Nghệ An: Chưa sẵn sàng thi THPT Quốc gia trên máy tính
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét và xây dựng phương án thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia trên máy tính từ năm 2021 – 2025. Tuy nhiên, phương án này được đánh giá là khó khả thi ở những vùng điều kiện không thuận lợi, trong đó có nhiều trường học ở tỉnh Nghệ An.
Chủ trương tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính bắt đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh sau năm 2020. Cũng theo lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong những năm tới, Bộ sẽ từng bước thí điểm việc thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngay sau khi phương án này được đưa ra, nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, việc thi trên máy tính chỉ áp dụng được ở những vùng thuận lợi. Với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điều này là khó khả thi vì không những cơ sở vật chất mà con người cũng chưa đảm bảo. Tại Nghệ An, điều này càng có cơ sở khi hiện nay, việc dạy và học Tin học còn có nhiều bất cập. Đơn cử như ở bậc Tiểu học, hiện nay hầu hết các trường đều chưa có giáo viên dạy tin học, vì thế môn học này chỉ mới triển khai thuận lợi ở những trường thuộc thành phố, thị xã hay ở khu vực trung tâm. Ở bậc Trung học cơ sở, Tin học hiện nay cũng là môn học tự chọn. Bên cạnh đó, các trường lại gặp nhiều khó khăn vì họ không có biên chế giáo viên tin học và nếu thuê giáo viên thỉnh giảng lại không có ngân sách chi trả.
Thầy giáo Nguyễn Đình Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Con Cuông cho rằng: Chất lượng dạy và học môn Tin học ở các trường Trung học cơ sở hiện nay chưa đồng đều và bản thân học sinh cũng chỉ mới được làm quen với tin học. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tin học ở các trường Trung học phổ thông, nếu không có sự đầu tư thì khó có thể đáp ứng được việc thi tin học trên máy tính.
Ở bậc Trung học cơ sở, mặc dù tin học là môn học bắt buộc nhưng lâu nay học sinh vẫn chủ yếu là học lý thuyết, việc thực hành rất ít và chưa hiệu quả.
Tại Trường Trung học Phổ thông Tân Kỳ 3, huyện Tân Kỳ, việc thi bằng máy tính cũng đang khiến giáo viên, học sinh và cả nhà trường hết sức lo ngại. Thực tế hiện nay, trường có hơn 1.000 học sinh nhưng toàn trường chỉ có 24 máy vi tính. Vì vậy, nếu cố gắng sắp xếp thì nhiều lắm mỗi lớp cũng chỉ được thực hành ở phòng máy từ 5-7 tiết/học kỳ. Điều đó chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến thao tác và khả năng tiếp cận máy tính của học sinh. Trong khi đó, để thi được trên máy tính, các em phải được luyện tập và làm quen nhiều máy tính và tập luyện đề trên máy tính.
Học sinh Phạm Thị Lương, lớp 11, cho biết: “Nếu theo kế hoạch của Bộ thì năm học sau chúng em sẽ thi trên máy tính, nhưng thực tế cho đến thời điểm này, vì thiếu máy tính nên hiện tại đã học gần hết học kỳ I chúng em mới có một tiết thực hành này. Vì vậy, nếu thi bằng máy tính chắc chắn thao tác của chúng em sẽ chậm hơn các bạn ở các vùng thuận lợi khác. Trong lúc đề thi lại chung cho cả nước nên khả năng đậu đại học học của chúng em sẽ thấp hơn.”
Là giáo viên dạy Tin học của nhà trường, cô giáo Lê Thị Thủy cũng rất trăn trở về điều này: Hiện nay, việc học máy tính của nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất không đảm bảo. Bản thân các em ở vùng sâu vùng xa ít được tiếp xúc nên thao tác trên máy còn rất chậm, học sinh phải ngồi ghép 2-3 em/máy và cần thường xuyên có giáo viên hỗ trợ. Với thực tế này, để thi Trung học Phổ thông quốc gia, theo cô cần có lộ trình, trong thời gian đó các trường phải được đầu tư về trang thiết bị để các em làm quen. Việc học Tin học cũng cần được đầu tư ngay từ những năm tiểu học chứ không phải đến bậc Trung học phổ thông mới được chú trọng.
