Ngày mai, Hà Nội tổ chức thi thử THPT quốc gia
Ngày 20/4, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 với ba môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh, nhằm giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Thi thử đại học giúp học sinh làm quen kỳ thi chính thức, đồng thời hiểu rõ năng lực bản thân.
Từ nhiều năm trước, các trường trên cả nước đã tổ chức thi thử. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi chung cho học sinh toàn thành phố.
Mặc dù đây là kỳ thi thử, thầy và trò một số trường ở Hà Nội vẫn ôn tập nghiêm túc để có kết quả tốt nhất.
Hồng Hạnh, học sinh trường THPT Việt Đức, nói: “Mấy ngày nay, chúng em ôn rất nhiều, hầu như ngày nào cũng làm đề để biết phần nào yếu để luyện tập”.
Học sinh trường THPT Việt Đức ôn tập cho kỳ thi thử ngày mai. Ảnh: VTV.
Kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề nhưng nhiều học sinh mới chỉ ôn được khoảng 70% lượng kiến thức. Trong mấy tháng còn lại, nhà trường cũng như các em tăng cường ôn tập, tạm dừng phần lớn hoạt động vui chơi giải trí. Nhiều em còn tận dụng thời gian nghỉ trưa để ôn bài.
Gần ngày thi thử, giáo viên thường xuyên ra bài thi ngắn nhằm giúp học sinh rèn luyện tâm lý, vì trên thực tế, nhiều em làm bài không tốt do quá lo lắng, căng thẳng.
Bên cạnh học chính khóa, trường THPT Việt Đức cũng tổ chức các lớp phụ đạo dành riêng cho học sinh yếu của từng môn.
Video đang HOT
“Lớp đặc biệt này giúp các em củng cố kiến thức, đảm bảo không bị điểm liệt. Những em ở mức dưới trung bình cố gắng đạt trung bình”, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Theo thống kê, trong kỳ thi THPT năm 2015, 12.000 thí sinh bị điểm liệt môn Toán. Đây là tình trạng đáng lo ngại khi Toán là môn thi bắt buộc.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi : Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.
Các môn tự luận, thời gian làm bài 180 phút; môn trắc nghiệm 90 phút; môn Ngoại ngữ 90 phút.
Theo Zing
Không nên thi quá nhiều môn
Theo quy chế thi THPT quốc gia, để xét tốt nghiệp THPT, học sinh phải đăng ký và dự thi tối thiểu 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Đương nhiên, đối với các thí sinh (TS) dự thi tại các cụm thi tốt nghiệp, 100% học sinh chỉ đăng ký thi 4 môn, vì việc thi nhiều hơn 4 môn của các học sinh này là vô nghĩa và không cần thiết.
Tỷ lệ đăng ký và điểm.
Thi đủ 8 môn sẽ có cơ hội xét tuyển tất cả các tổ hợp môn xét tuyển
Việc chọn thi bao nhiêu môn và chọn thi môn nào (ngoài các môn bắt buộc) chỉ có ý nghĩa đối với các TS dự thi tại các cụm thi ĐH. Vì trong các đợt xét tuyển tiếp theo vào tháng 8, TS phải dùng các môn thi này để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi mà ngành học yêu cầu.
Hiện có hơn 100 tổ hợp môn thi được các ngành học ở các trường ĐH, CĐ dùng để xét tuyển. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển được nhiều trường áp dụng, và quy chế tuyển sinh 2016 còn quy định các trường phải dành ít nhất 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống.
Điều này khiến các tổ hợp môn theo các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D vẫn là những tổ hợp môn xét tuyển phổ biến nhất của các trường ĐH, CĐ, đồng thời dự kiến đây cũng là sự lựa chọn nhiều nhất của học sinh khi đăng ký chọn môn thi vào tháng 4 và đăng ký xét tuyển vào tháng 8.
Như vậy trên nguyên tắc, học sinh thi càng nhiều môn thì càng có nhiều cơ hội xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn thi hơn. Nghĩa là trừ những ngành có xét tuyển môn năng khiếu, các TS thi đủ 8 môn hoàn toàn có thể tổ hợp 8 môn đã dự thi thành tất cả các tổ hợp môn xét tuyển.
Số liệu thống kê kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy: tổng số TS dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693 người, trong đó số học sinh chọn thi 5 môn có tỷ lệ cao nhất (gần 39%). Số học sinh chọn thi đúng số môn tối thiểu (4 môn) chiếm 32,55%.
Tính chung, tỉ lệ số học sinh chọn thi từ 5 môn trở lên chiếm hơn phân nửa tổng số TS thi tại các cụm thi ĐH (52,2%), nhưng trong số này tỷ lệ TS chọn 7-8 môn thi rất thấp, chỉ có 3.804 TS (0,52%) chọn thi 7 môn, 620 TS (0,09%) chọn thi 8 môn.
Tỷ lệ thí sinh đăng ký một số môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Thi nhiều môn chưa chắc có hiệu quả
Quy định về điểm ngưỡng (mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào) không cho phép các trường ĐH xét tuyển các TS có tổng điểm thi 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển thấp hơn 15 điểm.
Như vậy, dù cho TS đã dự thi bao nhiêu môn, tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng trúng tuyển của TS là điểm bình quân 3 môn thi, được tính bằng cách lấy điểm tổng cộng các môn thi chia cho số môn mà thí sinh đã dự thi và đối chiếu với mức điểm ngưỡng xét tuyển 15 điểm.
Thống kê từ Bộ GD&ĐT trong kỳ tuyển sinh 2015 cho thấy: có 531.180 TS có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm (chiếm tỉ lệ chung 73% tổng số lượt TS dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ).
Với các TS đã thi 8 môn, thống kê cho thấy điểm bình quân 3 môn thi chỉ là 13,3 điểm, thấp hơn mức điểm ngưỡng, trong đó không đến 1/4 TS thi 8 môn đạt điểm bình quân 3 môn thi từ 15 điểm trở lên (24,8%). Tương tự như vậy, điểm bình quân 3 môn thi của các TS đã thi 7 môn chỉ đạt 13,22, chỉ có 23,9% TS thi 7 môn đạt mức điểm ngưỡng xét tuyển.
Đối với các thí sinh đã thi 4-5-6 môn, mức điểm bình quân 3 môn thi của các TS đều vượt mức điểm ngưỡng 15 điểm với tỷ lệ rất cao (từ 59% đến gần 63% tổng số TS).
Đặc biệt, các TS đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước quay lại thi chỉ để lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì phần lớn chỉ thi 3 môn (chiếm tỉ lệ đến gần 75%).
Như vậy, việc thi quá nhiều môn tuy có điều kiện để tham gia xét tuyển ở nhiều tổ hợp môn thi khác nhau, nhưng điều kiện tiên quyết để xét trúng tuyển lại là tổng điểm thi của các tổ hợp môn xét tuyển càng cao càng tốt.
Do vậy, việc chọn số lượng môn thi hợp lý (từ 4 đến 6 môn), vừa tuân thủ đúng quy định của kỳ thi, vừa giúp việc tập trung ôn tập có hiệu quả.
Các TS thi đủ tối thiểu 4 môn, nếu chọn môn Vật lý là môn thứ tư bên cạnh 3 môn bắt buộc, đã đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các ngành xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và khối A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ).
Đối với các TS chọn thi 5 môn, xu hướng của các TS này thường chọn các môn lý, hóa (định hướng thêm được tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa, vốn là khối thi A truyền thống được các trường dành khá nhiều chỉ tiêu); hoặc chọn các môn Sử, Địa để định hướng cho các ngành xét tuyển theo khối C truyền thống.
Chính vì vậy, điều dễ hiểu là vì sao học sinh thường có khuynh hướng chọn thi môn lý và môn địa khi đăng ký các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa/Tuổi Trẻ
Thi THPT quốc gia: Học sinh vẫn 'né' môn Lịch sử Chưa có con số thống kê cuối cùng nhưng sơ bộ cho thấy, học sinh lớp 12 tại TP HCM vẫn không mặn mà với Lịch sử, Địa lý, khi chọn môn thi thứ tư trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Khảo sát sơ bộ về môn thi tự chọn tại một số trường THPT trên địa bàn TP HCM cho thấy,...