Ngành trí tuệ nhân tạo lên ngôi trong năm học mới
Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH-CĐ đã và đang xây dựng đề án tuyển sinh cho năm 2020.
Có trường dự kiến mở đến 11 ngành học mới
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của trường tiếp tục theo hướng đáp ứng xu thế phát triển về khoa học kỹ thuật và nhu cầu xã hội. Do đó trường đang tiến hành khảo sát và dự kiến sẽ mở thêm bốn ngành mới cho tuyển sinh năm tới. Cụ thể là xe điện, kiến trúc nội thất, phá hủy vật liệu, IoT và hệ thống nhúng.
Theo ông Dũng, mỗi ngành có chỉ tiêu tuyển khoảng 50 sinh viên. Tuy nhiên, do chỉ tiêu của trường dự kiến không tăng nên trường sẽ thu hẹp một số ngành cũ để tuyển cho những ngành mới.
Trường cũng sẽ tiếp tục tuyển sinh ngành robot và trí tuệ nhân tạo nhưng mở rộng chỉ tiêu từ 20 lên 50 sinh viên và chỉ ưu tiên tuyển những học sinh thật sự giỏi. Trong đó, 20 sinh viên sẽ được nhà trường đào tạo miễn phí, 30 sinh viên sẽ thuộc diện phải đóng tiền như những sinh viên các ngành khác. Mức học phí ngành này vào khoảng 50 triệu đồng/năm, học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Được biết đây là ngành có điểm chuẩn năm 2019 cao nhất trường với 25 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến năm 2020 sẽ mở đến 11 ngành học mới, nâng tổng số ngành của trường này lên đến 47 ngành ở hệ đào tạo cử nhân.
Trong đó một số ngành “hot” được mở để đáp ứng nhu cầu xã hội như trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật y sinh, sức khỏe răng miệng, digital marketing, kỹ thuật hạ tầng đô thị, hộ sinh…
Nhằm đáp ứng xu thế phát triển về công nghệ hiện nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng cho biết dự kiến sẽ mở thêm hai ngành mới để tuyển sinh trong năm 2020 là IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khoa học dữ liệu. Ngoài ra, trường cũng dự kiến mở thêm chuyên ngành năng lượng tái tạo thuộc ngành kỹ thuật điện – điện tử.
Video đang HOT
Học sinh THPT tham quan hướng nghiệp tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH
Đổi tên, dừng tuyển hệ CĐ trong trường ĐH
Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa có quyết định đổi tên bảy ngành học thuộc khối ngành ngoại ngữ. Cụ thể, tên ngành ngữ văn Anh đổi thành ngôn ngữ Anh. Việc này cũng áp dụng cho các ngành có tên mới như ngôn ngữ Đức, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Ý.
Theo nhà trường, việc đổi tên này chỉ nhằm phù hợp với thực tế hơn, không làm thay đổi chương trình đào tạo, chất lượng hay chuẩn đầu ra.
Ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết do chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai với nhiều thay đổi lớn nên trường dự kiến và đang xây dựng lại các chương trình đào tạo để mở các mã ngành mới cho phù hợp. Cụ thể, các ngành mới sẽ theo hướng tích hợp các môn học, như năm 2019 đã mở ngành sư phạm khoa học tự nhiên thì tới đây sẽ mở sư phạm khoa học xã hội, giáo dục công dân và giáo dục kinh tế pháp luật, mỹ thuật và âm nhạc… Sau khi xây dựng và được duyệt, trường sẽ bắt đầu tuyển sinh trong năm 2020 nhằm kịp đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường theo chương trình mới.
Nhiều trường ĐH, CĐ đang bắt đầu công bố kế hoạch dự kiến cho từng ngành học để phụ huynh, học sinh nắm thông tin ban đầu nhằm định hướng lựa chọn ngành học phù hợp.
Ngoài ra, trong kế hoạch tuyển sinh dự kiến của nhiều trường, khối hệ CĐ sẽ được thu hẹp hoặc dừng tuyển sinh hẳn từ năm 2020.