Tại Trường Trung học Phổ thông Quế Phong, huyện Quế Phong, hiện trường có hơn 1.600 học sinh với 42 lớp nhưng chỉ có 50 máy vi tính còn sử dụng được. Lãnh đạo nhà trường khẳng định vẫn đảm bảo đủ số tiết thực hành cho học sinh theo quy định, nhưng trung bình phải 3 học sinh ngồi chung một máy.
Video đang HOT
Từ những khó khăn trên, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An cũng đề xuất ý kiến để triển khai việc thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính. Thầy giáo Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh, nêu ý kiến: Trong thời điểm hiện nay, việc thi trên máy tính cần triển khai theo lộ trình và trong năm đầu tiên, Bộ cần tổ chức thi theo hình thức tự nguyện để học sinh tự đăng ký. Khi đã tiến hành thuận lợi thì Bộ mới nên làm đồng bộ để các nhà trường có một quá trình tiếp cận và triển khai chu đáo.
Một số ý kiến khác cho rằng, khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị có thể khắc phục, nhưng cách thức tổ chức thi trên máy tính mới là quan trọng. Để thành công, đòi hỏi đội ngũ khảo thí làm nhiệm vụ xây dựng ngân hàng đề thi, phần mềm thi phải là những người có trình độ, đạo đức.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tân Kỳ 3, cũng là một giáo viên dạy Toán chia sẻ: Gần đây đề thi đều được ra theo ma trận với các cấp độ khó được phân biệt khá rõ. Vấn đề là khi xây dựng ma trận này để xây dựng ngân hàng đề thì đòi hỏi người phụ trách phải làm thật chuẩn mới đảm bảo được công bằng cho học sinh. Ngược lại, nếu áp dụng ma trận không tốt thì ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi các em.
Thực tế cũng cho thấy, dù là thi với phương thức nào trên máy tính hay thi trên giấy cũng cần quan tâm đến yếu tố bảo mật. Hơn thế, kỳ thi muốn thành công thì yếu tố con người phải là đầu tiên, trong đó điều quan trọng nhất là những người làm công tác thi phải thực sự trung thực, khách quan, trách nhiệm và thực hiện đúng theo các quy định, quy chế của kỳ thi.
Bích Huệ
Theo TTXVN
Chạy nước rút cho HS thi THPT quốc gia trên máy tính
Theo phương án của Bộ GD&ĐT, từ năm 2021 sẽ thí điểm việc thi THPT quốc gia trên máy tại một số nơi. Vì thế, hiện nay một số trường học đã bắt đầu cho học sinh làm quen với phương thức thi này.
Tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cho biết năm 2020 kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2019. Còn giai đoạn từ năm 2021-2025 là kết hợp thi THPT trên giấy và máy tính nhưng tăng dần thi trên máy ở những nơi có điều kiện theo từng năm với sự chuẩn bị kỹ.
Tạo cơ hội để học sinh cọ xát
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính. Điều đó chứng tỏ sự hội nhập quốc tế cũng như sự ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên thời đại 4.0.
Theo ông Phú, để học sinh có thể tiếp cận với phương thức thi mới, trong thời gian qua nhà trường đã tổ chức hoạt động hướng nghiệp online, làm một số bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy và trên smartphone. "Đây là lộ trình để các em có cơ hội làm quen và tạo tâm thế sẵn sàng khi bước vào kỳ thi trên máy tính như bộ đưa ra" - ông Phú nói.
Cách đây một năm, Trường THPT Nguyễn Du đã đầu tư tin học Mos cho 70 giáo viên. 30 giáo viên còn lại sẽ tiếp tục được học trong học kỳ II. Sắp tới, trường sẽ tập huấn cho đội ngũ giáo viên toàn trường về việc sử dụng phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính.
