Ngày 14-7, công bố điểm thi THPT
Chậm nhất vào ngày 11-7, các trường phải hoàn thành việc chấm thi trắc nghiệm và gửi kết quả về Bộ GD-ĐT. Điểm thi THPT quốc gia sẽ được công bố đồng thời trên toàn quốc vào ngày 14-7
Chiều 1-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm sau khi các hội đồng thi THPT quốc gia quét xong bài thi trắc nghiệm và gửi dữ liệu gốc về Bộ GD-ĐT.
Hết sức cẩn trọng để tránh sự cố
Bốn ngày sau khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc, Bộ GD-ĐT mới công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm. Lý giải về quy định này hoàn toàn khác với các năm trước, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – cho hay việc này là để bảo đảm các quy trình kỳ thi được diễn ra an toàn, hạn chế tối đa những tiêu cực liên quan. Trên thực tế, Bộ GD-ĐT lo ngại việc công bố đáp án ngay sau khi kỳ thi kết thúc có thể dẫn đến việc tẩy xóa kết quả thi để điền theo đáp án của Bộ GD-ĐT như đã từng xảy ra ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La.
Cùng ngày, nhiều đoàn thanh tra chấm thi của Bộ GD-ĐT tiếp tục công tác thanh tra tại các địa phương. Làm việc tại tỉnh Long An, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc lưu ý việc chấm thi phải tuân thủ tuyệt đối quy định, quy chế, khi giao nhận túi bài thi phải kiểm tra kỹ niêm phong. Ban chỉ đạo thi phải sát sao, thường xuyên liên tục kiểm tra, nhắc nhở cán bộ làm công tác liên quan đến chấm thi (cả tự luận và trắc nghiệm), tránh sai sót dù là nhỏ nhất.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019, đi kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi tỉnh Bắc Giang. Ông Mai Văn Trinh cùng đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra tại tỉnh Nam Định và Hà Nam…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 1-7, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh qua kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương, bộ có một số lưu ý: Các hội đồng chấm thi tự luận phải triệt để cách ly bộ phận làm phách, thực hiện nghiêm túc quy trình chấm 2 vòng độc lập; chấm tối thiểu 5% số bài thi, trong đó những bài thi được điểm cao phải được đưa ra thảo luận; khi chấm xong bài thi tự luận, việc nhập điểm lên hệ thống phải làm rất cẩn thận để tránh sai sót.
“Quyết tâm của Bộ GD-ĐT là phải thực hiện chấm thi an toàn, chính xác, không gian lận, không để xảy ra sai sót. Ban chỉ đạo thi các địa phương phải bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho khu vực chấm thi, bảo vệ khu vực lưu trữ bài thi 24/24 giờ” – ông Trinh nhấn mạnh.
Phòng chấm thi môn ngữ văn tại Hội đồng thi tỉnh Bắc Giang. Ảnh: THANH HÙNG
Cùng công bố để bảo mật
Đến ngày 1-7, Bắc Giang đã chấm được khoảng 25% trong tổng số hơn 19.600 bài thi tự luận. Ông Ngô Văn Nhiệm – Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, Trưởng Ban Thư ký chấm thi – cho biết dự kiến đến ngày 4-7, Bắc Giang sẽ hoàn tất việc chấm thi tự luận. Năm nay, tỉnh này đã huy động 178 cán bộ chấm thi tự luận, trong đó, số cán bộ chấm thi trắc nghiệm đến từ trường ĐH là 15 với 2 máy quét. Đến thời điểm này, bài thi ngữ văn cao nhất của Bắc Giang là 8,5 điểm, số bài thi được 5-6 khá nhiều, cũng có những bài thi chỉ được 0,75 hoặc 1 điểm.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Long An, sở đã huy động gần 120 cán bộ chấm thi 13.188 bài thi môn ngữ văn. Trường ĐH Sư phạm TP HCM sẽ phụ trách chấm 13.294 bài thi trắc nghiệm môn toán, 12.193 bài thi ngoại ngữ, 6.289 bài thi tổ hợp KHXH và 7.517 bài thi tổ hợp KHTN cho tỉnh này. Chiều 1-7, cán bộ chấm thi sẽ bắt đầu chấm mẫu và dự kiến ngày 8-7 sẽ hoàn thành chấm bài thi tự luận. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Long An cho biết đã bố trí các phòng chấm tự luận độc lập, có sự giám sát camera 24/24 giờ cùng công an, lực lượng giám sát, thanh tra của Bộ GD-ĐT.
Theo ông Mai Văn Trinh, dù tiến độ chấm thi các tỉnh có thể khác nhau nhưng tất cả địa phương đều phải công bố điểm vào ngày 14-7. Lý giải về điều này, ông Trinh cho rằng việc thống nhất thời điểm công bố kết quả thi bảo đảm tính chính xác, toàn diện, bảo mật của cơ sở dữ liệu điểm thi cả nước; tránh tâm lý lo lắng cho thí sinh và xã hội khi nơi có điểm trước nơi có điểm sau.
