Ngày 20/11 đặc biệt của những giảng viên ngành y
Nghề giáo vốn đã là nghề cao quý trong xã hội. Với những y bác sĩ kiêm nhà giáo thì ngày kỷ niệm 20/11 càng ý nghĩa và hạnh phúc khi họ cả xã hội tôn vinh vừa với trọng trách cứu người vừa với trọng trách trồng người.
Chúng tôi xin chuyển tải những chia sẻ của các thầy cô giáo trong ngành y nhân ngày đặc biệt này.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bích ( Giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường – Nghề nghiệp, Trường Đại học Y tế công cộng): “Tôi luôn tự hào khi mình là một giảng viên ngành y”.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bích.
Bản thân nghề giáo viên đã là nghề nghiệp đáng tự hào, là một giảng viên Y tế công cộng, một ngành có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua, tôi tự hào về lựa chọn của mình cách đây 24 năm, tự hào vì được làm việc cùng các đồng nghiệp nhiệt huyết và tâm huyết với nghề.
Trong thư Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi chúc mừng thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên ngành Y tế nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có nói: “Các thầy giáo, cô giáo chính là những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới đào tạo nhân lực y tế, góp phần hun đúc ra những thế hệ cán bộ y tế vừa có tài, vừa có tâm”. Chúng tôi xin được cảm ơn Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã ghi nhận vai trò của những nhà giáo ngành Y, đó thực sự là động viên rất lớn đối với những giảng viên như tôi. Ghi nhận này cũng sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến và tận tâm với nghề để có thể thực sự hỗ trợ các học viên trở thành những cán bộ Y tế có đóng góp hiệu quả cho ngành nghề và vì sức khỏe người dân.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bích (thứ hai từ phải sang) trong một buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của sinh viên.
BS. Vũ Quốc Đạt (Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội kiêm Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): Đào tạo y khoa không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền đạt cảm hứng và khơi dậy tình yêu thương con người.
BS. Vũ Quốc Đạt
Video đang HOT
Để trở thành giảng viên lâm sàng thì việc học nội trú gần như là bắt buộc để đảm bảo giảng viên có kinh nghiệm và kỹ năng y khoa thực tế, được đào tạo trong thời gian đủ dài để có thể xử lý độc lập các tình huống y khoa phức tạp. Ngoài ra, giảng viên y khoa cần có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng sư phạm khác như kỹ năng giảng dạy, giao tiếp, phát triển bản thân, thuyết trình, nghiên cứu khoa học…
Điều này giúp việc đào tạo y khoa không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền đạt cảm hứng và khơi dậy tình yêu thương con người, giữ gìn niềm tin vào khoa học cho sinh viên.
Theo tôi, để làm được cùng lúc hai việc, người làm nghề có gấp đôi tình yêu – tình yêu với nghề y và tình yêu với nghề giáo. Sự nỗ lực theo đó cũng phải gấp đôi so với ngành nghề khác. Với tôi, nhờ nỗ lực gấp đôi, thách thức gấp đôi đó mà niềm vui của tôi cũng được nhân đôi. Với vai trò bác sĩ, tôi có cơ hội được nghe lời tâm sự, sẻ chia và những câu chuyện xúc động từ người bệnh. Còn với nghề giáo, tôi được nghe sinh viên chia sẻ về sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, về khát khao được phụng sự cộng đồng của giới trẻ. Tất cả đã truyền động lực giúp tôi luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề.
Những lời chúc mà bác sĩ, giảng viên Vũ Quốc Đạt nhận được từ sinh viên.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong các bạn sinh viên đang theo học ngành y hãy học tập thật nỗ lực để có thêm nhiều kiến thức phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. 6 năm học đại học là dài nhưng sau này dù các bạn sinh viên có học lên nữa, thậm chí học xong tiến sĩ thì vẫn là một người học trò vì ngành y đòi hỏi học liên tục và cả đời. Y học là vòng tròn của học tập, thực hành và nghiên cứu. Đừng từ bỏ hành trình đó nếu như bạn vẫn còn nguyên cảm xúc của buổi đầu tiên lên giảng đường y khoa.
Tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022) và công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa I ngành dược liệu – dược học cổ truyền, chuyên ngành châm cứu của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ mãi mãi không quên, luôn biết ơn và không khỏi xúc động trước hình ảnh của những người thầy cũng là người bác sĩ, người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 vừa qua.
Chúng ta cũng không thể quên những thầy cô giáo đưa từng đoàn học viên, sinh viên xông pha chi viện cho những tỉnh phía nam khi đại dịch bùng phát. Chúng ta không được phép quên những người thầy, người chiến sĩ áo trắng ngành y đã đi vào chiến trường trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 50 năm trước”.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các thầy cô không chỉ giảng dạy các kiến thức y khoa cho học trò, mà còn truyền cho học trò của mình cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước thông qua sứ mệnh nghề nghiệp của mình, dù là thời bình hay thời chiến.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện như hiện nay, các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe nói riêng cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, triển khai mô hình các mô hình tiên tiến nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia tự học, nâng cao trình độ chuyên môn.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người làm ngành y, người làm giáo dục trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn mong muốn: “Lúc này chúng ta càng phải kiên định với mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và kiên định với sự nghiệp đào tạo nhân lực y tế trong quá trình phát triển của đất nước. Tinh thần và ý chí của các thầy cô chính là ngọn lửa và chúng ta chính là những người thắp sáng, lưu giữ và lan tỏa ngọn lửa thiêng liêng ấy”.
'Nhà giáo trẻ tiêu biểu' ở Hà Tĩnh khát khao nâng vị thế cho nghề điều dưỡng
Giảng viên Bá Chí Thanh luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để đào tạo nguồn nhân lực điều dưỡng có chất lượng cao cho đất nước.
Trong 100 thầy cô nhận Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương lần thứ III, năm 2022 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thầy giáo Bá Chí Thanh, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh là 1 trong 6 nhà giáo trẻ của Hà Tĩnh xuất sắc được vinh danh.
Khát khao nâng tầm vị thế của nghề điều dưỡng trong xã hội
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cảm xúc của mình khi nhận được giải thưởng danh giá này, thầy Thanh cho biết, bản thân thầy vừa hạnh phúc, vừa bất ngờ.
Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" dành cho những nhà giáo từ 35 tuổi trở xuống. Năm nay thầy Thanh cũng vừa 35 tuổi. Hơn nữa, được trao đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam nên với thầy Thanh, giải thưởng càng chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn.
Thầy giáo Bá Chí Thanh, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. (Ảnh: NVCC).
Sau khi tốt nghiệp ra trường, đứng giữa sự lựa chọn là vào Sở Y tế làm công tác điều dưỡng hoặc giảng dạy tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thì một phần vì yêu thích nghề dạy học hơn, một phần vì mong muốn có cơ hội dùng khả năng của mình để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau nên thầy Thanh đã lựa chọn: trở thành giảng viên.
Theo thầy Thanh, ngành điều dưỡng còn khá mới, trước đây gọi là y tá nên chưa được xã hội ghi nhận nhiều. Do đó, thầy luôn mong muốn dùng tâm huyết, kỹ năng, kiến thức của mình để giúp các em học ngành này vững bước hơn khi ra trường làm việc và nâng tầm vị thế của nghề điều dưỡng trong cộng đồng.
Trước khi đạt được danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương Lần thứ III năm 2022 thì trong thời gian qua, thầy Thanh cũng đã đạt được một số thành tích nổi bật như: giải Nhì giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2017; giải Ba toàn tỉnh năm 2019 với dự án khởi nghiệp sáng tạo; hướng dẫn sinh viên lọt vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc năm 2021, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học 2021-2022,...
Không những vậy, thầy Thanh luôn là một nhà giáo cố gắng không ngừng nghỉ để nâng cao chất lượng giảng dạy.
"Trước đây, tôi học chuyên ngành điều dưỡng của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, tức là dự định làm nghề điều dưỡng, chứ không phải là nghề dạy học. Bước đầu khi giảng dạy tại trường, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng bồi dưỡng, trau dồi thêm các văn bằng chuyên môn sư phạm để có thể truyền đạt kiến thức tốt nhất cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, trong quá trình giảng dạy, tôi cũng học thêm Chuyên khoa 1 Điều dưỡng của Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế, và hiện tại tôi đang theo học thạc sĩ tại Trường Đại học Y tế công cộng.
Với vai trò vừa là giảng viên vừa là Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, tôi luôn đặt ra mục tiêu là: ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn thì còn cần phát triển mạnh phong trào đoàn cũng như là kênh kết nối các bạn sinh viên, để sau khi ra trường, các em dễ dàng tìm được việc làm, có công việc ổn định.
Thầy giáo Bá Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) luôn cố gắng giúp đỡ các em sinh viên có kết quả học tập tốt nhất (Ảnh: NVCC).
Mỗi sinh viên có những định hướng nghề nghiệp khác nhau, có bạn muốn làm việc trong nước nhưng có những bạn muốn đi xuất khẩu lao động, làm điều dưỡng tại nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản, Đức,...", thầy Thanh nói.
Chia sẻ về công việc giảng dạy của mình, thầy Thanh cho rằng, điều làm thầy cảm thấy tự hào nhất là đã dìu dắt được các thế hệ sinh viên của trường vững chắc tay nghề, ra trường trở thành những cán bộ y tế vừa giàu y đức vừa giỏi về chuyên môn để giúp đỡ cho Nhân dân. Đặc biệt, gần như 100% các em sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh khi ra trường đều có việc làm với những kỹ năng, kiến thức cần thiết đã được trau dồi trong quá trình học tập. Từ bệnh viện công, bệnh viện tư đến các phòng khám đa khoa, các sinh viên của trường luôn thể hiện hết sức mình để cống hiến cho ngành y tế của nước nhà.
Tuy nhiên, theo thầy Thanh, ngành đào tạo điều dưỡng trong thời gian qua cũng gặp một số vấn đề khó khăn.
"Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ai cũng có thể nhìn thấy cán bộ y tế nói chung, cán bộ điều dưỡng nói riêng rất vất vả, phụ cấp thấp nên công việc, cuộc sống gặp khó khăn. Điều này đã dẫn đến việc nhiều đơn vị đào tạo ngành y tế năm nay tuyển sinh đang thiếu chỉ tiêu.
Đối với Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, trường đã xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp nhất để các em tập trung được nhiều thời gian vào việc học chuyên môn là chính.
Ngoài ra, hiện Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cũng có mở phòng khám đa khoa để các em có cơ hội được thực hành, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề ngay tại trường của mình", thầy Thanh nói thêm.
Chia sẻ về những góp ý của mình trong việc đào tạo nhân lực ngành y hiện nay, thầy Thanh cho rằng, để thu hút được nhiều nguồn nhân lực cho ngành y tế nói chung và ngành điều dưỡng nói riêng thì Nhà nước cũng nên có thêm chính sách đặc thù hơn cho ngành.
"Y tế là một ngành nghề đặc biệt về chăm sóc, điều trị, liên quan đến tính mạng của con người, ngoài lương cơ bản, thì phụ cấp độc hại về ngành y phải cao hơn những ngành khác để bù đắp được những công sức của họ.
Dẫu biết ngành y tế và ngành giáo dục trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn khiến xảy ra tình trạng một số lượng lớn cán bộ, nhân viên của hai ngành nghỉ việc, nhưng tôi tin rằng, Nhà nước dần dần sẽ có những chính sách đãi ngộ phù hợp để giữ chân những người thầy (thầy giáo, thầy thuốc) luôn tâm huyết với nghề.
Vậy nên, tôi mong các thầy cô hãy luôn vững tâm, tự tin, có lòng yêu nghề, và tích cực trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, nhiệm vụ của từng lĩnh vực, không chỉ giảng dạy về kiến thức mà còn giảng dạy cả về đạo đức, lối sống trong xã hội để xây dựng hình ảnh người giáo viên nhân dân tận tâm với công việc như Bác Hồ đã từng nói: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"", thầy Thanh nhấn mạnh.
CLB Medseeds tổ chức hoạt động rèn kỹ năng cho sinh viên ngành y Trong 2 ngày 22 và 23-10, CLB Medseeds (gồm các sinh viên đã và đang được trợ giúp từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP) đã tổ chức 2 buổi thảo luận với chủ đề 'Cần chuẩn bị gì để xin học bổng du học' và 'Phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên y khoa'. Các...