Ngao ngán chuyện làm thủ quỹ lớp
Nhiều teen cho rằng làm thủ quỹ lớp rất thích và đôi khi còn “sướng”. Nhưng thực sự để làm người giữ tài sản của lớp lại không hề đơn giản chút nào. Khi mà thủ quỹ luôn “nhận” những lời nói phía sau.
“Không ăn bớt tiền không là thủ quỹ”
Mỗi lần hô hào mọi người đóng tiền quỹ lớp cho các việc chi tiêu như 20/10 rồi 20/11… thì kiểu gì những teen nào làm thủ quỹ cũng sẽ phải nghe những lời phàn nàn như “ sao mà đóng nhiều quỹ thế?” rồi thì “lại đóng quỹ nữa à?” hay “vừa mới đóng mà đã hết.” Và đi kèm theo đó là những chuyện phía sau “hậu trường” của các “mem” khác trong lớp về chuyện quỹ chung này.
Hoa (17t) chia sẻ: “Là người giữ tiền của lớp, mình có được gì đâu cơ chứ!? Thế mà mỗi lần thông báo các bạn đóng tiền, ai ai cũng kêu ca, phàn nàn rồi thì nói những câu “kì này nó lại thu được bao nhiêu rồi!”. Thật sự nhiều khi thấy rất ức chế và tủi thân. Trong lớp có bao nhiêu công việc, từ việc mua phấn, rồi hoa quà cho thầy cô vào các ngày lễ, Tết, mà có phải học với một thầy cô như cấp 1 đâu, mỗi môn một thầy cô, tổ chức ngày 20/10, 8/3, hội thi thể dục thể thao, rồi thì tiền quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt… Nhiều khi thu không kịp mình còn phải dùng tiền túi để chi trước rồi mới thu của các bạn sau. Thế mà đôi khi vẫn vô tình nghe các bạn nói “không ăn bớt tiền không là thủ quỹ”.”
Khi teen có “phải” làm thủ quỹ thì mới biết được nỗi vất vả và những suy nghĩ của người trong cuộc. Không phải chỉ là thu và chi mà còn phải tính toán làm sao quản lí, và chi ra một cách hợp lí nhất.
Video đang HOT
Nỗi khổ thu tiền quỹ
Vì là tiền chung của cả lớp nên teen thường có tâm lí “cứ từ từ” đợi nhau nộp “một thể”. Thậm chí khi thủ quỹ nhắc nhở các bạn thì lập tức nhận ngay được những lời “phản pháo” kiểu như “bạn A đã nộp đâu mà ấy cứ bắt tớ nộp thế?” hoặc “khi nào các bạn trong lớp nộp hết thì tớ sẽ nộp, mà có chi tiêu gì đâu sao lúc nào cũng thấy thu quỹ?”
Nhắc nhiều thì ngại và “nể” vì đều là bạn bè trong lớp và học với nhau cả thời gian dài rồi, nhất là với những teen là bạn “thân sơ” của mình, mà không nhắc thì không có tiền để chi cho các việc trong lớp. Thủ quỹ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Hồng (19t) nói: “Mỗi lần muốn thu quỹ lớp là mình phải thu “đậm đậm” một tí để chi cho các lần sau nữa. Chứ mỗi lần thu là mỗi lần khó. Thêm nữa, khi thu tiền tớ làm luôn một list những danh sách các công việc phải chi cho lớp, tiền quỹ là bao nhiêu, ai chưa nộp… rồi photo cho mỗi người một bản. Bạn nào có thắc mắc hay “khiếu nại” thì tớ sẽ “phúc đáp” ngay tại lớp. Đã cụ thể “đến từng chi tiết” rồi thế mà khi hỏi ai có ý kiến gì không, thì tất cả đều im lặng. Đến lúc thu thì nhiều bạn vẫn “kêu oai oái”, khiến mình ròng rã cả tháng mới thu xong được một khoản.”
Những bạn thủ quỹ cần nên tế nhị và hết sức khéo léo để khi nộp tiền mà các bạn vẫn tươi cười. Đôi khi cứ “réo” mãi tên bạn càng làm bạn tự ái mà không nộp thôi.
Và những vấn đề khác liên quan…
Nào là vụ này mình nên chi bao nhiêu, vụ kia chi bao nhiêu là vừa, chi bao nhiêu cho đủ… Không chỉ thế, thủ quỹ còn đảm nhiệm luôn trọng trách đi mua đồ phục vụ cho “lợi ích” của cả lớp. Nếu là tiền của mình thì mua đắt một tẹo cũng chẳng sao, nhưng đã là tiền của tập thể thì phải làm sao mà mua với giá “mềm” nhất.
Quan trọng hơn cả, đã là thủ quỹ thì teen cần phải có một bản lĩnh trước những lời “nhận xét” rất rất “khắt khe” từ “ban giám khảo” là các bạn trong lớp, nếu không thì chắc hẳn teen sẽ phải sớm “từ chức”.
Vẫn có những trường hợp ngoại lệ
Đặc biệt với teen đã và đang trong thời kì sinh viên. Việc học tín chỉ mỗi môn một lớp và một thầy cô khác nhau, đồng nghĩa với việc mỗi môn teen sẽ phải nộp một khoản quỹ và mỗi môn chúng ta cũng chỉ học trong vòng 12 đến 16 tuần, sau đó thì “chia tay” nhau. Thế nên có những bạn thủ quỹ đến buổi cuối cùng sẽ công khai chi tiết tiền cho mọi người và nếu thừa thì sẽ tổ chức liên hoan. Nhưng hầu hết là trong “im lặng” bởi tâm lí “có học với nhau nữa đâu mà phải làm thế, với cả cũng chẳng ai biết ai.” Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều teen “bức xúc” vấn đề này.
Duy (19t) nói: “Vì học tín chỉ nên có môn bọn mình phải học lớp ghép đôi, số lượng sinh viên lên đến gần 200 người, trong khi đó chỉ photo mỗi tập bài tập của cô có vài trang thôi thế mà bạn lớp trưởng kiêm thủ quỹ thu mỗi người đến tận 20 nghìn. Chẳng hiểu để làm gì!? Mỗi người 20 nghìn là ít, nhưng gộp nhiều người lại thì rất lớn. Thêm nữa, mỗi kì học hơn chục môn, mỗi môn cứ đóng như thế thì sinh viên cũng tốn một khoản kha khá đấy!”
Có thể nói, làm thủ quỹ hay làm cán bộ lớp cứ như “làm dâu trăm họ”, rất khó để làm vừa lòng được tất cả “mem”. Hãy cảm thông và biết cách chia sẻ với các bạn ấy. Cũng như hãy thẳng thắn góp ý với các bạn chứ đừng “vô tình” hay “cố ý” đưa ra những nhận xét theo cảm tính, teen nhé!
Theo PLXH