Ngày 16-7 xét công nhận tốt nghiệp
Video đang HOT
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 16-7. Từ ngày 14 đến 23-7, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo của thí sinh. Hiệu trưởng trường phổ thông cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh chậm nhất vào ngày 21-7.
Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe dự kiến trước ngày 21-7.
Các trường ĐH, CĐ sư phạm công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường dự kiến trước ngày 22-7.
Theo nguoilaodong
Chấm thi THPT quốc gia 2019: Mã hóa đáp án thi trắc nghiệm
Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc kì thi THPT quốc gia 2019 vào chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác chấm thi sẽ tiến hành ngay sau khi kết thúc kì thi.
Ngoài việc đánh phách điện tử, đáp án môn thi trắc nghiệm cũng được mã hóa để hạn chế tiêu cực trong khâu chấm.
Camera ghi hình 24/24
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, việc gian lận thi cử đến từ khâu chấm thi khiến nhiều người lo ngại.
Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về việc hạn chế gian lận khi chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho hay, với những thay đổi về mặt kĩ thuật năm nay, khả năng hạn chế gian lận.
Tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy mỗi cán bộ giáo viên phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời địa phương cần lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện.
Cụ thể, một trong những điểm mới đó là phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện để khắc phục lỗ hổng có thể dẫn tới tiêu cực. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử.
Người chấm nếu nhìn thấy bài thi thì không nhìn thấy phách, còn nhìn thấy phách thì không thấy bài của thí sinh.
Về quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm, theo quy định tại khoản 2, Điều 23 Quy chế thi.
Cục trưởng Mai Văn Trinh kiểm tra thiết bị chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hoá
Phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét.
Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.
Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa.
Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Hệ thống máy móc để Trường ĐHBK Hà Nội chuẩn bị chấm thi tại địa phương
Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín.
Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.
Rút kinh nghiệm của kì thi năm 2018, năm nay camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm.
Có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
Bộ GD&ĐT kiểm tra phòng lưu trữ bài thi và các thiết bị chống cháy tại một địa phương
Muốn sửa phải được Bộ cấp mã
Về việc chấm các bài thi tự luận, theo ông Trinh, phải thực hiện triệt để cách li trong quá trình làm phách.
Thứ hai, khâu chấm phải thực hiện nghiêm túc 2 vòng độc lập, bốc thăm chấm. Trong quá trình đó, phải có camera an ninh.
Tiếp theo, việc chấm kiểm tra tối thiểu 5%. Trong đó các bài thi điểm cao của môn Ngữ văn ở các hội đồng thi sẽ được mang ra để chấm kiểm tra.
Ngay cả việc nhập kết quả môn thi Ngữ văn năm nay phải được tiến hành hai vòng độc lập, khi đối sánh không có lỗi gì mới nhập lên được hệ thống. Nếu Hội đồng nào làm tắt thì sẽ bị phần mềm của Hội đồng thi quốc gia phát hiện ngay.
Ở chấm thi trắc nghiệm, ngoài các thay đổi về kĩ thuật trên đây, ông Mai Văn Trinh cho hay, ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hoá và chỉ được giải mã bằng công cụ giải mã.
Do vậy, Bộ GD&ĐT chưa công bố ngay đáp án sau khi môn thi cuối cùng kết thúc như mọi năm mà sẽ công bố vào thời điểm thích hợp sao cho đáp ứng hai mục tiêu: Phù hợp với tiến độ chấm thi và có thêm kênh giám sát để có đủ thời gian xử lý.
Camera an ninh giám sát việc chấm thi tại Thanh Hoá
"Đặc biệt, nnếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể tự quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD&ĐT cấp một mã để vào sửa.
Với giải pháp kĩ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực", ông Trinh cho hay.
Ngoài ra cũng theo ông Trinh, việc chấm thi hiện phụ thuộc rất lớn vào các trường ĐH. Công tác tập huấn và triển khai hệ thống máy móc chấm thi đã được Bộ GD&ĐT thực hiện từ tháng 4/2019 và hiện chưa có địa phương nào yêu cầu hỗ trợ gì lớn.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, hiện các đoàn thanh tra chấm thi THPT quốc gia 2019 đã "xuất quân", ngày 28/6 sẽ chính thức làm việc. Năm nay đoàn thanh tra tổ chức có quy mô, kỹ lưỡng hơn. Bộ GD&ĐT thành lập các đoàn thanh tra đến tất cả 63 Hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm ngoái.
Bên cạnh 2 cán bộ từ trường đại học, thành phần các đoàn thanh tra sẽ có thêm 1 thanh tra nữa là cán bộ địa phương. Đặc biệt, thanh tra sẽ không làm việc tại địa phương mình.
"Ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng, đã có những thông tin ban đầu về việc chấm thi được các đoàn này chuyển về Bộ GD&ĐT", ông Bằng khẳng định.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
79 thí sinh, 6 giám thị vi phạm quy chế thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT khẳng định cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi. Bộ GD-ĐT đang tổ chức họp báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh NGỌC THẮNG Chưa...