Ngày cuối nhận hồ sơ tuyển sinh: Học sinh ồ ạt đến nộp
Hôm qua, 21/4 là thời hạn cuối cùng các trường ĐH nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Số thí sinh đến nộp hồ sơ tăng đáng kể so với các ngày trước.
Chiều 21/4, số thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường ĐH Xây dựng, trường ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn cũng đông hơn so với những ngày trước đó. Tại khu vực thu hồ sơ của trường ĐH Thủy Lợi, số thí sinh đến nộp hồ sơ mỗi lúc một đông. Các cán bộ thu hồ sơ của trường phải làm việc khẩn trương để nhận hồ sơ cho các thí sinh một cách chính xác. Tuy nhiên, hồ sơ đăng ký của nhiều thí sinh vẫn còn sai sót và được hướng dẫn ra khu vực xung quanh để làm lại. Nhiều thí sinh còn đem hồ sơ đến nộp hộ cho bạn vì bạn “chạy sô” nộp hồ sơ vào trường khác.
Khá đông thí sinh đến nộp hồ sơ tại trường ĐH Thủy Lợi chiều 21/4
Ông Trần Khắc Thạc, phụ trách Ban tuyển sinh ĐH Thủy Lợi cho biết, đến 17h ngày 21/4, trường nhận được 1.060 hồ sơ đăng ký tuyển sinh. Số lượng hồ sơ dự thi năm nay tương đương năm ngoái.
Ông Thạc cũng chia sẻ: “Với những trường hợp thí sinh xin xác nhận ở xã/phường bị sai, nhà trường cũng có linh hoạt để tạo điều kiện cho các thí sinh, nhất là thí sinh ở tỉnh xa. Trường biết, quy định là của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, Bộ cũng nên có sự linh hoạt.”
Tại trường Học viện ngân hàng, số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký trong ngày cuối cùng cũng tăng đáng kể. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, hai ngày cuối cùng, số thí sinh đến nộp hồ sơ và lệ phí tăng đột biến. Đến 17h vẫn còn có thí sinh đến trường nộp. Năm nay trường nhận được 1.200 hồ sơ đăng ký dự thi. Ông Dũng cũng cho biết, ngành Tài chính- Ngân hàng sẽ thu hút đông thí sinh đăng ký nhất vì đây là ngành cốt lõi và chỉ tiêu nhiều nhất: 1.400/2.100 chỉ tiêu khối A.
Nhiều thí sinh do đem hồ sơ nộp hộ bạn nên khi xảy ra sai sót khá lúng túng để sửa chữa.
Đến 17h ngày 21/4, trường ĐH Hà Nội nhận được khoảng 1.200 hồ sơ. Phần lớn các thí sinh đăng ký dự thi vào khối A và D1. Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng đào tạo của trường cho biết, số thí sinh nộp hồ sơ tại trường tăng không nhiều so với năm 2010. Trong ngày cuối lượng thí sinh đến nộp hồ sơ có tăng hơn so với ngày thường. Năm nay, thí sinh dự thi vào trường đăng ký nhiều vào ngành Quản trị kinh doanh.
Cán bộ thu nhận hồ sơ trường ĐH Mỏ – Địa chất cho biết, gần thời điểm kết thúc nhận hồ sơ ĐKDT trường đã nhận được tổng số 796 hồ sơ, trong đó, 3 ngày đầu, số hồ sơ trường nhận được là 330 bộ. Ngày cuối cùng, dù chưa hết thời gian nhưng số hồ sơ trường nhận được vào khoảng trên 130 bộ hồ sơ.
Video đang HOT
Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho biết trường nhận được hơn 800 hồ sơ nộp tại trường, tăng khoảng 100 so với năm 2010.
Ông Triệu Nam Hải, chuyên viên phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, số lượng thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường cao hơn năm 2010 một chút. “Buổi sáng ngày 21/4, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ ĐKDT tăng không nhiều. Trung bình mỗi ngày, trường nhận được khoảng 200 bộ hồ sơ, nâng tổng số hồ sơ nhận được khoảng 1.400 hồ sơ”.