"Việc thi THPT trên máy tính sẽ thuận lợi ở những TP lớn như TP.HCM nhưng tôi nghĩ ngay bây giờ các ban, ngành cũng nên đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường ở vùng sâu vùng xa để các em có điều kiện tiếp cận, tạo sự công bằng, nâng tầm công nghệ ở những nơi đang rất cần cho sự hội nhập 4.0" - ông Phú nhấn mạnh.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho hay việc kiểm tra trên máy đã được thực hiện từ lâu tại một số bộ môn khoa học tự nhiên. Thậm chí nhà trường còn sử dụng phần mềm để các em có thể làm trắc nghiệm trên điện thoại di động. "Đối với các bộ môn xã hội chưa được thực hiện. Cho nên theo phương án của bộ, chúng tôi rất háo hức để có thể triển khai" - thầy Du nói.
Ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trường Trường THPT Lý Thường Kiệt, tỉnh Bình Thuận, cho hay hiện nay học sinh đã làm quen với việc tham gia các kỳ thi khảo sát năng lực do các trường đại học tổ chức. Bên cạnh đó, tại trường, các em cũng được tham gia các cuộc thi tin học trực tuyến, bài thi khảo sát trên máy cho nên thi THPT quốc gia trên máy tính sẽ không gây khó. Hơn nữa, việc tổ chức nhiều đợt thi trong năm là hướng mở để các em có quyền chọn lựa và đem lại nhiều cơ hội trúng tuyển.
Còn theo thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho biết có rất nhiều bài toán đặt ra cho Bộ GD&ĐT khi tổ chức thi THPT trên máy tính như điều kiện cơ sở vật chất cũng như hệ thống ngân hàng câu hỏi như thế nào để đáp ứng kỳ thi. "Thiết nghĩ bộ nên tham khảo cách tổ chức thi của các đơn vị cấp chứng chỉ quốc tế, cho biết kết quả ngay sau khi thi, có tính bảo mật về đề thi" - thầy Chính nói.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du thực hiện bài khảo sát hướng nghiệp trên máy tính. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Sẽ thí điểm tại một số nơi có điều kiện
Về vấn đề này, ông MaiVăn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay dù có nhiều ưu điểm nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn có những hạn chế về mặt kỹ thuật, đặc biệt vụ gian lận thi cử diễn ra ở năm 2018 đã được khắc phục triệt để trong năm 2019. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi cử đang ở mức độ vừa phải nên sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường đại học vào kỳ thi lớn đã tạo sự nặng nề cho kỳ thi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bộ GD&ĐT tính toán thay đổi kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Không gây sốc cho thí sinh
Thi trên máy tính phải tuân thủ nguyên tắc không gây sốc cho thí sinh, hoàn toàn mang tính khả thi. Vì thế, những nơi nào thuận lợi sẽ thực hiện trước, còn những chỗ nào chưa thi được trên máy sẽ thi trên giấy theo nguyên tắc giảm dần việc thi trên giấy và mở rộng việc thi trên máy tính trên quan điểm phù hợp và công bằng cho tất cả thí sinh.
Ông MAI VĂN TRINH,Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT
Cũng theo ông Trinh, giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục duy trì tổ chức thi trên giấy như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm thi trên máy tính tại những nơi có điều kiện.
"Tính khả thi của phương thức này đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập niên trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập như ETS, ACT. Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của một số trường đại học. Hơn nữa, ngay tại bậc THPT, các em cũng đã làm quen với kiểm tra trên máy" - ông Trinh nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: Về thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập; kết quả nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng tuyển sinh.
Cũng theo ông Trinh, để thực hiện tốt phương án trên cần năm nhóm điều kiện cơ bản. Thứ nhất, hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú. Thứ hai, sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, thiết bị giám sát cho kỳ thi. Thứ ba, hệ thống quy chế, hướng dẫn cho phương thức thi. Thứ tư, công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, cán bộ phục vụ kỳ thi. Và cuối cùng, chuẩn bị tâm thế, kỹ năng cho học sinh.
Các bài thi tổ hợp tự chọn có sự thay đổi
Giai đoạn 2021-2025, kỳ thi không xáo trộn so với năm 2019 nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế. Các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Bộ GD&ĐT
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Chuyển bài thi từ tổ hợp sang tích hợp: Những bước chuẩn bị cần thiết 2 nội dung được quan tâm trong dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT là vấn đề thi trên máy tính theo lộ trình thích hợp và có lộ trình dần chuyển 2 bài thi tổ hợp thành tích hợp, khi đó từ 3 đầu điểm...