Ngày hội thể thao – sự kiện lớn nhất năm học ở Nhật Bản
Trẻ tiểu học rèn luyện thể chất và tinh thần tập thể thông qua một loạt hoạt động trong ngày hội undokai.
Ngày hội thể thao hay undokai là sự kiện quan trọng trong năm ở trường tiểu học Nhật Bản. Học sinh sẽ trải qua hơn một tháng luyện tập miệt mài trước khi đến với một ngày diễn ra rất nhiều hoạt động. Đây không chỉ là ngày của trẻ em mà còn là ngày của bố mẹ, những người dậy từ sớm chuẩn bị hộp cơm trưa đủ dinh dưỡng, động viên tinh thần và đến trường cổ vũ con thi đấu.
Kirsty Kawano, bà mẹ hai con người Australia có kinh nghiệm sống nhiều năm ở Nhật Bản, chia sẻ trên Savyy Tokyo ngày 3/10 thông tin về undokai cùng một số lời khuyên dành cho phụ huynh để ngày này diễn ra suôn sẻ.
Ý nghĩa của undokai
Giống hầu hết sự kiện đặc biệt ở trường học Nhật Bản, undokai được tổ chức nhằm dạy trẻ tầm quan trọng của làm việc nhóm, sự chăm chỉ, tinh thần cạnh tranh vì tập thể.
Một ngày hội thể thao điển hình ở trường tiểu học chia học sinh thành hai đội – một đội màu đỏ và một đội màu trắng, thi đấu trong một loạt nội dung để phân định thắng thua.
Học sinh tiểu học tập trung trong ngày hội thể thao. Ảnh: Savvy Tokyo
Dù nghe qua có vẻ tính cạnh tranh rất cao, mục đích chủ yếu của ngày hội là khuyến khích học sinh cùng nhau làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Không có giải thưởng cá nhân nào được trao và chương trình còn lên sẵn phần cổ vũ lẫn nhau.
Undokai sẽ bắt đầu bằng việc tập trung học sinh trong sân trường để nghe bài phát biểu khai hội. Sau đó, các em ngồi quanh sân, xem lần lượt từ tiết mục nhảy múa đầu tiên của học sinh lớp 1.
Mỗi khối sẽ biểu diễn cùng nhau, thường là một điệu nhảy và tham gia ít nhất một trận thi đấu nghiêm túc như chạy bộ. Học sinh lớp 3 và lớp 4, hoặc cả lớp 5 và lớp 6, cạnh tranh trong cuộc đua nào đó theo kiểu mới lạ hơn. Chạy đua tiếp sức có thể được tổ chức để học sinh lớp bé và lớp lớn phối hợp cùng nhau.
Khung chương trình có thể khác nhau tùy từng trường cụ thể. Bố mẹ được quyền đóng góp ý tưởng trong buổi họp phụ huynh.
Một trong những khác biệt chủ chốt giữa ngày hội thể thao ở trường mẫu giáo và trường tiểu học là oen-dan, hay đội cổ vũ của mỗi đội chơi. Để khích lệ người chơi trong thời gian thi đấu, các em hô to gambare (Cố hết sức!) cho cả đội nhà và đối thủ, biểu diễn bài hát cổ vũ đã lựa chọn từ trước.
Điểm nhấn trong ngày đối với mỗi phụ huynh là hoạt động có con tham gia. Tuy nhiên, hầu hết đều nán lại đến cuối ngày để xem cuộc chạy đua tiếp sức hoặc nhóm đồng diễn thể dục.
Video: Instagram
Màn trình diễn này được thực hiện bởi học sinh lớp 6, là hình ảnh nói lên sức mạnh của sự phối hợp theo cặp, theo nhóm nhỏ và tổng thể đội hình. Những đứa trẻ thể hiện sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng khi tạo một kim tự tháp đều tăm tắp.
Chấn thương phát sinh trong tiết mục kumitaiso cuối ngày hội này dẫn đến việc kim tự tháp dần được thu nhỏ lại hoặc hủy bỏ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kumitaiso đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau và thể hiện được tính nhất quán đặc trưng của Nhật Bản nên gây ấn tượng cho rất nhiều người. Đây là hoạt động đáng nhớ cùng nhau trước khi các em lên trung học cơ sở.
Một sự kiện cuối ngày phổ biến khác là ootama-okuri, yêu cầu sự tham gia của cả trường. Đội trắng và đội đỏ xếp hàng ở hai bên. Người chơi trong cùng đội phải chuyền một quả bóng lớn sao cho nó không rơi xuống đất và đến đích sớm hơn đội kia. Số điểm của hoạt động này có thể mang tính quyết định, giúp tìm ra đội chiến thắng chung cuộc.
Nhìn chung, không ai cảm thấy quá phiền muộn khi đội mình thua. Tuy nhiên, vài trẻ nhạy cảm có thể khóc vì không thể hiện tốt như mong đợi.
Hoạt động thể chất là phần quan trọng trong giáo dục Nhật Bản. Ảnh: Savvy Tokyo
Sự hỗ trợ của phụ huynh
Ngày hội thể thao sẽ xuất hiện trong lịch học được phát từ đầu năm, thường diễn ra vào tháng 10 và rất có thể rơi vào thứ bảy. Đầu tháng hoặc đầu học kỳ, phụ huynh nên theo dõi lịch học chi tiết để biết kế hoạch dự phòng trong trường hợp có mưa hoặc ngày nghỉ bù do tham gia hội thao vào thứ bảy.
Ít nhất một tuần trước undokai, nhà trường sẽ gửi về nhà một bản chương trình của ngày hội, giúp bạn có đủ thời gian để biết lúc nào cần chú ý. Đối với học sinh lớp 1, trường có thể cung cấp sơ đồ chỉ rõ vị trí của con bạn trong tiết mục nhảy tập thể và phần tham gia thi đấu.
Nếu không được gửi sơ đồ, bạn có thể tự vẽ dựa trên mô tả của con về những buổi tập dượt. Điều này giúp bạn dễ tìm ra con khi theo dõi qua video. Tuy nhiên, nếu muốn tận hưởng một ngày trọn vẹn, bạn nên trực tiếp đến trường cổ vũ.
Trường học thường có khu vực lều để làm chỗ ngồi ưu tiên cho người già, người khuyết tật hoặc phụ nữ có thai. Nhiều ông bà cũng đến xem cháu thi đấu.
Phụ huynh thường dậy sớm làm cơm hộp mang đến ngày hội thể thao. Ảnh: Savyy Tokyo
Theo truyền thống, bữa trưa trong ngày hội thể thao là hộp cơm mà bố mẹ chuẩn bị sẵn từ nhà và cả gia đình ăn cùng nhau ở trường. Đối với những phụ huynh phải đi làm, một số trường phục vụ bữa trưa cả trong ngày hội.
Dù diễn ra trong cả ngày dài và tất cả đều thấy mệt mỏi, undokai là cơ hội tuyệt vời để bạn làm quen với phụ huynh khác và con của họ. Việc này giúp bạn biết thêm một số thông tin chi tiết về mỗi ngày của con ở trường.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Vợ chồng cựu binh Australia sửa trường cho trẻ em Hội An
Thấy ngôi trường bỏ hoang trong khi trẻ không có chỗ học, vợ chồng cựu binh người Australia bỏ tiền sửa chữa, mua sắm đồ dùng học tập.
Đều đặn cứ vài ngày bà Phan Thu Lan lại đến trường mầm non Trúc Xanh (xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam) thăm học sinh và hỏi cô giáo đã hết đồ ăn nhẹ để mang đến. Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, làn da rám nắng, chơi đùa với các em nhỏ khoảng 30 phút, sau đó đảo quanh kiểm tra trang thiết bị của trường. Đây là việc làm thường xuyên của bà trong mấy năm qua.
Bà Lan trước đây sống ở TP HCM, quen ông Roy Erle Hornsby nguyên là lính Australia tham chiến ở Việt Nam năm 1969-1970, đóng quân ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2003, ông quay lại Việt Nam làm giảng viên thiết kế web, lập trình viên... ở Đại học Quốc tế RMIT (quận 7, TP HCM). Năm 2007, ông quen bà Lan và ba năm sau họ nên duyên vợ chồng.
Vợ chồng bà Lan trong trong một lần phát quà cho học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hai người đi nhiều nơi chọn địa điểm sinh sống, năm 2014 khi đến Hội An thì yêu mến vùng đất này nên quyết định ở lại. Họ mua mảnh đất ở phường Cẩm Châu (TP Hội An) xây nhà ở. Bà dành một căn phòng mở tiệm nail (làm móng tay, móng chân), còn chồng làm thiết kế trang web.
Ngày họ làm nhà có nhiều người phụ nữ xã Cẩm Kim đến phụ hồ. Trong đó có một người thường xuyên nghỉ việc, bà Lan hỏi chuyện thì biết người này có con nhỏ, phải ở nhà trông. Tìm hiểu, bà Lan thấy trong thôn Trung Châu (xã Cẩm Kim), nhiều gia đình nghèo khổ, gửi con đến trường để đi làm thì phải đóng số tiền lớn. Có nhiều người đi làm, nhưng không đủ tiền đóng học phí cho con.
Thấy một điểm trường với hai phòng học ở thôn Trung Châu bị bỏ hoang, bà Lan suy nghĩ nếu khôi phục thành trường mầm non thì sẽ chia sẻ khó khăn với người dân. Bà gặp chính quyền, biết lý do bỏ hoang là trường không có bếp ăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Các em học xong đến buổi ăn cơm phải đến điểm trường chính cách gần một km, hoặc học đến trưa cha mẹ đón về, chiều đưa đến trường.
Bà Lan thường xuyên đến trường mầm non Trúc Xanh thăm bọn trẻ. Ảnh: Đắc Thành.
Được chính quyền đồng ý cho cải tạo trường, vợ chồng bà Lan kết nối với sinh viên để họ dọn dẹp cỏ cây; nhờ người vẽ, sơn lại tường, trần nhà. Hệ thống bếp nấu ăn cùng các thiết bị cũng được bà sắm sửa. "Ngôi trường mầm non Trúc Xanh đầu tư 215 triệu đồng, trong đó vợ chồng tôi đóng góp phần chính, còn lại kêu gọi mạnh thường quân", người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ.
Lớp học có 18 trẻ từ 1 đến 3 tuổi với hai cô giáo chăm sóc. Mỗi em có một giường ngủ. Bà Lan thuê người trồng rau quanh khuôn viên trường, mỗi tháng cung cấp gần 30 kg cho bọn trẻ. "Hàng tháng tôi mua thêm thực phẩm bổ sung bữa ăn, trang thiết bị hư hỏng hoặc còn thiếu tôi sẽ khắc phục dần", bà Lan nói và cho hay học sinh thành phố có gì thì trẻ ở đây sẽ có như thế.
Song song với sửa trường, bà Lan bỏ tiền và kêu gọi nhiều nơi giúp đỡ đầu tư cho các nhà văn hóa xã Cẩm Kim. Trong đó, khuôn viên nhà văn thôn Phước Thắng được đầu tư 15 triệu đồng lắp đặt các dụng cụ vui chơi cho trẻ em; nhà văn hóa thôn Trung Châu bà Lan hỗ trợ 50 triệu đồng và kêu gọi một trường đại học ở Canada và trường đại học ở Hà Nội đầu tư 52 triệu đồng xây dựng khuôn viên, lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí.
Bọn trẻ vui chơi ở nhà văn hóa thôn Phước Thắng. Ảnh: Đắc Thành.
Trường Tiểu học Cẩm Kim thiếu dụng cụ nấu bếp để học sinh học bán trú, bà Lan giúp đỡ tiền mua chén bát, xoong nồi. "Tương lai tôi sẽ đầu tư một bể bơi di động cho một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn 60 triệu đồng", bà nói và cho hay sinh hoạt gia đình từ khoản thu nhập của chồng, còn bà làm được bao nhiêu sẽ dành hết đầu tư cho trường học.
Trưởng thôn Trung Châu, ông Huỳnh Ngọc Dũng cho biết xã Cẩm Kim nghèo nhất Hội An. Bà Lan hỗ trợ sửa chữa trường, giúp cho những người có thu nhập thấp thuận lợi gửi con. "Ngôi trường đã giảm gánh nặng cho những gia đình nghèo. Trường chỉ thu tiền học phí trả cho giáo viên, các khoản tiền ăn, cơ sở vật chất không phải đóng", ông nói.
Đắc Thành
Theo Vnexpress
Những kỹ năng nhà tuyển dụng cần nhất ở sinh viên Kỹ năng ngôn ngữ hay đàm phán không phải điều nhiều nhà tuyển dụng cần nhất ở một sinh viên mới ra trường. Tổ chức QS và Viện tuyển dụng sinh viên (ISE) của Anh quốc đã tìm hiểu về những kỹ năng nhà tuyển dụng cần ở sinh viên mới ra trường. Theo báo cáo, ba kỹ năng có giá trị nhất...