Ngày Việt Nam tại Đại học Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga: Cuộc du lịch vòng quanh Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/5 tại Đại học Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga (MGIMO) đã tổ chức Ngày Việt Nam dành cho tất cả sinh viên Việt Nam, các sinh viên quốc tế đang theo học tại trường, đông đảo sinh viên và giảng viên các trường đại học tại Moskva và St.
Petersburg, những học giả nghiên cứu về Việt Nam cũng nhiệt tình tham dự.
Đại sứ Đặng Minh Khôi phát biểu chào mừng Ngày Việt Nam tại MGIMO. Ảnh: Tâm Hằng/Pv TTXVN
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Trung tâm ASEAN tại MGIMO, các hội đoàn Việt Nam tại LB Nga, Ngày Việt Nam lần thứ 9 năm nay là những hoạt động phong phú và đa dạng kéo dài suốt một ngày bắt đầu từ cuộc triển lãm ảnh nhân 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva, các hội thảo khoa học và thực tiễn về những vấn đề thời sự trong quan hệ Nga-Việt Nam, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức và kết thúc bằng chương trình ca nhạc, ẩm thực tự biên tự diễn đậm bản sắc Việt Nam.
Triển lãm ảnh tại sảnh chính của tòa nhà mới hiện đại của ngôi trường danh giá bậc nhất Moskva không quá nhiều về số lượng song là những bức ảnh vô giá về một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam – ký kết hiệp định Geneva lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc và là bước ngoặt lớn trên con đường giải phóng dân tộc, giành tự do và hòa bình của Việt Nam. Những người trẻ sinh ra 50 năm sau sự kiện đó nay được học tập ở môi trường tốt nhất, có những điều kiện tốt nhất để phát triển, thấm thía ý nghĩa những hy sinh để đổi lấy hòa bình, đã dành sự trân trọng nhất cho triển lãm. Nhiều người Nga đã ngạc nhiên và thán phục khi được “hướng dẫn viên” do Ban tổ chức cử riêng chia sẻ về những sự kiện 70 năm trước đây bằng tiếng Nga. Một trang lịch sử hào hùng của dân tộc đã được khơi gợi lại trong niềm tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam tại MGIMO, trong sự cảm phục và trân trọng của bạn bè quốc tế.
Bạn Trần Mai Tuấn Phong, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại MGIMO, cho biết, chương trình Ngày Việt Nam được xây dựng rất đa dạng nhằm giúp các bạn sinh viên quốc tế có một cái nhìn rộng hơn, đa chiều hơn về văn hóa Việt Nam. Từ đó khơi gợi được mối quan tâm tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
Video đang HOT
Song song với lịch sử, thư pháp tiếng Việt được các bạn sinh viên MGIMO chọn để đại diện cho văn hóa truyền thống theo cách rất độc đáo: thực hiện những bức tranh chữ không phải là sinh viên Việt Nam mà là sinh viên Nga.
Phạm Khánh Diệu Nhi, Bí thư chi đoàn MGIMO, Phó Ban tổ chức sự kiện, cho biết in tranh Đông Hồ cũng là sự kiện thu hút đông đảo người quan tâm nhất và các bạn đã rất đầu tư cho hoạt động này, tìm đủ chất liệu như mực in, giấy dó, khuôn để in tranh ngay tại chỗ và tặng cho bạn bè quốc tế quan tâm.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tâm Hằng/Pv TTXVN tại LB Nga
Một đất nước Việt Nam với các tiềm năng kinh tế, với các mối quan hệ quốc tế phong phú, với những định hướng phát triển tiên tiến và nhân văn, và đặc biệt là thành công trong quan hệ đối ngoại khi thiết lập và duy trì hợp tác ở các cấp và cấp cao nhất với ngay cả những cường quốc đối đầu nhau đã được giới thiệu tại phiên diễn giảng “Việt Nam trong thế giới đa cực: cách tiếp cận, thách thức và triển vọng”, các tham luận do các học giả và nhà ngoại giao Nga và Việt Nam trình bày theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chất thanh niên và tài sáng tạo của các nhà ngoại giao tương lai được tập trung vào chương trình nghệ thuật “Vòng quanh Việt Nam”. Đúng như tên gọi, các tiết mục tự biên tự diễn nhưng không hề kém công phu đã đưa tất cả khán giả, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Đại sứ Việt Nam, đại sứ một số nước ASEAN, Hiệu trưởng MGIMO, các nhà Việt Nam học, đi xuyên suốt đất nước Việt Nam, từ miền Bắc địa đầu đến phương Nam nắng ấm. Những bài ca về lý tưởng thanh niên, về tình yêu Tổ quốc như là giá trị chung của thanh niên hai nước. Âm nhạc hiện đại được chơi bằng nhạc cụ truyền thống. Cô gái Kazakhstan hát về Việt Nam, cháu bé Việt Nam hát bài hát Nga.
Hiệu trưởng MGIMO Anatoly Torkunov nhấn mạnh mỗi người Nga nếu đã đến Việt Nam một lần sẽ muốn đến lần hai, lần ba, vì con người, thiên nhiên, nền ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Ông Torkunov cũng tự hào khi những cựu sinh viên MGIMO hiện đang giữ các chức vụ cao trong ngành ngoại giao nước nhà như Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, Đại sứ Lào tại LB Nga và tin tưởng các sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang này.
Đáp lại những lời tốt đẹp của Hiệu trưởng Torkunov, Đại sứ Đặng Minh Khôi cảm ơn lãnh đạo nhà trường vì những ủng hộ cho truyền thống Ngày Việt Nam tại MGIMO, nhấn mạnh rằng Ngày Việt Nam lần thứ 9 năm nay có vinh dự mở màn cho Ngày hội tiếng Việt tại LB Nga. Đại sứ cũng chỉ ra rằng quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga phát triển tốt đẹp như hiện nay một phần nhờ đóng góp trực tiếp của các nhà Việt Nam học được MGIMO đào tạo ở chất lượng cao.
Khép lại với cuộc du lịch ẩm thực tại chỗ, Ngày Việt Nam tại MGIMO lại mở màn cho những sự kiện về Việt Nam tiếp theo đây tại các trường đại học ở Moskva, nơi ươm mầm những thế hệ tiếp nối và vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – LB Nga.
49 năm thống nhất đất nước: Chuyên gia Mỹ Latinh nhận định Việt Nam là 'hải đăng' của hy vọng
Ngày 30/4/1975 không chỉ là dấu mốc huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là biểu tượng cổ vũ các dân tộc dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại độc lập dân tộc.
Đây là nhận định của Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh.
Tiến sĩ Ruvislei González Sáez. Ảnh: Lê Hà/Pv TTXVN tại Cuba
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana, Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba (CIPI), tác giả cuốn sách "Cuba - Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử" đã được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu, nhấn mạnh ý nghĩa kép của Ngày Toàn thắng 30/4/1975 đối với Việt Nam và thế giới. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thể hiện sự kiên trì, ý chí kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Ngày toàn thắng nối liền một dải non sông là lời khẳng định đanh thép rằng chỉ có duy nhất một nước Việt Nam, đồng thời mở ra con đường chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Học giả Cuba khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc. Chiến thắng của Việt Nam là minh chứng cho thấy một dân tộc đồng lòng quyết chí không thể bị chia cắt. Theo Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, sau khi thống nhất, Việt Nam tiếp tục đối mặt vô vàn khó khăn, thách thức. Đất nước đứng lên từ tro tàn chiến tranh theo đúng nghĩa đen, khi ngày nay vẫn còn nhiều bom mìn chưa nổ và nhiều khu đất chưa thể sử dụng do còn tiềm ẩn nguy cơ.
Nhà nghiên cứu người Cuba chỉ rõ Đảng và Chính phủ Việt Nam khi đó đã nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tập trung vào công nghiệp nặng ở miền Bắc và kinh tế dịch vụ ở miền Nam. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thay đổi tư duy phù hợp với điều kiện mới, giải phóng lực lượng sản xuất, gạt bỏ chủ nghĩa giáo điều và đặt con người cùng mục tiêu cải thiện đời sống lên hàng đầu, Việt Nam từ một trong 15 nước nghèo nhất thế giới những năm 1980-1981 đã trở thành một trong 15 quốc gia năng động nhất hiện nay, có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đặt mục tiêu vươn lên thành nước phát triển vào năm 2045.
Tiến sĩ Ruvislei González Sáez nêu bật những thành tựu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trình độ học vấn tăng lên, chất lượng dịch vụ ngày một hoàn thiện, tiến bộ công nghệ và đổi mới đang đặt Việt Nam vào vị trí nổi bật và chắc chắn là một trong những con hổ châu Á mới nhất, dẫu còn nhiều thách thức phía trước. Ông Ruvislei González Sáez cho rằng kinh nghiệm thực tiễn và chính sách đối ngoại của Việt Nam là bài học cho thế giới, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay. Với lập trường "làm bạn với tất cả các nước", Việt Nam không chỉ là tấm gương cho các nước Nam bán cầu mà còn cả cho các cường quốc. Quá trình hội nhập quốc tế thành công của Việt Nam không thể không đề cập đến đường lối ngoại giao cây tre và việc xác lập chiến lược quốc phòng bốn không: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thống nhất, hòa bình và ổn định đã đưa Việt Nam từ một nước nhận viện trợ quốc tế thành một quốc gia dẫu còn khó khăn vẫn có thể hỗ trợ các nước khác, từ một quốc gia nhận đầu tư nước ngoài ròng thành một quốc gia đã bắt đầu đầu tư ra nước ngoài và có khả năng cạnh tranh.
Chuyên gia Ruvislei González Sáez, hiện cũng là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam, nêu bật mối liên kết ngày càng tăng giữa Việt Nam với Mỹ Latinh và Caribe nói chung, cũng như giữa Việt Nam với Cuba nói riêng, trên nền tảng mối quan hệ lịch sử đặc biệt. Nhà nghiên cứu chính sách quốc tế đánh giá hợp tác song phương còn rất nhiều dư địa, và hai bên cần tích cực hơn nữa để đạt kết quả hợp tác cụ thể, không chỉ trong thương mại - đầu tư, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và đổi mới, nông nghiệp, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Học giả Cuba tin tưởng rằng với bề dày văn hóa và bản sắc, đất nước của những chiến binh đã chiến đấu và chiến thắng nhiều cường quốc trên thế giới sẽ tiếp tục thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân và tiến bước trên con đường xây dựng một xã hội mới.
Hội thảo bàn tròn về ngôn ngữ trong hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và LB Nga Ngày 30/3 tại Đại học quan hệ quốc tế (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã diễn ra hội thảo bàn tròn "Quan hệ Nga-Việt: kinh nghiệm hoạt động ngoại giao", nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và khó khăn thực tế liên quan đến ngôn ngữ và phiên dịch giữa ba thế hệ nhà ngoại giao đương nhiệm, cựu trào và tương...