Ngày hội Lan toả yêu thương cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt
Theo đó, MSD phối hợp với Công ty TNHH 3M Việt Nam tổ chức Ngày hội “Lan toả yêu thương” nhằm tạo ra một ngày hội vui chơi bổ ích, hấp dẫn.
Ngày 28/11, tại TP.Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Công ty TNHH 3M Việt Nam tổ chức Ngày hội Lan toả yêu thương cho hơn 200 em học sinh tại Trường Tình thương Ánh Linh để hưởng ứng Ngày Tình nguyện Quốc tế 5/12 và Ngày Quốc tế trẻ em 20/11, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
Theo đó, MSD phối hợp với Công ty TNHH 3M Việt Nam tổ chức Ngày hội “Lan toả yêu thương” nhằm tạo ra một ngày hội vui chơi bổ ích, hấp dẫn. Đồng thời cung cấp và nâng cao nhận thức của các em học sinh trường Ánh Linh về phòng chống xâm hại, trang bị cho các em kiến thức và kĩ năng để tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ xâm hại thể chất, tinh thần và tình dục.
Ngày hội có sự tham gia của hơn 200 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đang học tập tại trường Ánh Linh, đại diện MSD và Công ty 3M, các tình nguyện viên công ty 3M, các cộng tác viên của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các giáo viên trường Tình thương Ánh Linh.
Các em nhỏ hào hứng tham gia Ngày hội.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD chia sẻ, tháng 11 và 12 mỗi năm đều có ý nghĩa đặc biệt với phụ nữ và trẻ em vì có rất nhiều chiến dịch để bạo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực xâm hại. Tuy nhiên, nhiều chiến dịch như vậy, nhưng số lượng trẻ em bị xâm hại bạo lực vẫn luôn rất báo động, và đặc biệt với các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, …
Chính vì thế, dù tất cả các bên liên quan đều nỗ lực chung tay bảo vệ trẻ em, trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần có những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại và lên tiếng trước cái xấu, vươn tới những điều tích cực trong cuộc sống.
“Đến với trường Tình thương Ánh Linh nhân dịp này, những người làm công tác tình nguyện như MSD chúng tôi, với các tình nguyện viên từ Công ty TNHH 3M và các tình nguyện viên thanh niên, Trung ương Đoàn, chúng tôi mong muốn truyền kiến thức, kỹ năng và cả truyền cảm hứng cho các trẻ em đang theo học tại trường Tình thương Ánh Linh những hy vọng và tự tin, nghị lực trong cuộc sống để tự bảo vệ bản thân, vượt qua nghịch cảnh.
Đồng thời, mong các em biết rằng, có rất nhiều các bên liên quan, thầy cô, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng luôn đồng hành cùng các em, không chỉ vào tháng chiến dịch.”
Tại ngày hội, bên cạnh các hoạt động như vẽ áo, vẽ tranh, các trò chơi vận động, gian hàng ẩm thực, các bạn nhỏ được tham gia phần Đố vui có thưởng về phòng tránh xâm hại trẻ em.
Thông qua các câu hỏi, tình huống ứng xử, các bài hát, clip vui nhộn, các thông điệp đơn giản, dễ nhớ như: “Cơ thể này là của tôi!”, “Không là không!”, “Suy nghĩ an toàn!”, “Nói không – Rời đi – Kể lại”, các bạn nhỏ đã có thêm những kiến thức và kĩ năng tự bảo vệ bản thân. Đặc biệt, các bạn đã được biết đến Tổng đài 111 – Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em và được hướng dẫn gọi điện đến số điện thoại này khi cần sự trợ giúp.
Em Ái Diễm – học sinh lớp 3 hào hứng nói: “Con cảm ơn các cô chú anh chị đã tổ chức ngày hội này cho chúng con. Con rất thích bài hát và clip “Tự bảo vệ mình nhé!”của Biệt đội công dân nhí mà các anh chị tình nguyện đã dạy con vì bài hát này rất dễ nhớ, dễ học thuộc. Con sẽ về dạy lại cho em con bài hát này!”
Video đang HOT
Chuyện đứa trẻ bị bán đi với giá 1,5 triệu đồng và những mảnh đời bé nhỏ trong lớp học đặc biệt ở Sài Gòn
Không mang tên như bao lớp học tình thương khác, nhưng những người dân nơi đây và phụ huynh có con em theo học hay gọi thân thương là Lớp học cô giáo Hoa.
74 tuổi, cô giáo Hoa vẫn ngày ngày "đưa đò" thầm lặng.
Những đứa trẻ với gia đình không trọn vẹn
Quyên, 13 tuổi, một cô bé cao lớn, khuôn mặt ngây thơ so với tuổi, cùng em trai nhỏ của mình là 2 trong số 30 học sinh theo học tại lớp cô giáo Hoa (Khu phố Giãn Dân, phường Long Bình, quận 9, TP. HCM).
13 năm, Quyên chưa từng được học chữ. Việc của em khi lớn lên 1 chút là bán quán bún phụ giúp ba mẹ kiếm đồng ra đồng vào. "Rồi năm ngoái, ba bảo thôi con học chữ đi" , thế là hai chị em dắt díu nhau đến lớp học tình thương này. Sáng 7h đến lớp, 9h ra về, mỗi ngày hai tiếng đồng hồ cần mẫn, giờ em đã viết được những câu chữ rành mạch, rõ ràng. Hỏi ngồi chung với các em nhỏ có ngại không, Quyên bảo em thích đi học và học cùng các em rất vui. "Năm sau em chuyển sang trường khác, lúc đó sẽ được học thêm nhiều thứ nhưng em sẽ nhớ lớp cô Hoa lắm" , Quyên nói.
Lớp học cô Hoa là cái nôi nuôi dưỡng ước mơ đến trường của những trẻ em nghèo.
Ở lớp cô Hoa, có em bé đã bị ba mẹ bán đi với giá chỉ... 1,5 triệu. May mắn được họ hàng chuộc về, em ở với bà ngoại và trở thành thành viên của lớp học này. "Còn đứa anh trai bị bán đi chỉ 3 triệu, giờ nghe nói lưu lạc nơi nào ở bên Campuchia rồi tìm không thấy, xót xa lắm" , cô Hoa nói.
Chỉ cho chúng tôi một bé gái cao nhất lớp ngồi ở bàn gần cuối, cô Hoa kể em đã 16 tuổi nhưng việc vệ sinh vẫn không thể tự chủ được do mắc chứng thoát vị màng não tủy. Trong lớp học trộn đủ độ tuổi này, nhiều em đã mất cha hoặc mẹ hay cha mẹ bỏ nhà ra đi, phải sống với ông bà đã già, không còn khả năng lao động. Một em khác sống trong gia đình cha mẹ đã ly hôn, cha em tái hôn lần lượt với 5 phụ nữ khác, trong nhà có đến 5 anh chị em cùng cha khác mẹ.
Bị rối loạn ngôn ngữ, cậu bé Trần Thanh Hòa phải nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần.
Có em trai 14 tuổi bị rối loạn ngôn ngữ, lúc mới tới lớp em thậm chí không nói rõ được một tiếng nào. Đến nay em đã hiểu được mọi người nói gì, mọi người cũng hiểu những từ em muốn nói mặc dù giao tiếp vẫn khó khăn. Đặc biệt, em làm toán rất giỏi, còn hướng dẫn cho nhiều em nhỏ khác.
"Tui thấy ham, ra coi, rồi cứ thế mà bén duyên với sắp nhỏ"
Lớp học ngày đó gây dựng từ con số không tròn trĩnh: không lương, không bàn ghế, không sách vở. Phòng học là trụ sở của ấp, những ngày ấp có họp thì di chuyển sang nhà cô giáo. Gia đình 3 người của cô Hoa lúc ấy chỉ sống bằng tiền lương hưu của chồng. Nhưng được sự hỗ trợ của chồng và đứa cháu nội, cô Hoa xin bàn ghế, tự tay đóng sửa từng cái, thức khuya kẻ từng quyển vở cho trẻ tập viết.
Lớp học đơn sơ ngày ấy...
"Đó là năm 1999" , bà giáo năm nay 74 tuổi nhớ lại. "Hồi đó các bạn sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh về ấp Giãn Dân này tổ chức lớp hè cho thiếu nhi. Những ngày cuối của chiến dịch, nghe rộn rã nên ra xem, vô tình nghe được hai phụ huynh nói với nhau: "Thiệt khổ hết sức, mấy đứa Mùa hè xanh đi rồi, sắp nhỏ lại thất học, mù chữ trở lại...". Nghe mà xót xa, thế là cô quyết tâm dựng lớp".
Để có được sĩ số 60 của lớp học tình thương thật không dễ, bà giáo đã phải lặn lội đến từng nhà vận động học sinh, vận động cả giấy viết, quần áo... Những đứa trẻ không hộ khẩu, không nhà cửa, thậm chí chưa có giấy khai sinh đã được đến trường.
Các em được học theo chương trình của Bộ GD-ĐT, hết lớp 1 sẽ học sang lớp 2, sau đó những em đủ điều kiện và trình độ sẽ chuyển sang học các trường tiểu học của quận.
Và phòng học khang trang hôm nay.
Vốn liếng ban đầu mở lớp chỉ đơn giản là một chữ Thương của người giáo viên Đặng Thị Hoa đối với đám trẻ nhập cư thất học nơi đây như thế... Vậy mà đến nay hành trình đưa đò ấy đã đến năm thứ 22 có lẻ.
Bao nhiêu năm vẫn hạnh phúc khi nhìn những nét chữ đầu tiên
Sau hơn 20 năm, với cô giáo Hoa, cảm xúc khi nhìn những đứa trẻ mới ngày nào còn lóng ngóng không biết cách cầm bút giờ đã viết được những trang vở ngay hàng thẳng lối vẫn vẹn nguyên như ngày đầu tiên. "Khác với trẻ được đi học từ nhỏ, tay tụi nhỏ này cứng còng, cô phải khổ luyện cùng trò, cầm tay uốn nắn một thời gian dài con chữ mới thành nét được".
"Tay tụi nhỏ này cứng còng, cô phải khổ luyện cùng trò, cầm tay uốn nắn một thời gian dài con chữ mới thành nét được".
Cứ thế bà cầm tay chỉ việc từng đứa, lớp học của bà lúc nào cũng tràn đầy tình yêu thương và vui nhộn, vì bà quan niệm, học mà chơi, không áp đặt chính là cách học hiệu quả nhất. Học sinh ở đây đã quen với chuyện, giữa buổi học được cô giáo cho quà bánh, từng hộp sữa, hay lúc trước là cả việc đơm cúc áo cho học sinh. Nhiều em được coi là "cá biệt" đến lớp cô Hoa dần trở nên lễ phép, rất biết điều và hiểu chuyện.
Những đứa trẻ không chỉ được cô Hoa dạy chữ mà còn học cả cách làm người.
Nhìn những cuốn vở sạch đẹp, những dòng chữ nắn nót, cả cách sắp nhỏ dạ thưa, tự động đứng chào khi khách đến lớp, tự sắp xếp đồ dùng học tập khi ra về... có thể thấy tâm huyết của người giáo viên đặc biệt đã được đền đáp xứng đáng.
Đằng sau những cuốn vở sạch đẹp, những dòng chữ nắn nót là bao tâm huyết của cô giáo Hoa.
Hằng ngày bà giáo vẫn phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng và vệ sinh cá nhân cho chồng hơn 90 tuổi, sức khỏe kém. Quãng đường từ nhà cô đến lớp học dài hơn 10km nhưng cô chưa đến lớp trễ lần nào.
Những lứa học sinh của cô giáo Hoa trong 22 năm qua.
Lớp học tình thương phường Long Bình giờ cũng đã thay đổi nhiều: không còn cảnh mỗi ô gạch là cái ghế, cô trò ngồi xổm nắn nót từng con chữ, bà giáo cũng không còn đi đến từng nhà năn nỉ từng em đến lớp. Vì bây giờ, lớp học của bà đã được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, trở thành lớp phổ cập của phường và là mái nhà thân thương của bao đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.
Hành trình 22 năm ấy với bà giáo già ở khu phố Giãn Dân thật nhiều yêu thương và kỉ niệm. Hạnh phúc nhất vẫn là nhiều lớp học sinh cũ nay đã nên người. Đã có nhiều em sau khi học xong lớp của cô được học tiếp chương trình tiểu học, THCS, THPT, đại học. "Nhiều đứa nay đã là Đảng viên, thành công và giúp đỡ lại các em nhỏ thiếu may mắn. Nhiều đứa biết chữ tìm được việc làm nuôi sống bản thân .Với người làm thầy, cô chẳng mong gì hơn nữa" , cô Hoa xúc động nói.
Thầy giáo "3 trong 1" mang quân hàm xanh nơi địa đầu Tổ quốc Không chỉ là người lính biên phòng bảo vệ biên cương cực Bắc Tổ quốc, Đại úy Vừ Mí Chứ còn được người dân địa phương biết đến như một người thầy, người cha của những trẻ em nghèo kém may mắn. Từ nhiều năm nay, những đứa trẻ ở xã Lũng Cú, Ma Lé (Hà Giang) đã quen với hình ảnh người...