 đất nông nghiệp và phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Ngoài ra việc xây dựng mới sẽ không được hưởng dự án kiên cố hóa trường học, toàn bộ kinh phí xây mới khoảng 20 tỷ đồng sẽ phải huy động trong nhân dân. Hơn nữa xây dựng trường mới gần đường tránh Vinh sẽ gây ồn ào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Nếu xây dựng trường mới tại xã Hưng Đạo (trong khuôn viên trường THCS Hưng Đạo) sẽ giải quyết được các vấn đề trên. Cụ thể, với khuôn viên gần 9.000m2 đủ điều kiện để xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trường Mầm non thị trấn được hưởng kinh phí dự án kiên cố hóa trường học trị giá 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Trường THCS Quang Trung (sau khi sáp nhập Trường THCS thị trấn và trường THCS Hưng Đạo) sẽ được hưởng 2 công trình xây dựng 15 phòng học và 10 phòng chức năng trị giá 7 tỷ đồng. Do đó, không phải huy động sự đóng góp của nhân dân 2 địa phương để xây dựng trường học.
Về quãng đường đi lại của các em HS 2 địa phương thì ông Trần Xuân Trung cho rằng cự ly quãng đường là tương đương nhau, HS thị trấn đi học tại Trường THCS Quang Trung phải đi quãng đường xa nhất là 6 km. Trong khi đó, HS xóm xa nhất của xã Hưng Đạo đến trường cũng phải đi 5,7km. “Hơn nữa việc đảm bảo an toàn giao thông cho các cháu trên đường đi học phụ thuộc vào ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông và ý thức của chính các cháu. HS ở xã Hưng Đạo vẫn đi trên con đường này để xuống Trường THCS Lê Hồng Phong (là trường năng khiếu của huyện) bình thường đấy thôi”, ông Trung cho biết thêm.
Ông Trần Xuân Trung – Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên: “Trước mắt học sinh thị trấn Hưng Nguyên vẫn tiếp tục học tại trường cũ”.
Do vậy UBND huyện Hưng Nguyên đã có chủ trương sau khi sáp nhập 2 trường sẽ xây dựng trụ sở tại xã Hưng Đạo và chuyển HS vùng thị trấn lên đây để học.Theo kế hoạch việc chuyển HS thị trấn lên trường ở xã Hưng Đạo để học sẽ được thực hiện vào đầu học kỳ 2 năm học 2011-2012 này.
Việc sáp nhập trường là cần thiết, tất yếu, tuy nhiên trước phản ứng của phụ huynh HS, ông Trần Xuân Trung cho biết: “Trước mắt sẽ giữ nguyên việc học của con em thị trấn tại Trường THCS Quang Trung phân hiệu 2, khi nào có sự thay đổi khác, UBND huyện sẽ bàn bạc với bà con. Việc sáp nhập trường là tất yếu tuy nhiên việc di chuyển trường học từ thị trấn lên Hưng Đạo học sẽ được bàn bạc dựa trên ý kiến thống nhất và ủng hộ của người dân”.
Trước thông tin mảnh đất của Trường THCS thị trấn cũ, nay là phân hiệu 2 của Trường THCS Quang Trung đã bị chính quyền bán cho doanh nghiệp, ông Trần Xuân Trung khẳng định, UBND huyện chưa có phương án sử dụng đất này vào mục đích nào khác.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Hoàng Văn Phi – Bí thư đảng bộ huyện Hưng Nguyên thừa nhận các đơn vị liên quan chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong việc giúp người dân hiểu rõ chủ trương chung của tỉnh và huyện trong việc sáp nhập các trường học trên địa bàn và chủ trương này chưa được sự đồng tình cao của người dân. “Bà con hết sức bình tĩnh. Lãnh đạo huyện sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bà con. Thường trực huyện ủy đã có ý kiến giữ nguyên, chưa di chuyển HS thị trấn lên xã Hưng Đạo học. Sau này như thế nào sẽ bàn bạc và thống nhất với bà con”, ông Hoàng Văn Phi cho hay.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Chốt địa điểm học cho 500 HS tiểu học
Học sinh ở 10 lớp của Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trong danh sách chuyển đến địa chỉ 319 Bạch Đằng sẽ về học tạm tại Trường Tiểu học Phúc Tân và THCS Nguyễn Du cùng nằm trong địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Liên quan đến kế hoạch chuyển học sinh tới các địa điểm khác, phục vụ cho công tác phá dỡ, xây mới của Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội), PV đã có phản ánh về những bức xúc của phụ huynh lớp 3E phản đối việc trường dồn gần 500 HS về địa điểm 319 Bạch Đằng do lo lắng cho sự nguy hiểm về tính mạng và điều kiện học tập, sinh hoạt không đảm bảo.
Chiều 4/10, lãnh đạo UBND, phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cùng Ban giám hiệu nhà trường đã có buổi làm việc với đại diện phụ huynh các lớp và phụ huynh lớp 3E.
Cảm ơn những phản ánh của phụ huynh trên tinh thần xây dựng, theo bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm: "Đây là sự việc đáng tiếc. Hiệu trưởng nhà trường đã chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho phụ huynh cũng như có sự áp đặt việc buộc phải chuyển đến nơi mới đối với phụ huynh".
Bà Huyền thông báo: sau quyết định dừng việc thuê địa điểm 319 Bạch Đằng cho Trường TH Thăng Long, 10 lớp với gần 500 HS khối lớp 2 và lớp 3 sẽ được chuyển đến học tại Trường Tiểu học Phúc Tân (7 lớp khối lớp 3) và Trường THCS Nguyễn Du (3 lớp khối lớp 2).
Về ý kiến cho rằng có thể chuyển học sinh đến địa điểm trường khác có điều kiện tốt hơn, theo bà Huyền: "Nếu nơi đó không thuộc địa bàn quận sẽ rất khó quản lí". Bà cũng cho hay: "Phòng ăn ngủ và phòng chuyên đề của 2 trường này sẽ được sắp xếp, bố trí để tạo lớp mới cho các em học sinh".
Chia sẻ với những khó khăn của trường nhưng theo bà Hương, Trưởng ban phụ huynh lớp 3E: Sẽ không có sự việc đáng tiếc này nếu nhà trường lắng nghe phụ huynh từ đầu. Một phụ huynh khác mong số tiền hơn 2 tỷ đồng từ việc phải thuê nhà số 319 Bạch Đằng sẽ được dùng hỗ trợ cơ sở vật chất cho học sinh.
Biết thông tin về chuyện con sẽ chuyển về học tạm (nhưng cũng gần như hết thời gian học tiểu học), một phụ huynh lớp 3E cho biết anh đã đến tìm hiểu cơ sở vật chất Trường Tiểu học Phúc Tân. Không có gì phàn nàn song anh chỉ lo đường từ nhà tới trường có nhiều xe tải lưu thông, rất nguy hiểm nếu các mẹ hay ông bà đưa đón con cháu đi học.
"Nếu được thì mong sau một thời gian các cháu học ở Trường TH Phúc Tân sẽ được bố trí về học gần địa điểm trường này (TH Thăng Long-PV) hơn" - Một ý kiến khác của phụ huynh. Có phụ huynh cũng lo chuyện về an ninh, trật tự, các tệ nạn như ma túy liệu có nguy hiểm gì cho con cái.
Một bác phụ huynh cho biết: "Trường TH Phúc Tân cơ sở rất tốt, khuôn viên rộng rãi, không có gì phải lo lắng. Tất nhiên vì là học tạm nên phụ huynh sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhà trường".
Bà Cao Bích Lan, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông báo: Trong tháng 10 các trường sẽ có phòng để đón học sinh Trường TH Thăng Long chuyển đến. Tháng 11 tới, trường này sẽ bắt đầu xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia với kinh phí được đầu tư trên 77 tỷ đồng.
Theo TT
Nghịch lý trường chuẩn Để nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều phương cách trong đó có việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cấp trung học. Thế nhưng, thử nhìn lại một vài trường chuẩn từ một góc nhìn khác, ta sẽ thấy có những nghịch lý đáng buồn. Đâu đó vẫn có những trường để được công...