Nghệ An: Dôi dư hơn 3.600 giáo viên hợp đồng, ngành GD “đau đầu”
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện tỉnh này có hơn 3.600 giáo viên hợp đồng dôi dư ở các cấp. Thực trạng này đang khiến các cấp ngành liên quan, nhất là ngành giáo dục Nghệ An “đau đầu” tìm lời giải.
Đây là vấn đề “ nóng” được các đại biểu quan tâm đề cập trong phiên chất vấn Sở GD-ĐT Nghệ An tại kỳ họp thứ 6 – Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An lần thứ XVI.
Các vấn đề “nóng” về giáo dục được chất vấn tại kỳ họp thứ 6 – HĐND tỉnh Nghệ An lần thứ XVI (Ảnh: Doãn Hòa)
Ông Lê Văn Ngọ – giám đốc Sở GD – ĐT Nghệ An cho biết, hiện tỉnh Nghệ An có hơn 3.600 giáo viên (GV) dôi dư thuộc 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT trong đó đông nhất vẫn là giáo viên Tiểu học và THCS vì 2 cấp học này vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của huyện. Để trả lương cho hơn 3.600 GV viên kể trên, mỗi năm tỉnh Nghệ An phải chi khoảng trên 80 tỷ đồng từ nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho ngành giáo dục. Do vậy, một số khoản chi đầu tư khác cho giáo dục đều phải cắt bỏ để dành cho quỹ lương.
Video đang HOT
Nguyên nhân của sự dư thừa này, theo ngành giáo dục tỉnh Nghệ An là do số lượng học sinh (HS) tiểu học giảm mạnh trong những năm qua. Năm 2000, Nghệ An có 423.000 HS nhưng đến năm 2009 giảm 45%, chỉ còn 243.000 và đến năm học 2010-2011 còn trên 230.000 em. Ngoài ra, từ 1996 đến 2004, chủ tịch UBND một số huyện, thị xã đã ồ ạt tuyển hàng trăm GV dạng hợp đồng, thậm chí hiệu trưởng các trường cũng có quyền nhận người. Hậu quả là hàng trăm GV được tuyển dụng sau một thời gian đành “ngồi chơi xơi nước” hợp đồng với đồng lương thấp, bấp bênh hoặc chấp nhận gác ước mơ bục giảng để tìm nghề khác kiếm sống.
Các đại biểu chất vấn các nội dung liên quan đến dôi dư giáo viên, tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm.
Để xảy ra tình trạng dư thừa GV này, theo ông Lê Văn Ngọ – Giám đốc Sở GD – ĐT Nghệ An, trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND các huyện và các trường học tự ý hợp đồng. “Tình trạng GV dôi dư còn nhiều trong khi đó các huyện, các trường học vẫn tuyển dụng gây áp lực lớn cho ngành giáo dục”, ông Ngọ nói. Tại phiên chất vấn, ông Ngọ cũng kiến nghị HĐND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND tỉnh Nghệ An căn cứ vào thực tế dôi dư các huyện tiến hành xử lý theo hướng quy trách nhiệm các huyện, các trường để xảy ra tình trạng này.
Trong những năm qua, việc tuyển dụng GV tại Nghệ An rất hạn chế, trong khi đó hàng năm hàng ngàn sinh viên ngành Sư phạm của tỉnh vẫn đều đều tốt nghiệp ra trường, gây nên sức ép việc làm rất lớn với ngành sư phạm. Theo dự báo của Sở GD – ĐT Nghệ An, số lượng GV dư thừa sẽ tiếp tục căng thẳng hơn vào những năm tới. Năm 2015, bậc THCS sẽ giảm tiếp khoảng 1.500 lớp, kéo theo 2.700 GV biên chế và 800 GV hợp đồng sẽ dư thừa.
Nhằm hạn chế tình trạng dôi dư GV, Sở GD-ĐT Nghệ An đã quán triệt với các trường kể từ thời điểm này, yêu cầu Kho bạc không thanh toán nguồn cho hợp đồng mới, chấm dứt tình trạng hợp đồng tùy tiện như thời gian qua.
Cùng với vấn đề dôi dư GV hợp đồng, các ý kiến chất vấn của các đại biểu cũng quan tâm đến nạn lạm thu trong trường học, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. “Về giải quyết tình trạng lạm thu trong các trường học, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, giải quyết mâu thuẫn thu – chi trong các nhà trường, từ đó hạn chế lạm thu trong các trường học”, ông Ngọ nói.
Nguyễn Duy – Doãn Hòa
Theo dân trí
Bất ngờ việc dừng hỗ trợ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn
Hàng trăm giáo viên (GV) thuộc diện hợp đồng lao động tại Quảng Nam bị tạm dừng hỗ trợ theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ (dành cho công chức, viên chức những xã thuộc vùng bãi ngang, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn).
Thông tin trên gây bất ngờ cho đối tượng thụ hưởng là hàng trăm giáo viên cùng cơ quan quản lý của địa phương. Tại TP.Tam Kỳ, đã có 76 GV diện hợp đồng lao động được chi trả hơn 1 tỉ đồng; UBND H.Núi Thành cũng chi hỗ trợ hơn 3 tỉ đồng cho 208 GV (tính đến tháng 7.2012). Tuy nhiên, cùng với một vài địa phương khác, việc chi trả này phải tạm dừng theo văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính, thậm chí có nguy cơ phải hoàn trả nếu chi trả sai đối tượng. Sự việc này khiến toàn bộ giáo viên những khu vực này của Quảng Nam hết sức hoang mang, nhất là với tin "hoàn trả lại".
Thông tin "tạm dừng" này khiến lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng bất ngờ. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, do phân cấp quản lý cho tuyến huyện nên việc chi trả, tạm dừng... chưa được phản ánh lên sở. Ông Thắng khẳng định, ngành Giáo dục sẽ vào cuộc tìm hiểu ngay trong tuần sau, và nếu quyền lợi của GV bị xâm phạm thì ngành sẽ can thiệp. Theo tìm hiểu, các địa phương căn cứ thông tư hướng dẫn của liên bộ Nội vụ và Tài chính (ban hành ngày 31.8.2011) để thực hiện chi trả cho GV hợp đồng dài hạn. Trong khi đó, văn bản của Sở Tài chính chỉ hướng dẫn giải quyết cho người lao động là công chức, viên chức và hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 22.10.2004 của Chính phủ; riêng đối tượng hợp đồng lao động phục vụ chuyên môn nghiệp vụ dài hạn, hợp đồng vụ việc khác thì chưa thực hiện, chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Liên quan đến chế độ hỗ trợ này, Thanh Niên đã từng phản ánh bức xúc của GV bậc THPT ở Quảng Nam bị chậm chi trả ("Chậm chi trả chế độ 116 cho giáo viên", ngày 2.8.2012), đã được Sở Tài chính trả lời sẽ sớm giải quyết sau khi yêu cầu bổ sung liên quan.
H.X.H
Theo thanh niên
Nói rõ về quy định dạy thêm, học thêm Sáng 12.11, tại Phú Yên, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tại hội nghị, vấn đề lạm thu, dạy thêm và học thêm được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo báo cáo, qua thanh tra vẫn còn một số ít trường học thu quỹ lớp, quỹ ban đại diện cha...