Ngao ngán với những buổi chào cờ nhưng toàn nhiếc móc
Bức xúc khi nói về tiết chào cờ đầu tuần ở trường mình: “Thầy hiệu trưởng trường con mỗi lần lên chào cờ là nói gần cả tiếng đồng hồ rát hết cả tai”.
Cứ vào mỗi thứ hai đầu tuần, trường học nào chẳng có nghi thức chào cờ. Thời gian quy định là 1 tiết học (35 phút với học sinh tiểu học, 45 phút với 2 bậc học còn lại).
Đổi mới tiết chào cờ bằng các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn (Ảnh Phòng Giáo dục Đức Thọ)
Với thời gian như thế, nếu khéo sẽ tổ chức được tiết chào cờ hấp dẫn bằng những câu chuyện kể bổ ích, bằng những hoạt cảnh vui.
Thông qua đó, sẽ truyền tải được những thông điệp mang đầy tính giáo dục đến học sinh mà tác dụng mang đến vô cùng hiệu quả.
Nhưng không phải trường học nào cũng làm được điều đó, không ít trường học hiện nay đang biến những giờ chào cờ thành nơi mắng nhiếc và kể tội học sinh.
Để kiểm chứng lời chúng tôi vừa nói, bạn cứ thử hỏi: “Các em có thích tiết chào cờ đầu tuần hay không?, đa phần học sinh sẽ trả lời không thích.
Vì sao lại thế? Bởi không ít trường học hiện nay đang biến những giờ chào cờ thành nơi kể tội và hăm dọa các em.
Buổi lễ chào cờ thường được nhiều trường áp dụng là sau phần nghi thức chào cờ và hát Quốc ca là những “tấu sớ kể tội” học sinh đã vi phạm những nội quy trong tuần của khá nhiều thầy cô giáo đảm nhiệm nhiều vai trò.
Đầu tiên là lời kể tội của giáo viên trực tuần, kế tiếp là lời kể tội, lời răn dạy, giáo huấn của thầy cô giáo Tổng phụ trách Đội.
Sau đó, là bảng xếp hạng của các lớp do đội cờ đỏ chấm trong tuần.
Phần cuối cùng là những lời “tổng kết chửi” của chính thầy cô hiệu trưởng.
Từng ấy nội dung như một mô típ quen thuộc cứ được lập đi, lập lại từ tuần này đến tuần khác, rồi từ tháng này đến tháng kia, từ năm này qua năm nọ.
Thầy cô trên bục nói cứ nói, chửi cứ chửi…có lẽ những lời chửi hằng tuần quá quen thuộc nên trò ngồi dưới uể oải chẳng muốn nghe.
Không nghe, đương nhiên sẽ không tiếp thu và cũng chẳng đọng lại trong đầu các em được điều gì.
Bởi thế, học sinh vi phạm rồi cứ vi phạm hết lần này đến lần khác, hết tuần này đến tuần kia…
Không ít học sinh bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông bức xúc khi nói về tiết chào cờ đầu tuần ở trường mình: “Thầy hiệu trưởng trường con mỗi lần lên chào cờ là chửi gần cả tiếng đồng hồ rát hết cả tai”.
Video đang HOT
Nghe thế, ai ai cũng có thể hiểu rằng những lời nhắc nhở, giáo huấn kia cũng chẳng có tác dụng gì đối với các em. Và như thế, mục đích giáo dục của nhà trường đã hoàn toàn thất bại.
Làm gì để có những buổi chào cờ được học sinh hào hứng chào đón?
Để tiết chào cờ đầu tuần trở nên sinh động hấp dẫn học sinh, tạo cho các em một năng lượng mới cho một tuần học mới đầy kết quả, chắc chắn không nên duy trì kiểu chào cờ “chửi” như một số trường học hiện đang làm.
Bên cạnh những tiết chào cờ “chửi” thì vẫn có những trường học vận dụng khá nhiều các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các câu chuyện kể, các hoạt cảnh ngắn, những bài hát với nhiều thể loại trong tiết chào cờ đầu tuần.
Hay việc sinh hoạt theo chủ điểm, bổ trợ kiến thức… đều được chuyển tải bằng nhiều hình thức sáng tạo như trò chơi đấu trường, rung chuông… để 45 phút đầu tuần thành một tiết học sinh động, hấp dẫn.
Đã có những trường trung học phổ thông tổ chức những phiên tòa giả định về giới tính, về hôn nhân, về các tệ nạn xã hội mang tính giáo dục khá cao.
Đã có những trường cho học sinh hóa thân vào một số nhân vật ăn chơi lêu lổng, lười học, phá phách đua đòi và cái kết cùng với những hình ảnh thật dễ thương của những cô cậu bé chăm chỉ học hành.
Thông điệp giáo dục được lan tỏa một cách mạnh mẽ. Học sinh cảm nhận và tự rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích.
Bên cạnh những “diễn viên” không chuyên thể hiện trên sân khấu thì sẽ có hàng loạt câu hỏi vui để giao lưu với học sinh cùng những phần quà nhỏ để tạo thêm không khí hào hứng cho một buổi lễ chào cờ.
Những buổi lễ chào cờ được tổ chức như thế khi hết giờ học sinh vô cùng tiếc nuối và trông chờ đến những tiết chào cờ lần sau.
Và không cần kể tội để chửi thì học sinh cũng đã biết rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích hơn.
Trúc Mai
Theo giaoduc.net
Độc đáo ngôi trường thầy trò trồng đầy bắp cải, rau, hoa
Những chậu bắp cải bung xòe như những bông hồng xanh khổng lồ tô điểm ngôi trường. Các cô cậu học trò ngoài việc được tự tay trồng tưới, chăm sóc, còn có thêm nguồn thu để làm từ thiện từ tiền bán bắp cải...
Học sinh chăm sóc những bông bắp cải trong sân trường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Về Trường THPT Trung An (xã Trung An, Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) những ngày này sẽ thấy những chậu bắp cải xòe mình xanh ngắt dưới làn nắng mới. Thầy Lê Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - cũng có biệt danh "Dũng bắp cải".
Thầy Dũng cho biết thầy về Trường THPT Trung An vào tháng 11-2017. Đầu tháng 12, trên đường đến trường, thầy đi ngang qua khu ươm giống cây trồng, thấy mấy chậu bắp cải đang xòe lá trông như những hoa hồng rất lạ mắt, thầy nghĩ nếu trồng nhiều ở sân trường sẽ rất đẹp. Thầy gọi chúng là những "hoa hồng xanh khổng lồ".
Vậy là từ đầu năm 2018, kết hợp với ý tưởng giáo dục kỹ năng sống và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp các em biết quý trọng sức lao động, cũng như để tạo tình cảm gần gũi hơn giữa thầy và trò, trường đã phát động phong trào trải nghiệm trồng cây vào chậu như: bắp cải, bông cải, củ cải trắng, bông vạn thọ, bông hướng dương, cây nha đam... trong đó đặc biệt là bắp cải chậu.
Để tạo sự đồng thuận từ phía phụ huynh, trường đã mời Ban đại diện cha mẹ học sinh họp để triển khai Kế hoạch hoạt động trải nghiệm. Ngay tại cuộc họp, trường được các mạnh thường quân và doanh nghiệp nằm trong ban đại diện tài trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, mua chậu, cây giống...
Vườn bắp cải và các loại hoa màu ngay trong khuôn viên Trường THPT Trung An nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tất cả thành viên trong trường đã cùng nhau trồng bắp cải với một quy trình giám sát nghiêm ngặt, dùng phân hữu cơ (rơm mục, phân vịt, phân vi sinh, phân bò...), thuốc trừ sâu sinh học do học sinh nghiên cứu ứng dụng cùng hệ thống tưới tiêu tự động.
