Nghệ An giảm môn thi vào lớp 10 năm 2020
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 vừa công bố, Nghệ An sẽ giảm 1 môn thi trong bài thi tổ hợp vào lớp 10.
Theo đó, năm 2020, Nghệ An vẫn tổ chức thi tuyển vào lớp 10 bằng 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp.
Tuy nhiên, thay vì 3 môn thi trong bài thi tổ hợp như năm 2019 thì năm 2020 chỉ còn 2 môn thi, gồm Ngoại ngữ và 1 môn thành phần khác (trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ chọn và công bố môn thi còn lại vào tuần đầu tháng 4 năm 2020.
Nghệ An giảm môn thi vào lớp 10 năm 2020
Môn Toán và Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận trong thời gian 120 phút/môn thi. Bài thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan, gồm 50 câu (33 câu cho môn Ngoại ngữ, 17 câu cho môn còn lại), trong thời gian 90 phút.
Điểm bài thi môn Toán và môn Ngữ văn được tính hệ số 2, bài thi tổ hợp tính hệ số 1.
Điểm thi tuyển là tổng điểm 3 bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển không có bài thi nào bị điểm 0.
Video đang HOT
Thời gian tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT dự kiến vào ngày 6,7 tháng 6 năm 2020.
Điểm số Ngoại ngữ sẽ được lấy làm điểm nền cùng với điểm thi môn Văn và môn Toán để xét tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ giảm được 1 bài thi môn Tiếng Anh và chỉ thi môn chuyên mà mình đăng ký.
Thời gian tổ chức thi tuyển vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu dự kiến diễn ra vào ngày 9,10 tháng 6 năm 2020.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Thầy giáo trẻ tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"
Thầy giáo Lê Văn Tú, giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) được biết đến là thầy giáo trẻ nhất trong lịch sử của trường.
Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", thầy Tú còn có nhiều thành tích nổi bật trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi về Nghệ An. Chiều muộn, trên sân trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hình ảnh người thầy giáo đang tỉ mỉ hướng dẫn từng bước giải cho nhóm học sinh đã gây ấn tượng rất lớn cho chúng tôi. Qua tìm hiểu, được biết đó là thầy giáo Lê Văn Tú (sinh năm 1995), giáo viên trẻ nhất trong lịch sử của ngôi trường chuyên giàu thành tích này.
Càng khó khăn càng phải cố gắng
Gấp lại những trang sách còn dang dở sau khi chỉ dẫn cho các em học sinh, thầy Tú cười hiền: "Các em hiểu bài, biết cách làm là tôi thấy vui rồi. Đối với tôi, học sinh như là mấy đứa em út trong nhà...".
Thầy Lê Văn Tú (ngoài cùng bên phải) và các em học sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa được UBND Tỉnh Nghệ An khen thưởng.
Nhìn vóc dáng bé nhỏ, nụ cười đôn hậu của thầy giáo Lê Văn Tú, ít ai biết được đằng sau đó là một sức mạnh, ý chí to lớn đến như thế nào. Sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn (Nghệ An), cậu bé Lê Văn Tú hiểu được rằng, chỉ học thì mới có cơ hội để lập thân, lập nghiệp. Chính vì thế, Tú đã luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Suốt 12 năm liền, cậu học trò nghèo Lê Văn Tú luôn là học sinh xuất sắc của trường, của lớp; được nhiều bạn bè, thầy cô yêu mến, ngưỡng mộ.
Nhưng rồi biến cố ập đến, năm Tú học lớp 11, bố của Tú bị mất trong một tai nạn lao động. Gánh nặng gia đình nay đè hết lên vai người mẹ. "Ngày đó, tôi suy sụp rất nhiều. Thương mẹ, thương em, tôi cứ nghĩ tới việc dừng học để đi làm, phụ thêm cho gia đình. Nhưng mẹ tôi chỉ khóc, bởi ước mơ cả đời của bố mẹ là nhìn thấy các con nên người...", thầy Tú bồi hồi nhớ lại.
Và chính từ những giọt nước mắt đó, Tú hiểu được càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Dù cuộc sống vất vả như thế nào, dù mỗi cuối tuần, Tú phải đi hơn 30km quãng đường từ trường về nhà để phụ mẹ trồng rau, nuôi gà; rồi những sáng sớm thứ 2 lại từ quê lên thành phố để kịp buổi học...nhưng Lê Văn Tú vẫn luôn cố gắng không ngừng. Cậu học trò nghèo ngày càng làm dày thêm bảng thành tích của mình khi liên tục đạt giải Ba, giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Hoá năm lớp 11, lớp 12.
Năm 2013, đứng trước ngưỡng cửa đại học, Tú quyết định thi sư phạm: "Ban đầu tôi dự tính theo Y khoa, nhưng suy nghĩ kỹ, tới thời điểm làm hồ sơ dự thi, tôi đã đăng ký vào học Sư phạm. Quyết định này khiến thầy cô và bạn bè rất bất ngờ..." - thầy Tú chia sẻ. Với 27,5 điểm, Lê Văn Tú trở thành sinh viên chuyên ngành sư phạm Hoá, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hạnh phúc khi được làm thầy giáo
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, cậu sinh viên Lê Văn Tú quyết định nộp hồ sơ vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu giảng dạy. "Suốt những năm tháng học tập tại ngôi trường này, tôi thực sự ngưỡng mộ và biết ơn các thầy cô giáo nơi đây - những người đã truyền cảm hứng, giúp đỡ tôi trong những lúc khó khăn vất vả nhất. Ước mơ được 1 lần đứng chung giảng đường với các thầy cô cứ lớn dần trong tôi", thầy Tú chia sẻ.
Dường như tất cả những nỗ lực, cố gắng của cậu học trò nghèo đã được đền đáp khi tháng 9-2017, Tú nhận thông báo về trường giảng dạy. "Ngày hôm ấy là ngày đầu tiên sau khi bố mất, tôi đã khóc. Tôi chỉ biết cảm ơn mẹ, cảm ơn các thầy cô đã luôn ủng hộ, động viên và tin tưởng tôi...", thầy Tú rưng rưng.
Những ngày đầu về trường công tác, so với tưởng tượng của một chàng sinh viên Sư phạm ngày trước, công việc giảng dạy có nhiều điểm khác. Hiểu rõ khuyết điểm của bản thân, những ngày đầu tham gia dự giảng, Tú đã luôn quan sát, theo dõi phương pháp, tác phong sư phạm của các giáo viên có kinh nghiệm trong tổ, trong trường. Bên cạnh đó, thầy cũng không ngừng tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, làm tấm gương cho các em học sinh. "Việc dạy học không đơn giản là chỉ dạy cho học sinh mà bản thân người giáo viên cũng phải học mỗi ngày, tiếp thu mỗi ngày để hoàn thiện hơn...", thầy Tú tâm sự.
Những trái ngọt đầu tiên
Năm học 2018-2019, thầy Lê Văn Tú được Ban giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi Hoá cấp Quốc gia khối 12. Nhận nhiệm vụ mới, Tú gặp không ít khó khăn, bởi thầy là một giáo viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy đội tuyển chưa nhiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm của nhà trường, sự hướng dẫn của các đồng nghiệp đi trước... thầy Tú dần lấy lại tự tin, bắt nhịp được với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trước những nỗ lực của thầy và trò, đội tuyển Hoá học của trường đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi: 2 giải Nhì, 2 giải Ba học sinh giỏi cấp Quốc gia.
Không chỉ đạt thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, với nhiệm vụ giảng dạy môn Hoá cho các em học sinh, thầy Lê Văn Tú luôn khuyến khích các em tự giác học tập, rèn cho học sinh tính tự lập, sáng tạo. Trong quá trình giảng dạy, đối với học sinh khá, giỏi, thầy động viên, tạo hứng thú cho các em học giỏi toàn diện; đối với các em học sinh trung bình, yếu về môn Hóa, thầy chia sẻ, khích lệ các em cố gắng học, không sợ môn Hoá.
Nói về thầy Lê Văn Tú, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thầy Ngô Sỹ Thủy chia sẻ: "Thầy Tú là một tấm gương tốt về tinh thần nỗ lực, không ngừng chiếm lĩnh những tri thức mới, hoàn thiện trình độ bản thân. Bên cạnh đó, thầy Tú luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, luôn được đồng nghiệp tin yêu, giúp đỡ và được các học sinh yêu quý...".
Có lẽ với người thầy giáo trẻ, những năm tháng gắn bó, sống cùng học sinh đã trở thành là niềm hạnh phúc lớn lao luôn nhắc nhở thầy luôn không ngừng cố gắng vươn lên trong sự nghiệp cao quý - sự nghiệp trồng người.
Bài, ảnh: PHÙNG TRANG
Theo QĐND
Linh hoạt dạy học STEM Dạy học STEM thời gian qua được đưa vào nhiệm vụ của nhiều nhà trường tại Nghệ An. Qua đó, giáo viên dần đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy logic cho học sinh. Dù vậy, để triển khai rộng rãi còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như do không tương...