Ngành thép Việt Nam: Khó khăn chồng chất khó khăn
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc thì xu thế giá thép trên thị trường thế giới và Trung Quốc đi xuống khiến giá trong nước xuống sâu. Doanh nghiệp muốn bán được hàng thì phải hạ giá thấp hơn song số lượng tiêu thụ cũng rất ít. Giờ đây Trung Quốc lại tăng mức hoàn thuế với các sản phẩm thép, tạo điều kiện cho các DN của họ linh hoạt hơn để giảm giá hơn nữa, càng làm khó cho thị trường thế giới trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Trước tình hình chung của các ngành kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành thép tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Sản xuất và bán hàng thép trong nước 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt có mức tăng trưởng âm là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trước vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam ( VSA) để hiểu rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp và ngành thép.
PV: Hiệp hội đánh giá như thế nào về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất của ngành thép?
Đại diện VSA: Đại dịch Covid-19 đã tấn công nhiều nơi trên toàn cầu trong vài tuần qua, áp lực kinh tế và thiếu nhu cầu hạ nguồn dẫn đến một loạt các đợt cắt giảm sản xuất lớn nhất và ngừng hoạt động kể từ năm 2015.
Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở, ô tô, xe máy… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm toàn cầu nói chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước quý I/2020 có mức tăng trưởng âm lần lượt là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng (HRC) thì sản xuất giảm 4% trong khi bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 5.728.408 tấn (giảm 6%), bán hàng thép các loại đạt 5.034.580 tấn (giảm 12,4%), xuất khẩu thép các loại đạt 1.024.908 tấn (giảm 21,3%) so với cùng kỳ quý I/2019.
Đối với thép xây dựng, lượng hàng xuất bán trong quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 15% trong đó xuất khẩu giảm 14% và tiêu thụ nội địa giảm 16%. Trong tháng 3/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép đều giảm như quặng sắt giảm 6 USD/tấn; giá thép phế giảm khoảng 30 – 35 USD/tấn so với đầu tháng 02/2020; giá phôi thép Đông Nam Á giảm mạnh 40-50 USD/tấn. Giá bán thép trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 11.000 – 11.400 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
PV: Hiệp hội có thể nói cụ thể hơn các tác động?
Video đang HOT
VSA: Thứ 1, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tắc nghẽn thị trường, không lưu thông được hàng hóa, hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công. Toàn bộ các chuyên gia, chỉ huy công trình, kỹ sư, công nhân… người nước ngoài đều được cách ly hoặc quay về nước để tránh dịch. Do vậy, mọi hoạt động đều không diễn ra, cảnh thưa vắng, đìu hiu xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề nói chung và ngành thép nói riêng.
Thứ 2, kể từ đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc thì xu thế giá thép trên thị trường thế giới và Trung Quốc đi xuống khiến giá trong nước xuống sâu cũng không có giao dịch. Doanh nghiệp muốn bán được hàng thì phải hạ giá thấp hơn rất nhiều so với giá chung của thị trường nhưng số lượng tiêu thụ cũng rất ít.
Thứ 3, tồn kho thành phẩm tại kho và các đại lý phân phối cùng với lãi suất ngân hàng chồng lên từng ngày, đồng thời giá ngày cảng giảm khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí bảo quản và lưu kho bãi tăng.
Thứ 4, trong khi hàng hóa tồn kho vẫn còn nguyên trong kho bãi thì các lô hàng nguyên liệu mới được ký kết đối tác nước ngoài từ cuối năm 2019 lại mới về cảng. Doanh nghiệp lại phải bổ sung các khoản ký quý/bổ sung tiền cho ngân hàng để thanh toán cho nhà cung cấp.
Thứ 5, xuất khẩu thép cũng bị đình trệ do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19, ước tháng 2/2020 giảm 35-40% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến cân đối nguồn vốn ngoại tệ doanh nghiệp khó khăn.
Cuối cùng, trong khi hàng hóa vẫn không lưu thông được, giá cả tụt dốc nhưng nhiều khoản vay đã đến hạn và gần đến hạn phải trả ngân hàng, không biết dịch bệnh kéo dài đến bao giờ và hầu như công trình, dự án xây dựng đều không có khởi động dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép đều giảm sút mạnh, thậm chí phát sinh lỗ.
PV: Vậy Hiệp hội có những khuyến cáo và khuyến nghị gì để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch Covid-19?
VSA: Ngay từ khi nhận được thông tin về dịch Covid-19, Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên đã quán triệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Cơ quan Nhà nước về việc phòng/chống dịch tại nơi làm việc, công tác y tế được thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y Tế. Các sự kiện ngành thép và Hiệp hội cũng được hoãn và dừng lại để đảm bảo tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng doanh nghiệp thép.
