Ngày “quyết đấu” vào lớp 10 của cặp song sinh cận thị
Hai sĩ tử song sinh Tùng và Đức đã trải qua những ngày miệt mài ôn luyện, nhận tấm bằng tốt nghiệp cấp hai, cùng nhau vượt vũ môn để tranh suất vào lớp 10 một trường THPT ở Hà Nội.
5h, trong căn phòng chung cư dành cho người thu nhập thấp ở quận Long Biên (Hà Nội), chuông báo thức reo vang, vị phụ huynh của cặp song sinh trở mình thức giấc. Ông đi sang phòng hai con trai sinh đôi để gọi chúng dậy học bài. Bên ngoài, trời vẫn nhá nhem tối.
Hai thí sinh đặc biệt này là Thành Xuân Đức và Thành Xuân Tùng (sinh năm 2004), học sinh trường THCS Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Cả năm qua, cặp song sinh vẫn miệt mài ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 diễn ra ngày 2 và 3/6. Bố, mẹ của hai em bảo phấn đấu lên cấp ba còn căng hơn cả thi vào đại học.
18 tiếng vùi đầu vào sách vở mỗi ngày
Phóng viên tiếp xúc hai nhân vật này đã gần một tháng nay. Mỗi ngày, hai anh em dậy từ 5h, tự học đến 6h30, ăn sáng rồi đến trường 2 buổi, về nhà lại tiếp tục “chinh chiến” đèn sách đến nửa đêm. Đó cũng là thời khóa biểu của phần lớn bạn khác trong lớp Tùng, Đức.
Cặp song sinh này là hai trong số 85.873 học sinh đăng ký dự thi (kể cả tuyển thẳng) của đợt tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm 2019. Tổng nguyện vọng 1 và 2 đăng ký dự tuyển vào các trường là 167.678.
Có thể nói việc chọn trường cấp ba là bước đệm để các sĩ tử có hành trang tốt nhất cho kỳ thi THPT vào 3 năm tới. Vì vậy, đây là kỳ thi cũng mang đến nhiều áp lực cho học sinh và sự lo lắng của phụ huynh.
“Quả thực không ai bắt em phải học nhiều như thế nhưng bản thân chưa thực sự tự tin lắm vào kiến thức của mình nên em vẫn học cho yên tâm”, Đức chia sẻ.
Có lực học nhỉnh hơn anh trai với những lần thi thử đều trên 40 điểm nhưng Tùng vẫn miệt mài ôn luyện. “Chúng em đã cùng nhau làm rất nhiều việc từ khi sinh ra đến giờ và lần này vẫn đồng hành với nhau”, cậu em của cặp sinh đôi đeo kính cận nói.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội có nhiều thay đổi sau nhiều năm chỉ thi 2 môn Ngữ Văn và Toán. Thí sinh tại thủ đô phải làm 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử trong hai ngày từ 2 và 3/6. Thông tin công bố môn thi thứ tư vào giữa tháng ba khiến không ít học sinh bất ngờ.
“Em học thiên về các môn tự nhiên nên năm nay thi Lịch sử cũng có phần lo lắng. Mỗi ngày, cô giáo cho ôn tập các đề thi và dạng câu hỏi nên em cũng nắm được phần nào”, Tùng cho biết.
Từ ngày vào guồng quay học hành, những thói quen thường ngày như đá bóng, chơi game đều phải gác lại. Điện thoại, máy tính của Tùng và Đức “bị tịch thu”. Thỉnh thoảng, hai anh em được bố mẹ cho phép mở tivi xem thư giãn.
Video đang HOT
Những buổi học cuối cùng, bên cạnh việc ôn thi, lớp học của hai anh em cũng tổ chức chụp ảnh kỷ niệm ra trường. Những người thầy, bạn gắn bó với nhau 4 năm vừa qua, có lẽ sẽ là ký ức khó phai của thời gian ở mái trường cấp hai.
Những cô cậu học trò bỡ ngỡ khi lần đầu được khoác trên mình chiếc áo cử nhân, cầm trên tay bằng tốt nghiệp. Chỉ vài ngày nữa thôi, một chặng đường mới nhiều chông gai, nhiều thử thách hơn nhưng cũng đầy thú vị sẽ mở ra trước mắt các cô, cậu bé 15 tuổi này.
Nỗi lo nhân đôi của phụ huynh
Bữa cơm tối thường nhật nhà ông Hiếu, bà Hoa diễn ra lúc 20h. Từ ngày hai con trai tập trung ôn thi vào lớp 10, bữa cơm phải chia làm hai: Một phần các con ăn trước để học bài sớm, một phần hai ông bà ăn sau khi đã hoàn thành hết công việc của một ngày.