Ông Hải cũng cho biết, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.700 cho cơ sở phía Bắc và cơ sở II tại TP.HCM. Dự kiến, số lượng hồ sơ thí sinh nộp vào trường năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái, nhưng không nhiều. Trường xác định điểm trúng tuyển chung đối với từng cơ sở. Sau khi thí sinh trúng tuyển vào trường sẽ được đăng ký các chuyên ngành. Thí sinh không đạt điểm chuẩn vào chuyên ngành đăng ký, nhưng đạt điểm trúng tuyển vào trường sẽ được đăng ký nguyện vọng vào các chuyên ngành khác. Năm nay trường có 15 ngành với tổng cộng 67 chuyên ngành.
Trái lại với sự sôi động của khối ngành kinh tế, dù là đơn vị tổ chức thi khối C cho toàn ĐHQGHN nhưng số lượng hồ sơ nộp vào trường ĐHKHXH&NV cũng không nhiều. Ông Đinh Việt Hải, Phó trưởng phòng Đào tạo cho biết nhà trường chỉ nhận được hơn 500 hồ sơ đăng ký trực tiếp.
Theo Kênh14
Khi khối C 'trượt giá'
Trước việc hồ sơ đăng ký thi khối C mỗi ngày một hẻo, nhiều người lo sợ rằng xã hội hình như đang "quay lưng" với các ngành khoa học xã hội (KHXH). Câu hỏi đặt ra là bản thân nhóm ngành có còn hấp dẫn học sinh cũng như phụ huynh, nhà tuyển dụng? Đây là một câu hỏi lớn, nhưng khi nhìn vào thực tế, thì lại không khó để trả lời.
Sinh viên thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh: Lê Anh Dũng
Học để "ra tiền"
Chị Thu là một phụ huynh làm nghề buôn bán nhỏ, có con gái năm nay đang học lớp 3, Trường Tiểu học Tân Mai. Một tuần, ngoại trừ học bán trú ở trường, buổi tối về, bé Thanh Mai, con chị còn học thêm Toán và tiếng Anh với hai cô giáo trong khu phố.
Bé Mai học rất tốt cả hai môn Văn, Toán. Tuy thế, chị chưa hề có ý định cho con học bồi dưỡng năng khiếu môn văn. Thậm chí, chị luôn khuyến khích con học Toán nhiều hơn. Chị nói: "Môn Văn như thế là được rồi, chỉ cần lấy 5 - 6 điểm. Còn môn Toán phải đầu tư cho nó học, để sau này còn theo khối A."
Hỏi về các môn xã hội, chị đáp lời: "Thời buổi bây giờ phải học Toán, thi vào mấy trường kinh tế, ngân hàng thì mới làm giàu được chứ. Học khối C thì sau này nhà không có "cơ" bên mấy ngành đó, lấy tiền đâu mà xin việc cho nó."
Chị Thu dẫn chứng: Cô của bé Mai, tốt nghiệp Ngoại thương, đi làm cho Ngân hàng, tiền nong lúc nào cũng rủng rỉnh, mới mấy năm đã có nhà cửa "rung rinh" ở Hà Nội. Chị họ của bé tốt nghiệp kinh tế, cũng làm trong Ngân hàng, và giàu không kém.
Chị bổ sung thêm: Còn mấy anh em nữa trong nhà theo học khối C, người nào cũng tốt nghiệp bằng giỏi, đi dạy là giáo viên giỏi, rồi làm báo chí, công an nhưng ai cũng chỉ đủ ăn thôi, có giàu được đâu, thậm chí còn chật vật. Nhiều con cái của bạn bè chị học nhóm ngành này ra, tốn bao nhiêu tiền xin việc mà còn chưa có chỗ "nhét".
Trên thực tế, ngay từ khi con mới học lớp 3, lớp 4, nhiều phụ huynh đã định hướng cho con học các môn tự nhiên, còn các môn xã hội chỉ học cầm chừng. Trong đó, người có suy nghĩ như chị Thu khá phổ biến.
Chị Thanh Thảo, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I với tấm bằng khá vẫn đang trên đường tìm kiếm việc làm thì khẳng định: Sau này, nhất định sẽ không cho con học đại học ở các lĩnh vực này. Giỏi bên ngành đã khó, giàu càng khó hơn. Người kiếm được vài chục triệu/tháng từ công việc lại càng là con số ít.
Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh nghĩ khác. Chị Hương, hiện làm trong một cơ quan báo chí thì cho biết: Bản thân chị không thấy khó xin việc. Nhiều người theo học nhóm ngành này vẫn xin được việc làm tốt. Vì thế, nếu con chị muốn học khối C, rồi sau này vào các ngành khoa học xã hội, chị cũng không ngăn cản, quan trọng là năng lực của con đến đâu.
Vừa thiếu thực hành lại không có yếu tố "ngoại"
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất truyền thông Digisun cho biết, các ứng viên của công ty đến từ những ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không nhiều.
"Tôi không quan trọng họ tốt nghiệp trường nào, mà đánh giá cao khả năng tư duy thực hành và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu của ứng viên".
Anh Thành nhận xét: Riêng yếu tố "ngoại", mà chủ yếu ở đây là ngoại ngữ, các bạn chỉ có vốn tàm tạm, chưa sử dụng được trong công việc. Đây thực sự là một hạn chế lớn khi cần mở rộng kiến thức và làm việc với đối tác trong ngành này.
"Kiến thức nền của ứng viên những ngành học này vừa thiếu lại vừa thừa. Đặc biệt, khả năng thích ứng với công việc, áp dụng kiến thức quá sơ sài" - anh Thành nói thêm.
Có nhiều ứng viên kiến thức nền rất tốt nhưng điều quan trọng là áp dụng kiến thức nào để giải quyết một việc cụ thể thì lại rất khó khăn.
Một cán bộ tuyển dụng ngành truyền hình cùng chung nhận xét: "Với phương pháp giáo dục hiện tại của ta,i 4 năm 2 kỳ thực tập chóng vánh quả là một "đại họa" cho các nhà tuyển dụng. Sinh viên ra trường tỏ rõ sự thiếu hụt trong kỹ năng, khả năng tư duy logic và tư duy tổng thể. Thực tế cho thấy, có khoảng cách qua xa giữa kiến thức trong nhà trường và những gì nhà tuyển dụng yêu cầu".
Nhà tuyển dụng này cho biết mong muốn những ứng viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội có kiến thức nền tốt, chứ chưa "dám" đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ. Vậy nhưng ngay cả điều này cũng khó kỳ vọng, bởi sinh viên các ngành xã hội hiện đại có điều kiện tiếp xúc với Internet, nhanh nhẹn, nhưng không sâu sắc - đó là lý do kiến thức của nhiều người bị hổng.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm quan niệm: "Trăm hay không bằng tay quen." Vì thế, với mỗi ứng viên ngành luật hay tốt nghiệp từ những ngành khoa học xã hội khác vào công ty, anh đều cố gắng đào tạo họ bước vào thực hành, gắn với thực tiễn chứ không "nằm chết" mãi trên những lý thuyết được học.
Luật sư Phạm Thành Long chia sẻ: Các nhà tuyển dụng kêu về chất lượng ứng viên các ngành khoa học xã hội à rất đúng. Vì thực tế cho thấy như vậy. Và lúc này, thực tế vẫn không thay đổi. Cho dù kêu thế nào đi nữa, họ là người nghe đầu tiên. Vì vậy, thay vì chấp nhận là "nạn nhân của việc đào tạo", anh ra sức đào tạo những ứng viên đã chọn, chỉ cần họ có đam mê, tầm nhìn.
Học Khoa học xã hội, phải ra nước ngoài
Chu Thị Thùy Dương là học sinh lớp 12 Anh Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, học sinh vừa đạt giải nhất quốc gia môn tiếng Anh năm nay nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà Tâm lý học.
Nơi em chọn để thực hiện ước mơ là một trong những trường ĐH của Mỹ. Tương lai, Dương sẽ học cao học về ngành này và trở về Việt Nam làm việc. "Ở nước mình, dù ngành em theo đuổi chưa thực sự được coi trọng, nhưng em tin sớm muộn nó sẽ được trả về đúng vị trí của mình."- Dương nói.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Digisun cho biết, nếu mai sau các con chọn khối C hay các ngành khoa học xã hội, anh sẽ tôn trọng ý muốn đó. Tuy nhiên, anh sẽ cho con ra nước ngoài để hưởng một nền giáo dục tốt hơn.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm cũng chung quan điểm. Anh không quan trọng việc con chọn lĩnh vực nào để học, mà quan trọng con sẽ làm được gì. Vì thế, tất cả các con sẽ được anh cho học ở nước ngoài.
Theo Vietnamnet
Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Xa rời thực tế! Dự thảo Luật giáo dục đại học còn quá chung chung xa rời thực tế, chưa cụ thể; cần xóa bỏ thi đại học như hiện nay, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh, bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành; tự chủ đại học... Đó là những vấn đề mà nhiều đại biểu đưa ra góp ý tại hội thảo lấy...