Ngành sư phạm: Nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo vênh nhau
Sự kết nối giữa các trường sư phạm chưa tạo thành chuỗi cung ứng nguồn nhân lực nên tạo ra sự vênh nhau giữa nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo.
Năng lực đào tạo ngành sư phạm của các trường đại học, cao đẳng sư phạm đang lớn hơn quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo, nhưng lại chưa đáp ứng được về chất lượng của đội ngũ giáo viên các bậc học.
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ DG&ĐT) về thực trạng đào tạo ngành sư phạm ở nước ta hiện nay.
Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 14 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Hệ thống cơ sở đào tạo ngành sư phạm phân bố tương đối đều trong cả nước. Các tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (trừ tỉnh Đắk Nông).
Một số địa phương tập trung nhiều cơ sở đào tạo giáo viên như: Hà Nội có 8 cơ sở, thành phố Hồ Chí Minh 6 cơ sở. Phần lớn các trường đại học sư phạm tham gia đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.
Quy mô đào tạo ngành sư phạm (gồm cả hệ chính quy và đào tạo từ xa) của các cơ sở này gần 50.000 sinh viên một năm. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm lớn, nhưng cơ cấu đào tạo ngành ngành nghề chưa hợp lý dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng tăng, nhiều địa phương cũng đang dôi dư giáo viên bậc phổ thông.
Bà Nguyễn Thúy Hồng – Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu thực tế: Sự kết nối giữa các trường sư phạm với nhau, các trường sư phạm trong hệ thống với các cơ quan quản lý chưa tạo thành chuỗi cung ứng nguồn nhân lực nên tạo ra một sự vênh giữa nhu cầu thực tế với quy mô đào tạo.
“Hiện tại có 2 vấn đề, một là số sinh viên sư phạm chưa có việc làm. Thứ hai, bây giờ ở các địa phương, giáo viên thừa rất nhiều ở bậc trung học cơ sở, còn khối mầm non rất thiếu. Sinh viên sư phạm đào tạo ra, phần lớn giám đốc sở đều nói rằng chưa dùng được ngay, mà phải qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng rất nhiều”, bà Hồng cho biết.
Bộ GD&ĐT đang thực hiện chương trình phát triển các trường sư phạm, trong đó sẽ thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên thành một hệ thống hợp lý, nhằm đảm bảo đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngành sư phạm xây dựng chương trình, giáo trình mới, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên phù hợp yêu cầu đào tạo giáo viên phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
Video đang HOT
Theo Minh Hường / VOV
Sao không ưu đãi sư phạm như công an, quân đội?
Theo chuyên gia giáo dục, chỉ cần đảm bảo công ăn việc làm sau khi ra trường như đối với các ngành công an, quân đội, nhiều sinh viên giỏi sẽ vào sư phạm.
Bản báo cáo 8 trang của Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định rằng ngành giáo dục "chưa có chính sách hữu hiệu thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào trường sư phạm...".
Trước nhận định này, nhiều lý do được các giáo viên đưa ra để lý giải như lương thấp, người thầy "mất giá", mở trường tràn lan... khiến ngành sư phạm không thu hút được người giỏi.
Tại sao người giỏi 'kén' sư phạm
Cô Lê Thị Hoàng Lan, giáo viên THCS, quận 1, TP.HCM cho rằng người giỏi không thiếu, nhưng lý do ngành sư phạm không thu hút được người giỏi là thu nhập của nghề giáo chưa xứng với chất xám bỏ ra.
"Giáo viên hàng ngày lên lớp, soạn bài, chấm bài, sáng tạo rất nhiều công việc nhưng mỗi tháng chúng tôi chỉ được hơn 3 triệu đồng tiền lương, chưa đáp ứng được cuộc sống hiện tại. Dù chúng tôi tâm huyết đến đâu, cuộc sống không đầy đủ thì không thể hết lòng hết sức bám trường bám lớp được".
Theo cô Lan, nhu cầu tuyển dụng giáo viên hiện nay vẫn có. Bên cạnh một số bộ môn thừa giáo viên, một số bộ môn rất thiếu, nhưng nhiều người 'ngán' nghề vì thu nhập quá thấp. Đặc biệt, những giáo viên trẻ khó vượt qua được khó khăn về tài chính khi vào nghề.
Vị giáo viên này đề xuất các trường đào tạo giáo viên cần phối hợp các sở, phòng giáo dục để nắm được những nội dung đổi mới, chuyển tải kiến thức cho giáo sinh phù hợp với thực tế ra trường, không chỉ về kiến thức mà còn là kĩ năng.
"Các trường sư phạm phải kết hợp với các sở, phòng xem nhu cầu giảng dạy hiện nay là gì để đào tạo cho đúng; ngoài ra, cũng cần có một cơ chế đặc biệt cho giáo viên. Bên cạnh việc xem lại mức lương của giáo viên so với cuộc sống sinh hoạt tại thành phố, cần có quỹ đất, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở xa.
Nhà công vụ này không phải cấp cho giáo viên mà một hình thức điều kiện cho họ có chỗ ở khi phục vụ cho ngành, để các trường có thể thu hút được những giáo viên giỏi ở các địa phương xa yên tâm gắn bó với nghề", cô Lan đề xuất.
Cô Phạm Thanh Thúy, giáo viên tiểu học ở quận 4 (TP.HCM) cũng nhận định rằng nguyên nhân ngành sư phạm không thu hút được người giỏi là chế độ, lương bổng không bằng các ngành khác.
"Hầu như tất cả giáo viên ở trường tôi đều nói họ không đủ sống với mức lương hiện nay. Họ cũng tuyên bố sau này không cho con cháu vào sư phạm", cô Thúy kể.
Giảng viên một trường đại học ở TP.HCM ví von "Khi nói đến nghề sư phạm phải nói đến cái gốc. Là cái gốc thì phải được đầu tư xứng đáng, nhưng chúng ta chưa đầu tư hay nói chính xác là đầu tư hời hợt, làm sao có được có người giỏi được?".
Theo giảng viên này, hiện nay, trường sư phạm mở tràn lan làm nguồn cung tăng lên dẫn đến việc sinh viên các trường chính quy trọng điểm cũng hụt hơi tìm việc, mất giá.
"Lẽ ra, cái giá của người thầy rất cao nhưng đành phải tuân thủ theo quy luật thị trường. Khi mất giá, không giữ được mình sẽ dễ có những hành vi làm tăng thêm sự mất giá. Với việc mở trường tràn lan như vậy, ngành giáo dục không chỉ nhận kết quả mà là hậu quả. Đặc biệt, người thầy không được trọng dụng thì sẽ có nhiều hệ lụy khác", giảng viên này bình luận.
Vị này cũng cho rằng cái gốc của vấn đề khiến ngành sư phạm không thu hút được người giỏi không phải vì "chạy chọt". Vì khi đã xác định làm thầy, không ai đánh mất lòng tự trọng với nghề để chạy chọt làm thầy".
Ông đề xuất: "Phải có chính sách để lo cho cái gốc mới hy vọng có rễ bám chặt, cây mới đứng vững, nền giáo dục mới phát triển bền vững được".
"Tuy nhiên, việc giảm chỉ tiêu sư phạm của các trường chưa chắc đã bảo đảm năng lực ngành sư phạm. Giảm nhưng cũng tránh tình trạng sinh viên biết trước được tương lai thất nghiệp nên không có đủ bản lĩnh đăng ký vào ngành sư phạm. Cần có dự báo cung cầu lao động kết hợp với chọn lọc trường đủ năng lực, thậm chí có chính sách miễn học phí, kể cả đối với trường tự chủ, thì may ra mới cứu vãn ngành học để làm nghề sư phạm được".
Không nhiều học sinh giỏi lựa chọn vào sư phạm. Ảnh: Đinh Quang Tuấn/VietNamNet.
Bố trí việc làm như công an, quân đội, người giỏi sẽ vào sư phạm?
Tuy nhiên, nhìn trở lại hơn mười năm về trước, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm từng rất hiệu quả. Chính sách này đã giúp động viên nhiều học sinh giỏi ở phổ thông vào sư phạm, điểm chuẩn của các trường sư phạm khi đó rất cao.
Nhưng khoảng mười năm trở lại đây, chính sách này đã giảm hiệu lực. Bởi vì, tính toán ra, nếu miễn học phí thì tổng số tiền sinh viên sư phạm được miễn chỉ khoảng 4-5 triệu đồng. Trong khi đó, để "chạy" việc đã mất tới 200 - 300 triệu đồng, làm nghề dạy học bao giờ ra ngần đấy tiền? Thà làm nghề khác còn hơn sư phạm.
Cùng với đó, rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc, làm việc không đúng ngành đào tạo... Vì vậy, chính sách này mất dần hiệu lực.
Theo ông Thuyết, chính sách này đã trở thành một sự ưu tiên lệch, đã không còn nhằm trúng đích để tăng cường chất lượng sinh viên sư phạm. Nhà nước nên tính cách khác để thu hút người giỏi vào sư phạm. Ngoài việc cho vay tín dụng sinh viên, một trong những cách cần tính đến là đào tạo theo địa chỉ. Ông Thuyết cho rằng đây là điều có thể tính toán cụ thể được.
"Chúng ta hoàn toàn tính được ở đâu cần bao nhiêu giáo viên vào thời điểm nào, ở những môn gì, cấp học gì..., bởi chúng ta có thể dự đoán và nắm được sẽ có bao nhiêu trẻ tới trường, vào lớp mấy, học môn gì...
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng chúng ta chẳng thể đòi hỏi ưu đãi hoàn toàn như đối với đào tạo công an, quân đội, chỉ cần đảm bảo sắp xếp công ăn việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường như đối với các ngành công an, quân đội, kể cả khi Nhà nước bố trí công việc ở vùng sâu vùng xa, cũng sẽ đảm bảo sẽ thu hút ngay được học sinh giỏi vào sư phạm", ông Thuyết khẳng định.
Cũng theo ông Thuyết, nếu đào tạo theo địa chỉ như nói ở trên, chắc chắn sẽ giảm số lượng sinh viên sư phạm. Khi đó, nguồn thu từ học phí của các trường sư phạm sẽ giảm, Nhà nước cần hỗ trợ cho các trường sư phạm đủ kinh phí hoạt động.
"Tốt nhất chỉ nên để một số trường sư phạm nòng cốt đào tạo giáo viên", ông Thuyết đề xuất.
Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng, căn cứ số lượng giáo viên, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, năng lực của nhà trường, Bộ GD&ĐT nên thực hiện giao chỉ tiêu cho các trường.
"Giáo dục không nên đặt vấn đề 'tiền nào của ấy'. Kinh phí cấp bù cho các trường sư phạm so với một suất đầu tư cho một sinh viên rất thấp. Vì vậy, nên tăng cường hỗ trợ để những giảng viên giảng dạy trong trường sư phạm không ra ngoài công tác nhiều như hiện nay mới hi vọng người giỏi vào nghề", ông Hồng khẳng định.
Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ ra bốn lý do khiến ngành sư phạm không thu hút được người giỏi.
Thứ nhất, trong nền cơ chế thị trường thu nhập là một trong những yếu tố tác động rất nhiều đến quyết định của người học. Giáo dục không phải là ngành thu hút được nhiều người vào học vì thu nhập chính thức và làm ngoài không thuộc nhóm cao trong xã hội.
Thứ hai, nhu cầu về giáo viên để thay thế cho giáo viên đã về hưu đến thời điểm này không tạo ra nhiều việc làm cho nhà giáo, nếu như không thay đổi sĩ số lớp học và đẩy thêm nhu cầu sử dụng giáo viên cho lớp học.
Thứ ba, bản thân những sinh viên học trong trường sư phạm khi ra trường ngoài dạy học ra, khó làm một số ngành nghề khác dù có thể làm được, nên người học không xác định vào học để ra làm trái ngành, trái nghề.
Thứ tư, vị thế của người thầy trong nhà trường và trong xã hội hiện đại không còn được kính trọng như xưa, khiến việc chọn ngành cũng ảnh hưởng ít nhiều.
Theo Lê Huyền - Ngân Anh / VietNamNet