Ngao chết trắng, chủ đầm thuê người vớt đi đổ
Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 12ha ngao (sò lát) của nhiều hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Lộc ( huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sắp đến vụ thu hoạch đột nhiên chết đồng loạt. Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần và khó có khả năng nuôi thả vụ sau.
Vỏ ngao được chất thành từng đồng như thế này
Nhiều hộ dân nuôi ngao trên khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Lộc của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang đối mặt với nguy cơ trắng tay, vì hàng tấn ngao nuôi đến mùa thu hoạch đột nhiên chết hàng loạt phải đem đổ bỏ.
Riêng xã Cẩm Lĩnh có 9 hộ dân nuôi ngao với diện tích gần hơn 10 ha. Người dân ước tính, hơn 10 tấn ngao đã chết trắng, nhiều đầm nuôi số lượng chết lên tới 70-80%.
Khác hẳn với không khí nhộn nhịp, phấn khởi của người dân nuôi ngao khi đến độ thu hoạch những năm trước, năm nay tình hình hết sức ảm đạm.
Xung quanh những đầm nuôi ngao là những đồng vỏ ngao chất thành đống, bốc mùi.
Gia đình ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi, xã Cẩm Lĩnh) thuê vùng bãi bồi xã Cẩm Nhượng thả nuôi ngao 11 năm nay nhưng chưa bao giờ ông thấy ngao chết nhiều như thế. Toàn bộ diện tích 2,7 ha đầm nuôi ngao gần như chết trắng.
Ông Dũng thẫn thờ bên đống ngao chết
Ông Dũng buồn bã nói: “Năm vừa rồi tôi đã bỏ ra gần 80 triệu đồng đầu tư cho vụ này, nếu thắng lợi thì được khoảng 200 triệu nhưng giờ xem ra mất trắng”.
“Hầu như năm nào cũng có ngao chết nhưng ít, còn năm nay thì chết gần như hết. Chúng tôi cũng đang muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra nguyên nhân”, ông Dũng nói.
Video đang HOT
Không chỉ trắng tay sau một mùa vụ với bao mồ hôi, công sức mà ông Dũng còn phải bỏ thêm tiền để thuê nhân công vớt ngao đi đổ để chuẩn bị cho vụ mới.
“Tôi thuê họ vớt ngao mỗi giờ đồng hồ là 25.000 đồng. Năm nay chắc phải đi vay tiền để tiếp tục thả chứ biết làm sao giờ”, ông Dũng cho biết.
Đến bây giờ vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt
Còn bà Nguyễn Thị Khả (62 tuổi, xã Cẩm Lĩnh) thất thần nhìn đầm ngao của gia đình chết trắng.
“Chưa năm nào mà ngao chết khủng khiếp như thế. Gia đình tôi nuôi hơn 1ha ngao nhưng giờ thu hoạch chỉ được khoảng vài tạ ngao sống. Năm sau không biết lấy đâu tiền để thả vụ mới”, bà Khả lo lắng.
Tương tự, tại Cẩm Lộc hơn 2ha của 3 hộ dân cũng bị chết gần như hoàn toàn.
Các chủ đầm ngao còn phải bỏ thêm tiền để thuê người vớt ngao đi đổ
Trao đổi với PV ông Trần Đình Lam, Chủ tịch xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết đã kiểm tra các bãi nuôi thả ngao, đa số các hộ nuôi đều có ngao chết rất nhiều, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi hộ.
Ông Lam nhận định: “Ở xã Cẩm Lĩnh có gần 10ha ngao bị chết. Nguyên nhân bước đầu khiến ngao chết có khả năng là do trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột dẫn tới ngao bị sốc và chết”.
“Xã cũng đã báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện về lấy mẫu kiểm tra để tìm nguyên nhân đồng thời có phương án hỗ trợ phần nào cho người nuôi”, ông Lam nói.
Xuân Sinh
Theo Dantri
"Xe vua" tung hoành phá nát đường ven biển
Những chiếc xe tải đủ cỡ lớn nhỏ chở hàng chục khối đất đá tung hoành nhộn nhịp, chỉ sau một thời gian ngắn đã phá nát con đường ven biển chạy qua địa bàn xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Thời gian gần đây những người dân ở xã Cẩm Lĩnh hết sức bức xúc khi hàng ngày phải hứng chịu cảnh từng đoàn xe tải tung hoành, phá nát đường đi, gây ô nhiễm khói bụi.
"Họ chạy cả ngày. Xe lớn, xe nhỏ chở đầy đất, đá đi từ hướng các mỏ đá xã Kỳ Bắc, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) ra Cẩm Nhượng, Thiên Cầm của huyện Cẩm Xuyên", anh Tuấn trú tại xã Cẩm Lĩnh nói.
Cũng theo anh Tuấn thì con đường ven biển nối từ huyện Nghi Xuân vào Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) này mặc dù chưa hoàn thành nhưng mặt đường được đổ rất bằng phẳng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, từ khi xuất hiện những đoàn xe này thì mặt đường đã bị hư hỏng nhanh chóng.
Những chiếc xe chở đầy đất đang cày nát tuyến đường ven biển đoạn đi qua xã Cẩm Lĩnh
"Nhiều đoạn bị cày nát, rãnh sâu gần 50cm-60cm, chỉ có xe tải gầm cao mới có thể đi được qua. Ổ voi, ổ gà thì dày đặc", anh Tuấn nói thêm.
Không chỉ đường bị cày nát, ô nhiễm cũng đang là nỗi ám ảnh, khiếp sợ đối với người dân nơi đây và những người đi qua tuyến đường này.
Bụi bay mịt trời
"Mưa thì đường nhão như bùn, còn trời nắng thì bụi bay trắng trời. Mỗi lần xe tải chạy qua thì những người đi xe máy phải dừng lại chứ không thấy đường mà đi nữa", một người dân cho biết.
Từ thông tin phản ánh của người dân, PV Dân trí đã nhiều ngày có mặt tại tuyến đường này và những gì đang xảy ra đúng như người dân nơi đây phản ánh.
Từng đoàn xe tải 2 trục, 3 trục chở đầy đất, đá nườm nượp nối đuôi nhau dày xéo, cày nát trên tuyến đường này suốt cả ngày.
Đường xá bị cày nát, người dân đi lại hết sức khó khăn
Xe chở đất, đá quá khổ, có dấu hiệu quá tải trọng nhưng vẫn ung dung tung hoành, hoạt động công khai trong suốt nhiều tháng. Nhiều người dân ngán ngẩm gọi đó là những chiếc "xe vua".
Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, cũng đã nhận được phản ánh của người dân.
"Con đường này thi công chưa xong, đang thuộc quyền quản lý của đơn vị thi công. Còn thực trạng gây ô nhiễm, chúng tôi cũng đã báo lên cấp trên để có phương án xử lý", ông Lam nói.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Ngao chết trắng bờ biển Thanh Hóa không phải do chất thải độc hại Từ kết quả phân tích mẫu nước và xác ngao, nhà chức trách nhận định ngao nuôi vùng ven biển Thanh Hóa chết hàng loạt không phải do môi trường nước, chất đổ thải, dịch bệnh mà là thời tiết và mật độ nuôi không phù hợp. Ngày 25/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo...