Ngày 8.3 với nhà vô địch SEA Games: “Giá như đừng có thời tuổi trẻ”
Họ, những người đã chiến đấu với tất cả đam mê để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Ấy vậy mà trong ngày 8.3 chỉ đọng lại toàn nỗi cô đơn. Các cô gái ấy đã cười khi nhìn lại sự nghiệp VĐV, xua tay nói khẽ khi nói về cái nghiệp của mình: “Thôi thì do mình đã chọn, nhưng sao đau quá anh à!” Một nữ VĐV từng “độc cô cầu bại” trên đấu trường SEA Games tâm sự với chúng tôi…
Càng gần tới dịp 8.3, thay vì niềm vui, sự tự hào vinh danh các “nữ tướng” thể thao đã bao phen mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường quốc tế, nhiều trang báo lại kể những câu chuyện xung quanh mặt trái, những nỗi đau mà các cô gái phải chịu đựng khi đeo đuổi niềm đam mê. Câu chuyện của nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ khiến bao trái tim thổn thức. Khoảnh khắc vinh quang cán đích trên đường đua, khoảnh khắc đặt tay lên trái tim mình mà hát vang bài Quốc ca hùng tráng còn đâu nữa?! Giờ chỉ còn một cô gái chưa chồng mang theo đôi chân bị “va đập” bởi bao chấn thương và bị cô lập trong chính cơ quan của mình. Nghe Nụ nói mà xót xa: “Nếu không có những VĐV trẻ, chắc tôi “sập” lâu rồi.”
Nguyễn Thị Nụ cay đắng khi khẳng định muốn quên đi quá khứ vàng son của mình. Ảnh: I.T.
Đau với nỗi đau của Nụ, tôi nhớ có một nhà thơ tôi biết và rất quý trọng viết những câu đại ý như:”… Thiên hà đọng thành giọt nước/trăm năm uống cạn mình ta.” Có đau đớn thế không khi bao nhiêu ước mơ của những cô gái từng một thời “làm mưa làm gió” trên đấu trường quốc tế, họ từng ấp ủ những ước mơ đẹp như những ánh sao lung linh trên bầu trời khi chập chững theo đuổi niềm đam mê để rồi khi kết thúc sự nghiệp VĐV, tất cả chỉ còn đọng lại những giọt nước mắt thầm lặng, tự mình biết mình khóc vì sao: “Cay đắng, thực sự là cay đắng! Giá như đừng có thời tuổi trẻ đó nữa… Giờ tôi chỉ có một ước ao là được đi trên chính đôi chân của mình, chứ không phải đi bằng đầu gối…” Nụ – nhà vô địch SEA Games từng bắt phải đi nhổ cỏ nghẹn ngào trả lời phỏng vấn một tờ báo.
Video đang HOT
Mà có phải trong làng thể thao, trường hợp của Nguyễn Thị Nụ với những suy nghĩ ấy là cá biệt hay không? Chúng tôi đã làm một khảo sát với những VĐV nổi tiếng của làng thể thao Việt Nam như Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm), Hoàng Thị Tuất (bắn súng) và câu trả lời được mới đắng lòng làm sao: “Quá nhiều chị em theo nghiệp thể thao có cùng tâm trạng như chị Nụ anh ạ,” Lệ Dung bảo. Còn Hoàng Thị Tuất thì trả lời như hỏi lại người viết: “Chả đếm được anh nhỉ?!”
Thực lòng, người viết muốn khi đưa ra khảo sát nói trên, câu trả lời sẽ khác, nhưng thực tế luôn là thực tế. Có phải nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân – người từng mang về tấm huy chương Olympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam cách đây gần 2 thập kỷ cũng có chung suy nghĩ đó không? Tôi sợ khi nghĩ đến câu trả lời là “Có”.
Câu trả lời ở quanh ta thôi, đâu cần phải những nghiên cứu, những đề án đồ sộ. Giờ thì đã rõ vì sao sau bao năm, thể thao Việt Nam luôn phải chìm trong “vùng trũng” Đông Nam Á. Cứ ra “biển lớn” như ASIAD, Olympic là hụt hơi. Giới chuyên môn bảo là do chúng ta chưa phát triển thể thao trường học, rồi cả những yếu tố khác liên quan tới thể chất người Việt, đào tạo trẻ, kinh tế khó khăn,… Những yếu tố đó là có, những không phải là cốt tử.