Mâm vẫn có những món ăn quen thuộc từ trước. Những ngày ôn thi, hai em được bố mẹ tiếp thêm sữa, hoa quả.
Ông Hiếu tâm sự: “Chúng tôi không đặt áp lực cho 2 con, chúng cứ thi và làm hết sức mình, kết quả ra sao thì mình cũng đã cố gắng”. Nói rồi, người cha của cặp song sinh lại đánh mắt nhìn hai “quý tử” đang miệt mài ôn tập. Thỉnh thoảng, vị phụ huynh U50 lại đi ra phía bàn học, hỏi con xem có cần gì không, rồi lại đi vào. Ông cũng cai tivi mấy ngày này.
Những gia đình khác thường chỉ có một con đi thi, nhưng với nhà ông bà Hiếu – Hoa, nỗi lo lắng nhân đôi. Bà Hoa kể sinh hai đứa ra là ngày hạnh phúc nhất và cũng lo lắng nhất. Thời đó, vợ chồng chưa có gì trong tay, lại nuôi hai con, rất lo lắng. “Và rồi mọi chuyện đâu cũng vào đó. Trời sinh voi thì sinh cỏ, bây giờ chúng nó cũng lớn cả rồi”, người mẹ của cặp song sinh tâm sự.
Trong hai anh em, phụ huynh lo cho Đức hơn do lực học của em chỉ trung bình khá, những lần thi thử đạt 30-32 điểm. Ông bà ngồi nhẩm tính trường nào thì phù hợp cho cả 2 đứa, về cả khả năng đỗ, lẫn khoảng cách đi học.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm nay là 63.090, nghĩa là khoảng 23.000 học sinh sẽ phải tìm hướng đi khác, có thể vào trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Ông bà đã tính phương án hai, nếu không đỗ trường công, sẽ cho con học dân lập.
18 tiếng con học cũng là 18 tiếng hai ông bà không thể chợp mắt.
Sáng 1/6, sau khi làm thủ tục thi tại trường cho con, ông Hiếu đưa Đức và Tùng đến Văn Miếu để cầu may.
“Chút thời gian ít ỏi, tôi đưa các cháu ra khỏi trường lớp, sách vở để thư giãn đầu óc. Hôm nay, tôi cũng quyết định cho các cháu xả hơi trước kỳ thi lớn đầu tiên của cuộc đời mình”, ông Hiếu nói.
Ngày quyết đấu đầu tiên, mùng 2/6
4h sáng, bà Hoa lúi húi dậy đồ xôi, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Ông Hiếu chỉnh trang quần áo thắp hương, cầu mong cho hai con đạt được kết quả tốt nhất.
Bên trong, Đức và Tùng tự giác dậy sớm, tranh thủ xem qua bài vở. Bữa cơm sáng hôm nay sớm hơn thường lệ. Vừa gắp thức ăn cho con, bà Hoa vừa thúc giục: “Ăn nhiều vào nhé, còn lấy sức làm bài”.
Sáng 2/6, thời tiết Hà Nội mát mẻ sau một tuần mưa dầm dề. Đúng 6h, ông Hiếu chở hai con đi thi ở 2 địa điểm khác nhau, cách nhà 10-20 phút đi xe máy. Giống như nhiều sĩ tử khác, Đức và Tùng cũng tỏ ra khá hồi hộp trước kỳ thi lớn đầu tiên trong cuộc đời. “Nói không lo thì cũng không đúng ạ. Em cũng hơi run”, Tùng tâm sự.
“Thi tốt nhé!”, Đức vẫy tay nói với em trai rồi cùng bố đi đến điểm thi của mình.
Đưa con đến trường thi, ông Hiếu vẫn nấn ná lại một lúc để xem xét tình hình. “Cuộc thi lớn đầu tiên của hai đứa cũng là lần đầu tiên người làm cha mẹ như chúng tôi hồi hộp dõi theo, chăm sóc các con từng bữa ăn, giấc ngủ, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu thoải mái học hành. Dù kết quả ra sao, cả nhà đã cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó quên này”.
Tiếng chuông báo hiệu giờ thi kết thúc, ông Hiếu đã đứng đợi trước cổng trường từ bao giờ. Nhà gần trường thi nên ông không ngồi đợi như các phụ huynh khác, nhưng về nhà thấp thỏm không yên, lại dắt xe ra trường đợi.
Nhìn gương mặt Đức và Tùng vui vẻ sau 120 phút làm bài căng thẳng, ông Hiếu thở phào nhẹ nhõm. Người cha không hỏi xem con có làm được bài không vì không muốn gây áp lực cho chúng ở các môn khác.
