Ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2021
Năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3% trở lên; trong đó, nông nghiệp 2,4%, lâm nghiệp 6,2%, thủy sản 5,6%.
Sản lượng lương thực 1,5 triệu tấn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,5%. Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.
Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa).
Giải pháp hàng đầu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tiếp tục lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận, ưu tiêu sử dụng các giống cây trồng có thị trường tiêu thụ và sản xuất theo hợp đồng. Tiếp tục chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, tổ chức sản xuất với quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, tạo chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng. Phân công các tổ công tác thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, hướng dẫn nông dân về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Cùng với các giải pháp về trồng trọt, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi; trong đó, chú trọng thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, áp dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng và xây dựng cụm chăn nuôi công nghiệp, liên kết chặt chẽ với chế biến thực phẩm. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lớn. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.
Các giải pháp phát triển thủy sản cũng đã được hoạch định và triển khai thực hiện. Trong đó, một số nhóm giải pháp đang được tập trung triển khai và đạt hiệu quả cao, như: phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương. Ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực trên địa bàn tỉnh. Phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, ngao. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, khai thác theo tổ đoàn kết, tăng cường các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch…
Nỗ lực thực hiện các giải pháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng 168.822 ha/201.000 ha cây trồng vụ đông xuân các loại, đạt 84% kế hoạch. Diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 9.540 ha/17.084 ha, đạt 55,8% diện tích, sản lượng thu mua mía nguyên liệu của các công ty mía đường ước đạt 477.000 tấn. Công tác tái đàn và phòng, trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi được đẩy mạnh. Hiện các con nuôi chủ lực đang được duy trì ổn định, với 11.765 con bò sữa, 70.200 con bò thịt chất lượng cao, 550.000 con lợn hướng nạc, 8 triệu con gà lông màu. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm 23.550 tấn/194.000 tấn, đạt 12,14% kế hoạch. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 9.987 tấn, sản lượng khai thác đạt 13.563 tấn…
Đảng bộ xã Vạn Thiện lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, Đảng bộ xã Vạn Thiện (Nông Cống) luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở, lãnh đạo Nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao mức sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Xã Vạn Thiện chuyển đổi 3,6 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định bền vững, vừa là động lực vừa là mục tiêu của chương trình XDNTM, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đảng ủy chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình trang trại, gia trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế...
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, đảng ủy phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Bám sát vào nghị quyết phát triển kinh tế của đảng ủy, các chi bộ, đảng viên trong xã tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM; sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững, chuyển đổi 3,6 ha đất lúa kém năng suất sang mô hình trang trại chăn nuôi cá - lúa và mô hình cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.
Song song với việc phát triển sản xuất, xã Vạn Thiện còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển và mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, sửa chữa cơ khí, vật liệu xây dựng. Hiện toàn xã có 92 hộ và 76 cá nhân hoạt động kinh doanh, thương mại, đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 1,47%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40,7 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động khác của địa phương, nhất là phong trào XDNTM. Điều nổi bật nhất đó là người dân đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, bảo ban nhau góp công, góp sức làm mới, tu sửa những con đường trong xã, đường giao thông nội đồng. Với những nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, năm 2016 xã Vạn Thiện đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đồng Khắc Hùng, đạt chuẩn NTM đã khó, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thời tiết và biến động của thị trường như hiện nay. Để giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, ngay sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào các nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền; phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; tranh thủ cơ chế, chính sách về chương trình XDNTM và tiếp tục huy động nguồn lực, thực hiện tốt Pháp lệnh 34 để dân được bàn bạc, thống nhất, Nhân dân giám sát nhằm nâng cao các tiêu chí NTM nhưng chưa thật sự bền vững, phấn đấu năm 2024 xây dựng xã Vạn Thiện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Sinh kế đồi - rừng nâng thu nhập cho người dân Đắk Lắk Từ thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng khó khăn. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng quan điểm "trao cần câu, không trao con cá", các mô hình sinh kế từ chương trình giảm nghèo bền vững đang được...