Các công ty thép đã, đang và tiếp tục thực hiện các giải pháp để ổn định công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm đến hàng ngàn lao động của các doanh nghiệp mặc dù rất khó khăn. Chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, các vấn đề phát sinh liên quan đến nguyên liệu thiên nhiên, tồn kho thành phẩm cao…
Trước tình hình hiện tại, Hiệp hội và các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng TMCP xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như: giãn, kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp, có các chính sách ưu đãi về thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
PV: Trong bối cảnh này, Hiệp hội dự báo bức tranh của ngành thép thời gian tới sẽ thế nào?
VSA: Trên thị trường thế giới, các tổ chức đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 trong xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm có tăng trưởng thấp hơn nữa. Tại Trung Quốc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch, hoạt động kinh tế ngừng trệ, xuất nhập khẩu điêu đứng, nhiều nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I sẽ rất thấp và mức tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ vào khoảng 5-5.5%, giảm 0,3-0,8% so với dự báo trước đó. Hoạt động sản xuất và xây dựng Trung Quốc gián đoạn dự kiến xuất khẩu thép Trung Quốc thời gian tới sẽ tăng cao khi dịch bệnh tại khu vực này được kiểm soát.
Đối với thị trường thép trong nước, sau thời gian chững lại của quý I/2020 nhu cầu sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu của Trung Quốc với giá rẻ do Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng mức hoàn thuế đối với 1.084 hàng hóa xuất khẩu lên 13% và với 380 mặt hàng lên 10% kể từ ngày 20/3/2020. Các sản phẩm thép bao gồm thép hợp kim và không hợp kim như thép không gỉ, thép thanh, ống thép và các sản phẩm cuối cùng làm bằng thép như đồ dùng nhà bếp là một trong số 1.084 mặt hàng được hưởng hoàn thuế 13%. Hiện tại, các sản phẩm thép này hầu hết được hoàn thuế ở mức 9% hoặc 10%, tùy thuộc vào loại hoặc thông số kỹ thuật.
Với việc tăng hoàn thuế, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn để giảm giá xuất khẩu hơn nữa và do đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép có nguồn gốc Trung Quốc trên phạm vi quốc tế trong đó có Việt Nam.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cao sẽ cạnh tranh gay gắt với thép thành phẩm giá rẻ của Trung Quốc chào bán.
Với nguồn cung ứng nguyên liệu, trong ngắn hạn tác động không nhiều, tuy nhiên, 1 số nguyên liệu như than cốc, than điện cực… sẽ có nguy cơ hạn chế nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, dẫn đến giá tăng. Với các đơn vị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu thay thế từ Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Bước sang tháng 4 và Quý II, tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong sẽ khó khăn hơn do nhu cầu thấp và dịch bệnh kéo dài lan rộng trong nước cũng như toàn cầu. Kể cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì cũng sẽ rất khó khăn khi cuối quý II sẽ bước vào mùa thấp điểm xây dựng.
Minh Ngọc
Ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2020 giảm mạnh gần 20%
Xuất khẩu thủy sản sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất (-40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.
Ảnh minh họa.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất (-40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.
Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác (-8.6%) có thể nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Mỹ nói chung giảm nhưng nhu cầu các sản phẩm tươi, sống, đóng hộp vẫn tăng. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều, hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch. Hơn nữa, sau khi dịch Covid-19 bớt căng thẳng tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.
Dịch bùng phát, nhiều nước phong tỏa khiến cho hoạt động thương mại đình trệ, do vậy xuất khẩu sang các thị trường sụt giảm mạnh. Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tiêu thụ chậm khiến việc thanh toán cũng bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc quay vòng vốn của doanh nghiệp.
Trong tháng 3/2020, xuất khẩu cá tra và cá ngừ đều giảm trên 29%, xuất khẩu mực- bạch tuộc giảm mạnh hơn trên 31%, trong khi xuất khẩu tôm giảm 15%.
Tính đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (-31%) , chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm sâu (cá ngừ giảm 13,5%, mực-bạch tuộc giảm 28%).
Hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.
Diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp nhỏ) không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh.
Theo VASEP, doanh nghiệp thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhằm giảm bớt áp lực và khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19: miễn nộp kinh phí Công đoàn, giảm thuế TNDN, giảm giá điện, thuê kho lạnh, gia hạn thanh toán điện, giãn nợ, cho vay lãi suất thấp, giảm các thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra và chuẩn bị phương án và điều kiện để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất - xuất khẩu sau dịch.
Quỳnh Anh
Hàng loạt chính sách kích cầu được đưa ra, ô tô trước cơ hội rẻ hơn tới hàng trăm triệu đồng Hàng loạt các đề xuất mới cùng với các chương trình khuyến mãi lớn được kỳ vọng là giải pháp tạm thời để bình ổn thị trường ô tô trong giai đoạn khó khăn này. Ảnh minh họa. Thị trường ô tô Việt Nam đang rơi vào cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo số liệu...