Ngày đầu: Học sinh, nhà trường đều mệt mỏi
Ngày đầu tiên Hà Nội đổi giờ học ở 12 quận huyện, rất nhiều vấn đề bất hợp lý đã nảy sinh, gây xáo trộn trong mỗi nhà trường, mỗi gia đình.
Quá nhiều xáo trộn
Có mặt tại cổng Trường THPT Kim Liên lúc 19 giờ, trời tối cộng với cái rét tê tái của mùa đông, không ai nghĩ đây là lúc hàng nghìn học sinh (HS) mới được tan giờ học chính khóa. PV chứng kiến cảnh phụ huynh HS đến đón con gây ách tắc khu vực cổng trường, tăng hơn hẳn ngày thường, không ít HS ra về với vẻ ủ rũ, mệt mỏi.
Một phụ huynh chờ đón con của trường cho hay: “Mọi ngày tan học vào lúc 17 giờ 30 thì cháu đều tự đi xe đạp đến trường, nhưng nay thì tôi phải đi đón vì nếu cháu tự đạp xe về phải mất 40 phút, nghĩa là khoảng 20 giờ mới về đến nhà. Trời tối, cháu lại là con gái nên tôi rất lo lắng”.
Một phụ huynh khác đứng cạnh tiếp lời đầy cám cảnh: “Mọi hôm cháu tan học buổi chiều, về trước còn nấu cơm, tắm cho em giúp mẹ. Nay thì mẹ phải cuống cuồng về nhà lo cơm nước, lại thêm việc đưa đón con nữa”.
Hiệu trưởng các trường Thăng Long, Việt Đức, Nguyễn Trãi… cho biết số HS đi học muộn ngày đầu tiên đổi giờ học tăng hơn hẳn so với lịch học trước đây. Không ít giáo viên cũng đi làm trễ giờ vì phải bố trí công việc gia đình, đưa con nhỏ đi học… Thầy N.V.H, giáo viên Trường THPT Vạn Xuân, kể sự cố ngày đầu tiên đổi giờ học: “Do nhà cách xa trường nên tôi phải đi làm từ 6 giờ sáng để kịp dạy tiết đầu tiên, trời mùa đông nên giờ đó vẫn chưa sáng hẳn, dọc đường xe máy của tôi bị nổ lốp mà không có hàng nào sửa xe, phải nhờ người mang dụng cụ vá xe đến giúp nhưng cuối cùng vẫn bị muộn giờ”.
Phụ huynh vất vả đón con tan trường tối 1.2
Buổi chiều, giờ học lùi xuống 14 giờ 30 nhưng hiện tượng HS đến muộn, bỏ tiết nhiều hơn cả buổi sáng. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, nói nhà trường bất ngờ khi buổi chiều khá nhiều HS đi học muộn, tăng đột biến so với những ngày trước khi giờ học là 13 giờ: “Tôi có trao đổi với một số em thì có em cho biết do ngủ quên, có em thì đến sớm quá nên đi chơi, quên mất giờ vào lớp”.
Lo chất lượng dạy học giảm sút
Video đang HOT
Trao đổi với PV, điều khiến các trường bày tỏ lo ngại nhất vẫn là việc thay đổi giờ học buổi chiều đối với khối THPT sẽ ảnh hưởng tới chất lượng truyền đạt và tiếp thu kiến thức của HS. Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho rằng nền nếp dạy và học bị thay đổi quá nhiều. Việc thay đổi giờ học kéo dài tới 19 giờ không hề tính đến yếu tố tâm sinh lý của cả người dạy và người học, rất phản khoa học, phản sư phạm, làm gia tăng tình trạng dạy nhồi, học nhét.
Theo ông Đại, nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thầy trò, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở khối THPT. “Dù có tâm huyết, nhiệt tình và tài giỏi đến mấy thì việc dạy từ 7 giờ sáng đến 19 giờ cũng sẽ khiến giáo viên mệt mỏi, dạy đối phó. Đó là chưa kể giáo viên nữ có con nhỏ, bao nhiêu công việc gia đình bộn bề chờ họ ở nhà vào khoảng thời gian từ 17-19 giờ khiến họ không thể chuyên tâm cho bài giảng trên lớp được” – ông Đại nói.
Chính vì vậy, ông Đại đề nghị nên thay đổi lịch học ca chiều, bắt đầu từ 13 giờ và kết thúc muộn nhất vào 18 giờ.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long, Q.Hai Bà Trưng, cuối giờ chiều là quãng thời gian cần nhất để nghỉ ngơi, ăn uống… mà bắt giáo viên dạy, HS học thì chắc chắn ai cũng ngao ngán. Hơn nữa, với HS THPT, thời gian dành cho việc tự học, ôn luyện để thi cử là rất quan trọng. Kết thúc giờ học muộn, về đến nhà HS ăn cơm, vệ sinh cá nhân, đến giờ mọi người cần được đi ngủ thì các em lại phải ngồi vào bàn học.
Ông Dũng còn cho hay hiện nay do phải bắt đầu lên lớp từ 7 giờ sáng nên có giáo viên đến trường dạy xong tiết 1 lại lao về nhà đưa con đi học (vì khối mầm non, tiểu học bắt đầu từ 8 giờ), rồi lại đến trường dạy tiếp. Buổi chiều thì có người đón con đưa thẳng về trường để dạy những tiết cuối. “Vì thế, giáo viên trường tôi đang “đòi” nhà trường phải thành lập… nhà trẻ để họ đón con từ trường mầm non, tiểu học về có chỗ gửi tiếp để yên tâm lên lớp” – ông Dũng nói với vẻ hài hước khá chua chát.
Đối với khối trường THCS, điều bất cập lại là thời gian giao ca giữa ca sáng và ca chiều quá ngắn ngủi (chỉ 30 phút) khiến hầu hết các trường đều xảy ra tình trạng ách tắc trước cổng và trong sân trường. Ca sáng vừa tan thì ca chiều ào vào nên bộ phận lao công không kịp dọn dẹp vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh nên nhiều khi HS ca chiều phải chấp nhận học trong lớp học còn đầy rác.
Giáo viên phải làm thêm giờ không có thù lao HS các trường mầm non, tiểu học, THCS, thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc lớp học chiều vào 17 giờ; Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận HS từ 7 giờ 30 và quản lý HS đến 17 giờ 30 hằng ngày. Như vậy, theo quy định này, giáo viên sẽ phải làm thêm giờ so với giờ quy định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì các trường chưa hề nhận được hướng dẫn hay thông báo nào về việc cấp kinh phí để trả cho cán bộ, giáo viên làm ngoài giờ. Tuyết Mai Trả thêm tiền điện Hầu hết các trường THPT đã lên kế hoạch lắp đặt thêm hệ thống ánh sáng trong lớp học, ngoài sân trường để đảm bảo ánh sáng vào giờ tan học trong khi trời đã tối. Điều này cũng đồng nghĩa nhà trường sẽ phải trả số tiền điện hằng tháng lớn hơn so với trước kia, vì trung bình mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 1,5 giờ phải sử dụng tối đa các thiết bị điện. Tuệ Nguyễn Có trường vẫn áp dụng giờ học cũ Theo ghi nhận, trên thực tế, 17 giờ 30 phút tại các điểm chờ xe buýt dọc hai bên đường Xuân Thủy có rất nhiều HS Trường THPT Nguyễn Tất Thành đợi bắt xe buýt. Một HS nữ lớp 10 chuyên Anh của trường cho biết trường em vẫn theo lịch học như trước tết, chứ không áp dụng đổi lịch học như nhiều trường khác. Minh Sang
Chưa phản ánh đúng tình hình giao thông Theo ghi nhận của PV, 7 giờ kém sáng 1.2, một số trường ĐH ở khu vực Q.Cầu Giấy, Đống Đa như: ĐH Sư phạm 1, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, Học viện Báo chí tuyên truyền, ĐH Giao thông vận tải vẫn vắng bóng sinh viên. Đây là lý do làm cho lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Đê La Thành, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng… trong khoảng thời gian từ hơn 6 giờ tới 7 giờ kém vẫn thưa thớt và thông thoáng. Nhưng 7 giờ 45, các tuyến đường dẫn tới trường học như ngã ba Nguyễn Chí Thanh – Trúc Khê, Trúc Khê – Nguyên Hồng, Nguyên Hồng – Huỳnh Thúc Kháng… đều bị ùn ứ. Các dòng phương tiện đều phải nhích từng vòng bánh xe. 17 – 17 giờ 30, cảnh ùn tắc vẫn tái diễn tại một số điểm nóng như đoạn La Thành giao cắt Khâm Thiên, Thái Thịnh 2, Nguyễn Lương Bằng… khi dòng xe cộ vẫn nhích từng chút một. 17 giờ 45, các tuyến đường như Chùa Láng, Khuất Duy Tiến, Bưởi, Cầu Giấy – Xuân Thủy cũng trong tình trạng ùn tắc, đặc biệt tuyến đường Xuân Thủy ùn tắc kéo dài. Tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến cũng xảy ra tình trạng tương tự, rất nhiều phương tiện là xe máy lao lên vỉa hè để đi. Theo đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, kết quả thực hiện lệch giờ học, giờ làm sáng qua chưa thể phản ánh đúng tình trạng giao thông sau khi thực hiện đổi giờ do lưu lượng và mật độ giao thông vừa ra tết chưa trở lại nhịp độ bình thường. Cụ thể, một số lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh được nghỉ tết chưa về tập trung đầy đủ để đi học. Ngoài ra, số lượng lớn người lao động ngoại tỉnh cũng chưa lên Hà Nội làm việc, người dân còn đi du xuân nhiều ở tỉnh xa… Đại tá Ngọc cho biết thêm, nhiều khả năng ngoài ngày rằm tháng giêng, khi lượng người đổ về Hà Nội đã ổn định, mới có thể đánh giá được việc thay đổi giờ làm, giờ học có thật sự hiệu quả hay không.
Ùn tắc lúc 17 giờ 35 phút trên tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy. Mai Hà – Hà An
Theo TNO
'Không thể nhốt học sinh ở trường chờ đến 7h tối'
Nhiều lãnh đạo trường THPT cho rằng quy định giờ học mới ở thủ đô sẽ làm đảo lộn sinh hoạt của cả thầy và trò, giờ tan học chiều mỗi lớp một khác nên không thể bắt học sinh học xong ở lại trường chờ giờ quy định mới được về.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/2, học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8h và kết thúc lúc 17h; học sinh, sinh viên trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH bắt đầu giờ học sáng trước 7h và kết thúc giờ học chiều sau 19h. Quy định này đang gây băn khoăn cho học sinh và giáo viên.
Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm cho hay, quy định giờ học mới rất khó thực hiện. "Giờ buổi sáng chúng tôi có thể làm theo nhưng giờ kết thúc buổi chiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các em học xong không thể nhốt ở trường để chờ đến giờ ra về", thầy Lâm nói.
Vị hiệu trưởng phân tích, học sinh cấp 3 mỗi ngày thường có 5 tiết (riêng lớp 11 có hôm 4 tiết), có lớp học một buổi, có lớp học ca sáng rồi phải học thêm ca chiều 3 tiết. Thời lượng học khác nhau nên giờ tan cũng khác biệt.
Theo thầy Lâm, thời gian kết thúc buổi học chiều sau 19h là quá muộn bởi mùa đông 19h trời đã rất tối và lạnh. Những ngày mùa đông mưa lạnh, học sinh sẽ rất vất vả khi phải đến trường sớm và về nhà muộn. Các em nhà xa đi về vất vả, phụ huynh đón con cũng khó vì giờ tan làm sớm hơn giờ đón con tới hơn một tiếng.
"Các em phải tan muộn, rồi sáng mai lại phải dậy sớm để đi học thì chắc không đủ sức. Quan điểm của tôi là không khống chế giờ tan học buổi chiều vì mỗi ca, mỗi lớp có đặc thù riêng", thầy Lâm cho hay.
Theo quy định điều chỉnh giờ học của Hà Nội, bậc THPT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ảnh: Hoàng Hà.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng THPT Quang Trung Đỗ Đức Hòa cho rằng, rất khó sắp xếp các lớp học tan sau 19h bởi mỗi khối, mỗi khóa có chương trình học khác nhau nên ra về rải rác. Tan học sau 19h khiến học sinh đi về khi trời tối, những em nhà xa sẽ rất nguy hiểm và phụ huynh cũng khó quản lý con cái.
"Chắc sắp tới trường phải lắp thêm bóng đèn ngoài sân để học sinh học giờ thể dục vì tối trời các em vẫn phải học ở trường", vị hiệu trưởng hài hước.
Theo thầy Hòa, thời gian kết thúc buổi học chiều muộn không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà cả giáo viên. Từ khi có thông báo thay đổi giờ học, giáo viên rất lo lắng bởi nhiều thầy cô đến trường lúc 6h45 và ra về lúc 19h, ăn cơm xong cũng đã 21h thì không còn thời gian soạn giáo án và chăm sóc gia đình để sáng hôm sau tiếp tục dậy sớm.
Hơn nữa, việc bắt đầu giờ học chiều muộn cũng làm thời gian nghỉ giữa buổi trưa kéo dài tới 2,5-3 giờ, những học sinh và giáo viên nhà xa rất khó xử lý vì ở lại thì quá mệt còn về nhà thì vội vàng.
"Có lẽ trường phải thuê xe đưa đón các cháu con giáo viên vì mẹ về muộn thì không biết ai đón con. Chúng tôi cũng nghĩ đến phương án ưu tiên giáo viên có con nhỏ, nhưng trường lại rất đông người như vậy nên không biết ưu tiên cho ai", thầy Hòa cho biết thêm.
Còn Hiệu trưởng THPT Trần Nhân Tông Phan Thanh Tùng chia sẻ, để chuẩn bị cho việc điều chỉnh giờ, trường phải rục rịch chuẩn bị thời khóa biểu từ tháng 12 năm ngoái, ưu tiên giáo viên nhà xa ít phải dạy tiết đầu, cuối. Giờ học buổi sáng bắt đầu lúc 6h45 và giờ học chiều từ 13h hiện nay sẽ thay bằng 14h40.
"Việc thay đổi giờ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sinh hoạt của học sinh và giáo viên, nhưng chúng tôi cố gắng động viên các em, thầy cô và cả phụ huynh thực hiện để giải tỏa ách tắc giao thông. Sau một thời gian, có bất cập, vướng mắc sẽ báo cáo lên cấp trên", ông Tùng cho hay.
Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, sẽ có khoảng 900 trường với trên nửa triệu học sinh (trong số trên 2.500 trường và gần 1,5 triệu học sinh thành phố) nằm trong diện bị điều chỉnh giờ. Trong đó có hơn 90.000 học sinh THPT và 35.000 em trong số này (gần 40%) học ca chiều. Sở yêu cầu các trường đảm bảo đủ ánh sáng cho học sinh học tập khi trời tối, sân trường bố trí đèn điện cho các em lấy xe ra về.
Khẳng định việc điều chỉnh giờ học sẽ gặp nhiều khó khăn, ông Thống nêu ví dụ: "Học sinh THPT tan sau 19h sẽ phải về nhà ăn cơm rất muộn. Hoặc bậc THCS có thời gian kết thúc ca sáng và bắt đầu ca chiều chỉ 15-20 phút (để ca chiều có thể về lúc 17h) sẽ gây ùn tắc trước cổng trường".
Để giải quyết khó khăn này, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu trong những ngày đầu đổi giờ học, các trường phải tạo điều kiện cho học sinh đến muộn vẫn được vào lớp, hoặc cha mẹ đến đón muộn thì trường cần có biện pháp quản lý học sinh.
Trước thực trạng ùn tắc của thành phố và hàng loạt giải pháp được Hà Nội đưa ra nhằm cải thiện tình hình giao thông, ông Thống cho hay, ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. "Cần từng bước khắc phục khó khăn để thực hiện nghiêm túc, rồi trong quá trình đó sẽ xem xét thực tế để điều chỉnh sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả", Phó giám đốc Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thống, sau 2 tuần điều chỉnh giờ học, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ yêu cầu các trường báo cáo vướng mắc để đề xuất hướng xử lý.
Theo Tiến Dũng (VNE)
Bối rối với tan trường lúc 19g Chiều 31-1, nhiều phụ huynh và cả giáo viên ở Hà Nội vẫn chưa biết tường tận về việc đổi giờ học, hoặc còn quá nhiều băn khoăn về việc thay đổi này. Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định đa số phòng GD-ĐT và các trường đã có phương án bố trí thời khóa biểu phù...