“Ngày hội Lan tỏa yêu thương”: Hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ
“Chúng ta hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ, so sánh trẻ với “con người ta” và hãy hướng đến những cách dạy dỗ trẻ tích cực hơn…”, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ tại “ Ngày hội Lan tỏa yêu thương” tại trường Tiểu học Tân Thông, Củ Chi (TP.HCM).
Bà Nguyễn Phương Linh tặng quà các bạn nhỏ tham gia phần thi Rung Chuông Vàng tại Ngày hội.
Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực” của Dự án phi lợi nhuận “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children International) tài trợ.
Đa dạng hoạt động dành cho phụ huynh và các bạn nhỏ
Ngày hội có sự tham dự của đại diện Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, Viện MSD, SCI và hơn 1.000 học sinh trường Tiểu học Tân Thông, các giáo viên và phụ huynh.
Đặc biệt, ngày hội còn có sự tham gia chia sẻ của Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Chung, tác giả của nhiều ca khúc về chủ đề gia đình, quyền trẻ em…, người đã tham gia đồng hành cùng Chiến dịch truyền thông mạng xã hội do MSD thực hiện năm 2017.
Trẻ em tham gia ngày hội.
Chia sẻ về lý do tổ chức sự kiện, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc MSD cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng những đứa trẻ có thể trưởng thành tốt mà không cần đến những hình phạt thể chất và tinh thần hay những phương pháp giáo dục bạo lực.
Chúng ta hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ, so sánh trẻ với “con người ta” và hãy hướng đến những cách dạy dỗ trẻ tích cực hơn. Hãy để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, để trẻ được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có”.
Video đang HOT
Tại Ngày hội, các bé đã tự tay vẽ tranh, làm thiệp lan tỏa yêu thương để thể hiện những mong muốn, tình cảm của mình đối với bố mẹ, gia đình. Các trò chơi tương tác như “Nhìn hành động đoán vật”, “Thử thách mức độ hiểu nhau giữa cha mẹ và con” đã giúp các gia đình có những giờ phút thư giãn thoải mái, vui vẻ, qua đó, bố mẹ và các bé cũng đã hiểu suy nghĩ của nhau hơn.
Và từ đây về sau, bố mẹ và các bé sẽ chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa về những tâm tư, tình cảm của mình, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó gia đình.
Đặc biệt, với các câu hỏi liên quan đến Quyền của chính các em, cách để bảo vệ chính mình, những người có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại… cũng như các câu hỏi lĩnh vực khoa học tự nhiên, địa lý…, phần chơi Rung Chuông Vàng với sự tham gia của 40 bạn học sinh đến từ khối 4, khối 5 của trường đã mang tới nhiều kịch tính cho Ngày hội.
Trò chơi rung chuông vàng
Trong phần thi này, thầy cô, cha mẹ và các bé cũng cùng nghe chia sẻ về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội vận hành.
Tổng đài thực hiện chức năng tư vấn qua điện thoại bằng việc tiếp nhận, phân loại thông tin báo cáo từ người dân và nhiều nguồn khác về các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ; tiếp nhận, cung cấp, giải đáp thông tin cho trẻ em và cha mẹ về các vấn đề của trẻ em; tư vấn sâu về tâm lý, chính sách cho trẻ em và kết nối can thiệp, bảo vệ trẻ em.
Bé Ngọc Giàu (9 tuổi) tâm sự: “con rất vui khi tham gia Ngày hội cùng các bạn. Phần chơi Rung Chuông Vàng rất thú vị, theo dõi các bạn chơi, con nhớ nhất chính là số Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đó là một thông tin rất hữu ích cho chúng con”.
Cần nhiều hơn nữa những Ngày hội Lan tỏa Yêu thương
Chia sẻ tại Ngày hội, có nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc bảo vệ con khỏi bạo lực và xâm hại và dạy con cách tự bảo vệ mình. Điều đó, dẫn đến việc sử dụng “rào chắn” để “cách ly” con với hàng xóm xung quanh.
Chị Ly (39 tuổi, ở Củ Chi) cho biết, chị thường tới xem tình hình của con ở trường vào giờ ra chơi và đến đón con sau giờ tan học. Chị không yên tâm với khu vực nơi gia đình mình sinh sống, lo sợ con bị bạo lực và xâm hại nên đã chọn cách để con chơi ở trong nhà, không giao tiếp hay chơi với các bạn cùng tuổi.
Không gian ngày hội.
Thực tế cho thấy, đối với cha mẹ ở địa phương, việc tiếp cận với các chương trình, hoạt động liên quan đến chủ đề này còn hạn chế.
“Trước tới giờ hễ có hoạt động nào ở trường thì tôi đều cho các con tham gia. Cũng chưa có sự kiện như thế này được tổ chức ở trường. Nhà tôi ở xa Cung thiếu nhi của huyện, vợ chồng đều bận đi làm tối ngày nên không có thời gian đưa các con đi và cũng ít thời gian để nói chuyện hay chơi cùng các con. Thỉnh thoảng, có la mắng các con khi chúng nó quậy quá mà cũng chưa nghĩ đến là các con sẽ cảm thấy tổn thương, cảm thấy buồn”, anh Nguyễn Đức Mạnh, 45 tuổi (Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ.
Ông Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thông chia sẻ tại Ngày hội
Ông Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thông (Củ Chi), cho biết: “Bảo vệ trẻ em là một trong những vấn đề rất được quan tâm của Nhà trường. Ngoài các nội dung chính khóa, trong các môn học tự nhiên-xã hội, đạo đức đều được lồng ghép nội dung liên quan, Nhà trường cũng tham khảo các chương trình giáo dục kỹ năng sống để giáo dục các em có kỹ năng tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại.
Ví dụ như trong môn đạo đức có những bài liên quan như Yêu thân thể, Bảo vệ trẻ em, Yêu những người xung quanh…, các em được dạy cách xử lý những tình huống khi gặp người lạ, khi bị đụng chạm cơ thể không an toàn… Trong năm tới, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống chuyên sâu hơn cho học sinh”.
Ông Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thông cũng khẳng định Ngày hội Lan tỏa yêu thương là một hoạt động thực sự gần gũi và thiết thực đối với Nhà trường, đặc biệt là trong việc tạo không gian để các em học sinh có cơ hội vui chơi và tìm hiểu về cách bảo vệ chính mình thông qua các hoạt động tương tác.
“Cần nhiều hơn nữa những Ngày hội Lan tỏa yêu thương “để truyền tải thông điệp ý nghĩa đối với gia đình, trường lớp, thầy cô và những người xung quanh để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trong gia đình, khỏi xâm hại tình dục và hướng dẫn cho các em biết cách bảo vệ bản thân mình”, ông Tuấn Lê nói.
Lê Đăng
Theo giaoducthoidai
Cùng "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" với trẻ em
Ngừng đánh con, Ngừng quát mắng con, Cùng con tìm giải pháp, Con là duy nhất, sao phải so sánh... là những hashtag nổi bật, đồng thời cũng là những thông điệp, giải pháp cụ thể được đưa ra trong chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" vừa được phát động.
Ảnh minh họa: Trần Hải.
Ngày 19-10, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực". Chiến dịch được triển khai nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, cộng đồng về loại bỏ những hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử với trẻ em và thực hành phương pháp giáo dục yêu thương, không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Chúng ta đã xây dựng và ban hành khung pháp lý tương đối toàn diện để ghi nhận và bảo đảm thực thi các quyền của trẻ em, trong đó có quyền "được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn thương đến sự phát triển toàn diện của trẻ em" (Điều 27, Luật Trẻ em 2016)...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm quyền trẻ em vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Tình trạng cha mẹ, người chăm sóc, thầy - cô giáo trừng phạt tinh thần hay trừng phạt thân thể trẻ vẫn diễn ra thường xuyên..., gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ.
Phát động chiến dịch, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD, chia sẻ, Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" đưa ra những thông điệp và cũng những giải pháp cụ thể như: ngừng đánh con; ngừng quát mắng con, cùng con tìm giải pháp, con là duy nhất - sao phải so sánh... Với mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo có thể thử thách bản thân bằng việc thực hiện các thông điệp - giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp của các bên trong việc thực hiện thành công chiến dịch. Theo bà Nga, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là hành trình dài "lan tỏa yêu thương" và thúc đẩy "giáo dục không bạo lực", với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, đặc biệt phải kể đến vai trò của các tổ chức xã họi và các đơn vị truyền thông. Cục Trẻ em sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của trẻ em và bảo đảm các quyền trẻ em được thực hiện.
Theo đó, Chiến dịch diễn ra từ tháng 10 đến giữa tháng 11-2018, với hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh.
XUÂN ANH
Theo nhandan
Cứ 1 trong 4 bạn trẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội Trên đây là số liệu do bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững chia sẻ trong bài tham luận về chủ đề "Thanh thiếu niên và rủi ro trên môi trường mạng". Hội thảo "Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn" Hội thảo...