Sau hai năm, trường đã bán được ba đợt bắp cải chậu với số tiền hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt, Sở GD-ĐT Cần Thơ cũng tạo điều kiện cho sản phẩm bắp cải của Trường THPT Trung An có mặt trong hai năm liền tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ Cần Thơ (năm 2018 và 2019). Nhờ vậy bắp cải chậu ngày càng được nhiều bà con biết đến và ủng hộ, không chỉ vì bắp cải đẹp mà còn là một sản phẩm sạch do sức lao động của học sinh làm ra.
Hiện nay, Trường THPT Trung An đang cho ra mùa vụ thứ tư, trồng 500 chậu bắp cải để kịp đón xuân Canh Tý 2020 với giá bán 60.000 đồng/chậu.
Ngoài việc bán cho một số doanh nghiệp đã đặt hàng trước ở Cần Thơ, Bạc Liêu... năm nay bắp cải của Trường THPT Trung An còn xuất hiện tại Phố Ông Chảnh - Cần Thơ (nơi dựng phim trường The Bo - một địa điểm chụp ảnh khá lớn của TP Cần Thơ) và được nhiều ca sĩ nổi tiếng quay phim, ghi hình cho MV ca nhạc chào xuân 2020.
Từ nguồn kinh phí bán được, ngoài việc đầu tư mùa vụ tiếp theo, trường trích lại một phần cho các em học sinh để bổ sung cho hoạt động từ thiện, như tặng quà Tết cho người già neo đơn, tặng quà cho người khó khăn cơ nhỡ, hỗ trợ học sinh nghèo...
Một bên là "hoa hồng xanh khổng lồ", một bên là vườn hoa vạn thọ, tất cả đều xanh mướt từ bàn tay chăm sóc của thầy và trò Trường THPT Trung An - Ảnh: CHÍ QUỐC
Khi có thời gian, các em học sinh lấy nước tưới bắp cải - Ảnh: CHÍ QUỐC
Hoặc tưới bằng hệ thống tự động vừa được lắp - Ảnh: CHÍ QUỐC
Mỗi luống bắp cải đều được "đánh dấu" bằng bảng tên lớp - Ảnh: CHÍ QUỐC
Được chăm sóc tốt và trồng hoàn toàn hữu cơ, bắp cải thu hoạch được đều có kích thước rất to, vì vậy được mệnh danh là "hoa hồng xanh khổng lồ" - Ảnh: CHÍ QUỐC
Và hết đợt này tới đợt khác được thu hoạch, bắp cải vẫn luôn phủ xanh khuôn viên trường. Do vậy trường còn được biết tới với biệt danh "vương quốc bắp cải" ở Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bắp cải của học sinh Trường THPT Trung An tại Lễ hội bánh Dân gian Cần Thơ - Ảnh: NGỌC GIÀU
Ngoài bắp cải, thầy trò còn trồng nhiều loại rau xanh - Ảnh: CHÍ QUỐC
Rau mồng tơi xanh mướt trong khuôn viên trường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cây được trồng trong chai nhựa bỏ đi. Mọi không gian của trường đều được tận dụng để phủ xanh - Ảnh: CHÍ QUỐC
Không chỉ bắp cải, các loại rau, trường còn trồng rất nhiều hoa - Ảnh: CHÍ QUỐC
Hoa ly khoe sắc trong trường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trường học như một nông trại để tăng tính thực tế cho học sinh khiến Trường THPT Trung An trở nên rất đặc biệt ở miền Tây - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo tuoitre
Giáo viên chủ nhiệm giỏi hay chủ nhiệm ...dữ? Giáo viên chủ nhiệm giỏi phải là giáo viên đem lại hạnh phúc cho học trò, học trò thấy hạnh phúc khi đi học; sau khi trưởng thành, học trò vẫn lưu luyến. Giờ chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng phấn khởi thông báo trước tập thể toàn trường: "Cô giáo H. và cô giáo K. trường ta đạt đồng giải nhất...