Người viết tin lý do cốt tử dẫn đến sự bí bách, bế tắc của thể thao Việt Nam nằm ở cái tâm của những người làm chuyên môn. Khi nào còn những trường hợp muốn quên đi những năm tháng vinh quang, những năm tháng mình đã “cháy hết mình” với một niềm đam mê bất tận như Nguyễn Thị Nụ mà phải khóc, thì khi đó, đừng mong thể thao Việt Nam phát triển!
Mà thể thao Việt Nam có phát triển hay không có ý nghĩa quan trọng lắm không? Khi cái nền thể thao ấy để chính những “nữ tướng” từng mang bao vinh quang về cho Tổ quốc phải khóc thầm?!
Theo Dân Việt
Nhà vô địch 4 kỳ SEA Games cưới vợ
VĐV taekwondo Nguyễn Trọng Cường đưa cô dược sĩ về dinh ngày 1/12 sau hai năm hẹn hò yêu nhau.
Trong làng taekwondo, nối tiếp người anh trai Nguyên Văn Hùng, Cường là một tượng đài ở hạng cân 87kg khi giành HC vàng ở 4 kỳ SEA Games.
Trọng Cường - Hải Duyên có tổ ấm mới ở TP Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.
Bắt đầu hẹn hò cách đây hai năm, chọn thời điểm chín mùi, Cường quyết định đưa cô dâu Hải Duyên về cùng xây tổ ấm. "Chúng tôi quen nhau từ năm 2013, sau SEA Games tại Myanmar. Duyên không làm trong lĩnh vực thể thao mà là một dược sĩ.
Tuy nhiên, cô ấy rất chia sẻ về công việc của tôi khi tôi còn thi đấu đỉnh cao phải thường xuyên đi công tác. Duyên còn tìm hiểu thêm kiến thức y học thể thao để chăm sóc tôi mỗi khi cần đến. Sự chia sẻ, chăm sóc... khiến tôi muốn gắn bó với Duyên trọn đời".
Cường thừa nhận: "Nhiều lúc bản thân cũng muốn lãng mạn trong tình yêu lắm. Nhưng công việc cứ nối công việc và nhiều lúc lại rất mệt mỏi sau tập luyện nên không thể hẹn hò lãng mạn như nhiều cặp đôi khác. Duyên không giận tôi mà ngược lại còn động viên tôi cố gắng. Tôi rất hạnh phúc và luôn tự nhủ sẽ bù đắp cho cô ấy bằng những hành động khác, những dịp có thể".
Duyên và Cường cùng quê Thanh Hóa. Cô dâu sinh năm 1991 và chú rể sinh năm 1984 sẽ sống tại TP Thanh Hóa sau khi tổ chức đám cưới. "Duyên có công việc ổn định tại đây, còn tôi ngoài thi đấu chuyên nghiệp hiện nay cũng tham gia huấn luyện tuyến taekwondo trẻ của tỉnh".
Nguyễn Trọng Cường từng 4 lần vô địch SEA Games (từ năm 2005-2013), HC vàng châu Á 2012 và HC vàng giải vô địch các nước nói tiếng Pháp. Năm 2015, anh giành hai HC vàng giải các CLB quốc tế. Sau hai năm tham gia huấn luyện tuyến trẻ của tỉnh, anh có một số học trò giành HC vàng toàn quốc.
Cường là người em trai của Nguyễn Văn Hùng - huyền thoại taekwondo Đông Nam Á với biệt danh "độc cô cầu bại". Hùng đồng thời như người thầy dẫn dắt Cường vào con đường thể thao chuyên nghiệp.
Theo VNE
Golf thủ nữ số một Thảo My chưa định theo chuyên nghiệp Cô gái trẻ sẽ tâp trung tâp luyên, thi đâu cho đội tuyển Việt Nam tai cac kỳ SEA Games, Asiad sắp tới. Hai lân vô đich quôc gia liên tiêp, tưng la tuyên thu Viêt tre nhât tai Asiad 2014, đưng thư 11 SEA Games 28, golf thu nư sô một Nguyên Thao My vân chưa tinh đên viêc chuyên hăn sang...