“Đây mới chỉ là bước đầu tiên của cuộc đời các con, sau này kỳ thi đại học rồi tốt nghiệp còn cam go và căng thẳng hơn rất nhiều. Chỉ cần các con luôn bình tĩnh, tự tin và không được sợ hãi, bởi bố mẹ sẽ cùng các con đồng hành trên nhiều dấu mốc khác của cuộc đời”.
Hoàng Đông – Quỳnh Trang – Việt Hùng
Theo Zing
Ngày đầu kì thi lớp 10 tại Hà Nội: Thời tiết thuận lợi, an ninh đảm bảo
Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, ngày đầu của kì thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội diễn ra an toàn, giao thông thông suốt, thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh đi thi.
Dù nằm trong khu dân cư đông người, chật hẹp nhưng điểm thi Trường THPT Kim Liên vẫn diễn ra an toàn, trật tự, không ùn tắc.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 2 - 3/6 với 4 môn thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Học sinh thi vào lớp 10 chuyên thi thêm các môn chuyên vào chiều ngày 3 và sáng 4/6.
Trong sáng 2/6, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã đến kiểm tra công tác tổ chức thi, động viên tinh thần các thí sinh tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội).
Tại điểm thi này, các điều kiện chuẩn bị cho công tác coi thi, bảo quản đề thi, phát đề thi cũng như phổ biến quy chế cho các cán bộ coi thi được thực hiện đúng theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức thi, động viên tinh thần các thí sinh tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội).
Bà Phạm Thị Thanh Vân - Trưởng điểm thi tại Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết: Điểm thi có 14 phòng thi với 295 học sinh, 27 cán bộ coi thi, 3 cán bộ giám sát và 2 thanh tra viên. Các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã đầy đủ và sẵn sàng.
Điểm mới của kỳ thi năm nay là Sở GD&ĐT Hà Nội cho lắp đặt hệ thống camera tại phòng bảo quản đề thi và bài thi của thí sinh. Công tác kiểm tra, bàn giao các thiết bị như camera, máy tính để bàn đã được các điểm thi thực hiện nghiêm túc, có sự chứng kiến của nhân viên kỹ thuật, thanh tra, Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất, nhân viên an ninh.
Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, rút kinh nghiệm kỳ thi năm trước, năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội đã rà soát, lựa chọn cán bộ làm thi từ rất sớm.
Từ cuối tháng 3, Sở đã gửi văn bản đến các trường Trung học phổ thông yêu cầu chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Đối với khối Trung học cơ sở, các Phòng GD&ĐT sẽ rà soát cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ tiêu chuẩn, đảm bảo đúng quy định của Sở.
Ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội).
Sở cũng đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường chuẩn bị lực lượng cán bộ dự phòng. Lực lượng dự phòng này cũng được rà soát và đảm bảo tiêu chuẩn như lực lượng chính thức.
Bên trong trường thi rất nghiêm túc, còn bên ngoài cổng trường cũng rất an toàn bởi sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường với chính quyền địa phương, thanh niên tình nguyện và đặc biệt là lực lượng công an.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT số 1 Công an TP Hà Nội cho biết: Thời tiết trong cả hai ngày thi đầu rất ủng hộ các thí sinh cũng như người nhà đưa đón con em mình đến những địa điểm thi.
Mặc dù vậy, trên tinh thần chủ động bám sát các kế hoạch và yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT, tất cả các đội CSGT trên toàn địa bàn thành phố đều ứng trực với quân số cao nhất, tập trung phân luồng, đảm bảo tuyệt đối ATGT phục vụ kỳ thi.
Trong 2 ngày thi đầu tiên, tình hình TTATGT trên địa bàn thành phố được lực lượng CSGT đảm bảo tuyệt đối an toàn, không có bất cứ vụ TNGT cũng như ùn tắc, sự cố nào về giao thông gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, thi cử của thí sinh.
Đây là nỗ lực rất lớn của lực lượng CSGT cũng như các đơn vị chức năng có liên quan, trong đó có lực lượng CSTT, dân phòng, bảo vệ dân phố trên toàn thành phố.
Vân Anh
Theo GDTĐ
Đề thi tại Hà Nội đề cao sự 'an toàn', TP Hồ Chí Minh bám sát thực tiễn Chiều ngày 2/6, kết thúc môn thi Toán, một số giáo viên ở Hà Nội nhận định, đề thi giữ cấu trúc như năm trước, mặc dù có tính phân loại, nhưng khó đánh giá năng lực thí sinh. Trong khi đó, đề thi ngoại ngữ của TP Hồ Chí Minh được giáo viên đánh giá bám sát thực tiễn. Thầy Trần Mạnh...