Cụ thể như trong thông báo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2020 của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường sẽ vẫn duy trì ba phương thức tuyển sinh, gồm: Xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 (80% tổng chỉ tiêu), xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn xét tuyển (10% tổng chỉ tiêu) và điểm bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (10% tổng chỉ tiêu).
Tuy nhiên, ở hệ CĐ, trường này dự kiến giảm mạnh chỉ tiêu từ 1.500 (năm 2019) xuống còn 300 và có thể đây sẽ là năm cuối cùng trường tuyển sinh bậc học này.
Tương tự, để triển khai quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH về việc các cơ sở ĐH không còn tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ, nhiều trường ĐH đã thông báo sẽ dừng tuyển sinh hệ CĐ từ năm 2020 như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn…
Tiếp tục mở rộng thi đánh giá năng lực
Theo thông tin từ Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2020 sẽ là năm thứ ba ĐH tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhưng với quy mô rộng hơn. Đây vẫn sẽ là một trong những phương thức chính để các trường ĐH thành viên và các trường ngoài có thể dùng kết quả để xét tuyển ĐH-CĐ.
Theo đó, năm 2020 sẽ có hai đợt thi. Đợt 1 vào ngày 29-3-2020 tổ chức tại bốn địa phương là TP.HCM, Bến Tre, An Giang và Khánh Hòa. Đợt 2 ngày 5-7-2020 tại ba địa phương là TP.HCM, Cần Thơ và Nha Trang.
PHẠM ANH
Theo PLO
Phần Lan mở khóa học trực tuyến miễn phí về AI
Phần Lan sẽ mở khóa học trực tuyến về AI miễn phí bằng các tiếng chính thức của Liên minh châu Âu (EU).
Ảnh minh họa
Ngày 10/12, Phần Lan cho biết đặt mục tiêu dạy những kỹ năng cơ bản về trí tuệ nhân tạo (AI) cho 1% dân số châu Âu thông qua một khóa học trực tuyến miễn phí mà nước này hiện đang dịch sang toàn bộ các tiếng chính thức của Liên minh châu Âu (EU).
Phần Lan, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đến cuối năm nay, đưa ra kế hoạch trên trong bối cảnh EU đang thúc đẩy việc triển khai sử dụng AI rộng khắp trong toàn khối nhằm giúp các công ty châu Âu bắt kịp với các đối thủ ở châu Á và Mỹ.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Việc làm Phần Lan Timo Harakka cho biết nước này muốn trang bị cho các công dân EU kỹ năng số trong tương lai, tăng cường sự hiểu biết thực tiễn về AI cũng như tạo cú huých nhằm sử dụng số hóa trong lãnh đạo.
Ông nêu rõ: "Khi nhiệm kỳ Chủ tịch EU của chúng tôi sắp hết, chúng tôi muốn đề xuất một điều gì đó cụ thể.
Đó là về một trong những thách thức cấp bách nhất mà châu Âu và Phần Lan đang đối mặt hiện nay là làm cách nào để bồi dưỡng kiến thức về số hóa".
Khóa học về kỹ năng cơ bản này do Đại học Helsinki thực hiện và được bắt đầu vào năm 2018. Hiện hơn 220.000 sinh viên đến từ hơn 110 nước đã đăng ký tham gia khóa học.
Cho đến nay, khóa học này đã được dịch sang tiếng Anh, Phần Lan, Thụy Điển và Estonia. Phần Lan sẽ dịch sang toàn bộ các tiếng chính thức ở EU vào năm tới.
Chỉ trong vài tháng sau khi khóa học được bắt đầu, Phần Lan đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là day kỹ năng cơ bản về AI cho 1% dân số nước này, tương đương khoảng 55.000 người)./.
Minh Châu
Theo bnews
Phó Chủ tịch nước dự kỷ niệm 40 năm Trường Đại học Y dược Cần Thơ Hiện nay, Trường Đại học Y dược Cần Thơ có 7 khoa và đơn vị đào tạo, 15 phòng, trung tâm chức năng và Bệnh viện trực thuộc Trường. Ngày 7/12 tại TP. Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ tổ chức kỷ niệm 40 năm Xây dựng và Phát triển. Tới dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc...