Ngày 20-11 không quà, không hoa của những giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Món quà lớn nhất đối với chúng tôi không phải là vật chất mà chính là tình cảm, sự biết ơn của phụ huynh và của các em. Người làm giáo dục cần nhất là cái Tâm.
Tri ân thầy cô bằng cả tấm lòng
Em Đỗ Văn Phúc (23 tuổi), khó nhọc nói từng câu: “Em ra tập văn nghệ để hát cho các cô nghe”.
Giai điệu bài hát “Bụi phấn” được bật lên, Phúc nhanh chóng xếp hàng, ổn định đội ngũ với các bạn.
Dàn đồng ca của trung tâm Phúc Tuệ được thành lập với thành phần 100% là những em bị tự kỷ, trẻ khuyết tật, thiểu năng…
Tiêu chí để lựa chọn dàn đồng ca này các cô chỉ cần: Hát tròn vành rõ chữ.
Tuy nhiên để hát xong một bài hát là tất cả sự cố gắng và nỗ lực của các em.
Ánh mắt của Phúc đầy tự hào mặc dù bản thân em cũng khi nhớ, khi quên lời.
Chứng kiến cảnh học sinh tập hát, cô giáo Hà không khỏi xúc động. Gắn bó với trẻ tự kỷ suốt 15 năm, cô Hà vẫn nói: Chăm con người còn hơn chăm con mình.
Mỗi dịp đến ngày 20-11 những tình cảm trong cô lại đong đầy. Cô Hà xúc động: “Các bé ở đây rất tình cảm, có thể vẽ tranh, làm hoa tặng các mẹ nhân ngày 20-11.
Các cô đều rất vui khi nhận được những món quà do chính tay các em tô vẽ. Đối với các cô, các em ở đây ngoan ngoãn và nghe lời là các cô thấy vui rồi”.
Các em tập hát cho ngày kỷ niệm 20 tháng 11 (Ảnh:V.N)
Lớp học của cô Hà không chỉ có trẻ tự kỷ mà còn có các em bị hội chứng down (bệnh đao), chậm phát triển.
Việc dạy dỗ lớp này luôn khó khăn gấp mấy lần so với những lớp tiểu học bình thường.
Cô Hà kể: “Nhiều cháu khi mới vào không làm chủ được bản thân đánh các cô là chuyện bình thường.
Nếu mình không có phương pháp và sự nhẫn nại thì sẽ không thể gắn bó được với nghề.
Có lần một cháu đến buổi chiều gia đình chưa đón cháu bị đói, khi các cô đi lấy áo cho cháu, cháu đập vào đầu cô rất đau.
Thấy con như vậy mình không giận, không trách mà chỉ thấy thương nhiều hơn”.
Món quà do tay các em làm để tặng các cô giáo (Ảnh:V.N)
Đôi bàn tay chỉ dạy, bón từng thìa cơm cho các cháu khuyết tật, cô Hà vui sướng khoe:
“Đây là những món quà các con làm tặng các cô giáo ở đây. Nhìn thì bình thường như vậy thôi nhưng đối với trẻ khuyết tật các con có thể làm được những sản phẩm này là cả một sự cố gắng.
Do đó chúng tôi hiểu mỗi món quà của các con đều đong đầy tình cảm và sự biết ơn dành cho các cô.
Video đang HOT
Chỉ có điều các con không thể bày tỏ, bộc lộ bằng lời lưu loát như những đứa trẻ bình thường.
Có những con gắn bó với tôi từ hồi còn nhỏ đến nay đã 19-20 tuổi. Trong lớp cũng có bạn 30 tuổi nhưng trình độ nhận thức chỉ bằng các cháu lên 5, lên 6 thôi”.
Tại trung tâm Phúc Tuệ, các cô thường xưng mẹ – con với trẻ: “Con ngoan, cuối buổi mẹ thưởng cho bánh kẹo”.
Quả thật nếu chỉ đơn thuần vì kinh tế, vì công việc thì có rất ít những người chấp nhận công việc này.
Trong suy nghĩ của cô Hà, khi xác định gắn bó với nghề giáo dạy trẻ khuyết tật chuyện kinh tế đã gạt sang một bên.
Lớp học dành cho trẻ khuyết tật tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)
Cô Hà tâm sự: “Các cô vẫn nói chuyện với nhau, nếu mình nghĩ về kinh tế sẽ không bao giờ đi dạy trẻ khuyết tật. Chồng tôi là thương binh, cô đi dạy cũng là đi làm từ thiện.
Mình làm việc trước hết vì cái tâm sau đó là vì tình yêu nghề. Hai cái đó mới quan trọng nhất.
Tôi nghĩ mỗi người một công, một việc. Làm nghề nào cũng là san sẻ, gánh vác cho nhiều người khổ.
Hồi tôi mới vào đây nếu không có sự động viên của chồng, tôi cũng nghỉ lâu rồi.
Chồng tôi là thương binh, cũng bị chấn thương sọ não, chú rất hiểu hoàn cảnh của các em và động viên các em rất nhiều.
Kinh tế nhà tôi thì lương thương binh của chú được 1 triệu/ tháng. Tôi đi dạy lương cũng 3-4 triệu/ tháng.
Nhà tôi có một em, mới đi làm kinh doanh, làm quản lý bên cà phê cộng. người kiếm tiền chính lại là con năm nay 22 tuổi, sinh năm 1998″.
Câu chuyện với cô Hà bị ngắt quãng bởi những câu hát của dàn đồng ca trung tâm Phúc Tuệ. Cô Hà mỉm cười nhìn các em hiền hậu.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Chúng tôi luôn gọi những giáo viên như cô Hà là những chiếc cọc để cho các gia đình có con khuyết tật bám víu vào.
Tâm sự với một phụ huynh – anh Sơn, có con đang theo học tại trung tâm Phúc Tuệ.
Hoàn cảnh gia đình của anh Sơn rất khó khăn, kinh tế eo hẹp. Sau khi đã đi nhiều trung tâm anh quyết định gửi con vào trung tâm Phúc Tuệ.
Anh Sơn tâm sự: “Từ khi gửi con vào trung tâm Phúc Tuệ gia đình cảm thấy rất yên tâm.
Chúng tôi thấy các giáo viên ở đây đều rất có Tâm, có Đức hết lòng vì học sinh.
Trong thời điểm khó khăn có trung tâm dang rộng vòng tay đón các con chúng tôi rất biết ơn.
Nhân ngày 20-11 gia đình cũng xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các giáo viên tại trung tâm Phúc Tuệ”.
Tâm và Đức cũng là tôn chỉ hoạt động của trung tâm suốt hơn chục năm qua.
So với mặt bằng chung tại thành phố Hà Nội, mức học phí: 1.5 triệu đồng/ tháng của trung tâm đúng là chỉ đủ tiền để trả lương cho giáo viên.
Bà Vũ Thị Minh Hương năm nay đã 80 tuổi vẫn ngày ngày gắn bó với trung tâm, với những đứa trẻ khuyết tật.
Ngày 20-11 năm nay, trung tâm Phúc Tuệ sẽ tổ chức những tiết dạy gương mẫu của các giáo viên sau đó chiếu cho phụ huynh và học sinh xem.
Trẻ tập sinh hoạt, học tập tại trung tâm Phúc Tuệ (Ảnh:V.N)
Bà Hương tâm sự: “Khi giáo viên đến đây xin việc tôi bảo đừng đặt vấn đề về tiền và thu hoạch, có tâm thôi và tôi cũng bảo là lương của bác chỉ 2 triệu.
Ngày 20/11 ở trung tâm các trẻ háo hức tập văn nghệ, hát chào mừng các cô. Những đứa biết viết làm những cái này tặng bà.
Còn các cô thì nó làm những cái khung nhỏ tặng… nó chỉ có những cái này tặng bà.
Đây là những bông hoa của chúng nó, làm mãi mới được thế này. Trong khi làm gửi gắm vào đây rất nhiều tình cảm”.
Kể về quá trình thành lập trung tâm Phúc Tuệ, bà Hương bồi hồi nhớ lại: “Với tôi năm nay là năm thứ 19, chuẩn bị sang năm thứ 20. Chúng tôi vẫn âm thầm làm, từ khi tôi thành lập bên nhà bên kia là nhà riêng của chúng tôi từ năm 2001, cho đến năm 2019 vẫn có những học sinh theo tôi.
Trong hoạt động này không phải ai cũng như ai cũng như ai, có anh hết lòng vì tâm, ở đây chúng tôi hết lòng không thu một đồng lãi.
Như lương của tôi không bằng người cấp dưỡng ở đây. Tôi cũng chỉ lấy 1 chút ít vì tôi có bảo hiểm, lương hưu.
Từ trước tới nay chúng tôi không kinh doanh, làm sao để lấy thu đủ chi để hoàn toàn tự nguyện. hay như tháng 9 học sinh nghỉ không đóng tiền chúng tôi vẫn phải đóng cho học sinh…”.
Đối với giáo viên khuyết tật điều quan trọng nhất là cái Tâm của người làm nghề (Ảnh:V.N)
Tổng kết lại cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, bà Hương gửi gắm: “Bất kỳ giai đoạn nào giáo dục cũng có vai trò rất quan trọng. Sự hưng thịnh của Quốc gia phụ thuộc vào giáo dục.
Người làm giáo dục phải là những người có tâm, hết lòng vì học sinh, đừng đặt lợi ích cá nhân, vật chất lên hàng đầu sẽ làm méo mó đi hai chữ giáo dục”.
Lời bà giáo Hương nhắc nhở bên tai, đan xen với những câu hát từ xa vọng lại. Một ngày 20-11 nữa lại sắp đến.
Trong trái tim của những người làm giáo dục (trong đó có chúng tôi) lại rưng rưng khi nghĩ về 2 từ: Giáo dục đầy thiêng liêng, trách nhiệm.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Dạy trẻ khuyết tật: Bị trò cắn vào tay, đau đến giàn giụa nước mắt, cô vẫn ôm chặt học sinh
Chạy đến ôm lấy học sinh thì bị cắn thật mạnh vào tay, cô giáo nước mắt giàn giuạ nhưng vẫn cố gắng ghì tay thật chặt và ôm em vào lòng.
Có phương pháp giáo dục không bảng đen, không phấn trắng, không giáo án, không quát mắng, mà thay vào đó là sự nhẫn nại, tình yêu thương với con trẻ và những nỗi niềm cũng rất 'đặc biệt'. Đó là miêu tả về những giáo viên dạy trẻ khuyết tật đang ngày đêm miệt mài cùng hàng triệu em nhỏ tìm ánh sáng của cuộc đời.
Nỗi vất vả thầm lặng
Cô giáo Lưu Quỳnh Trang (Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị, khuyết tật - Hải Phòng) đến với nghề dạy trẻ khuyết tật như "cái duyên". Các chị cũng là giáo viên dạy trẻ khuyết tật nên cô Trang thường xuyên có cơ hội được tiếp xúc với những đứa trẻ thiệt thòi.
Nhớ lại kỷ niệm lần đầu đứng lớp, cô Trang kể, có em nhỏ mắc chứng tăng động, giảm tập trung, em liên tục có hành vi la hét, trèo lên bàn, lên cửa sổ và tranh đồ chơi của các bạn cùng lớp.
Một buổi học hòa nhập cộng đồng của học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Nhìn thấy vậy, cô giáo trẻ hoảng quá, liền chạy tới ôm lấy để em không đánh các bạn trong lớp. Nhưng bất ngờ, cô bị em đó cắn vào tay, vừa cắn vừa nghiến răng thật mạnh, giãy giụa một cách điên cuồng. Lúc đó, cô Trang vô cùng sốc và sợ. Dù vậy, cô vẫn ghì thật chặt bàn tay mà ôm em vào lòng. Sau đó có lẽ thấy cô giáo nước mắt chảy giàn giụa mà cơn tăng động của em cũng phần nào dịu xuống.
Thế mà cũng gần 15 năm cô Trang theo nghề "điên cùng trẻ". Lớp học đó không bảng đen, không phấn trắng, không giáo án. Tất cả được thay thế bằng tình yêu, sự nhiệt huyết. Lớp học từ 4 đến 6 tuổi, thường được phân công một cô giáo kèm tối đa 10 em nhỏ. Học sinh đông, các cô giáo cứ luôn chân luôn tay cả ngày. Vào thời điểm thiếu giáo viên, gần như cô Trang không có thời gian nghỉ trưa, một mình chăm sóc cho gần 30 em".
Các cô giáo phải tỉ mỉ, nhẹ nhàng dỗ dành các em ăn uống, vệ sinh cá nhân, dạy các em kiềm chế cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, thể hiện ý muốn với người đối diện... Tất cả các kỹ năng để giúp học sinh của có thể làm chủ được hành vi. Nhiều em dạy mãi mà vẫn không tiến bộ, mọi hành động vẫn theo bản năng quá lớn. Mệt mỏi là vậy, nhưng đến tiếng thở dài các cô cũng không dám, chỉ biết dành tất cả tình yêu thương tới những đứa trẻ không may mắn.
Nhiều khi nhà cô Trang có việc phải nghỉ dạy vài buổi, nhưng xa các em cô cứ thấy bồn chồn, lo lắng, sợ thiếu mình thì các em chơi với ai. Bởi cô Trang biết, học trò của mình rất nhạy cảm với việc quát mắng, to tiếng, cho nên nhiều cô giáo trẻ chưa quen mà lỡ nói to là mọi công sức dỗ dành đều "đổ sông đổ bể" hết.
Việc cần người, nhưng người 'sợ' việc
Có thâm niên hơn 17 năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu và thỉnh giảng kỹ năng cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên cả nước, TS Hoàng Thị Nho, Phó trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư Phạm Hà Nội chia sẻ, trẻ khuyết tật có rất nhiều kiểu biểu hiện: trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ; trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập; trẻ khiếm thính và trẻ khuyết tật ngôn ngữ.
Gần gũi với nhiều em nhỏ khuyết tật, TS Nho cho rằng, các em rất cô đơn, không biết bấu víu và hy vọng vào điều gì nếu không có những thầy, cô giáo ân cần, tỉ mỉ dạy các em cách sống, tự chăm sóc bản thân để hòa nhập với xã hội. Do đó, ngành giáo dục đặc biệt nói riêng, các em nhỏ khuyết tật cùng gia đình nói chung luôn cần đến sự giúp đỡ của các cô giáo có kĩ năng chuyên biệt dạy trẻ như vậy.
Sự thật nghề nghiệp là vậy, cộng với số lượng trẻ khuyết tật đang gia tăng, đặc biệt là số trẻ có biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ ngày càng cao, khiến TS Nho luôn canh cánh nỗi lo nguồn đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật đang giảm sút và vô cùng ít ỏi.
" Theo một khảo sát của Khoa, sinh viên chọn làm giáo viên giáo dục đặc biệt đều có lý do riêng vì hoàn cảnh, vì gia đình có người khuyến tật...Số lượng sinh viên tự nhiên đăng ký theo học như những ngành khác là rất ít. Nhìn chung số lượng các em chọn theo học ngày càng ít đi".
Giải thích lý do trên, TS Nho cho rằng, với số lượng đào tạo mỗi khóa ra trường trung bình dưới 40 sinh viên, con số không nhiều, nhưng để duy trì là cả một quá trình gian nan. Bởi khi nghe thấy cụm từ dạy trẻ khuyết tật, nhiều người lắc đầu ngao ngán, lương thấp, vất vả, đôi khi cả nguy hiểm... "Nghề như vậy thì ai muốn chọn chứ".
Cùng tâm trạng, cô Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) chia sẻ, lương của mỗi giáo viên được hưởng trung bình từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng cùng phụ cấp tùy vào vị trí công việc. Lượng tuy thấp, nhưng "những 'giáo viên đặc biệt như cô Nga luôn phải làm việc gấp 3 - 4 lần các thầy, cô dạy học thông thường.
" Nhiều khi chúng tôi chỉ ước số lượng giáo viên đứng lớp dạy trẻ khiếm thị khoảng 2 cô giáo/30 học sinh, lớp dạy trẻ tăng động 3 cô giáo/30 học sinh thay vì một cô giáo/30 học sinh như hiện nay. Cũng có những thời điểm chúng tôi đáp ứng được mong muốn này, nhưng sau đó chỉ vài tháng, các cô giáo xin nghỉ dần dần với lý do giáo viên hợp đồng lương thấp, việc quá vất vả..., cô Nga nói.
Làm gì để thu hút giáo viên dạy trẻ khuyết tật?
Trao đổi với PGS.TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cả nước chỉ có 2 trường đại học là Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP.HCM; 3 trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương ở Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật bài bản và đủ các kỹ năng.
Nhưng chỉ tiêu tuyển sinh khoa giáo dục đặc biệt của các trường năm nào cũng thuộc diện thấp nhất trong ngành sư phạm, giao động từ 30 đến 50 sinh viên.
Lượng cung không đủ đáp ứng nhu cầu nên các cử nhân giáo dục đặc biệt luôn có việc làm ngay sau khi rời ghế nhà trường. Theo PGS.TS Mục, cả nước hiện có 105 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho tất cả các trẻ khuyết tật, 14 trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong khi số giáo viên có chuyên môn đủ để xử lí các vấn đề trong lớp học của trẻ khuyết tật lại rất ít. Các cơ sở giáo dục này luôn rộng cửa cho các cô giáo dạy trẻ khuyết tật.
Bên cạnh đó, PGS.TS Mục cũng cho biết về thực trạng đang tồn tại, đó là dạy trẻ bình thường khó, dạy trẻ khuyết tật lại càng khó hơn, nhưng giáo viên lại không có biên chế. Vì thế dù thị trường việc làm hấp dẫn đến đâu thì sinh viên muốn theo học cũng e ngại.
" Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật, đến lúc ngành giáo dục phải thay đổi chính sách ưu tiên trong tuyển dụng; bồi dưỡng chuyên sâu giáo dục đặc biệt cho đội ngũ giáo viên bởi hiện nay trong các trường mầm non, phổ thông đều có trẻ khuyết tật, rối loạn phát triển...", PGS Mục đề xuất.
Theo VTC
Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thực hiện đề án hỗ trợ trẻ khuyết tật Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025". Để thực hiện "Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm...