Ngày cuối điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, điểm chuẩn nhiều trường sẽ giảm
Hôm nay, 27/7 là ngày cuối cùng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (điểu chỉnh trên phiếu xét tuyển). Nhiều trường cho biết đã bội thu hồ sơ nhưng điểm chuẩn sẽ giảm so với năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng đạo tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tính đến hôm nay số nguyện vọng đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có giảm so với đợt 1. Hiện tại, trường nhận được 57.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó số nguyện vọng 1 hơn 17.000. Trong số các ngành của trường, ngành Kinh doanh quốc tế nhận được rất nhiều nguyện vọng đăng ký nhất. Một số ngành mới mở có số nguyện vọng đăng ký ít hơn.
“Chúng tôi khó dự đoán điểm chuẩn bởi phải thống kê cụ thể, do năm nay trường tuyển sinh theo ngành, có thể số ngành điểm chuẩn sẽ tăng, nhưng một số ngành điểm chuẩn giảm, nhưng giảm như thế nào thì chưa rõ”- ông Đương cho biết.
Thí sinh điều chỉnh đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trường nhận được hơn 50.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó số lượng nguyện vọng 1 là 14.000.
Trong số các ngành hai ngành công nghệ ô tô và công nghệ thông tin có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất. “Riêng công nghệ ô tô hệ đại trà tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ chọi nếu tính theo nguyện vọng 1 là 1/7, còn tỷ lệ chọi cả tổng tất cả nguyện vọng là 12″ – ông Dũng cho biết.
Năm này hệ đại trà của ngành công nghệ ô tô trường này tuyển 150 chỉ tiêu. Điểm chuẩn năm ngoái là 23,75 điểm. “Dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ ở mức 23 điểm”- ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, hiện tại một số ngành vẫn còn thiếu hồ sơ nguyện vọng 1 như Công nghệ vật liệu, Công nghệ kỹ thuật trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Kỹ thuật nữ công, Năng lượng tái tạo…
Nhận định chung về điểm chuẩn vào trường, theo ông điểm chuẩn các ngành còn lại sẽ giảm khoảng 1-3 điểm so với năm ngoái.
Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay trường nhận được 21.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tăng thêm khoảng 3.000 nguyện so với đợt nộp hồ sơ.
Video đang HOT
Hiện tại một số ngành có số lượng thí sinh đăng ký đông (số nguyện vọng bao gồm cả 1-2-3) như Công nghệ thực phẩm 2035 nguyện vọng; Quản trị kinh doanh 1204 nguyện vọng; Quản trị nhà hàng 1340 nguyện vọng . Ngược lại một số ngành còn ít thí sinh đăng ký như Công nghệ vật liệu mới chỉ 98 nguyện vọng, Công nghệ môi trường 102 nguyện vọng, An toàn thông tin 112 nguyện vọng.
Ông Sơn cho biết, ngoài các ngành truyền thống của trường thuộc nhóm hóa – thực phẩm vẫn duy trì độ “hot” với thí sinh thì các ngành năm nay hút thí sinh là nhóm về quản trị kinh doanh, du lịch, nhà hàng khách sạn và công nghệ thông tin.
“Qua số thí sinh nộp hồ sơ, bước đầu tính toán cho thấy điểm chuẩn vào trường năm nay tương đối ổn định so với năm 2017. Các ngành như Công tác vật liệu, Môi trường, Quản lý tài nguyên môi trường, Chế biến thủy sản, An toàn thông tin sẽ có mức gần sàn xét tuyển. Nhóm ngành thực phẩm sẽ giảm 1- 2 điểm so với năm 2017. Các ngành thuộc nhóm kinh tế có điểm trúng tuyển năm 2017 ở mức dưới 20 điểm thì năm nay sẽ không thay đổi. Riêng các ngành quản kinh doanh, quản trị nhà hàng, quản trị du lịch và lữ hành, kế toán, tài chính ngân hàng có mức điểm khoảng dao động từ 18 điểm tới 20 điểm. Các ngành còn lại tầm từ 16 đến 19 điểm”- ông Sơn thông tin.
Trong khi đó, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo cho biết, điểm chuẩn vào trường sẽ cao hơn 2-3 điểm so với điểm sàn đã công bố trước đó. “Năm nay số hồ sơ các ngành có điểm sàn cao có ít hơn, các nhóm nhành có điểm sàn 16,17 thí sinh có thể yên tâm vì không thay đổi nhiều. Hai phân hiệu của Trường ĐH Nông lâm ở Gia Lai và Ninh Thuận điểm chuẩn dự kiến cho tất cả các ngành là 15 điểm”- ông Lý nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng Phòng Tư vấn – tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết tính tới thời điểm hiện tại tổng số nguyện vọng đăng ký là 49.650. Số thí sinh đăng ký là 37.100 thí sinh. Trong đó số nguyện vọng 1 là 11.800. Các ngành nhiều thí sinh đăng ký là Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị khách sạn, Marketing, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Quản trị kinh doanh…
Theo bà Dung, số lượng thí sinh đăng ký vào trường khá đông và phân bổ đủ các ngành. Điểm chuẩn dự kiến sẽ nằm trong khoảng 15-18 điểm.
Lê Huyền
Theo vietnamnet.vn
Điểm chuẩn đại học năm nay sẽ giảm 1-4 điểm?
Theo dự báo của các trường, điểm chuẩn năm nay nhiều khả năng sẽ giảm so với năm trước. Đặc biệt các trường tuyển sinh khối A (toán, lý, hóa) đưa ra dự báo điểm chuẩn sẽ giảm từ 1-4 điểm.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, dựa trên số thí sinh năm 2018 và chỉ tiêu của các trường, sẽ có khoảng 230.000 thí sinh không trúng tuyển ĐH, các trường CĐ sư phạm.
Điểm chuẩn sẽ giảm từ 1-4 điểm
ThS Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định đề thi THPT quốc gia năm nay hơi khó so với năm ngoái. Vì vậy điểm chuẩn của các khối thi truyền thống năm nay dự kiến thấp hơn năm trước 2-3 điểm.
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là cảm nhận, đánh giá ban đầu, phải chờ sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm các môn thi khi đó mới có thể dự báo tương đối chính xác" - ông Đương nói.
Bên cạnh đó, sau khi có kết quả thi, thí sinh có khoảng thời gian để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nếu mặt bằng chung điểm không cao nhưng số thí sinh đạt mức điểm cao tập trung đăng ký vào trường thì khi đó điểm chuẩn sẽ không thấp.
"Những năm trước điểm chuẩn của trường chúng tôi đều từ 20 điểm trở lên. Do vậy, theo dự báo chủ quan của tôi, điểm sàn của trường sẽ không dưới 16 điểm. Năm nay trường sẽ không tuyển sinh theo nhóm ngành mà tuyển theo từng ngành/chuyên ngành nên sẽ có nhiều mức điểm sàn" - ông Đương cho biết.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá đề toán năm nay cực kỳ khó, phổ điểm sẽ giảm từ 2-2,5 điểm. Trong khi bài thi khoa học tự nhiên sẽ giảm từ 1-1,5 điểm. Còn đề môn văn và tiếng Anh cũng khó so với năm trước.
"Mấy hôm nay tôi trực tiếp trao đổi với các thí sinh ở nhiều tỉnh thành cả nước, các em đều dự đoán chỉ đạt mức 20-21 điểm (khối A). Khảo sát thí sinh dự báo mức điểm trong kỳ thi năm nay trên website trường cũng cho thấy phần lớn các em tự chấm mình đạt 21 điểm trở xuống.
Tôi dự báo điểm chuẩn của trường năm nay sẽ giảm từ 1-4 điểm, tùy ngành. Nhiều khả năng điểm sàn các ngành chương trình chất lượng cao là 15 điểm, các ngành chương trình đại trà 17 điểm. Bên cạnh đó, một số ngành có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều sẽ có mức điểm sàn cao hơn" - ông Dũng chia sẻ.
Các trường sẽ xét tuyển thuận lợi hơn
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng đối với một kỳ thi chung như kỳ thi THPT quốc gia, việc đề khó hay dễ không quan trọng lắm.
"Đề thi chung thì khó hay dễ cũng là chuyện chung. Vì vậy, theo tôi, thí sinh không nên quá lo lắng về đề khó, điểm thấp" - ông Hùng khuyên.
Cũng theo ông Hùng, mặc dù nhiều dự báo mặt bằng điểm năm nay sẽ thấp nhưng ông Hùng dự báo điểm sàn của trường nếu giảm cũng sẽ ở mức 17 điểm (thấp hơn năm ngoái 1 điểm).
ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đề khó là khó chung.
Theo ông Quán, đề thi năm nay cho thấy có 60% câu kiến thức cơ bản nên học sinh có học lực trung bình đều có thể làm được. Còn 40% câu khó để xét tuyển vào ĐH.
Như vậy điểm cao hay thấp chỉ có ý nghĩa xét tuyển ĐH, cho nên các em coi mình đạt bao nhiêu điểm, coi phổ điểm các môn vào sau ngày 11-7 và lúc đó chọn lại ngành học, trường học để thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 19-7.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng với sự phân hóa đề thi tốt thì công tác xét tuyển của các trường có nhiều thuận lợi hơn. Với các môn như toán hay khoa học tự nhiên thì để có mức điểm 8 trở lên, chỉ có các em thực giỏi mới đạt được.
"Theo đánh giá của tôi, các ngành, trường có mức điểm hằng năm trong khoảng 18-22 điểm sẽ có ít biến động giảm hơn. Các ngành, trường hằng năm có mức điểm trên 24 sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, tuy nhiên mức độ giảm có thể là không quá nhiều do số lượng thí sinh năm nay dự thi cũng đông hơn năm 2017" - ông Sơn nhận định.
Điểm chuẩn ĐH Y dược TP.HCM nhiều khả năng không giảm
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng đề thi THPT quốc gia cần có độ khó nhất định để phân loại thí sinh.
"Với đề thi dùng để xét tuyển ĐH mà mọi thí sinh đều làm được, rất khó để chọn thí sinh giỏi. Theo tôi, đề thi năm nay phân hóa thí sinh tốt hơn đề thi năm ngoái. Hiện tại vẫn chưa thể đưa ra dự báo được điều gì nhưng tôi cho rằng số thí sinh đạt điểm cao năm nay sẽ không ít nên điểm chuẩn các ngành có điểm cao của trường nhiều khả năng sẽ không giảm.
Riêng các ngành hệ đào tạo cử nhân của trường điểm chuẩn có khả năng giảm nhẹ nhưng cũng có khi không giảm vì thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng vô trường, những thí sinh không trúng tuyển ngành có điểm cao sẽ trúng tuyển vào các ngành này" - ông Khôi nói.
Theo tuoitre.vn
Điều chỉnh nguyện vọng thông minh, tăng khả năng trúng tuyển hiệu quả Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, thí sinh trên cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng (NV) - giai đoạn đặc biệt quan trọng quyết định khả năng trúng tuyển. Áp dụng một 'chiến lược' điều chỉnh NV thông minh sẽ giúp thí sinh tăng tối đa cơ hội vào đại học. Với quy định cho...